Tự do thông tin

(Ngày Nay) - Với nhiều người, hôm nay sẽ chỉ là một ngày thứ Năm bình thường. Nhưng ngày 3/5 hàng năm chính là ngày Tự do báo chí thế giới. Cũng giống như ngày Báo chí Việt Nam vào 21/6, ngày Tự do báo chí là một dịp để ghi nhận những vai trò tích cực của báo chí trong xã hội của chúng ta.
Tự do thông tin

Hầu hết chúng ta đồng ý rằng, một nền báo chí tích cực và năng động rất quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Nhưng quan hệ giữa báo chí và chính phủ không phải là một chiều. Bản thân chính phủ cũng phải có trách nhiệm tạo ra môi trường đúng đắn để báo chí làm tốt việc của họ.

Trong thập kỷ qua, ta đã thấy những tiến bộ thực sự. Có 111 nước đã thông qua các bộ luật yêu cầu Nhà nước phải công bố thông tin. Việt Nam cũng nằm trong số đó, và Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.

Vài tuần trước, tôi tham dự buổi công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do UNDP Việt Nam tổ chức. Ở đó có nhiều thông tin thú vị về người dân đánh giá chất lượng chính quyền địa phương ra sao. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là có chưa tới 5% số người được hỏi từng nghe nói về Luật tiếp cận thông tin mới của Việt Nam.

Tại sao đó lại là một vấn đề? Vì báo cáo cũng chỉ ra rằng người dân ngày càng quan tâm tới những vấn đề như tham nhũng, quyền liên quan tới đất đai, môi trường, và hạ tầng giao thông. Luật tiếp cận thông tin cho người dân quyền yêu cầu chính phủ phải trả lời, ví dụ như, về thông tin sở hữu đất đai, về các nhà máy gây ô nhiễm, về những dự án cơ sở hạ tầng cấp tỉnh; nhưng họ sẽ không thực hiện được quyền của mình nếu không biết về Luật.

Như mọi công chức Anh, từ năm 2005 tôi phải biết cách trả lời công chúng khi được hỏi thông tin. Đó là năm mà Luật Tự do thông tin (FoIA) của Anh có hiệu lực. Giống như Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam, FoIA bảo đảm quyền pháp lý của việc người dân được tiếp cận thông tin do nhà nước nắm giữ.

Hãy lấy một ví dụ: vệ sinh an toàn thực phẩm, một chủ đề nóng của Việt Nam hiện nay. Cho đến năm 2007, kết quả các đợt thanh tra về an toàn thực phẩm của Anh đều không được công bố. Cho đến ngày một ai đó sử dụng FoIA để đòi bản copy kết quả thanh tra một khách sạn. Mặc dù ban đầu chính quyền địa phương từ chối yêu cầu này, quyết định được lật lại bởi một Ủy ban thông tin độc lập, dựa trên cơ sở “lợi ích công” của việc công bố lớn hơn quan điểm nên giữ kín. Bây giờ thì kết quả của các đợt thanh tra an toàn thực phẩm đã thường xuyên được công bố. Thậm chí, rất nhiều nhà hàng treo kết quả thanh tra của họ ở ngay cửa sổ nơi khách hàng có thể dễ thấy nhất.

Đây chỉ là một ví dụ cho thấy Luật tự do thông tin thậm chí đã thay đổi văn hóa của nước Anh hướng tới sự cởi mở và minh bạch hơn. Và kết quả là công chúng có có thêm thông tin để chọn nơi ăn một bữa an toàn và lành mạnh.

Chỉ riêng năm 2016, các cơ quan trong chính phủ Anh đã nhận được 45.000 yêu cầu cung cấp thông tin. Việc xử lý những yêu cầu này tạo thêm một gánh nặng cho bộ máy hành chính công. Nhưng chính phủ Anh tin rằng cái giá đó đáng để trả. Đó là chi phí để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, giúp người dân hiểu hơn về công việc của nhà nước, chất lượng lập pháp tăng lên. 

Vậy thì vai trò của báo chí ở đâu? Chỉ khiến thông tin được công khai hợp pháp là chưa đủ để người dân hiểu được nhà nước đang làm gì. Vai trò của báo chí vì thế là phải thu thập thông tin, phân tích, và trình bày sao cho mọi người dễ hiểu về tác động trực tiếp của chính sách lên họ.

Đây chính là cách mà công luận Anh lôi ra ánh sáng vụ các Đại biểu Hạ viện khai khống tiền công tác phí khi ở London họp Quốc hội. Nhờ có Luật tự do thông tin, chi phí của các Đại biểu được minh bạch, nhưng chính báo chí là bên đã đưa ra phân tích chi tiết. Qua đó dân có thể nhìn thấy ông nghị nào theo luật, ông nào không.

Với việc Đảng Cộng sản Việt Nam đang quyết tâm chỉnh đốn việc kiểm soát tài sản cán bộ, đây là một trường hợp đáng tham khảo về sự hợp tác giữa một nền tảng thông tin tự do, cộng một nền báo chí tích cực, có thể thúc đẩy hành xử minh bạch trong giới công chức. 

Đại sứ quán Anh sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ Việt Nam, với các nhà báo, và các tổ chức dân sự để hỗ trợ việc đưa Luật Tiếp cận thông tin vào đời sống. Vừa mới tháng trước, tôi có vinh dự được phát biểu tại một sự kiện tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, tại đó chúng tôi đã giới thiệu Sổ tay nhà báo, trong đó có hướng dẫn về Luật Tiếp cận thông tin. Ngày Tự do báo chí thế giới năm nay, tôi khuyến khích tất cả các bạn, mà đặc biệt là các nhà báo Việt Nam cùng suy nghĩ về  việc các bạn sẽ vận dụng Luật tiếp cận thông tin vào công việc của mình như thế nào. Tôi tin đó sẽ không phải là một việc lãng phí thời gian.

Như các ví dụ của tôi từ Anh đã thể hiện: sự thay đổi sẽ không đến ngay lập tức. Kể cả khi luật đã ban hành, nhưng vẫn sẽ cần thời gian để người dân hiểu rõ cơ chế yêu cầu thông tin. Và khi đã đi đòi thông tin, người dân cũng sẽ phải thể hiện cam kết và quyết tâm để ứng phó với một bộ máy hành chính có thể chậm chạp.

Nhưng trong dài hạn, nhờ Luật mới, các nguyên tắc về minh bạch sẽ trở thành nguyên tắc hoạt động của bộ máy chính quyền. Đó là một quá trình dài, nhưng đáng để theo đuổi.

 Giles Lever

Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội

Theo Vnexpress
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.