TPHCM liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long

(Ngày Nay) - Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định là đối tác phát triển của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vì vậy sự kết nối toàn diện và bền vững giữa các tỉnh ĐBSCL là yếu tố vô cùng quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
TPHCM liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 14/12, tại thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), UBND TP Hồ Chí Minh và UBND 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức Hội nghị Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần II năm 2019.

Thiếu điểm đến có tính đặc trưng

TPHCM liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết mặc dù có tiềm năng rất phong phú nhưng nhìn chung du lịch toàn vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao; thiếu các nơi có đẳng cấp chất lượng quốc tế; sản phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng. Để phát triển du lịch một cách bền vững, các địa phương cần tăng cường đầu tư trong chương trình liên kết, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đầu tư vào du lịch vùng ĐBSCL.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh luôn xác định là đối tác phát triển của ĐBSCL, vì vậy sự kết nối toàn diện và bền vững giữa các địa phương ĐBSCL là yếu tố vô cùng quan trọng đối với TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh chưa thật toàn diện nên chưa phát huy tiềm năng hợp tác giữa các bên, khai thác triệt để tài nguyên du lịch của các tỉnh. Điều này thể hiện qua việc quy hoạch chưa có tính đồng bộ, phối hợp thiếu tính chặt chẽ vào các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng.

“Năm 2018, lượng du khách đến ĐBSCL đạt 40 triệu lượt, tăng 17%; trong đó du khách quốc tế đến ĐBSCL đạt 3,7 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2017 và tổng doanh thu toàn ngành du lịch đạt 24 tỷ đồng. Riêng 10 tháng của năm 2019, tổng lượng khách cả vùng ĐBSCL đạt 32 triệu lượt, trong đó có 5,5 triệu khách quốc tế. Các con số cho thấy, sự tăng trưởng vượt bậc của vùng nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng của vùng đất giàu văn hóa, nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, khi nhìn sang các điểm du lịch lân cận trong khu vực, các con số này tạo khoảng cách quá lớn cho toàn vùng ĐBSCL. Ví dụ so với Băng Cốc (Thái Lan) chỉ với 9 triệu dân nhưng năm 2018 đã đón gần 22 triệu khách quốc tế hoặc như Singapore dân số bằng 1/2 dân số TP Hồ Chí Minh nhưng năm 2018 đón 18,5 triệu du khách quốc tế và ngành du lịch đem đến cho quốc đảo này gần 20 tỷ USD mỗi năm, cao hơn 3 - 4 lần so với TP Hồ Chí Minh và cao hơn 19 lần so với toàn vùng ĐBSCL“, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết.

Xây dựng thương hiệu du lịch chung

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty Vietravel, để phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành ĐBSCL cần xây dựng một thương hiệu du lịch chung để giới thiệu đến du khách quốc tế với “Mekong Delta”. Thực tế, du khách nước ngoài mỗi khi nói đến vùng ĐBSCL thường dùng tên gọi “Mekong Delta” để giới thiệu điểm đến này. Đối với du lịch nội địa, có thể dùng thương hiệu du lịch chung là “Hương sắc Nam bộ”, bởi đây là đặc trưng của vùng ĐBSCL so với các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Ngoài ra, các tỉnh ĐBSCL có thể phát triển thêm du lịch ẩm thực và du lịch thể thao.

TPHCM liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Bạc Liêu là cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, loại hình này có thể được đưa vào phục vụ du lịch.

“Nên chăng các tỉnh, thành phố ĐBSCL cần ngồi lại xây dựng thương hiệu du lịch ẩm thực Nam bộ, trong đó mỗi tỉnh có thể đăng cai sự kiện “Ẩm thực Nam bộ” một năm để tạo sự kiện, điểm nhấn thu hút du khách hàng năm. Vùng Nam bộ hiện nay ít có các sự kiện thể thao để thu hút du khách, hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Kỳ kiến nghị thêm.

Trong khi đó, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Tiềm năng phát triển du lịch của khu vực ĐBSCL rất lớn, nhưng các địa phương hiện nay có chung tình trạng là không gian du lịch vùng bị gián đoạn. Trong đó, hoạt động du lịch chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn du khách; cách làm du lịch còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp và hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch giống nhau, dễ gây nhàm chán. Vì vậy, để phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, tỉnh Đồng Tháp đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống giao thông cả về đường bộ lẫn đường thủy để kết nối thuận lợi với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh; tiếp tục nâng cao, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại tỉnh; xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch của tỉnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.

TPHCM liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3

Đại diện TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL kí kết hợp tác phát triển du lịch trong ngày 14/12.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho biết việc liên kết du lịch một địa phương không thể làm được mà cần có sự tham gia của các tỉnh thành liên quan; trong đó, có thể khai thác các tiềm năng lẫn nhau như: sản phẩm du lịch chủ yếu của TP Hồ Chí Minh là du lịch Mice (du lịch hội nghị, hội thảo, mua sắm) còn thế mạnh du lịch của ĐBSCL là miệt vườn, biển đảo, văn hóa đặc trưng... vì vậy cần liên kết hai sản phẩm du lịch này trong kế hoạch xây dựng chương trình du lịch cụ thể. Trong đó, mục tiêu đặt ra từ việc liên kết là tăng chi tiêu bình quân của du khách tại các tỉnh, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới các tỉnh. Ngoài ra, cần tạo dựng một thương hiệu chung về du lịch của TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL để giới thiệu dễ dàng, ấn tượng đến du khách thay vì những thương hiệu riêng lẻ lại trùng lắp. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù; đặc biệt là cần kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn.

Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
(Ngày Nay) - Tổ chức UNICEF cho biết hơn 13.000 trẻ em đã thiệt mạng sau khi xung đột nổ ra tại Dải Gaza và cảnh báo vấn nạn suy dinh dưỡng khiến những trẻ còn sống "thậm chí không còn sức để khóc”.
Núi lửa ở Iceland lại "thức giấc"
Núi lửa ở Iceland lại "thức giấc"
(Ngày Nay) - Rạng sáng 17/3 (giờ Việt Nam), một vụ phun trào núi lửa đã xảy ra trên bán đảo Reykjanes ở Tây Nam Iceland. Đây là lần thứ 4 núi lửa "thức giấc" trên bán đảo này kể từ tháng 12 năm ngoái.