Chàng trai Ý lái vespa từ Milan đến Việt Nam

(Ngày Nay) - Hành trình từ Roma đến Sài Gòn trong sách của tác giả Giorgio Bettinelli xuất bản năm 1997 thuật lại chuyến đi dài ngày đầu tiên qua 20 quốc gia bắt đầu từ năm 1992 đến năm 1993.
Chàng trai Ý lái vespa từ Milan đến Việt Nam

Từ một ý tưởng “điên rồ”, Pietro Porro quyết định lái chiếc xe Vespa đi suốt chặng đường dài 45.000 km xuyên qua hơn 20 quốc gia để đến VN theo hành trình mô tả trong quyển sách của một phượt thủ đã đi cách đây 25 năm.

Được truyền cảm hứng từ quyển sách In Vespa Da Roma a Saigon của nhà văn, kiêm người du hành Giorgio Bettinelli, tác giả của nhiều quyển sách du ký đi từ khắp lục địa trên thế giới, Pietro Porro đã quyết định lên đường.

Chàng trai Ý lái vespa từ Milan đến Việt Nam ảnh 1

Hành trình từ Roma đến Sài Gòn trong sách của tác giả Giorgio Bettinelli xuất bản năm 1997 thuật lại chuyến đi dài ngày đầu tiên qua 20 quốc gia bắt đầu từ năm 1992 đến năm 1993. Anh tâm sự: “Trong một đêm, sau khi uống nhiều cùng người bạn, chúng tôi cũng trò chuyện và nảy sinh ý tưởng tái hiện lại hành trình trên Vespa. Hôm sau, chúng tôi lập tức lập kế hoạch, dành dụm tiền, kêu gọi tài trợ... 8 tháng sau, chúng tôi bắt đầu hành trình. Tôi không thể quên cái ngày giữa tháng 7, tôi và người bạn thân của mình nổ máy chạy trên con đường mà tôi đã đọc cả chục lần, mơ hàng trăm lần qua các trang sách”.

Từ thủ đô Milan của nước Ý, Pietro đã lái xe qua Hy Lạp, đến Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Ấn Độ, Myanmar,... Thái Lan, Lào, Campuchia và dừng lại ở VN.

So với “tài liệu” có từ 25 năm trước, hành trình của anh Pietro được sự hỗ trợ của những công cụ như GPS, internet... Tuy nhiên, không vì thế mà chuyến đi bớt gian nan. Theo anh: “Sự hỗ trợ của các công cụ giúp mình tìm được đường đi dễ dàng hơn, nhưng chính mình vẫn phải lái xe ngàn dặm, băng qua những con đường hiểm trở, xuyên qua gió bụi nên sự gian nan và vất vả đều như nhau. Cũng nhiều lần, chiếc Vespa chết máy hay tôi bị té khi lái xe ở Bangkok, ngồi quăng quật bầm dập như một trái xoài trên con tàu ở Chennai (Ấn Độ)...”

Hành trình năm 2017 cũng khác với năm 1992 một tí, nhờ sự mở cửa về kinh tế, anh Pietro cũng dễ dàng xin được vào một số quốc gia mới như Myanmar, Lào, Campuchia...

Chàng trai Ý lái vespa từ Milan đến Việt Nam ảnh 2

Anh chia sẻ, anh đã tìm thấy sự đồng điệu của những tâm hồn, những con người thánh thiện dù khác quốc tịch, màu da hay tôn giáo. “Phải đi tôi mới nhận ra hiểu biết của mình về thế giới thật nhỏ bé. Đến Iran, tôi tưởng tượng những con người nghiêm nghị, hà khắc nhưng trái lại người dân vô cùng thân thiện. Nhiều người sẵn sàng mời một khách lạ là tôi đến nhà, nấu cho tôi ăn, cho tôi chỗ trú ngụ như một người bạn.

Khi đến Pakistan, đất nước đang trong cuộc chiến, khi băng qua biên giới để đến miền Nam Punjab, tôi được những người lính hộ tống với đầy đủ vũ khí. Tôi tưởng tượng những cảnh chết chóc, tang thương, những đôi mắt u buồn... nhưng trái lại, sau hai tuần trú ngụ ở đây tôi có cảm giác nơi này chưa hề có cuộc chiến đi qua. Phong cảnh rất đẹp, những con đường tuyệt vời cho những kẻ mê lái xe, đặc biệt là con người vẫn đầy lạc quan. Họ dắt tôi về nhà, kể cho tôi nghe lịch sử của gia đình, mời tôi bữa ăn ấm áp cảm giác như sống giữa những người thân”.

Ngày đầu tiên khi đến Sài Gòn, Pietro Porro không thích lắm, vì thành phố quá đông đúc và nóng. Nhưng sau hơn một tháng sống ở Sài Gòn, Pietro Porro đã thay đổi cảm nhận: “Sài Gòn đã trở thành một phần trong trái tim tôi. Nơi đây tôi có cảm giác như ở nhà với những người bạn dễ thương, thậm chí gặp những người lạ dễ mến. Họ cười với mình mỗi ngày, mọi người đang tận hưởng cuộc sống rất vui vẻ dù đời sống còn nhiều khó khăn.

Những người bạn Sài Gòn còn đưa tôi đi đến những nơi không nằm trong bản đồ du lịch, như ngắm cảnh chiều ở một góc sông Sài Gòn, nhâm nhi ly cà phê ở quán cóc. Tuần trước tôi phát hiện ra một “ốc đảo xanh” cạnh trung tâm là Bình Quới, nơi chiều chiều ngắm những con nước lên, người dân ở chung cư gọi nhau í ới, gió thổi mát rượi”.

Trước khi rời khỏi VN, anh xúc động chia sẻ: “Khác với Milan quê tôi, dù đông đúc, náo nhiệt nhưng người Sài Gòn rất thân thiện với người lạ. Mọi người luôn mỉm cười. Đi đến đâu, từ Hà Nội, đến Hội An, Quy Nhơn, Sài Gòn... đâu đâu tôi cũng gặp những cánh tay giơ ra giúp đỡ tôi hoàn thành giấc mơ của cuộc đời. Đâu có dễ để những người lạ giúp đỡ một người lạ, khác ngôn ngữ, màu da, khác quốc tịch. Đó chỉ có thể là tình người”.

Nay thì anh đã trở về nhà hơn 1 tháng. Pierro cho biết anh chưa dừng lại, anh vừa có 10 ngày dài đi bộ, leo đèo lội suối từ thủ đô Paris đến La Havre (Pháp) và có vẻ như anh vẫn đang viết tiếp tên mình qua những chuyến đi.

Theo Thanh Niên

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.