'Nóng' triết lý giáo dục khi thảo luận Luật Giáo dục (sửa đổi)

Trong phiên Quốc hội thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 15/11, nhiều nội dung của ngành giáo dục đã được các đại biểu Quốc hội đề cập tới như triết lý giáo dục, chuẩn giáo viên, xã hội hóa giáo dục, liên thông giữa các cấp học…
'Nóng' triết lý giáo dục khi thảo luận Luật Giáo dục (sửa đổi)

Luật phải rõ triết lý giáo dục

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): Triết lý giáo dục được xem là “kim chỉ nam” trong toàn bộ hoạt động giáo dục, được xây dựng trên 4 trụ cột chính là đối tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục.

Đất nước Phần Lan có triết lý giáo dục “phải có niềm tin vào con người”; Singapore với nền tảng “trường học tư duy, quốc gia học tập”; Nhật Bản vận hành theo triết lý “một người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”... Trên nền tảng đó, những cơ chế, chính sách giáo dục được ban hành nhằm thỏa mãn các điều kiện của 4 trụ cột. Vì vậy, nền giáo dục của các quốc gia trên đạt trình độ phát triển, được cả thế giới thừa nhận.

“Không quá khó để tìm một câu khẩu hiệu trong các trường học hiện nay, nhưng trong hàng chục khẩu hiệu được quy định bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có khẩu hiệu nào đủ cô đọng, khái quát ở tầm tư tưởng để định hướng triết lý giáo dục ở Việt Nam”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

Khi so sánh mục tiêu, nội dung và phương pháp của Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này với Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua cách đây 20 năm, thậm chí đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng dường như không thay đổi gì nhiều.

“Đành rằng các giá trị được xem là phổ quát phải được gìn giữ, nhưng trong từng thời kỳ phát triển khác nhau, yêu cầu khác nhau đòi hỏi những trụ cột của triết lý phải được vận hành theo hướng đổi mới để phù hợp với thời cuộc”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, một trong những mục tiêu của giáo dục là hội nhập quốc tế nhưng toàn bộ Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) không có bất cứ điều khoản nào quy định ngoại ngữ là một công cụ bắt buộc, hình thành nền tảng cơ bản nhất cho hội nhập.

Từ những phân tích trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh: “Triết lý giáo dục phải được nêu rõ ràng trong Luật Giáo dục. Một nền giáo dục thiếu triết lý như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường. Quốc hội đã quyết tâm cho một lần sửa đổi Luật Giáo dục toàn diện thì cũng cần thêm một lần mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn điều kiện và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".

Thực hiện hiệu quả xã hội hóa giáo dục

Bên cạnh vấn đề triết lý giáo dục, xã hội hóa giáo dục hay giáo dục mầm non cũng là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An): Hiện nay, ngân sách nhà nước luôn giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế.

Thời gian qua, một trong những thay đổi trong chính sách đầu tư cho giáo dục là bỏ quy định đóng góp quỹ xây dựng trường bắt buộc và thay bằng chủ trương xã hội hóa giáo dục. Khi thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, trách nhiệm của xã hội về sự nghiệp giáo dục tăng lên, huy động được nhiều tập thể, cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục, huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất của nhà trường.

Tuy nhiên, thực tế bên cạnh những mặt tích cực thì hoạt động này cũng biểu hiện nhiều điểm đáng băn khoăn vì quan điểm và quá trình triển khai xã hội hóa giáo dục tại một số địa phương vẫn còn nhiều ý kiến và cách làm khác nhau, nhất là tình trạng lạm thu trong trường học đầu năm học mới vẫn xảy ra ở một số địa phương. Điều này gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và dư luận xã hội dù cơ quan quản lý và cơ quan chức năng đã vào cuộc, có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và có những hình thức kỷ luật.

Qua phản ánh của cử tri cho thấy, vẫn có hiện tượng cào bằng trong xã hội hóa giáo dục, có tình trạng chênh lệch giữa các vùng miền. Do vậy, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật quy định để điều chỉnh sự chênh lệch trong thực hiện xã hội hóa giáo dục giữa các vùng, các miền; đồng thời xây dựng các chế tài, cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn thu và sử dụng nguồn lực xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục trong thời gian tới…

Liên quan tới nội dung giáo dục mầm non, nhiều đại biểu đánh giá: Giáo dục mầm non đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, do vậy cần quan tâm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Điều 21 Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.

Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng): Việc xác định như trên là chưa đầy đủ, cần phải bổ sung thêm việc bảo vệ đối với trẻ em mầm non, đặc biệt là đối với nhóm trẻ ở độ tuổi từ 3 tháng đến 3 tuổi.

“Những năm gần đây, tình trạng bạo lực xảy ra đối với trẻ em mầm non ngày càng nhiều, có những sự việc khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Giáo dục mầm non là nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phải đi đôi với việc bảo vệ trẻ em, không bảo vệ được trẻ em là một thất bại lớn của ngành giáo dục, xã hội”, đại biểu Ngô Thị Kim Yến nói.

Xung quanh vấn đề giáo dục mầm non, đại biểu Quốc hội Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu về việc miễn học phí cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi, nhất là trẻ em tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn…

Sau khi nghe thảo luận của các đại biểu quốc hội, thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận để thể hiện rõ hơn quan điểm của Nghị quyết 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng như cập nhật tinh thần các Nghị quyết của Trung ương gần đây nói về giáo dục đào tạo và giáo dục đại học.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, thời gian tới, cần rà soát để cụ thể hơn các vấn đề mà xã hội đang bức xúc, gây nút thắt trong phát triển giáo dục, từ đó lựa chọn, xác định rõ những gì cụ thể được thì cụ thể ngay trong Luật để khi triển khai không cần đợi văn bản hướng dẫn, đảm bảo luật đi vào cuộc sống.

“Một số vấn đề lớn cần nghiên cứu thấu đáo trong đánh giá tác động như nâng chuẩn giáo viên mầm non, xã hội hóa giáo dục… Bên cạnh đó, cũng có những vấn đề cần nghiên cứu thấu đáo để tạo đồng thuận cao trong xã hội như vấn đề triết lý giáo dục. Chúng tôi đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia nghiên cứu cẩn thận để tạo ra sự thống nhất cao về triết lý giáo dục, có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Theo Báo Hải quan
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.