Giáo viên trường tư thất nghiệp vì Covid-19

6 giờ tối, hai cô giáo mầm non Kim Anh và Bích Phương trải bạt, xếp mấy đôi giày trước cổng trường, bên cạnh gian hàng nước họ mở bán gần một tuần qua.
"Quán" bán nước giải khát của hai cô giáo Kim Anh và Bích Phương ở phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM. Ảnh: Phan Diệp.
"Quán" bán nước giải khát của hai cô giáo Kim Anh và Bích Phương ở phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM. Ảnh: Phan Diệp.

Đằng sau họ là ngôi trường mầm non nằm ngay sát quốc lộ 1A, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM. Ngôi trường vắng tiếng nói cười của trẻ từ đầu tháng vì học sinh toàn thành phố được cho nghỉ để phòng dịch Covid-19. Kim Anh, 23 tuổi và Bích Phương, 24 tuổi bỗng dưng thất nghiệp. Chủ trường cố gắng lắm cũng chỉ hỗ trợ ăn ở, hai cô buộc phải kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống, chờ dịch đi qua.

Khi học sinh được cho nghỉ, giáo viên các trường công lập được hưởng nguyên lương theo Bộ luật Lao động, nhưng giáo viên trường mầm non tư thục như hai cô hầu như không có lương.
Tiếng xe máy đỗ xịch trước "gian hàng", Kim Anh ngước sang đã thấy Phương đang nhìn mình như ra hiệu, cô đành cất tiếng: "Mời chị xem giày". Hai cô giáo vốn chỉ quen chăm chút đứa trẻ, không một chút kinh nghiệm buôn bán nào nên vẫn còn thẹn, người này đùn người kia mời khách. Họ càng không khéo thuyết phục khách, ai hỏi chỉ nói một giá, khách không mua thì thôi.

Giáo viên trường tư thất nghiệp vì Covid-19 ảnh 1

Cô giáo mầm non Bích Phương đang bày những đôi giày để chuẩn bị cho buổi bán hàng tối 21/2. Ảnh: Phan Diệp.

Những ngày đầu hai cô bán nước giải khát, mỗi ngày chỉ được hơn chục chai nước sâm, dăm quả dừa, tiền lời chưa đến 50.000 đồng. Ba ngày nay, hai cô nhận thêm bán giày và áo dài tồn kho cho một giáo viên trong trường, mỗi sản phẩm được trả 10.000 đồng. Kim Anh có sáng kiến treo dòng chữ "Giải cứu giáo viên mầm non", chụp hình gian hàng nước lên mạng để mời mọi người đến mua ủng hộ. 

"Tuần trước em đã phải bán cái dây chuyền vàng lấy 2 triệu đồng cho em gái đang học bên quận 8", Kim Anh, quê Bình Thuận nói. Em gái cô cũng ở lại làm thêm, chưa được nhận lương phải cầu cứu chị. 

Từ ngày ra trường Kim Anh nhận trách nhiệm nuôi em. Nay bản thân khốn đốn, nhưng không nỡ phiền bố mẹ ở quê. "Nếu tiếp tục nghỉ hết tháng 3, chỉ còn cách bám vào hàng nước này để kiếm cơm", cô giáo trẻ tâm sự.

Bích Phương thì bần thần suốt từ lúc đọc được tin TP HCM kiến nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3. Cô lo sắp tới không biết mượn đâu 2,8 triệu để trả góp chiếc xe máy vừa mua trước Tết. Tháng này nghỉ không lương, cô đã phải vay chủ trường để trả.

"Đã khó còn bị mất tiền", cô gái quê Gia Lai kể về lần bán hàng cả tin nên bị lừa 185.000 đồng. Tiền lời hôm đó không đủ bù lại số đã mất, các cô chỉ biết bảo nhau cùng cố gắng.

"35 năm làm trong ngành giáo dục, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh giáo viên khổ như vậy", chị Châu Thanh Nhàn, 56 tuổi, hiệu phó của Kim Anh, Bích Phương nói. Dù rất muốn, nhà trường chỉ có thể hỗ trợ giáo viên chỗ ở và cơm ăn ngày 3 bữa. 

Trong căn phòng trọ kín mít trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp trưa 21/2, cô giáo Nguyễn Thị Dung đứng ngồi không yên. Cô nhắn tin cho đồng nghiệp, nhắn vào group của trường một lần nữa để xin cái hẹn trả lương. Đây là tin nhắn thứ 16 của Dung từ đầu tháng tới nay, chưa kể các cuộc gọi cho chủ trường hỏi lương tháng Một.

Ban đầu nghỉ một tuần, cô đợi. Lúc có thông báo nghỉ thêm một tuần, cô tự nhủ phải ráng. Đến khi có tin nghỉ hết tháng và có khi hết tháng 3, cô ứa nước mắt. "Chưa bao giờ tôi thấy bị động như lúc này", Dung, 31 tuổi chia sẻ.

Quê mãi tận Tam Nông, Phú Thọ, Dung vào Sài Gòn làm công nhân sau khi tốt nghiệp sư phạm mầm non. Năm ngoái con trai cứng cáp, vợ chồng Dung gửi cháu về ông bà nội ở Tiền Giang, còn họ bám trụ ở thành phố. Dung nghỉ công nhân, xin làm giáo viên mầm non.

Nơi Dung làm có 5 giáo viên, hơn 60 học sinh. Cô đứng lớp trẻ mới biết đi tới dưới 3 tuổi, từ 6h30' sáng đến 5 giờ chiều. "Chăm các bé mới vào là cực nhất vì không ăn, không ngủ, đi vệ sinh không nói. Lớp của tôi thường là bé mới", Dung cho hay. 

Mỗi tháng cô nhận gần 4,5 triệu đồng bao gồm lương và bảo hiểm, cộng thêm 6-8 triệu lương công nhân may của chồng, họ mua bỉm sữa cho con và gửi ông bà cũng mất 1/3 tổng thu nhập. Chỉ còn hơn 6 triệu cho tiền trọ, ăn tiêu hai vợ chồng và thuốc thang cho bệnh tuyến giáp của Dung. Hầu như tháng nào hết tháng đó.

"Thà cứ thông báo nghỉ mấy tháng luôn để còn biết đường xin việc. Chứ nghỉ từng tuần một, cô giáo tư thục như tôi chết đói mất thôi", Dung than thở.

Sài Gòn những ngày qua nắng như đổ lửa. Không có xe, Dung không dám ra ngoài xin việc. Bước chân ra khỏi cửa thôi đã tốn tiền đi lại, khẩu trang, nước uống. Từng có lần bị lừa khi làm cộng tác viên bán hàng qua mạng, nên giờ Dung không dám bán nữa. "Chồng tôi hẹn chủ nhật này sẽ chở tôi đi kiếm việc bưng bê nào làm làm tạm", Dung nói. 

Tình cảnh của anh Đỗ Năng Thắng, 25 tuổi, giáo viên dạy cờ vua ở Hà Nội cũng chẳng khá hơn. Trung tâm của Thắng làm nằm trong khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai suốt một tháng qua không có học trò nhưng lại đông đủ các thầy. Tám người đàn ông túm tụm bên bàn cờ, 4 người đấu, 4 người xem. 

"Bình thường làm gì có cơ hội nào ngồi lại với nhau. Nhưng 3 tuần qua, gần như hôm nào cũng vậy, chúng tôi đấu cờ từ sáng tới tối", Thắng chia sẻ. Xung quanh anh, toàn là những cờ thủ có tiếng trong làng cờ vua phía Bắc. Bình thường họ dạy bộ môn này cho các trường, các trung tâm và kèm tại nhà, lịch của ai cũng kín, nay học sinh nghỉ học họ mới có cơ hội đấu với nhau. 

"Một tháng với 60 ca dạy của tôi phải cắt sạch", thầy giáo trẻ nói. Sang tuần này, một số học trò có lịch thi đấu vào hè tới, mong muốn được phụ đạo nên anh buộc phải kèm cặp. Các thầy trong trung tâm đang nghiên cứu cách dạy online để ứng phó trước tình hình nghỉ dịch có thể kéo dài.

"Mọi sinh hoạt đều phải cắt giảm", anh Thắng nói. 
Chị Minh Hà, chủ một trường mầm non tư nhân ở quận 9, TP HCM cho biết hôm 15/2 chị họp mặt với hơn 20 chủ trường khác trên địa bàn thành phố bàn hướng giải quyết khó khăn khi lịch nghỉ của học sinh liên tiếp được nối dài. Sau buổi họp, chỉ 3 trường đồng ý sẽ hỗ trợ từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng cho giáo viên.

Chị Hà cũng nhất trí hỗ trợ cho 10 giáo viên trường mình mức một triệu đồng mỗi người. Tuy nhiên, nếu tiếp tục được nghỉ hết tháng 3, chị cũng sẽ không thể cáng đáng nổi.

Khảo sát của VnExpress chục trường mầm non tư nhân ở TP HCM, Bình Dương, Thanh Hóa, Hà Nội, chỉ có 2 trường tại Bình Dương và Hà Nội có quỹ để hỗ trợ giáo viên.

Chị Lê Thị Bé Tuyết, chủ hai cơ sở mầm non với hơn 60 giáo viên Bình Dương cho biết, vẫn hỗ trợ mỗi cô 6 triệu đồng cả lương và bảo hiểm. Một số giáo viên trường của trường chị xoay sở kiếm tiền bằng nhiều cách. Có người bán quần áo online, có người bán nước nha đam, đậu đen và chị Tuyết còn hỗ trợ quảng bá.

"Nhưng tôi buộc phải ra thông báo cắt giảm biên chế phòng trường hợp nghỉ dài hạn", chị nói. Trước khi ra quyết định này chị đã tham khảo cách ứng xử của vài chủ trường tư và nhận thấy "một số trường không có khoản hỗ trợ, thậm chí nhiều trường còn chưa thanh toán lương tháng Một". 

Chị cũng liên lạc với Phòng giáo dục bày tỏ nỗi niềm: "Một bộ phận phụ huynh không có ai trông con, nên buộc họ phải gởi con ở những nơi không đảm bảo chuyên môn, vệ sinh, an toàn, phòng dịch. Trong khi những người có chuyên môn như chúng tôi khắc khoải, buồn rầu trước nguy cơ giảm biên chế người. Cớ sao nỡ để tụi nhỏ cù bất cù bơ trong khi chúng tôi thì không có việc làm..".

Trong khi cô giáo mầm non nghỉ không lương, những chủ trường tư cũng phải đối mặt với nhiều áp lực. Không có thu nhưng vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, thậm chí nhiều khoản phát sinh cho việc khử trùng, vệ sinh trường lớp...

21h30', Minh Anh và Bích Phương bán được 10 đôi giày và 6 chai nước sâm cuối cùng. Phương lẩm bẩm đếm tiền, giọng phấn khởi: "Hôm nay bán được nè, dư sức trả tiền cơm". Còn Kim Anh ngáp ngắn dài, giục bạn dọn hàng ngủ sớm để lấy sức. Bên trong, cô Nhàn vẫn còn bận canh nồi nước sâm bắt đầu sôi ùng ục cho ngày mai...

Theo Vnexpress
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.