Sai phạm chưa hồi kết tại ĐH Luật TP.HCM - bài 3: ‘Tất cả đều đúng quy trình’

(Ngày Nay) - Về việc một số thành viên Hội đồng trường vướng nhiều “lùm xùm”, nghi vấn chưa đủ uy tín để đảm nhiệm vị trí quan trọng này, Trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, đã thực hiện đầy đủ quy trình thành lập Hội đồng trường; dù có người không hài lòng, nhưng kết quả bầu của hội nghị là có giá trị cao nhất.

Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng, đã thực hiện đầy đủ quy trình thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định pháp luật. Ảnh: Ngọc Giàu
Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng, đã thực hiện đầy đủ quy trình thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định pháp luật. Ảnh: Ngọc Giàu
Việc thành lập Hội đồng trường là đầy đủ quy trình
Mới đây, Trường ĐH Luật TP.HCM đã phản hồi thông tin về loạt bài “Sai phạm chưa hồi kết tại ĐH Luật TP.HCM”. Ông Đoàn Xuân Quang - Phó trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, thay lời phó hiệu trưởng trường gửi công văn phản hồi cho Ngày Nay. Về vấn đề bà Lê Thị Hoài An đang thi hành kỷ luật khiển trách, vẫn được trúng cử vào Hội đồng trường nhiệm kì 2020 - 2025, ĐH Luật TP.HCM cho rằng, đã thực hiện đầy đủ quy trình thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định tại Luật Giáo dục đại học, Nghị định 99/2019/NĐ-CP.
Ông Đoàn Xuân Quang cho biết: “Mặc dù đang bị kỷ luật khiển trách nhưng bà An vẫn đủ uy tín. Và được Hội nghị đại biểu bầu thành viên Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 của trường bầu trúng cử, vậy không thể nói bà An chưa xứng đáng, có chăng có một số người không hài lòng nhưng kết quả bầu của hội nghị là có giá trị cao nhất. Mặc khác, theo quy định pháp luật hiện hành thì không có quy định rằng người đang bị kỷ luật khiển trách không được tham gia vào tổ chức Hội đồng trường”.
Sai phạm chưa hồi kết tại ĐH Luật TP.HCM - bài 3: ‘Tất cả đều đúng quy trình’ ảnh 1
Trường ĐH Luật là một trong hai trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, là trung tâm nghiên cứu pháp luật lớn nhất nước. Ảnh: Ngọc Giàu
Về việc ông Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 lại vướng “lùm xùm” đạo văn nhiều lần, đại diện Trường ĐH Luật cho biết: “Đối với việc liên quan đến vấn đề “đạo văn” như báo đề cập, vào năm 2012 đã có những kết luận không có sự liên quan đến ông Nhiêm. Đối với giáo trình “Luật Hiến pháp” năm 2017, với vai trò là chủ biên thì đã xác định đây thuộc về lỗi kỹ thuật liên quan đến tên tác giả. Sau đó đã có đính chính lại tên tác giả đối với từng chương cụ thể của giáo trình này". Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ông Vũ Văn Nhiêm với vai trò là chủ biên của các cuốn sách đã nêu, dù không “trực tiếp đạo văn” vẫn được coi là chưa hoàn thành tốt trách nhiệm chủ biên của mình.
Về nghi vấn uy tín của ông Vũ Văn Nhiêm khi đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, Trường ĐH Luật TP.HCM thông tin: “PGS.TS Vũ Văn Nhiêm đã được Hội nghị đại biểu bầu thành viên Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 - 2025, với gần 200 người được triệu tập bầu cử. Ông Vũ Văn Nhiêm trúng cử là thành viên của Hội đồng trường, được Hội đồng trường phiên thứ nhất bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định công nhận. Quy trình thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành, có sự giám sát, chỉ đạo của cấp trên đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ. Điều này khẳng định PGS.TS Vũ Văn Nhiêm đủ uy tín và năng lực đảm nhiệm chức vụ trên”.
Không ảnh hưởng đến uy tín của trường
Chúng tôi cũng nhận được thông tin phản ánh từ các giảng viên của Trường Đại học Luật TP.HCM về việc xử lý kỷ luật khiển trách bà Mai Thị Thu Trang, có sai phạm về hành chính. Một số giảng viên cho rằng mức xử lý này là quá nhẹ so với việc lập tài khoản cá nhân để thu tiền học phí.
Về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Luật TP.HCM phản hồi: “Việc xử lý sai phạm của bất kỳ một viên chức nào của trường cũng là điều không ai mong muốn". Tuy nhiên, ai sai phạm đến đâu thì xử lý với hình thức kỷ luật xứng đáng với hành vi sai phạm đó theo đúng quy định pháp luật về xử lý kỷ luật viên chức. Đối với việc xử lý kỷ luật bà Mai Quốc Thu Trang, phó hiệu trưởng phụ trách ban hành Quyết định hình thức kỷ luật trên cơ sở xem xét một cách toàn diện kiến nghị của từng Hội đồng kỷ luật đối với bà Trang.
Sai phạm chưa hồi kết tại ĐH Luật TP.HCM - bài 3: ‘Tất cả đều đúng quy trình’ ảnh 2

Những “lùm xùm” chưa hồi kết tại ĐH Luật TP.HCM khiến nhiều người cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển của nhà trường. Ảnh: Ngọc Giàu

Như chúng tôi đã đưa tin, từ cuối năm 2017, một số giảng viên tại Trường Đại học Luật TP.HCM liên tục có đơn tố cáo các lãnh đạo, viên chức của trường này có sai phạm. Bộ GD&ĐT tạo đã nhiều lần thanh tra, ban hành nhiều kết luận và đề nghị xử lý. Nhưng việc xử lý sai phạm của lãnh đạo, viên chức tại ĐH Luật TP.HCM khiến nhiều giảng viên cho rằng “có sự bao che, tiếp tay sai phạm”.
Đồng thời, cùng với một số vướng mắc khác, các giảng viên lại liên tục gửi đơn tố cáo, kiến nghị đến nhiều cấp. Việc kiến nghị, tố cáo, thanh tra, kết luận thanh tra, xử lý sai phạm,… đã gắn liền với ĐH Luật TP.HCM hàng mấy năm nay vẫn chưa có hồi kết. Điều này khiến nhiều người cho rằng, sẽ ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển bền vững của trường.
Đại diện cho Trường ĐH Luật TP.HCM, ông Đoàn Xuân Quang cho biết: “Nhà trường cho rằng hoạt động thanh tra là hoạt động mang tính thường xuyên của cơ quan quản lý cấp trên để các đơn vị xem xét lại các hoạt động, chấn chỉnh những sai sót (nếu có) để đảm bảo sự phát triển. Điều này không ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững cũng như hoạt động thường xuyên của nhà trường. Trường Đại học Luật TP.HCM vẫn là một trong hai trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, là trung tâm nghiên cứu pháp luật lớn nhất nước, là ngôi trường đã cho ra hàng chục ngàn sinh viên, học viên hiện vẫn đang cống hiến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống”.
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.