Đội ngũ nhà giáo quyết định thành công của đổi mới giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
 Xác định đội ngũ thầy, cô giáo chính là những nhân tố trực tiếp quyết định trong việc thực hiện thành công các đề án, giải pháp đột phá của ngành Giáo dục, công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng. Cùng với đó, sự chủ động, mạnh dạn đổi mới của giáo viên đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc dạy và học theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Đội ngũ thầy, cô giáo chính là những nhân tố trực tiếp quyết định trong việc thực hiện thành công các đề án, giải pháp đột phá của ngành Giáo dục. Ảnh tư liệu: Phương Vy/TTXVN
Đội ngũ thầy, cô giáo chính là những nhân tố trực tiếp quyết định trong việc thực hiện thành công các đề án, giải pháp đột phá của ngành Giáo dục. Ảnh tư liệu: Phương Vy/TTXVN

Mạnh dạn đổi mới

Gắn bó với nghề giáo được 9 năm, cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương, giáo viên môn Hóa học, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đã đồng hành cùng các thế hệ học trò cho ra đời nhiều dự án mang ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống. Cô Quỳnh Phương chia sẻ, khi mới ra trường chưa có kinh nghiệm, trong 4-5 năm đầu tiên đi dạy, cô vẫn theo lối mòn của phương pháp dạy học truyền thống, truyền thụ kiến thức. Nhiều lần cô chứng kiến học sinh “than thở” rằng không hào hứng với việc học môn Hóa của mình, bởi toàn những kiến thức sách vở khô khan, không có ứng dụng trong cuộc sống.

Thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, cô Quỳnh Phương mạnh dạn chủ động đổi mới phương pháp dạy học của mình để giúp học sinh hứng thú hơn với việc học. Cô chọn định hướng giáo dục STEM (trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) để triển khai bài giảng của mình, giúp học sinh ứng dụng kiến thức trên lớp vào thực tiễn. Theo đó, mỗi năm học, cô sẽ thiết kế, tổ chức 1-2 tiết học STEM cho mỗi lớp. Chủ đề cô Phương thường chọn là thực hiện các sản phẩm tái chế.

Mới đây nhất, cô Quỳnh Phương cùng học trò mình thực hiện Dự án sản xuất giấy và làm đồ dùng handmade từ bã mía, đã đưa ra thị trường rất nhiều sản phẩm thiết thực, thu hút được một lượng khách hàng nhất định. Đây là dự án xuất phát từ ý tưởng của em Lương Tâm Như, lớp 12A6 Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân. Cách đây 2 năm, khi thực hiện bài tập trong tiết học STEM về sản phẩm tái chế của cô Quỳnh Phương, quan sát thấy bã mía thường được xử lý đốt, gây ảnh hưởng không tốt cho môi trường, sức khỏe của người dân, từ kiến thức được học, em Lương Tâm Như nảy ra ý tưởng tận dụng bã mía để tái chế làm giấy và các sản phẩm handmade. Ý tưởng đó được sự hỗ trợ của cô Quỳnh Phương đã ngày càng hoàn thiện với nhiều sản phẩm đưa ra thị trường như: tranh, sổ tay, lịch, quai xách ly… Hiện Dự án quy tụ được gần 10 học sinh ở các khối lớp của trường cùng tham gia thực hiện với rất nhiều khâu, từ sản xuất giấy từ nguyên liệu bã mía, trang trí, vẽ tranh đến truyền thông quảng bá sản phẩm, chăm sóc khách hàng... Các sản phẩm của nhóm hiện được giới thiệu, phân phối ra thị trường qua nhiều kênh khác như: hội chợ, triển lãm, mạng xã hội...

Em Lương Tâm Như chia sẻ, không chỉ là kiến thức lý thuyết, thông qua các tiết học của cô Quỳnh Phương, em còn có thể ứng dụng được những kiến thức đã học vào thực tế. Môn Hóa học không còn là kiến thức khô khan mà có thể ứng dụng vào đời sống, cho ra đời rất nhiều sản phẩm hữu ích. Thông qua việc thực hiện Dự án, các thành viên trong nhóm còn học được rất nhiều kỹ năng, từ vận dụng kiến thức vào thực tiễn, làm việc nhóm đến các kỹ năng kinh doanh như phân tích nhu cầu thị trường, quảng bá sản phẩm…

“Lượng kiến thức ở mỗi khối lớp sẽ có thể ứng dụng trên thực tế ở những mức độ khác nhau. Ví dụ như ở lớp 10, các em chưa có đủ kiến thức để hoàn thiện một sản phẩm cụ thể, nhưng các em có những ý tưởng rất hay. Giáo viên có thể hướng dẫn, hỗ trợ để khi lên các khối lớp tiếp theo các em tiếp tục phát triển ý tưởng để cho ra đời những sản phẩm thiết thực. Thực tế, năng lực, sự sáng tạo của học sinh rất lớn, chỉ cần cho các em cơ hội, các em có thể làm được những điều mà mình không nghĩ đến. Vì thế, bản thân giáo viên phải mạnh dạn thay đổi, từ đó sẽ nhận thấy sự thay đổi của học sinh”, cô Quỳnh Phương chia sẻ.

Chủ trương đổi mới giáo dục được tiếp tục đẩy mạnh ở các bậc học, đặc biệt, với bậc Tiểu học, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, việc đổi mới phương pháp dạy và học càng được chú trọng hơn. Theo thầy Cao Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Đồng (Quận 3), hiện nay, giáo viên luôn được tạo điều kiện trong tổ chức dạy học nhưng vẫn còn có giáo viên chưa mạnh dạn trong đổi mới phương pháp dạy học. Vì thế, Ban Giám hiệu Nhà trường phải luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ để giáo viên tự tin hơn, đổi mới chương trình bắt đầu từ việc giáo viên chủ động. Thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) cho rằng, nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, dạy học bằng các phương pháp tích cực. Nhất là trong bối cảnh chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6 vào năm học tới và những khối lớp khác vào những năm tiếp theo, sự chủ động đổi mới của giáo viên càng cần được khuyến khích. Cùng với việc tham gia tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ, trường tổ chức cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để cùng chia sẻ phương pháp dạy học hiệu quả.

Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy, cô giáo chính là những nhân tố trực tiếp quyết định trong việc thực hiện thành công các đề án, giải pháp đột phá của ngành giáo dục Thành phố, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế. Một trong những đề án quan trọng vừa được Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI thông qua là Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030”. Giáo dục thông minh mang đến những cơ hội đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với mỗi cán bộ, giáo viên là phải tận dụng tốt cơ hội mà giáo dục thông minh đem lại để nâng cao chất lượng dạy và học.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, thời gian tới, ngành Giáo dục Thành phố sẽ tăng cường bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ, đến năm 2025 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho hơn 90.000 cán bộ, giáo viên của Thành phố. Bên cạnh đó, với truyền thống năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới, đội ngũ nhà giáo Thành phố luôn chủ động tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng. Đó là cơ sở quan trọng giúp giáo dục Thành phố hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Cùng với bồi dưỡng cho đội ngũ đang công tác, Thành phố triển khai chế độ, chính sách đặc thù nhằm thu hút đội ngũ giỏi cho ngành Giáo dục.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, trong giai đoạn tới, thách thức mà ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố đối mặt còn rất lớn. Không chỉ là áp lực về cơ sở vật chất, thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ vai trò là động lực then chốt của chất lượng nguồn nhân lực đối với sự phát triển của Thành phố và cả nước, từ yêu cầu phải tiếp tục đột phá trong đổi mới… đòi hỏi ngành Giáo dục - Đào tạo Thành phố phải nỗ lực vượt qua khó khăn. Trong đó, ngành Giáo dục - Đào tạo Thành phố đặc biệt chú trọng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, phát triển năng lực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, giúp thầy cô giáo yên tâm công tác. Đội ngũ nhà giáo cần được nâng cao nhận thức, trang bị những kiến thức sát thực tiễn, rèn luyện kỹ năng, phương pháp dạy học hiện đại, hướng đến việc giáo dục học sinh năng lực tự học, hội nhập và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. Đây là yếu tố căn bản, quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Thành phố cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thích ứng nhanh với những thay đổi của xã hội, nhất là trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Thành phố đặt trọn niềm tin vào đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn.

Theo TTXVN
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.