Lớp học đặc biệt tại chảo lửa Gaza

[Ngày Nay] - Một lớp học đặc biệt tại khu phố Shujaiya ở thành phố Gaza khiến ai từng có dịp chứng kiến cũng không thể nào quên.

Điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất chính là sự gắn bó đặc biệt giữa cô giáo Heba el-Shurafa và các học trò của mình. Vượt lên trên tình cảm thầy trò thông thường, giữa cô Heba và các em nhỏ còn là sự đồng cảm sâu sắc giữa những người đồng cảnh ngộ. Cũng như các học trò, cô Heba là người không may mắn mắc hội chứng Down. Là người sống chung với hội chứng Down, cô giáo trẻ 27 tuổi hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn mà học trò của mình phải đối mặt. Với mọi thiết bị giảng dạy có được, cô Heba tổ chức những lớp học giản đơn nhưng tràn ngập tình yêu thương và sự nhẫn nại. Cô dạy học trò môn toán, môn tiếng Arab, môn giáo dục công dân, cách nhận biết tên mình, thậm chí cả các bộ môn khoa học.

Lớp học đặc biệt tại chảo lửa Gaza ảnh 1

Cô giáo Heba el-Shurafa và các học trò của mình.

“Tôi vô cùng hạnh phúc. Lớp học này thật thoải mái và tôi yêu các học trò của mình”, cô Heba chia sẻ với một nụ cười rạng rỡ trên môi.

Sự tận tâm của cô Heba với các học trò không chỉ thể hiện trong sự quan tâm chăm sóc hàng ngày, mà còn ở sự kiên nhẫn phi thường của người giáo viên đặc biệt này. Dù mỗi bài học có khi phải giảng đi giảng lại đến hàng chục lần, cô giáo Heba không bao giờ bỏ cuộc cho tới khi mọi học sinh trong lớp đều đã hiểu bài. Đối với cô, phần thưởng vô giá là khi các học sinh đều vượt qua được thử thách của mỗi bài học và chuyển sang bài mới.

Sự động viên và khích lệ là yếu tố chủ đạo trong phương pháp giảng dạy của cô Heba. Trong lớp học của cô, luôn có kẹo bánh và những tràng pháo tay rộn rã để tặng thưởng cho những học trò có nhiều cố gắng. Lớp học của Heba cũng được trang trí ấm cúng và thân thiện với những chùm bóng bay và dây trang trí đủ màu với mong muốn trở thành một nơi mang đến những cảm xúc tích cực cho học trò của mình.

Lớp học đặc biệt tại chảo lửa Gaza ảnh 2

Kiên trì trong mỗi giờ giảng.

Tình yêu thương của gia đình

Việc Heba đi theo nghiệp sư phạm không phải là điều gây bất ngờ đối với người thân và bạn bè của cô. Từ nhỏ, Heba đã luôn là một cô bé ham học và là một học sinh nổi bật tại trung tâm giáo dục của tổ chức từ thiện có tên Quyền Được Sống hoạt động ở Gaza.

“Heba rất giỏi môn đọc hiểu, viết và đếm số. Cô ấy có thể thuộc lòng các bài thơ và trích dẫn được các nội dung trong kinh Quran”, cô ben Saied, giáo viên từng dìu dắt Heba nhớ lại. Heba cũng có năng khiếu nghệ thuật. Cô bé thường xuyên biểu diễn ca nhạc, ngâm thơ và diễn kịch trên sân khấu của nhà trường.

Nhờ tình yêu thương của gia đình và một môi trường giáo dục đầy sự khích lệ, Heba đã trưởng thành và hoàn toàn hòa nhập vào cộng đồng địa phương.

Lớp học đặc biệt tại chảo lửa Gaza ảnh 3

Trong gia đình, Heba có cuộc sống hoàn toàn bình thường như mọi người thân khác, và cô cũng là một người năng nổ khi ra ngoài xã hội. “Tôi thích đi thăm hỏi họ hàng của mình. Chúng tôi thường vui vầy bên nhau trong các dịp lễ tết. Tôi không bao giờ thấy lạc lõng giữa mọi người, vì ai cũng đều muốn nói chuyện với tôi”, Heba nói.

Mẹ của Heba, bà Nuha Abu-Shaban, vẫn nhớ như in khoảnh khắc nhận được hung tin rằng con gái mình bị mắc hội chứng Down. “Đó là lần đầu tiên tôi biết tới bệnh Down, và khi nghe bác sĩ giải thích, tôi đã khóc như mưa và vô cùng lo lắng về tương lai của con”, bà Nuha nhớ lại.

Nhưng bà Nuha đã cùng con gái đối mặt với nghịch cảnh theo cách tích cực nhất. Bà kiên trì và nhẫn nại giúp con phát triển các kỹ năng nhận thức, giao tiếp và hành vi. “Tôi trân trọng con gái mình như trân trọng một món quà tặng vô giá của Thượng đế”, bà Nuha nói. “Nuôi dạy một đứa trẻ mắc hội chứng Down không bao giờ là dễ dàng, nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ hy vọng”.

Lớp học đặc biệt tại chảo lửa Gaza ảnh 4

Những cô cậu học trò đặc biệt.

Trên hành trình trưởng thành của Heba, những thách thức là vô cùng to lớn và sự tiến triển thì đôi khi khá chậm chạp. Bà Nuha vẫn nhớ những buổi tập viết kéo dài ròng rã nhiều tiếng đồng hồ mà kết quả chỉ là một, hai dòng chữ viết ngắn ngủi.

Nhưng dù những tiến triển đạt được có chậm đến đâu, bà Nuha mong muốn những gia đình khác cũng có con mắc hội chứng Down đừng bao giờ từ bỏ niềm tin vào tương lai của con mình. “Tôi khuyến khích mọi người cha người mẹ đồng cảnh ngộ hãy luôn đồng hành cùng con mình”.

Tổ chức Quyền Được Sống

Thành lập năm 1993, tổ chức Quyền Được Sống có mục đích giúp đỡ trẻ em gặp các vấn đề rối loạn phát triển như hội chứng Down, hội chứng tự kỷ tại Gaza có thể hòa nhập với cộng đồng. Tổ chức Quyền Được Sống đang vận hành trung tâm giáo dục gồm 22 lớp học được thiết kế nhằm đáp ứng các nhu cầu tâm sinh lý đặc biệt của đối tượng trẻ em này.

Các lớp thủ công dạy nghề cũng được tích hợp vào chương trình học, với mong muốn giúp các em có nghề nghiệp và một cuộc sống độc lập sau này. Nhiều em học sinh học cách chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ tre và gỗ, trong khi những học sinh khác hứng thú hơn với việc học thêu thùa và may vá.

Bà Nabil Junied, Giám đốc tổ chức Quyền Được Sống cho biết tại khu vực dải Gaza, số trẻ em mắc hội chứng Down là khoảng 1.500 em. Quyền Được Sống đang giúp đỡ khoảng 900 em trong số này. Có 650 học sinh đang theo học thường xuyên tại trung tâm, trong khi số còn lại được hỗ trợ tại nhà.

Lớp học đặc biệt tại chảo lửa Gaza ảnh 5

Niềm vui sau giờ giảng.

“Chúng tôi trợ giúp các đối tượng trẻ em bị rối loạn phát triển trong độ tuổi từ sơ sinh đến ngoài hai mươi. Các nhóm chuyên gia của chúng tôi phối hợp để giúp các em phát huy tối đa khả năng học tập và phát triển của mình”, bà Junied cho biết.

Những phương pháp trị liệu tâm lý và hành vi tại trung tâm Quyền Được Sống giúp các học sinh phát triển trong nhiều lĩnh vực đời sống, bao gồm cả việc phát triển các kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Bà Maryam Aby Mslam, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ của tổ chức Quyền Được Sống cho biết mỗi đứa trẻ theo học tại trung tâm đều có chương trình học được thiết kế riêng biệt sau khi đã được đánh giá năng lực kỹ lưỡng và cụ thể.

“Hội chứng Down thường đi kèm với những khó khăn trong ngôn ngữ và giao tiếp. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp các em khắc phục được những khó khăn này, dù mỗi trường hợp là rất khác nhau”, bà Abu Mslam cho biết.

Tại trung tâm Quyền Được Sống, mỗi trẻ mắc hội chứng Down là một cá thể riêng biệt, có kỹ năng và khả năng phát triển không giống nhau. Khác với phần lớn bạn bè cùng cảnh ngộ tại trung tâm Quyền Được Sống, cô giáo Heba đã lựa chọn đi theo con đường học thuật và trở thành người mắc hội chứng Down đầu tiên ở dải Gaza trở thành giáo viên.

“Heba đã thành công bởi khởi đầu cô có kỹ năng khá tốt. Nhưng một điều chắc chắn là tình thương yêu của gia đình cũng như sự dìu dắt của trung tâm Quyền Được Sống đã giúp cho Heba đạt được thành công hơn những người khác”, bà Junied nói.

Với thành công của mình, Heba đã trở thành một tấm gương và một nguồn cảm hứng cho những người đồng cảnh ngộ. Từ bài học thành công của Heba, trung tâm Quyền Được Sống đã mở thêm một lớp học đặc biệt với sáu học sinh khác cũng mắc hội chứng Down. Mục tiêu của lớp học này là đào tạo cho cả sáu em trở thành giáo viên giống như Heba.

Phá bỏ các rào cản

Giám đốc Junied cho biết trong quá khứ, định kiến đã khiến cho nhiều gia đình ngần ngại khi nói về những đứa con bị mắc hội chứng Down và thường giữ chúng trong nhà, không cho tới trường. Nhưng nhờ những nỗ lực của trung tâm Quyền Được Sống cũng như những bài học thành công của các cá nhân như cô giáo Heba, định kiến và rào cản tâm lý đang dần được dỡ bỏ và ngày càng có nhiều gia đình tiếp cận tổ chức này để tìm kiếm sự giúp đỡ hơn.

Bên cạnh các chương trình học, tổ chức Quyền Được Sống cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn trao đổi thông tin để nâng cao nhận thức, định hướng cho các gia đình có con em gặp các vấn đề rối loạn phát triển đối mặt với hoàn cảnh theo cách tích cực nhất và giúp con em mình phát triển tốt nhất.

Chiến tranh và phong tỏa

Kể từ năm 2007, dải Gaza hứng chịu sự bao vây phong tỏa hà khắc của Israel. Mọi mặt đời sống của người dân Gaza bị ảnh hưởng nặng nề, và trẻ em mắc hội chứng Down cũng không phải ngoại lệ.

Trung tâm Quyền Được Sống có trụ sở tại khu dân cư Shujaiya đã chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng mà Israel tiến hành vào dải Gaza mùa hè năm 2014. Những vết đạn pháo cho đến ngay hôm nay vẫn còn hằn in trên các bức tường của trung tâm.

Quyền Được Sống cho biết, cuộc phong tỏa của Israel đã khiến tổ chức này không thể tiến hành các kế hoạch mở rộng để tiếp nhận và giúp đỡ thêm các em nhỏ khác. Những khó khăn tài chính do cuộc phong tỏa này đem lại cũng đang đẩy Quyền Được Sống vào tình trạng lao đao. Trung tâm đã buộc phải sa thải 50 nhân sự và đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.

Nhưng những giáo viên như Heba vẫn đang đối mặt với những khó khăn này một cách kiên định và dũng cảm. Cô làm mọi điều có thể để mỗi học trò của mình đều cảm thấy được quan tâm, trân trọng và bảo vệ. “Các học trò biết rằng tôi yêu thương và trân trọng từng em. Tôi hy vọng rằng các em sẽ có được cơ hội sống tự do và hạnh phúc trong chính cộng đồng của mình”, Heba chia sẻ.

Không chỉ dạy kiến thức, cô giáo Heba còn chỉ bảo cho học trò từng trò chơi, cách ứng xử trong cuộc sống.

Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.
Hai bộ xương cá Voi có chiều dài trên 22m và 18m được phục dựng phục vụ du khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.
Ngọc cốt cá Voi lớn nhất Việt Nam ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
(Ngày Nay) - Ngư dân vùng biển Việt Nam nói chung, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng có văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) nhằm cảm tạ và cầu mong cho người dân huyện đảo bình an trước sóng gió trùng khơi, khai thác được nhiều sản vật từ biển. Cũng vì vậy mà ở đảo Lý Sơn đang có hàng chục lăng mộ thờ cá Ông.