Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trung thực'

(Ngày Nay) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, mặc dù kỳ thi giao về cho địa phương tổ chức, song Bộ GD&ĐT vẫn phải chỉ đạo sát sao, giám sát chặt chẽ để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, khách quan, tin cậy.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không có nhiều thay đổi

Ngày 28/4, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Việt Nam, thực hiện nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nghiên cứu, dự thảo các phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2020.

Phương án cuối cùng nhận được sự ủng hộ của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, được Thủ tướng cơ bản thống nhất.  

Phương án tổ chức kỳ thi không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Bộ GD&ĐT vẫn ra đề thi, xây dựng và cung cấp phần mềm chấm thi, thí sinh vẫn dự thi ngay tại địa phương. Nội dung thi nằm trong chương trình học sau tinh giản theo tinh thần "học gì thi nấy".

Các bài thi, điểm thi môn thành phần trong bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) về cơ bản vẫn như năm 2019. Các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh.

Điểm khác biệt đáng kể là nội dung thi giới hạn theo chương trình đã tinh giản, độ khó của đề sẽ được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện dạy, học trong tình hình dịch bệnh và mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên mặt bằng chung của cả nước, thời gian thi rút ngắn.

Ngoài ra, thay vì Bộ GD&ĐT phải điều động gần 50.000 cán bộ, giảng viên đại học về coi thi, chấm thi, giám sát, thanh tra chấm thi như những năm gần đây thì năm nay Bộ chỉ điều một số lượng nhỏ về để phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh. UBND cấp tỉnh sẽ chủ trì tổ chức, chịu trách nhiệm về sự an toàn, nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi tổ chức tại địa phương.

Bộ đang tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trung thực

Trước thông tin, việc giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương làm dấy lên lo ngại về tính trung thực của kết quả thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Điều chỉnh một số điểm của phương án thi là tình thế bắt buộc trong bối cảnh học sinh không thể học tại trường trong thời gian dài do dịch bệnh và Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7. Mặc dù giao về cho địa phương tổ chức, Bộ GD&ĐT vẫn chỉ đạo sát sao, giám sát chặt chẽ để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy”.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang lên các phương án để giám sát chặt chẽ các khâu, đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại địa phương, không thể vì dịch bệnh mà lơ là, buông lỏng. Đặc biệt, năm nay Bộ sẽ đối sánh kết quả thi tốt nghiệp với điểm học bạ của học sinh để qua đó đánh giá thực chất chất lượng giáo dục phổ thông, tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương.

Do kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học của học sinh nên đề thi vẫn có sự phân hóa phù hợp để phân loại học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu. Mức độ phân hóa giảm so với các năm trước nhưng vẫn đảm bảo được phân loại học sinh nên các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ tổ chức xây dựng đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và sẽ sớm công bố để giúp giáo viên, học sinh có định hướng trong dạy học, ôn tập, yên tâm học tập.

TIN LIÊN QUAN
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.
Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.