GS trẻ nhất Việt Nam: Hãy hết mình với đam mê

Giáo sư - Tiến sĩ Sĩ Đức Quang (Khoa Toán - Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội) là một trong hai người được công nhận Giáo sư trẻ nhất năm 2019 khi anh mới 38 tuổi, là người thành danh nhờ con đường tự học, vượt lên hoàn cảnh để kiên trì theo đuổi đam mê khoa học.
GS Sĩ Đức Quang (đứng giữa) cùng với các học viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Lê Vân.
GS Sĩ Đức Quang (đứng giữa) cùng với các học viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Lê Vân.

May mắn vì được tới trường

Tôi gặp GS.TS Sĩ Đức Quang trong một buổi chiều muộn ở Khoa Toán - Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội. Với phong thái giản dị, điềm tĩnh, xuyên suốt câu chuyện, anh luôn nhắc đi nhắc lại “may mắn vì mình được đi học”.

Sĩ Đức Quang sinh năm 1981, trong gia đình có 5 anh chị em ở làng Nghi Khúc, xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Anh cũng là con duy nhất trong gia đình được đi học “đến nơi đến chốn”. GS.TS Sĩ Đức Quang không khỏi xúc động: “Tôi có chị gái thứ 2 học giỏi nhất huyện Thuận Thành. Khi biết phải bỏ học chị đã khóc rất nhiều. Gia đình chuyển lên Hoà Bình làm kinh tế, anh trai tôi học lớp 8 phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Mẹ tôi thời gian này đau yếu do bệnh tật. Anh trai tôi nói: Bằng mọi giá phải cho Quang đi học, miễn học giỏi là được””. Dù không nói ra lời, những nỗ lực của GS.TS Sĩ Đức Quang sau này cho thấy anh “không làm gia đình vất vả, không trở thành gánh nặng của gia đình”.

Sĩ Đức Quang học trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, thị xã Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình. Đạt giải học sinh giỏi toán quốc gia năm 1999 nhưng chưa một lần anh đi ôn luyện ở nhà thầy cô. Tài liệu giắt lưng của anh là chương trình cơ bản, tự đọc sách và đọc các tạp chí Toán học Tuổi trẻ, là những cuốn đi mượn.

“Khoảng thời gian tự đọc sách, đọc tạp chí này đã cho tôi nhiều hơn một kỳ thi. Ngày đó, chúng tôi chỉ biết có kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhưng không có thông tin chi tiết như: cấu trúc đề thi bao gồm những phần nào… nên chỉ biết học tất cả những thứ mình có, mượn được”, GS.TS Sĩ Đức Quang cho biết.

Toán học là lãng mạn và bay bổng

Khi còn học phổ thông, Sĩ Đức Quang thích tất cả các môn học. Toán cũng là một môn trong số đó. Nhưng phải đến học trung học, anh mới xác định con đường học toán và làm toán.

Theo GS.TS Sĩ Đức Quang, toán học không khô khan như nhiều người tưởng mà còn là sự lãng mạn và bay bổng. “Làm toán không căng thẳng mà cần đến sự sáng tạo. Không phải lúc nào vùi đầu với toán thì mới ra được hướng giải quyết mà tôi vẫn làm các công việc khác song song. Tôi thích đọc chuyện, trò chuyện, đi uống cà phê với bạn bè, chơi thể thao… Ý tưởng cho các bài toán khó thường nảy sinh trong tích tắc”, GS.TS Sĩ Đức Quang nói.

Nói đến đây, GS.TS Sĩ Đức Quang cho rằng, chính việc học văn và đam mê toán đã giúp anh hiểu được tính sáng tạo, lãng mạn trong việc làm toán. Bản thân GS.TS Sĩ Đức Quang cũng từng là học sinh giỏi văn. Kiến thức văn học những năm cấp II được anh miêu tả “nhiều tác phẩm văn học về cái đẹp, hoàn mĩ, tròn trịa với các tác giả như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu”. Anh chia sẻ: “Bản thân học được rất nhiều từ tác phẩm văn học. Học về sự trung thực, lương thiện và khí khái. Học văn vào thời điểm đó giúp hình thành nên con người tôi như bây giờ”.

Sống được nhờ làm khoa học

Nói về lựa chọn của mình, GS.TS Sĩ Đức Quang cho biết, anh quyết định vào Sư phạm là để theo đuổi đam mê học toán, nghiên cứu toán. “Bản thân mình học những gì thấy đam mê nhất. Có thể về sau không giàu nhưng chắc chắn những gì mình học được sẽ nuôi được mình”. Tuy nhiên, GS.TS Sĩ Đức Quang cũng có giai đoạn “sốc” khi đi học tiến sĩ ở Nhật về, mức lương của anh chỉ là 1,1 triệu đồng/tháng.

“Để có thể duy trì được cuộc sống, tôi đi dạy thêm hệ tại chức, từ xa. Mỗi dịp như thế mức lương trung bình cả tháng là hơn 3 triệu đồng/tháng vào năm 2010. Đó là lúc tôi cảm thấy chạnh lòng nhất”. Những lúc như thế, gặp các thầy giáo của mình, chàng tiến sĩ trẻ nhận được những lời động viên. “GS Lê Dũng Mưu là một người thầy của tôi cũng từng nói: Thầy cũng khổ lắm, lương không đủ nuôi gia đình. Vì thế bắt buộc các em phải làm nghiên cứu tốt hơn để xin được các dự án. Bằng năng lực của mình tham gia những đợt công tác chuyên môn có kinh phí. Như thế mới có thể trang trải được cuộc sống”.

Năm 2012, một tin vui đối với giới nghiên cứu toán nước nhà. Đó là Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020 và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán ra đời, với nhiều khoản tài trợ. “Sau khi có chương trình này, đời sống của người làm khoa học như tôi có nhiều hy vọng hơn. Bản thân những người làm nghiên cứu về toán có những nghiên cứu xứng đáng hơn với sự đầu tư của nhà nước. Làm sao để cộng đồng hiểu được việc học toán, nghiên cứu toán học sẽ dẫn đến khoa học kỹ thuật phát triển”, GS.TS Sĩ Đức Quang cho biết.

Nhìn nhận về giới trẻ với việc lựa chọn ngành toán, nghiên cứu toán học, GS.TS Sĩ Đức Quang cho rằng mặc dù xu thế học sinh giỏi vào ngành toán ngày càng ít đi nhưng khoa Toán vẫn đào tạo được những người theo con đường nghiên cứu toán. “Sinh viên toán áp dụng hiểu biết về khoa học công nghệ mà trước đây chúng tôi không thể áp dụng được”.

GS.TS Sĩ Đức Quang cũng lạc quan với danh sách hồ sơ chức danh Phó Giáo sư ngành toán năm nay khá đông, trên 20 người. Anh tâm sự: “Các thầy nói rằng cứ an tâm làm khoa học tốt thì sẽ sống được. Quả đúng như vậy. Giờ tôi đã có thể lo cuộc sống của bản thân một cách thoải mái và lo cho gia đình. Tôi vẫn muốn nhắc lại với các bạn rằng, khi có đam mê, tất nhiên, xác định được đam mê có ý nghĩa thì hãy làm hết sức mình, không nên vì khó khăn, hay cám dỗ mà thay đổi”, GS.TS Sĩ Đức Quang nói.

GS.TS Sĩ Đức Quang tốt nghiệp cử nhân sư phạm Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội. Được cấp bằng Thạc sĩ năm 2007, ngành Toán học, chuyên ngành: Hình học - Tôpô; Bảo vệ luận án Tiến sỹ Toán học bằng tiếng Anh tại Nhật Bản từ năm 2006 đến 2010, làm nghiên cứu tại viện Toán học Oberwolfach, Cộng hòa Liên bang Đức năm 2011, Bảo vệ luận án Habilitation à diriger des recherches tại Đại học Université de Bretagne Occidentale; Được bổ nhiệm/công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2013, ngành Toán học; Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2019. GS Sĩ Đức Quang đã công bố 39 bài báo khoa học bằng tiếng Anh, trong đó có 5 bài đăng trên tạp chí quốc gia và 34 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế (34 bài trong danh mục ISI).

Theo Báo Tin tức
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.