Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Tránh hình thức trong bồi dưỡng giáo viên

Thời điểm này, chỉ còn chưa đầy một năm nữa là ngành giáo dục cả nước sẽ bước vào năm học 2020-2021, năm học đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Trong ngổn ngang mối lo, việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc dạy và học 2 buổi/ ngày đang là cái khó nhất. Tiếp đến là vấn đề liên quan tới đội ngũ nhà giáo trước những yêu cầu mới.
Học sinh tiểu học Hà Nội trong giờ tự học tại thư viện.
Học sinh tiểu học Hà Nội trong giờ tự học tại thư viện.

Trăn trở việc thiếu phòng học

Theo Chương trình GDPT mới học sinh sẽ được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện năng lực, phẩm chất, kĩ năng cho học sinh, đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục học sinh của gia đình, xã hội. So với chương trình GDPT hiện hành, chương trình mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới, nhưng trong chương trình mới có thêm 2 môn học mới là Ngoại ngữ - Tin học và công nghệ.

Tuy nhiên, nhìn nhận về việc tổ chức 2 buổi/ ngày trong Chương trình GDPT mới ông Thái Văn Tài- quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, việc tổ chức 2 buổi/ngày là một trong những thách thức đối với một số địa phương có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp. Thiếu phòng học cũng là thách thức đối với các thành phố lớn hoặc ở nơi tập trung quá nhiều khu công nghiệp. Đơn cử như Hưng Yên mới chỉ có 30% phòng học đáp ứng dạy 2 buổi/ngày, Tuyên Quang 44,5%, Đồng Nai là 30%...

Theo ông Phạm Hùng Anh- Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT), để giải quyết bất cập về cơ sở vật chất, Bộ đã chỉ đạo các địa phương xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, ưu tiên bảo đảm cho giáo dục tiểu học đủ mỗi lớp một phòng học. Ðối với các thành phố lớn và các địa phương tập trung đông dân cư, thiếu quỹ đất để xây thêm phòng học thì tùy từng trường hợp có thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có. Hiện nay, Bộ GDĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sơ vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT mới giai đoạn 2017 - 2025. Trong đó giai đoạn 2017-2020 đối với tiểu học đã được phê duyệt và phân bổ về các địa phương đầu tư xây dựng 5.900 phòng học thay thế phòng tạm thời; xây dựng bổ sung 6.000 phòng học; 7.770 phòng chức năng; 3.420 phòng thư viện.

Băn khoăn vấn đề giáo viên

Khi áp dụng Chương trình GDPT mới, các môn như Tin học ở cấp tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm giáo viên. Theo đó, môn Tin học sẽ được đưa vào dạy cho học sinh lớp 3 (mỗi tuần 2 tiết/lớp). Với hơn 15.000 trường tiểu học trên cả nước, ngành giáo dục phải cần đến hàng chục nghìn giáo viên để đáp ứng chương trình. Ở cấp THPT sẽ dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, mỗi môn có 2 tiết/lớp nhưng hiện chưa có giáo viên dạy các môn học này. Trong khi cả nước có tới 2.834 trường THPT, nếu tính đơn giản mỗi trường cần 1 giáo viên/môn thì số lượng tuyển mới sẽ cần đến gần 6.000 giáo viên.

Hiện nay, tỷ lệ giáo viên/lớp tại hầu hết các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Ấy là chưa kể việc bổ sung giáo viên Tin học, tiếng Anh là thách thức không nhỏ cho các địa phương, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay. Thống kê của Bộ GDĐT cho hay, cả nước còn thiếu khoảng 5.000 giáo viên tiếng Anh để thực hiện theo Chương trình GDPT mới.

Về giải pháp trước mắt, ông Thái Văn Tài cho rằng, nếu các trường liên cấp (tiểu học, THCS) thiếu giáo viên thì có thể sử dụng giáo viên môn Tin học ở cấp THCS để dạy tiểu học nhưng phải bồi dưỡng, tập huấn phương pháp dạy học tiểu học cho đội ngũ này.

Dẫu thế, theo các phân tích, để thực hiện tốt Chương trình và SGK mới, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay phải nắm sát thực tế, có sự điều chỉnh cho phù hợp và hiệu quả. TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội chỉ ra rằng, số đông nhà giáo chưa thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp. Mặt khác còn mắc bệnh nghề nghiệp như chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào trí thức có sẵn trong SGK, không gắn với thực tiễn đời sống. Đồng thời, khi đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục được coi như “chìa khóa” để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và thực hiện triển khai Chương trình, SGK mới, vẫn còn không ít giáo viên chưa thực hiện. Nguyên nhân chính bởi coi thường những đợt tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ của từng trường hoặc do cơ quan quản lý giáo dục tổ chức.

Còn PGS.TS Đào Thị Oanh- Viện Nghiên cứu Sư phạm – Trường ĐHSP Hà Nội cũng chỉ ra 6 nhóm lỗi mà giáo viên tiểu học thường mắc phải khi ở trên lớp như: Tổ chức quản lý môi trường lớp học; Quản lý thời gian ở trên lớp; Quản lý bản thân ở trên lớp; Quản lý phương pháp, phương tiện dạy học ở trên lớp; Tổ chức giao tiếp ở trên lớp; Kiểm tra đánh giá trong lớp học.

Do đó, thiếu giáo viên cũng chỉ là một phần, quan trọng hơn cả là đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng cần quan tâm tới giải pháp tự bồi dưỡng nhằm khắc phục, ngăn ngừa những lỗi nghề nghiệp ở trên lớp, từ đó mới giúp trẻ phát triển năng lực tự học.

Theo Đại đoàn kết
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.