Những hàng rào vô hình bao vây người yếu thế

(Ngày Nay) - Khi nào chúng ta còn đối xử với nhau dựa vào những định kiến, gắn nhãn, và niềm tin xã hội khác nhau thì những nhóm yếu thế vẫn tiếp tục chịu và bị làm tổn thương. Sự hiện diện bình đẳng trong xã hội vẫn khó với họ...

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Một đồng nghiệp của tôi là mẹ của một em bé bị tự kỉ. Ước mơ của chị đơn giản là muốn con được hoà nhập xã hội tốt nhất, ngoài việc bé có thể ý thức được những nhu cầu tối thiểu của bản thân.

Mọi can thiệp chủ yếu từ nỗ lực của cha mẹ. Trong nhiều năm tìm đến với nhiều phương pháp và mô hình giáo dục thử nghiệm, chị quyết định mở lớp miễn phí về kĩ năng sống vào cuối tuần cho các em bé bình thường chơi với các em bé tự kỉ, mà đó có thể là em, là chị, là bạn hoặc một bạn mới của mình. Các bé được học cách tôn trọng và thích nghi với mọi sự khác biệt trong xã hội. Lớp học đó rất thu hút các bé, và chúng chỉ chờ tới cuối tuần để tới lớp “Làm bạn cùng Bo”.

Bo hay các bạn của Bo nằm trong số hơn 200.000 người được phát hiện có triệu chứng tự kỉ ở Việt Nam phải sống dựa vào nỗ lực chủ yếu từ gia đình, và gặp khó khăn trong việc học, hoà nhập xã hội. Chúng ta tự hỏi các nhóm yếu thế có hiện hữu trong các chính sách trọng tâm xã hội hay hiện tượng “loại trừ” các nhóm yếu thế khỏi mối quan tâm của xã hội đang diễn ra.

Những hàng rào vô hình bao vây người yếu thế ảnh 1

UNDP từng công bố báo cáo phát triển con người năm 2016 cho thấy các nhóm yếu thế ở Việt Nam vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển. Họ thuộc nhóm người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, người thất nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động tình dục, người lang thang, người có HIV.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người khuyết tật chiếm 7,8 % dân số (khoảng 7 triệu). Việt Nam có 6,5 triệu lao động nghèo và 500.000 người thất nghiệp dài hạn từ 1 năm trở lên. Dân số già của Việt Nam cao thứ ba trong các nước ASEAN. Tổng cục Thống kê cho biết, 16,4% người trên 80 tuổi đang phải sống một mình và 1/3 trong số họ có “điều kiện sống thấp”.

2. Các nhóm yếu thế bị hạn chế tiếp cận và sử dụng các phương tiện sống thiết yếu hay các dịch vụ xã hội cần thiết như mọi thành viên “bình thường” của xã hội. Chưa tới 50% các công trình công cộng ở Việt Nam có thể đáp ứng cho người khuyết tật. Một số người khuyết tật không muốn tới trường vì các công trình từ tiểu học tới trung học phổ thông không đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là nhà vệ sinh. Điều này góp phần trở thành rào cản đối với mong muốn hoà nhập và vươn lên của nhóm người khuyết tật.

Những hàng rào vô hình bao vây người yếu thế ảnh 2

Từ năm 2012, Việt Nam đã bước vào ngưỡng thu nhập trung bình thấp, nên các khoản tài trợ quốc tế không hoàn lại bị cắt giảm đáng kể. Nội lực để hỗ trợ các chính sách của chính phủ về các nhóm yếu thế gặp nhiều khó khăn. Nhiều chính sách chưa thực sự khuyến khích các đối tượng thụ hưởng tham gia. Một số điểm mù trong chính sách khiến họ bị gạt ra bên lề trên bình diện kinh tế, chính trị và xã hội. Chúng ta chi rất nhiều ngân sách cho việc thoát nghèo, tuy nhiên chỉ có 6% số xã thoát nghèo và tỉ lệ tái nghèo rất cao.

Xã hội bỏ lại họ trong quan niệm là điều đáng sợ nhất với rất nhiều nhóm yếu thế. Họ bị bỏ lại bởi chính các nhóm xã hội khác gắn nhãn và xây dựng định kiến với họ. Goffman, nhà xã hội học người Canada cho rằng có 3 loại định kiến.

Những hàng rào vô hình bao vây người yếu thế ảnh 3

Đó là định kiến về đặc điểm dị dạng của hình thể, định kiến về những người có đặc điểm không bình thường về tinh thần, định kiến về chủng tộc, dân tộc và tôn giáo. Đối với nền văn hoá “tập thể” như Việt Nam, các nhóm yếu thế rất dễ trở thành nạn nhân của định kiến. Nhiều người thuộc cộng đồng LGBT, người có HIV hay nạn nhân ấu dâm rơi vào những bi kịch nội tâm thầm lặng, thoả hiệp đằng sau những lời nói ác ý, kì thị của cộng đồng.

3. Quan niệm đường biên giữa “chúng ta” và họ dẫn đến hiện tượng chống lại và bài trừ của một nhóm xã hội đối với các nhóm xã hội khác được coi là sở hữu những thuộc tính không giống với họ hay không cùng một hệ giá trị với họ. Điều này khiến nhiều nhóm yếu thế hạn chế khả năng tiếp cận các lĩnh vực căn bản của đời sống như giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe... Có nhiều người có thể vượt qua được chuyện tới trường không có nhà vệ sinh cho người khuyết tật nhưng không thể vượt qua được ánh mắt có phần thương hại của bạn bè.

Những hàng rào vô hình bao vây người yếu thế ảnh 4

Họ bị loại khỏi ngưỡng cửa của thông tin, bị quên dần trong các lịch phát sóng truyền hình. Thông tin phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các nhóm này không nằm trong danh sách ưu tiên của rất nhiều tờ báo. Phóng viên, biên tập viên dễ bị cuốn vào guồng quay thương mại để tờ báo của mình có tin tức “nhanh nhất, đông nhất và lãi nhất” cho nhóm công chúng chiếm phần đông dân số.

Sự hiện hữu của các nhóm yếu thế trên tin tức cũng vì thế mà tỷ lệ nghịch. Với 1.111 ấn phẩm báo chí và gần 20.000 nhà báo, bao nhiêu thủ phạm vụ ấu dâm và bạo lực trẻ em trong hơn 5.900 vụ được báo chí giúp đưa ra ánh sáng. Bao nhiêu bài báo viết về các dịch vụ y tế hay công trình công cộng phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số?

Phía sau câu chuyện cảm động của nghệ sĩ Quốc Tuấn với con trai khuyết tật của mình phần nào cho chúng ta thấy chúng ta đang bỏ lại các nhóm yếu thế phía sau lâu nay. Còn rất nhiều những cậu bé khuyết tật và sự cô đơn của các bậc cha mẹ bình thường khác rơi vào sự lãnh cảm, né tránh của những người xung quanh và từ các chính sách xã hội. Chúng ta sẽ tự hỏi về những mối bận tâm của xã hội hiện đại, để nhận ra những sự thật “chìm” phía sau những thông tin “nổi”.

4. Hình ảnh người gác cổng (doorman) của khách sạn năm sao trong bộ phim câm đen trắng “last laugh” (nụ cười cuối cùng) sản xuất năm 1924 còn ám ảnh tôi rất nhiều năm. Vì già và bị sa thải, người đàn ông từng được cả khu phố kính mến trong bối cảnh của nước Đức những năm 1920 vẫn phải hàng ngày già vờ đi làm và tới ngồi trong toilet của khách sạn đến hết giờ làm. Ông sợ, tự ti và muốn né tránh sự coi thường của những người xung quanh.

Khi nào chúng ta còn đối xử với nhau dựa vào những định kiến, gắn nhãn, và niềm tin xã hội khác nhau thì những nhóm yếu thế này vẫn tiếp tục chịu và bị làm tổn thương. Sự hiện diện bình đẳng trong xã hội vẫn khó với họ.

Tôi đã nghĩ về những người lái xe bus hiện đại ở Anh dừng xe và tự tay kéo đường lên cho khách ngồi xe lăn. Những chiếc cầu thang di động giúp người già xuống nhà vệ sinh nhanh nhất trong bảo tàng ở Nauy. Những ngôi nhà riêng của Thuỵ Điển bắt buộc có nhà vệ sinh đủ rộng cho xe lăn vào. Những thông tin tuyển dụng ở Đức có mục ưu tiên các nhóm yếu thế.

Nói như cô bé người Pakistan, Malala Yousafzai, người đấu tranh cho các bé gái được tới trường và được nhận giải thưởng Nobel vì Hoà bình: “Chúng ta không thể thành công khi có tới một nửa số người bị kìm hãm lại”. Để có sự phát triển bền vững, không một nhóm yếu thế nào bị bỏ lại phía sau.

Trong xã hội hiện đại và biến động, các vấn đề xã hội tiếp tục nảy sinh, việc hiểu về các nhóm yếu thế cần được mở rộng. Các nhóm thiệt thòi, dễ bị tổn thương hay nhóm loại trừ đều cần quan tâm, được tạo quyền, tạo cơ hội như bất kì các nhóm khác.

Hàng rào vô hình và hữu hình chúng ta vạch ra như thế nào chỉ được phá bỏ nếu tất cả chúng ta cùng muốn phá bỏ. Không ai muốn nhận mình thuộc nhóm yếu thế, nhưng họ cần cơ hội bình đẳng để thấy mình trong một xã hội hữu hình tiến bộ. 

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.