Giá mà chúng tôi có thể nghe được giọng nói của bạn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sài Gòn đông đúc, náo nhiệt. Và cũng đã từ lâu, quán ăn vỉa hè như là một nét chấm phá đặc trưng với những thanh âm ồn ào, rộn rã… Thế nhưng, đến quán ăn vặt vỉa hè này thật khác. Khác ngay từ tấm bảng hiệu đặt dưới chiếc xe đẩy “Giọng nói của bạn thật ấm áp! Tiếc là tôi không thể nghe thấy điều ấy. Và cũng chưa ai biết giọng nói của tôi như thế nào". Khác, bởi họ - đôi vợ chồng chủ quán vốn bị câm điếc bẩm sinh, và quán ăn của họ lặng lẽ nép bên vỉa hè, lặng thinh nhìn phố xá...
Thông điệp trên xe cơm cháy của vợ chồng anh Sơn, chị Thuý gây nhiều cảm xúc. Ảnh: Kiều Trang
Thông điệp trên xe cơm cháy của vợ chồng anh Sơn, chị Thuý gây nhiều cảm xúc. Ảnh: Kiều Trang

Vượt lên nghịch cảnh

Buổi ấy vừa ngớt cơn mưa chiều, trời cũng chập choạng tối. Tôi theo địa chỉ tìm đến với quáncơm cháy kho quẹt của đôi vợ chồng câm điếc nằm trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Hoá ra, tôi biết quán muộn hơn rất nhiều người trong thành phố. Bởi từ lâu, quán đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Điều đặc biệt là cả hai vợ chồng chủ quán nơi đây đều câm điếc, họ giao tiếp với khách chỉ bằng ngôn ngữ tay chân, hình thể và quan tâm khách bằng sự chân tình, nhiệt tâm.

Giá mà chúng tôi có thể nghe được giọng nói của bạn ảnh 1

Không có tiếng chào mời đon đả, không có tiếng giới thiệu rộn ràng...

Không có tiếng chào mời đon đả, không có tiếng giới thiệu rộn ràng. Điều gây ấn tượng lẫn xúc động với khách đầu tiên có lẽ là từ chiếc bảng hiệu trên chiếc xe đẩy: “Giọng nói của bạn thật ấm áp! Tiếc là tôi không thể nghe thấy điều ấy. Và cũng chưa ai biết giọng nói của tôi như thế nào”. 

Quán ăn vặt bình dân này của vợ chồng chị Lê Mộng Thúy (39 tuổi) và anh Lê Trường Sơn (45 tuổi). Hai anh chị chủ quán từ nhỏ đã chịu khiếm khuyết về ngôn ngữ và thính giác nên không thể nói và nghe được. Nhưng bằng sự cố gắng vượt lên số phận, anh chị luôn lan toả một nguồn năng lượng tích cực cho tất cả mọi người khi dừng chân lại bên xe đẩy của mình.

Giá mà chúng tôi có thể nghe được giọng nói của bạn ảnh 2

Khách đến quán, muốn gọi món ăn phải ghi vào mẩu giấy nhỏ hoặc chỉ vào thực đơn...

Khách đến quán, muốn gọi món ăn phải ghi vào mẩu giấy nhỏ hoặc chỉ vào thực đơn. Thời gian gần đây đông khách hơn nên xe hàng mới có thêm 2 người phụ bán. Trước đây chỉ có cha mẹ và con làm với nhau. Những lúc Thảo chưa đi học về, hay có việc không thể ra giúp, ba mẹ em khá vất vả khi vừa làm, vừa chạy qua chạy lại phục vụ. Tuy nhiên, dù mệt thế nào, đôi vợ chồng vẫn giữ thái độ vui vẻ, hòa nhã.

Ngày trước, công việc của đôi vợ chồng không ổn định. Một phần vì không thể nói chuyện, giao tiếp, anh chị chỉ chờ ai thuê gì làm nấy. Có khi anh đi làm phụ hồ, lúc phụ bán hàng quán cho người ta. Hai vợ chồng dựa vào chiếc xe đẩy, bán hàng mưu sinh và nuôi 4 người con ăn học. Mới đây, anh bán thêm món cơm cháy kho quẹt, khách đến ngày càng đông.

Thỉnh thoảng, bạn bè của vợ chồng anh Sơn cũng đến phụ quán. Họ có điểm chung là đều không thể nghe và nói, nhưng có thể thấy họ trao đổi với nhau rất nhiều mà hoàn toàn không gặp chướng ngại nào, làm việc cũng nhịp nhàng thông qua cử chỉ hình thể.

Giá mà chúng tôi có thể nghe được giọng nói của bạn ảnh 3

Từ sau 19 giờ, quán tất bật đón nhiều thượng khách sinh viên...

Bạn Trâm (sinh viên ĐH Văn Lang, Bình Thạnh) chia sẻ “Em thường đến đây ăn vặt, món ăn hợp khẩu vị, giá rẻ nhưng điều khiến em thích nhất là thái độ của cô chú chủ quán. Dường như cô chú chưa một lần nào tỏ ra bực bội, cáu gắt mà lúc nào cũng bình lặng, nhẹ nhàng và ân cần theo cách riêng”.

Món cơm cháy ở đây đặc biệt, giá cũng rẻ. Nhưng quan sát cách làm tỉ mỉ của chú Sơn làm tụi em thấy thích thú nhất. Nhóm em cứ hàng tuần muốn đi ăn uống vặt vãnh thì chọn nơi này, phù hợp với túi tiền sinh viên”. Một bạn đến quán cùng nhóm bạn bè, chia sẻ.

“Rổ rá cạp lại”

Chị Lê Mộng Thúy quê ở Đồng Nai, bẩm sinh chị đã bị câm điếc. Năm 21 tuổi, chị lên Sài Gòn cùng cha mẹ ở trọ mưu sinh bằng nghề bán hàng rong ở khu chợ Bà Chiểu. Rồi cơ duyên, chị cũng lập gia đình với một người chồng khỏe mạnh bình thường, nhưng không may chồng chị mất sớm, để lại hai con nhỏ khi chị mới qua tuổi 30.

Giá mà chúng tôi có thể nghe được giọng nói của bạn ảnh 4

Vợ chồng anh Sơn, chị Thuý bên đang chế biến món cơm cháy theo công thức riêng tự nghĩ ra.

Mặc cảm khó nghèo lại câm điếc làm đơn thân, chưa bao giờ chị Thuý nghĩ sẽ đi bước nữa. Nhưng rồi duyên số lần nữa sắp xếp cho chị gặp một người đồng cảnh ngộ, rất mực yêu thương cả ba mẹ con. Đó là anh Sơn, chồng hiện tại của chị và cũng là đầu bếp chính của xe ăn vặt.

Anh chị gặp nhau trong một dịp giao lưu những người câm điếc, chị Thúy và anh đã về ở với nhau và có thêm hai con, một trai, một gái. Vẫn kiếp hàng rong, vẫn đời ở trọ, vẫn cứ nhọc nhằn nhưng có lẽ họ vẫn thấy ủi an khi đồng hành cùng mình là người bạn đời thấu hiểu, yêu thương và những đứa con chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ.

Xe cơm cháy của vợ chồng anh chị mở bán từ 5 giờ chiều tới 23 giờ khuya. Dường như ý chí và nghị lực của anh sơn, chị Thuý là nguồn năng lượng tích cực lan toả đến tất cả mọi người. Đến đây, có vẻ như không mấy ai thấy bực dọc nếu phải đợi chờ, không mấy ai tỏ ra khó chịu nếu nhầm đơn hàng hay thứ tự người trước, người sau.

Giá mà chúng tôi có thể nghe được giọng nói của bạn ảnh 5

..."Còn ý chí, còn nghị lực thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua!" như là thông điệp mà quán ăn vặt vỉa hè của vợ chồng anh chị lan toả giữa cuộc đời.

Ở góc phố này, người quen biết thì yêu thương và giúp đỡ, khách hàng đến một lần rồi sẽ còn quay trở lại ủng hộ lần sau, đôi khi đưa theo bạn bè, bạn hàng buôn bán kề bên thì sẻ chia, khi cho mượn không gian kê thêm bàn ghế, khi phụ bưng bê sắp xếp thi đông khách, khi còn pha cả trà nước giúp quán mà chẳng nề hà chuyện cạnh tranh.

Kinh tế những ngày sau đại dịch Covid-19 nhiều khó khăn, nhất là tầng lớp lao động thu nhập thấp, ai cũng nặng nỗi âu lo mưu sinh cơ cực kiếm ăn từng ngày, nhưng mỗi người đều tự tìm cách xoay xở để vượt qua thay vì than thở, buông xuôi. Và quán ăn vặt của đôi vợ chồng câm điếc ngày qua ngày, lặng lẽ toả đi thông điệp “còn ý chí, còn nghị lực thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua”.

Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.