Tội nghiệp bolero!

(Ngày Nay) - Sẽ là tầm phào nếu chúng ta để ý đến những tranh cãi hơn thua ở việc bình chọn quán quân chương trình Thần tượng Bolero mùa thứ 2-2017. Lẽ ra nên hướng về vấn đề nghiêm túc mà không kém phần thú vị: Cách tân bolero như thế nào ở thời đại nhạc điện tử? 
Danh ca Chế Linh, người sáng tạo lối hát buồn não nùng
Danh ca Chế Linh, người sáng tạo lối hát buồn não nùng

Cái gọi là “nhạc sến” thịnh hành ở miền Nam Việt Nam trước đây, thực ra không chỉ có điệu nhạc bolero mà còn có rhumba, slow rock, habanera, tango... Nhưng vì bolero được hâm mộ nhất, được sáng tác nhiều nhất nên người ta gọi điệu nhạc bolero với hàm nghĩa cả một giai đoạn âm nhạc trữ tình ở miền Nam Việt Nam từ những năm 1950 đến khi nước ta thống nhất. 

Sự thành công của điệu bolero có thể lý giải chính nhờ sự cách tân của các nhạc sĩ tài danh như Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trúc Phương, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Hoài Linh, Mạnh Phát... Vốn là điệu nhạc Nam Mỹ, bolero cùng với các điệu pasodoble, cha cha cha, waltz, tango... được sử dụng làm nhạc “tua” (tour) để cho người thành thị khiêu vũ. Nhưng để phổ biến cho rộng rãi dân chúng không có điều kiện đi “nhảy đầm”, các nhạc sĩ đã cách tân bolero từ nhịp 3/4 sang nhịp 4/4 gần gũi với dân ca, vọng cổ, cải lương ở miền Nam. Nhưng nét đặc biệt nhất của bolero Việt Nam là phần lời ca.

Khác với lời ca của ca khúc tiền chiến (trước năm 1954) mơ hồ như một bài thơ; mỗi ca khúc bolero lại kể một câu chuyện “rất đời”, dễ hiểu. Các ca khúc đã nói lên tâm sự, an ủi tâm hồn nhiều lớp người trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Sự cách tân bolero còn được đẩy lên cao với tài năng của các soạn giả như soạn giả Viễn Châu khi kết hợp tân nhạc (bài hát điệu bolero) với cổ nhạc (vọng cổ) thành một thể loại gọi là “tân cổ giao duyên”. 

Bolero dễ nghe nhưng không dễ hát, đòi hỏi ca sĩ khi hát y như ca vọng cổ, phải có làn hơi dài để giữ hơi khi xuống giọng cho “ngọt”, “mượt” vì đặc trưng của bolero bao giờ cũng chậm dần và xuống thấp về cuối câu. Bolero ở Việt Nam được biến đổi nhiều luyến láy trong ca khúc nên người ca sĩ còn phải biết điều hơi, nhả chữ, chuyển giọng làm sao thật tự nhiên. Các ca sĩ thành danh thường không học thanh nhạc hàn lâm mà tự học thông qua sự hướng dẫn của các nhạc sĩ. Mỗi bài hát thường luyện hàng trăm lần, các ca sĩ cố gắng tìm ra cho được một vài điểm độc đáo trong luyến láy, nhả chữ trước khi thu thanh để không “đụng hàng”. Vì thế, mỗi bài hát thường “đóng đinh” với một ca sĩ như “Nỗi buồn hoa phượng” với Thanh Tuyền, “Nỗi buồn gác trọ” với Phương Dung, “Không bao giờ quên anh” với Giao Linh, “Mưa nửa đêm” với Thanh Thúy... 

Tội nghiệp bolero! ảnh 1

Lan man về lịch sử và đặc điểm của các ca khúc bolero để thấy rằng điệu nhạc này tuy mới ở Việt Nam chưa đến 70 năm nhưng đã là thấm sâu vào quần chúng, bất cứ thay đổi nào cũng khó để người nghe chấp nhận. Sự thay đổi có chăng là ở cách hòa âm phối khí và giọng hát của ca sĩ tìm được nét riêng với các bậc tiền bối. Trường hợp Quang Lê và Đan Nguyên là hai ca sĩ thế hệ 8X phần nào thành công khi hát lại những ca khúc nổi tiếng đã gắn với tên tuổi cả Duy Khánh, Chế Linh, Nhật Trường, Tuấn Vũ... Dù tìm tòi bao nhiêu đi nữa, hai ca sĩ này cũng không bao giờ mạo hiểm pha trộn bolero với hip hop! Họ vẫn ngày ngày luyện thanh sao hát cho “ngọt”, luyến sao cho êm tai, nhập tâm vào bài hát để diễn đạt cho có “hồn”. Thế nên, khá có lý khi một ca sĩ thành danh khuyên các tài năng trẻ định mon men hát bolero với đại ý là không có năng khiếu, giọng ca không có “hồn” thì tốt nhất là nên đi làm việc khác!

Tội nghiệp bolero! ảnh 2

Nhiều năm về trước, nhà báo Trần Hữu Ngư có in cuốn “Tội nghiệp bolero!” để kêu gọi cho bolero hồi sinh. Nhưng số phận dòng nhạc “buồn buồn” này chưa hết buồn bởi nó chưa hết tội nghiệp khi bị làm mới quá đà.

Người ta tổ chức nhiều cuộc thi hát bolero trên truyền hình, để cho “xô trò” mới tạo ra kịch tính để mua vui cho khán giả bằng nhiều chiêu, trong đó có làm mới bolero. Nhưng họ quên mất điểm cốt lõi là bolero được quần chúng yêu mến bởi tính bình dân! Khán giả cần nghe những giọng ca có “hồn”, có nội lực, kiên nhẫn luyện tập và biểu diễn biểu cảm. Họ nghe để ngấm, để được giai điệu lời ca vỗ về an ủi kiểu thanh niên nhà không có điều kiện yêu chân dài sẽ rất “thấm” khi nghe “Tội tình” của nhạc sĩ Hàn Châu (“Anh mang tội yêu em khi đời anh trắng bàn tay”); hoặc hoài nhớ một thời hoa mộng tuổi trẻ với “Trả lại thời gian” của nhạc sĩ Thanh Sơn (“Ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi”)... Vậy nên khi một giọng ca xuống giọng ngang phè, không thể diễn đạt được cái “hồn” bolero, bèn tìm cách “đổi mới” để “lách” những đoạn khó hát. Rõ ràng, khán giả “ném đá” cũng có cái lý riêng, chứ không phải khán giả khó tính, “bắt nạt” ca sĩ trẻ. 

Tất nhiên, ở thời đại tự do, những người thích “đổi mới” bolero, họ có quyền làm gì họ muốn. “Cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại”! Nếu đã biết lịch sử, vị trí, vai trò của bolero trong đời sống sẽ không có mấy niềm tin sự “đổi mới” bolero sẽ thành công!

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.