Nghệ sĩ Vân Dung: 'Xem Táo quân như xem thời sự, đừng vừa xem vừa ăn'

(Ngày Nay) - Theo nữ danh hài đất Bắc, mỗi một câu thoại trong Táo quân đều do trên dưới 20 cái đầu cùng suy nghĩ, cân đo đong đếm, tuyệt đối không có chuyện hời hợt, hài nhảm.
 Nghệ sĩ Vân Dung: 'Xem Táo quân như xem thời sự, đừng vừa xem vừa ăn'

Tháp tùng Nhà hát Tuổi trẻ ''Nam tiến'' trong chuỗi hoạt động kỷ niệm chặng đường 40 năm xây dựng, phát triển và cống hiến, nghệ sĩ hài Vân Dung đã có cuộc trò chuyện cùng Thanh Niên.

* Chào nghệ sĩ Vân Dung, là người nhiều năm gắn bó với chương trình Táo quân nhưng năm 2017 có nhiều ý kiến cho rằng chương trình đang cạn ý tưởng, chị nghĩ sao?

- Ê-kíp làm Táo quân cũng là con người, mà con người thì cũng có lúc khỏe lúc ốm đau. Đời sống, chính trị, nghệ thuật… cũng có lúc lên lúc xuống, thế nên chuyện đó là chuyện cực kỳ bình thường. Nhưng quan trọng là tất cả anh chị em báo chí, khán giả nhìn thấy và ghi nhận sự cố gắng của gia đình nhà Táo, của những người đã làm nên Táo quân. Điều đó là điều chúng tôi hết sức biết ơn, còn chuyện hay hay dở thì đương nhiên một diễn viên trong cuộc đời không thể diễn hay được hết tất cả các vai, sẽ có những vai hay và vai dở. Nếu vai dở thì mình phải lắng nghe xem người ta nói gì để rút kinh nghiệm cái dở đó để mình tiết chế và không "phát huy" nữa. Chuyện lên xuống là chuyện bình thường và tất cả ê-kíp nhà Táo không lấy chuyện đó làm chuyện buồn. Cuộc đời này phải có thăng hoa rồi có lúc lên lúc xuống chứ làm gì có ai ở mãi trên đỉnh cao. Cả những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới họ cũng như thế. Về già rồi thì họ cũng phải nhường cho lớp đàn em.

* Cá nhân là một người trong ê-kíp làm Táo quân, có ý kiến đóng góp nào của khán giả mà chị thấy tâm đắc?

- Có những em học sinh, cả người nước ngoài, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước nhắn tin cho tôi rất nhiều về vấn đề học tập của các em học sinh, sinh viên. Những cái khó khăn, áp lực từ bố mẹ, nhà trường, giáo viên lên các em rất nhiều. Nhận được tin nhắn tôi đều chuyển cho đạo diễn. Khi tập Táo quân cũng thế, cứ 15-20 phút là Táo quân lại thay đổi kịch bản một lần. Cứ có cái gì mới là chúng tôi lại đưa vào nên ít khi nào diễn viên cầm kịch bản về nhà để học thuộc lại lời được lắm.

 Nghệ sĩ Vân Dung: 'Xem Táo quân như xem thời sự, đừng vừa xem vừa ăn' ảnh 1

Kịch bản Táo quân mà được đưa lên sóng là do diễn viên làm đến 50-70%, hầu như chúng tôi phải nắm được các kiến thức về văn hóa, chính trị, xã hội… Thậm chí khi diễn mà không hiểu chúng tôi còn dừng lại để tranh luận đến cùng, người đạo diễn và biên kịch phải thuyết phục được chúng tôi điều này là đúng thì chúng tôi mới diễn tiếp, chúng tôi được phép như thế mà. Bao nhiêu năm nay Táo quân vẫn hot là vì như thế. Diễn viên diễn thì phải hiểu được cái điều mình đang diễn chứ không làm theo người khác. Kịch bản Táo quân thì không phải một người viết mà ít nhất là 7-10 người viết, phải có phản hồi từ các nhà báo và lấy tư liệu từ tất cả các cơ quan công quyền, nhà nước. Do đó có thể nói kịch bản Táo quân là vô cùng chính xác về số liệu.

Mỗi một câu thoại trong Táo quân để được lên sóng phải qua tay 20 con người là ít nhất, gồm các biên kịch, các nhà báo đóng góp, rồi còn tổng đạo diễn cực kỳ giỏi nữa. Từng câu từng chữ trong Táo quân đều có ý nghĩa, kể cả những câu bông đùa đều có ý mỉa mai, lột tả mặt trái của xã hội chứ không phải những câu cửa miệng bình thường cho vui. Khi xem Táo quân thì mình phải ngồi tập trung xem như coi trong rạp, xem Táo quân là phải nuốt từng chữ. Xem, nghe và thấu hiểu như xem thời sự chứ không phải vừa ăn vừa xem. Chương trình nói về chính trị, giao thông, kinh tế, giáo dục… tất cả các mảng tối hoặc sáng của xã hội. Nên xem Táo quân thì mình phải xem trong tâm thế như xem thời sự thì sẽ thấy Táo quân hay như thế nào.

* Chương trình mùa vừa rồi có đạt rating (tỷ suất người xem) cao không?

- Rating cực kỳ cao dù gây tranh cãi rất nhiều. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận một chương trình thành công thì nó phải thế. Hiện tại Táo quân đang là chương trình có rating cao nhất, chương trình có hàng triệu người xem, mọi thế hệ đều xem được, phù hợp với mọi lứa tuổi.

 Nghệ sĩ Vân Dung: 'Xem Táo quân như xem thời sự, đừng vừa xem vừa ăn' ảnh 2

* Nghệ sĩ Chí Trung cũng có công bố với báo chí là muốn dừng làm Táo quân vì muốn "thay máu", chị có ý kiến gì về vấn đề này không?

- Ê-kíp Táo quân đã đồng hành cùng nhau được 15 năm rồi nên nếu anh Chí Trung nói muốn nghỉ thì anh em cũng rất tiếc và buồn. Điều đó sẽ là một khoảng trống không gì bù đắp được. Anh em trong đoàn cũng có động viên anh Trung rằng hi vọng đó chỉ là một chút mệt mỏi khi anh vừa gánh cả bên nhà hát và cả bên Táo quân. Và anh cũng nói như thế thôi chứ mọi người chỉ mong rằng anh vẫn sẽ tiếp tục làm, tiếp tục đồng hành cùng Táo quân. Bởi nói đến Táo quân thì không thể thiếu một ai trong đấy cả, mỗi người đều có một nhiệm vụ, một cá tính riêng. Kịch bản cũng là được xây dựng “đo ni đóng giày” cho từng nhân vật một, vắng một ai thì cũng sẽ tạo một khoảng trống lớn khó lấp đầy. Chỉ mong là mọi người sẽ cùng đoàn kết. Kể cả khi Táo quân kết thúc thì cũng chẳng ai muốn thiếu anh Trung cả.

* Chị cũng là một nghệ sĩ hài có tiếng ở miền Bắc nhưng ít vào Nam để diễn. Có phải như mọi người nói là nghệ sĩ ngoài Bắc khó chung sân sấu với nghệ sĩ trong Nam không?

- Không phải đâu, là do đặc thù vùng miền thôi. Hài miền Nam thì kiểu như “cơm ăn, nước uống” ấy, mang ra Bắc diễn thì vẫn được mọi người đón nhận. Trong khi đó hài ngoài Bắc thì do tiếng nói rồi các từ lóng cũng khó hiểu, khó nghe hơn nên khán giả trong Nam họ khó thưởng thức. Tôi chưa có nhiều cơ hội được mời vào diễn trong Nam hoặc có chăng là theo đoàn chứ không có diễn bán vé. Nếu có mời thì mọi người cũng rất muốn diễn phục vụ bà con.

Mỗi vùng miền có một đặc thù khác nhau, nhưng người diễn viên bao giờ cũng phải nghe ngóng vì ai cũng muốn được lòng khán giả cả nước chứ không riêng một vùng miền nào cả. Nên nếu có những góp ý như thế thì các nghệ sĩ hài miền Bắc cũng rất cầu tiến, cũng sẽ nhìn nhận lại để cân bằng. Đó là điều mà mọi diễn viên đều mơ ước. Nhưng thay đổi thì sẽ cũng có chọn lọc vì hài bao giờ cũng có câu chuyện, có nội dung thì nó sẽ thâm thúy hơn, duyên dáng hơn. Người xem cũng phải có ý nghĩa nên nếu đưa những văn hóa, câu nói miền Nam vào thì cũng sẽ có nhiều cái mới lạ. Ăn một món mãi cũng chán, biết tiết chế biết đưa những cái tinh túy của miền Nam vào thì sẽ hoàn hảo, hay hơn.

 Nghệ sĩ Vân Dung: 'Xem Táo quân như xem thời sự, đừng vừa xem vừa ăn' ảnh 3

* Thu nhập của nghệ sĩ hài ngoài Bắc có ổn không, thưa chị?

- Thu nhập thì nói chung cũng ổn. Diễn viên thì khó khăn chứ đội ngũ nghệ sĩ hài thì sống được và nuôi sống được gia đình. Sống ổn nhưng giàu có thì không thể được.

* Nếu diễn với những "cây hài" miền Nam như Trấn Thành, Trường Giang thì chị nghĩ mình có thể hòa hợp không?

- Thật ra trước nay tôi chưa bao giờ từ chối diễn với ai cả, có tên tuổi hay không không quan trọng. Diễn với ai cũng được miễn sao là người ta có thể cùng mình tung hứng mảng miếng là được. Nếu nói diễn với các nghệ sĩ hài miền Nam thì tôi nghĩ cũng phải học hỏi ở họ rất nhiều, bởi không phải tự dưng mà họ lại có nhiều người miền Nam, miền Tây yêu thích đến thế. Họ phải có cái gì đó đặc biệt hoặc phải thật sự giỏi thì họ mới có được điều đó. Không ai mà tự dưng nổi tiếng cả, nếu mình học được những cái của họ khiến cả khán giả trong Nam cũng thích mình thì quá tuyệt vời. Do đó nếu có cơ hội mình rất muốn được giao lưu, học hỏi.

* Có vẻ như nghệ sĩ hài miền Bắc như chị Vân Dung tập trung vào chuyên môn nhiều hơn nên họ ít đi làm trái ngành như MC, đóng phim điện ảnh?

- Không phải là tôi không làm mà là tôi không có khả năng. Tôi thấy các bạn khác đi làm MC được thì tôi thích lắm nhưng mà mình nghĩ là mình không làm được, mình nhát lắm, tự ti. Tôi nghĩ mình phải biết được khả năng của mình đến đâu để tránh những điều tiếng không hay. Cố thì vẫn được nhưng sẽ không hay mà đã làm là phải hay, còn bằng không hay thì nên rút lui.

* Năm 2017 người ta từng đồn chị mang thai?

- Chuyện đó là do tôi mặc cái áo có cái vạt hơi phồng nên mọi người tưởng mình mang thai nhưng không phải. Còn hiện tại thì tôi có một con trai rồi, đang mong có thêm một con gái nữa nhưng vẫn là mơ ước thôi, chưa biết có được không.

* Nếu muốn làm điều gì đó tạo dấu ấn cho sự nghiệp như làm liveshow thì Vân Dung định làm vào thời điểm nào?

- Ở ngoài Bắc chỉ có duy nhất một nghệ sĩ hài làm liveshow đó là anh Xuân Hinh. Ngoài Bắc nghệ sĩ tập rất lâu. Trong Nam thì chắc 2 ngày nhưng ngoài đó phải tập cỡ 5 ngày mới xong một tiểu phẩm 20 phút. Họ làm gì cũng phải suy nghĩ rất kỹ và hơn nữa nhà tài trợ cũng rất quan trọng. Trong Nam các doanh nghiệp bỏ tiền ra tài trợ rất nhiệt tình, vui vẻ, hồ hởi còn ngoài Bắc thì hơi hiếm. Mà làm liveshow thì rất cần tài trợ chứ bán vé thì họa hoằn lắm mới huề vốn chứ khó có lãi. Nếu có một đơn vị họ đi tiên phong trong việc tài trợ cho các diễn viên hài làm liveshow thì mọi người sẽ không ngần ngại đâu.

* Là một nữ nghệ sĩ, thì chị làm sao để giữ lửa nghề vừa giữ hạnh phúc gia đình?

- Cũng mệt mỏi đấy vì tôi đi đêm về hôm suốt. Nhưng được cái là do mình giao hẹn trước hồi lấy nhau là chịu được thì lấy còn không được thì thôi. Cái nghề của tôi như thế, anh chịu được thì hẳn lấy. Tôi chọn sống với nghề thì anh yêu tôi anh cũng phải chấp nhận. Tôi cũng không sống chung với mẹ chồng mà mẹ chồng lại là người rất cá tính, hiện đại, thông cảm và tự hào về con dâu. Đi đâu bà cũng bày tỏ sự cảm thông cho tôi, nói tôi thiệt thòi khi phải làm công việc phục vụ xã hội, không có nhiều thời gian để ở gần chồng con... Bà rất giỏi việc bếp núc và tâm lý nên khi bà mất hồi năm ngoái, tôi đã rất hụt hẫng.

* Xin cám ơn chị và chúc chị nhiều sức khỏe!

Theo Thanh niên

Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.