Tú tài Trung Quốc vỡ mộng trước giảng đường đại học

(Ngày Nay) - Mặc cho việc sinh trưởng tại một vùng nông thôn gần biên giới Việt-Trung, Alex Tang là một học sinh với thành tích đáng kinh ngạc, đứng đầu nhiều bảng xếp hạng và đã giành được nhiều giải thưởng lớn.
Tú tài Trung Quốc vỡ mộng trước giảng đường đại học

"Tú tài miền quê"

Vào năm 2012, Tang trở thành học sinh có thành tích cao nhất trong kỳ thi đại học quốc gia tại địa phương của mình. Cũng nhờ đó mà cô đã nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học Phúc Đán danh giá ở thành phố Thượng Hải.

Suốt kỳ nghỉ hè năm đó, Tang hân hoan trước thành tích mà mình đã đạt được, cũng như những lời chúc mừng của gia đình và bạn bè. Cô tân sinh viên lúc đó đã liệu trù những kịch bản tốt đẹp nhất cho tương lai phía trước của mình. 

Cuối cùng, tháng 9 tới, tân sinh viên từ mọi miền của Trung Quốc kéo tới các thành phố lớn ở phía Đông để bắt đầu cuộc sống mới của mình.

Chỉ trong một vài tuần lễ, Tang đã cảm thấy lạc lõng.

Với cô tân sinh viên khi đó, Thượng Hải hiển hiện như một đô thị kỳ lạ. Tang choáng ngợp trước lối sống vội vãn của đô thị; cô không biết bắt tàu điện, chưa từng ăn bánh trứng, và những phòng triển lãm hàn lâm thì trưng bày những tác phẩm nghệ thuật vượt ngoài tầm hiểu biết của cô tân sinh viên.

Quan trọng hơn cả, Tang cảm thấy rất khó để hòa nhập với các bạn học của mình - những người hầu hết sinh trưởng từ các thành phố lớn của Trung Quốc.

"Có một khoảng cách về nhận thức rất lớn giữa tôi khi đó và những đứa trẻ thành thị," Tang chia sẻ. "Thật khó để chấp nhận nhiều thứ."

Mặc dù giờ cô đã 26 tuổi, Tang vẫn cảm thấy rằng 4 năm học tại Phúc Đán đã làm tổn thương lòng tự trọng của mình, mặc cho những trải nghiệm phong phú mà khoảng thời gian đó đã mang lại. Thế nhưng, ít nhất thì Tang đã nhận ra một điều quan trọng: Cô không hề đơn độc.

Trong tháng 5 vừa rồi, Tang đã gặp gỡ với nhiều cư dân mạng trên nền tảng mạng xã hội Douban của Trung Quốc và thành lập một nhóm có tên "tú tài miền quê". Cũng như cô, những người trong nhóm đều từng là sinh viên từ vùng nông thôn của Trung Quốc, bằng sức học của mình mà giành được vị trí thủ khoa, á khoa tại các trường đại học danh giá. 

Tất cả bọn họ đều dễ dàng đồng cảm được với nhau khi được nghe chia sẻ về những câu chuyện trong quá khứ.

Cụm từ "tú tài miền quê" đã được phổ biến bởi một người dùng mạng Douban, anh đã chia sẻ "hành trình tinh thần" của một người từ top bảng trường trung học tới "kẻ thua cuộc" tại trường đại học. Sau khi dành cả tuổi thơ của mình để luyện thi, chàng trai trẻ lại chật vật với cuộc sống đại học - nơi mà việc quen biết đúng người quan trọng hơn cả điểm số - và cảm thấy "vô vọng".

Sau cùng, người này gượng gạo chia sẻ rằng anh đã quyết định theo đuổi một vị trí trong hệ thống hành chính của Trung Quốc - nơi mà các ứng cử viên được tuyển chọn qua một bài kiểm tra cực kỳ khó nhằn.

“Đó là số phận của những tú tài miền quê,” anh viết.

Nhiều sinh viên tới từ các tỉnh ngoài tại Trung Quốc đã chia sẻ những câu chuyện tương tự trong thời gần đây, biến một góc nhỏ của mạng xã hội trở thành một nơi “trú ẩn” dành cho các “tú tài.” Một nhóm có tên “Những kẻ thua cuộc từ 985 trường đại học” đã thu hút 1000 người tham gia kể từ khi được thành lập vào hồi tháng 5.

Sự nổi lên của các cộng đồng mạng như vậy đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ, làm rúng động nền học thuật của Trung Quốc. Có một sự thật rằng, không chỉ những sinh viên như Tang đã phải chịu nhiều uất ức vì xuất thân của mình, mà đang tồn tại một lỗ hổng phân biệt khá ngặt nghèo đang ngăn cách các đô thị giàu có và miền nông thôn vốn còn đang nhiều khó khăn của Trung Quốc.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục tại các vùng, khoảng cách giữa đô thị và nông thôn vẫn là rất lớn. Một nghiên cứu vào tháng 4 vừa qua cho thấy, khoảng 2/3 học sinh tại các đô thị vào những năm 1990 đỗ được vào các trường đại học, trong khi đó chỉ 1/3 số học sinh tại nông thôn chạm được tới ngưỡng cửa này.

Tú tài Trung Quốc vỡ mộng trước giảng đường đại học ảnh 1

Việc những cái nhãn như “tú tài miền quê” được ra đời cũng đủ để thấy rằng đặc quyền của những đứa trẻ thành thị vượt xa khỏi điểm số thi cử. Kể cả khi học sinh từ các miền quê có thể đỗ vào các trường đại học lớn, họ thường vướng phải một rào cản vô hình trước những cơ hội trong tương lai. 

Mặc dù đã tốt nghiệp hơn một thập kỷ trước, Rebecca vẫn cảm thấy choáng váng khi tìm được những bài đăng về “tú tài miền quê” trên Douban.

“Đó đúng là tình trạng mà tôi đã phải trải qua,” người phụ nữ 30 tuổi trả lời. “Bài đăng đã nắm bắt được tất cả những cảm xúc trái ngược mà tôi đã trải qua trong những năm đại học - một thứ cảm xúc xen lẫn giữa việc đứng trên tất cả và việc bị thụt xuống dưới đáy.”

"Tôi luôn cảm thấy tự ti"

Sinh trưởng tại một vùng sâu vùng xa ở phía nam tỉnh Quảng Đông, Rebecca - người đã yêu cầu được sử dụng tên giả - đã không có nhìn góc nhìn về cuộc sống thành thị. Như bao đứa trẻ Trung Quốc khác tại các vùng quê, cô tin rằng học là cách duy nhất để thoát khỏi cảnh nghèo khó.

“Tôi đã hoàn toàn bị ám ảnh bởi điểm số và thi cử, và đó đã là tất cả những gì mà tôi có,” Rebecca nói. “Cứ khi nào thứ hạng của mình được cải thiện, tôi đã thấy sướng rơn rồi.”

Ngược lại, nếu như điểm số bị rớt xuống, cô sẽ cảm thấy rất đau đớn, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Rebecca nhớ rằng mình đã ghi trong nhật ký rằng: “Tôi đi chết đây.”

Bằng sự tập trung cao độ như vậy, Rebecca đã lọt vào top 200 trên 240.000 thí sinh tham gia vào kỳ thi mỹ thuật tại tỉnh Quảng Đông, đồng thời giành đươc một ghế trong một trường đại học danh giá ở phía nam Trung Quốc.

Khi bước vào ngưỡng cửa đại học, Rebecca mới nhận ra một sự thật đau long: Trong khi cô đang tập trung toàn lực cho kỳ thi xét tuyển, hết thảy những bạn bè đồng trang lứa khác đã chuẩn bị cho sự nghiệp đằng sau các kỳ thi quan trọng.

“Không như môi trường trung học, đại học là điểm chuyển tiếp với cuộc sống trưởng thành ngoài xã hội: Trí tuệ, khả năng hợp tác, và thậm chí là cả bề ngoài đều là những nấc thang đánh giá bạn,” Rebecca chia sẻ. “Và so với việc thi cử, chẳng dễ dàng gì có thể cải thiện các khía cạnh đó.”

Vào năm thứ hai, Rebecca đã không thể gia nhập hội học sinh của trường. Trong lúc đó, cô nhớ rằng mình đã cảm thấy thế giới như sắp sụp đổ, cũng như hoàn toàn bất lực trước những đối thủ trên cơ của mình. Cô tân sinh viên khi đó chẳng có chút kinh nghiệm nào trong việc tổ chức các sự kiện lớn của nhà trường.

“Những đứa trẻ thành thị rất biết cách trò chuyện và tạo mối quan hệ,” cô nói.

Liu Haifeng, một giáo sư mỹ thuật tại trường Đại học Chiết Giang, chia sẻ ông có thể dễ dàng nhận thấy được sự khác biệt giữa xuất thân của sinh viên. Những sinh viên tới từ các gia đình trung lưu đã đi du lịch nước ngoài và học cách tạo dựng các mối quan hệ từ rất sớm, số còn lại hoàn toàn tập trung vào chuyện thi cử.

“Khoảng cách này không phải là về mặt nhận thức, mà là về trải nghiệm xã hội,” ông Liu nói. “Xuất thân gia đình, nền tảng văn hóa đóng vai trò rất quan trọng. Và khi mà sinh viên bước vào một môi trường đề cao sự độc lập và chủ động như đại học, hạn chế của các ‘chuyên gia thi cử’ mới bắt đầu lộ rõ.”

Đối với Tang, các tiết học mới là điều khiến cô thực sự choáng váng. Cô có thể dễ dàng học cách yêu món bánh trứng và nghệ thuật ấn tượng, nhưng việc sử dụng hiệu quả các trang tìm kiếm và chuẩn bị bài thuyết trình đã thực sự là một thử thách.

Khoảnh khắc xấu hổ nhất đối với Tang, có lẽ là tiết học tiếng Anh đầu tiên tại trường đại học. Tại trường trung học, tiếng Anh là môn cô giỏi nhất, thế nhưng tại Phúc Đán, Tang chỉ im lặng ngồi nhìn các bạn cùng lớp trò chuyện một cách lưu loát với giảng viên.

“Tôi đã rất tự hào về vốn tiếng Anh của mình và luôn giành được điểm tối đa trong các kỳ thi,” Tang chia sẻ. “Vậy nên tôi đã cảm thấy vô cùng bất lực khi nhận ra mình chẳng có gì đặc biệt.”

Những điều trên đã giúp Tang nhận ra rằng điểm số chẳng thể đảm bảo thành công trong cuộc sống. Sau khi kết thúc chương trình cử nhân, Tang cùng với 2 người bạn khác trong lớp đã quyết định chuyển sang học thạc sĩ Triết học. Nhưng để có thể làm thế, cô cùng những người bạn của mình phải xây dựng mối quan hệ với các giảng viên của khoa Triết.

Trong nhiều tuần liền, Tang đã tham gia các bài giảng triết học. Thế nhưng mỗi lần, cô đều không dám trò chuyện với các giảng viên và rời khỏi lớp với một sự im lặng đầy cam chịu. Trong thực tế, Tang đã không thể có được một chỗ trong hệ thống.

“Nhiều mối quan hệ đồng nghĩa với nhiều cơ hội.” Tang nói. “Dù biết là như vậy, nhưng tôi vẫn chẳng dám làm gì. Tôi chỉ cảm thấy tự ti.”

Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2018 bởi tổ chức tư vấn giáo dục Mycos, sinh viên tốt nghiệp có xuất thân từ vùng nông thôn có thu nhập trung bình 4.496 tệ hàng tháng - thấp hơn 287 tệ so với các sinh viên tốt nghiệp có xuất thân từ thành thị.

Tuy nhiên, nói dễ hơn làm, việc xóa bỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành là một nhiệm vụ rất khó khăn. Nhiều người Trung Quốc lên tiếng chê trách hệ thống thi cử đại học tạo ra văn hóa thi cử trọng thành tích, thế nhưng đối với Tang, kỳ thi này đã giúp cô có được cơ hội học tập tại Thượng Hải.

“Dẫu vậy, kỳ thi đầu vào cũng giống như một miếng gạc phủ lên vết thương thực tế thay vì chữa lành nó hoàn toàn. Tồn tại sự bất cân bằng giữa nguồn lực giáo dục giữa nông thôn và thành thị,” Tang cho hay.

Khoảng cách giữa nguồn lực giáo dục giữa các vùng miền là rất lớn. Trong một báo cáo được thực hiện năm 2016, 70% trẻ mẫu giáo Trung Quốc được cho là sống tại vùng nông thôn, song lại chỉ nhận được 50% khoản đầu tư giáo dục của chính phủ. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, tại vùng nông thôn chỉ dưới 79% giáo viên là có bằng cử nhân trong các lĩnh vực sư phạm, trong khi con số đó lên tới 90% tại các thành thị.

Giáo sư Liu cho rằng chính phủ Trung Quốc cần đầu tư thêm vào giáo dục tại các vùng nông thôn, và thu hút thêm nhiều giáo viên được đào tạo bài bản tới làm việc tại các khu vực này. Trong lúc đó, các trường học cần tập trung vào việc chuẩn bị tinh thần cho học sinh trước ngưỡng cửa đại học.

“Giáo viên cần làm công tác tư tưởng cho các em học sinh,” ông Liu cho hay. “Nếu không, giai đoạn chuyển tiếp khó khăn này có thể để lại những chấn động tâm lý tiêu cực nơi các em.”

Rebecca chia sẻ cô đã phải mất tới 2 năm để có thể thoát khỏi cơn sốc đại học của một cô tân sinh viên tới từ nông thôn.

Sau cùng, cô đã học cách tận dụng những lợi thế của mình. Chấp nhận bản tính rụt rè của mình, Rebecca quyết định đầu tư vào sự nghiệp tài chính - một lĩnh vực đòi hỏi sự cần mẫn và cách tiếp cận thực dụng. Cô đã giành được một tấm bằng kế toán và hoàn thành quá trình thực tập tại một công ty tài chính.

“Tôi đã tập trung hoàn thành từng công việc một, hệt như hồi thi đại học,” cô chia sẻ.

Rebecca giờ đang là quản lý phòng tài chính tại công ty Fortune 500, đó là một thành tích đáng ngưỡng mộ. Không như nhiều người khác, không xuất thân từ gia đình có điều kiện, cô đã phải tận dụng những kỹ năng của một “chuyên gia thi cử” và đưa ra lựa chọn cho riêng mình.

Theo Sixth Tone
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy tỷ lệ sinh ở Australia hiện thấp gần như ở mức kỷ lục, cho dù nước này đã áp dụng chính sách “tiền thưởng sinh con” từ cách đây 20 năm (2004) để khuyến khích người dân sinh con nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số. Các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, hệ thống y tế và bản sắc văn hóa của đất nước.
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi đang trở nên đáng báo động với các nước Zambia, Zimbabwe và Malawi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát nguy hiểm nhất ở châu lục trong ít nhất một thập kỷ này, nhất là trong bối cảnh kho dự trữ vaccine phòng tả toàn cầu đã cạn kiệt.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài và Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà tham gia buổi giao lưu, tọa đàm.
70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 16/4, tại Hà Nội, Thư viện Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức giao lưu, tọa đàm với chủ đề “70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên”.
Ảnh minh hoạ.
Xác thực trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư
(Ngày Nay) - Thông tin về triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, đến nay, trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 87,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của đồng bào dân tộc Mường (Nho Quan, Ninh Bình) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
(Ngày Nay) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà tại Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai 2023.
Nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra tại Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024
(Ngày Nay) - Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024 bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phong phú, đa dạng, như: Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống thi leo cột chinh phục tình yêu, đánh yến, trình diễn thổi khèn Mông, múa nhảy lửa, múa trống đồng; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng...
Ảnh minh hoạ.
Thêm một cây xanh – thêm một hành động bảo vệ môi trường
(Ngày Nay) - Triển khai Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giao cho các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức trồng cây phục hồi hệ sinh thái rừng, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn, rừng cây chắn sóng… với số lượng cây dự kiến trên 250.000 cây.