Những bức tranh mang năng lượng hạnh phúc của hoạ sĩ Nguyễn Hiển

(Ngày Nay) - Tranh của Nguyễn Hiển mang một thứ cảm xúc dạt dào từ những bức họa khiến người xem chìm vào không gian đó, cùng vui, cùng buồn, cùng nhớ nhung, cùng bình yên, cùng mơ mộng với nhân vật.
Hoạ sĩ Nguyễn Hiển và những tác phẩm của mình
Hoạ sĩ Nguyễn Hiển và những tác phẩm của mình

Từ lâu, tôi luôn tự hỏi rằng điều gì đem lại cho ta niềm hạnh phúc. Đáp án của tôi khi đó là tiền bạc, là sự thành công, là sức khỏe… Trên con đường miết đi tìm hạnh phúc theo hướng đó, tôi chợt nhận thấy có rất nhiều người có đủ sức khỏe, sự thành công và có rất nhiều tiền, nhưng thời gian họ thực sự cảm nhận được niềm hạnh phúc rất ngắn. Quãng thời gian còn lại, họ luôn lo toan, mưu tính, vội vã với những cơ hội của mình.

Cho tới khi dự triển lãm “Tĩnh và Mơ” của họa sĩ Nguyễn Hiển (vừa khai mạc ngày 25/3 tại Trung tâm Triển lãm 29 hàng Bài, Hà Nội), chậm rãi ngắm những bức tranh của anh, tôi chợt thấy trong mình một cảm giác bình an, hạnh phúc dâng lên. Thật kỳ lạ là những bức tranh đó không quá cầu kỳ về kỹ thuật, không hoành tráng đến mức phải sửng sốt, nhưng nó rất đẹp và vô cùng tình cảm. Một thứ cảm xúc dạt dào từ những bức họa khiến người xem chìm vào không gian đó, cùng vui, cùng buồn, cùng nhớ nhung, cùng bình yên, cùng mơ mộng với nhân vật. Tôi đã phỏng vấn Nguyễn Hiển và khám phá ra bí mật của hạnh phúc đang nằm trong những bức tranh của anh. 

- PV: Tranh của anh rất lạ, người ngắm tranh ngay lập tức có một cảm giác rất bình an, thoải mái, quên hết mọi lo toan của cuộc sống?

- Họa sĩ Nguyễn Hiển: Vâng! Cảm xúc của chị cũng giống với rất nhiều người tới xem tranh. Đối với tôi, tranh trước tiên là một tác phẩm nghệ thuật, sau đó là những giá trị tinh thần mà người họa sĩ truyền vào. Tôi luôn tin rằng mỗi con người luôn phát ra một thứ năng lượng nào đó. Ví dụ một người nội trợ nấu cơm trong trạng thái vui vẻ thì năng lượng vui vẻ đó sẽ truyền vào những món ăn, khiến bữa cơm hôm đó rất ngon. Còn nếu làm bếp trong trạng thái bực bội hoặc tâm trí đang vẩn vơ ở nơi khác thì chất lượng bữa cơm sẽ rất tệ.

Một người đang trong trạng thái hạnh phúc sẽ khiến người khác vui lây. Một người đang bực tức cáu giận hoặc có tâm địa độc ác thì năng lượng tỏa ra sẽ làm người khác khó chịu. Cũng chỉ là một hòn đá vô tri vô giác thôi, nếu bỗng dưng người ta tụ tập lại khấn vái, “năng lượng tín” của vô vàn người khấn vái kia sẽ hội tụ lại khiến hòn đá dần trở nên “thiêng” theo một cách nào đó. Còn với tôi, mỗi bức tranh tôi vẽ trong thời gian rất lâu và bằng sự tập trung cao độ. Tôi tin rằng năng lượng bình yên ở trong tôi sẽ truyền vào bức tranh và lan tỏa đến người xem.

Những bức tranh mang năng lượng hạnh phúc của hoạ sĩ Nguyễn Hiển ảnh 1Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại triển lãm tranh của hoạ sĩ Nguyễn Hiển 

- PV: Có phải năng lượng bình yên này trong tranh của anh đã đem lại cho người xem cảm giác hạnh phúc?

- Họa sĩ Nguyễn Hiển:Chính xác là như vậy. Hạnh phúc được đón nhận bằng sự bình yên ở trong tâm, hay nói một cách chính xác là tĩnh tâm. Hạnh phúc xuất phát từ yếu tố ngoại cảnh, nhưng muốn cảm nhận được hạnh phúc thì lại phụ thuộc vào tâm trạng của mỗi người. Ví dụ hiện nay thời tiết mùa Xuân rất đẹp, cây cối đâm chồi nảy lộc, nhưng rất ít người để ý đến điều này vì từ sáng sớm họ đã lo đưa con cái đi học rồi lo tắc đường không kịp giờ làm. Đến tối về thì họ lo chợ búa, nấu nướng, kèm con học bài v.v… Sự lo lắng, bận rộn khiến chúng ta không đủ tĩnh tâm để cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống.

- PV: Như vậy, muốn cảm nhận hạnh phúc, có nhất thiết là phải tìm nơi vắng vẻ và ngồi quan sát trong tĩnh lặng?

- Họa sĩ Nguyễn Hiển: Không nhất thiết phải như vậy. Ta có thể tìm thấy hạnh phúc ngay trong lúc làm việc,  lúc đang chơi thể thao… Những hoạt động đó đều là “động”, nhưng nếu ta chú tâm vào từng hành động, không để sự lo lắng lấn át thì sự thoải mái, bình yên sẽ xuất hiện. Ví dụ khi tôi vẽ tranh, tôi chỉ tập trung vào từng nét, từng mảng màu... Chỉ làm được điều đó thôi thì tôi cũng đủ hạnh phúc rồi. Nhưng nếu đang vẽ mà lại lo tranh không phù hợp với thị hiếu người xem, lo tranh bị xấu, lo không có ai hiểu tranh của mình… thì chắc chắn bức tranh đó sẽ không thể đẹp và tôi sẽ đau khổ.

Có câu chuyện thế này: Một hành giả hỏi lão hòa thượng: "Trước khi đắc đạo Ngài làm gì?". Lão hòa thượng trả lời: "Bổ củi, gánh nước, nấu cơm”. Hành giả lại hỏi: "Vậy sau khi đắc đạo Ngài làm gì?". Lão hòa thượng vẫn trả lời: "Bổ củi, gánh nước, nấu cơm”. Vị hành giả thắc mắc: "Vậy thì có gì khác?". Lúc này lão hòa thượng mới nói: "Trước kia, lúc bổ củi thì ta lo gánh nước, lúc gánh nước ta lại nghĩ chuyện nấu cơm. Đắc đạo rồi nếu bổ củi thì cứ bổ củi, nếu nấu cơm thì cứ nấu cơm".

Sau khi lập cho mình một kế hoạch chiến lược (bổ củi - gánh nước - nấu cơm), ta chỉ cần thực hiện từng việc thật tốt ở thời điểm hiện tại, rồi tương lai đương nhiên sẽ tốt đẹp. Sự lo lắng chỉ khiến tâm chúng ta rối loạn, khổ sở. Bạn hãy để ý xem, tượng Phật hay nét mặt các vị cao tăng thường mỉm cười tươi tắn. Đó là vì qua trình tu tập đã giúp tâm họ tĩnh tại và luôn cảm thấy hạnh phúc.

Những bức tranh mang năng lượng hạnh phúc của hoạ sĩ Nguyễn Hiển ảnh 2Một trong số những tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Hiển 

- PV: Có rất nhiều tranh của anh vẽ trẻ em. Có phải anh rất yêu trẻ?

- Họa sĩ Nguyễn Hiển: Vâng. Trẻ em hồn nhiên và rất đáng yêu, nhưng tôi vẽ trẻ em là vì chúng thực sự rất hạnh phúc, tâm chúng tĩnh hơn ta rất nhiều. Nhìn chúng vui chơi chạy nhảy rất động, nhưng tâm chúng lại rất tĩnh. Trẻ em ở nông thôn khó khăn khi tiếp cận với đồ chơi, chỉ với mấy cọng lá chuối, mấy cục đất sét thôi là chúng có thể chơi được cả ngày.

Nếu đã rơi vào thế giới tĩnh của trẻ thơ rồi thì bố mẹ gọi, chúng cũng không nghe thấy. Và cho dù chúng có bị người lớn quát mắng thì nỗi sợ hãi đó cũng chỉ thoáng qua, rồi chúng lại rơi vào thế giới ngập tràn hạnh phúc của trí tưởng tượng. Đó là lý do mà tất cả người lớn đều ước mơ có “một vé trở về tuổi thơ”. Nhưng cho dù tỉ phú giàu nhất thế giới thì cũng không thể mua được tấm vé đó. Chỉ có những loại hình nghệ thuật như thơ, ca, nhạc, họa… mới có thể mở cánh cửa thời gian, đưa chúng ta trở lại những ký ức tuổi thơ.  

- PV: Trong số tranh của anh, tôi rất thích nhưng bức đề tài mẹ và con. Cảm giác hạnh phúc ôm con của người mẹ thật khó diễn tả. Có phải tôi là phụ nữ nên dễ đồng cảm?

- Họa sĩ Nguyễn Hiển: Không riêng gì phụ nữ mà cả nam giới cũng rất thích đề tài này. Vì sao vây? Đó là vì tất cả chúng ta đều trải qua thời thơ ấu và tình mẫu tử thiêng liêng này đã ghi sâu trong tiềm thức. Chỉ có cha mẹ là người yêu thương và hy sinh cho ta một cách vô điều kiện. Thường khi lập gia đình và sinh con, chúng ta mới cảm nhận sự hy sinh này một cách rõ ràng hơn. Còn gì hạnh phúc hơn khi sau một ngày lao động căng thẳng, chúng ta được về nhà ôm con và quan sát chúng “nhẩn nha” khôn lớn.

Tôi vẽ những bức tranh này bằng tiềm thức tuổi thơ của tôi về mẹ và cả của các con tôi nữa. Ngắm những bức tranh này,  bạn có thể cảm thấy không gian, thời gian như dừng lại. Chỉ còn tình yêu thương vô giới hạn của người mẹ dành cho con. Tôi muốn không gian bình yên đó được lưu lại mãi mãi trong bức tranh, để ngày ngày năng lượng hạnh phúc này lan tỏa ra, nhắc nhở chúng ta lòng biết ơn với cha mẹ.

- PV: Theo anh, làm thế nào tận hưởng trọn vẹn năng lượng hạnh phúc này?

- Họa sĩ Nguyễn Hiển: Để cảm nhận được hạnh phúc, trước tiên chúng ta phải biết mở lòng. Có một cách rất đơn giản giúp ta mở lòng, đó là hãy mỉm cười. Khi mỉm cười, trái tim sẽ bao dung độ lượng hơn, nhờ đó mà ta cũng thu nhận được năng lượng hạnh phúc trọn vẹn hơn.  

- PV: Cảm ơn anh! Qua cuộc trò chuyện, tôi đã nhận ra rằng, hạnh phúc luôn ở quanh đây, nhưng chúng ta chỉ thực sự cảm nhận được hạnh phúc khi tĩnh tâm và mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp.

Một số tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Hiển trưng bày tại triển lãm:

Những bức tranh mang năng lượng hạnh phúc của hoạ sĩ Nguyễn Hiển ảnh 3 

Những bức tranh mang năng lượng hạnh phúc của hoạ sĩ Nguyễn Hiển ảnh 4 
Những bức tranh mang năng lượng hạnh phúc của hoạ sĩ Nguyễn Hiển ảnh 5 
Những bức tranh mang năng lượng hạnh phúc của hoạ sĩ Nguyễn Hiển ảnh 6 
Những bức tranh mang năng lượng hạnh phúc của hoạ sĩ Nguyễn Hiển ảnh 7 
Những bức tranh mang năng lượng hạnh phúc của hoạ sĩ Nguyễn Hiển ảnh 8 
Những bức tranh mang năng lượng hạnh phúc của hoạ sĩ Nguyễn Hiển ảnh 9 
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN.
Tôn vinh những người trao truyền văn hóa dân tộc ở cộng đồng
(Ngày Nay) - Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đã diễn ra chiều 18/4 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024
(Ngày Nay) - Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
AI làm gián đoạn kế hoạch ra mắt iPhone 16
(Ngày Nay) - Apple đã nỗ lực tách biệt dòng iPhone thường và iPhone Pro để biện minh cho việc tăng giá của dòng Pro mà không làm giảm tiềm năng của dòng cơ bản. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai loại này có thể thay đổi vào cuối năm nay nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy tỷ lệ sinh ở Australia hiện thấp gần như ở mức kỷ lục, cho dù nước này đã áp dụng chính sách “tiền thưởng sinh con” từ cách đây 20 năm (2004) để khuyến khích người dân sinh con nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số. Các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, hệ thống y tế và bản sắc văn hóa của đất nước.
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi đang trở nên đáng báo động với các nước Zambia, Zimbabwe và Malawi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát nguy hiểm nhất ở châu lục trong ít nhất một thập kỷ này, nhất là trong bối cảnh kho dự trữ vaccine phòng tả toàn cầu đã cạn kiệt.