Hành trình đạp xe 3.700 km đến Việt Nam của nhóm sinh viên Singapore

Các bạn trẻ đã tự trang bị xe đạp, mỗi người mang theo khoảng 20 - 30 kg hành lý, trong đó chứa các đồ dùng cần thiết như túi ngủ, đồ nấu nướng, thức ăn, quần áo, đồ sửa xe, thiết bị liên lạc...Khởi hành từ Singapre ngày 15/5, cả nhóm đạp xe đến Malaysia, sang Thái Lan, Lào và đến Hà Nội với chặng đường trung bình mỗi ngày là 70 km.
Hành trình đạp xe 3.700 km đến Việt Nam của nhóm sinh viên Singapore
Nhóm 4 sinh viên quốc tế tại Đại học Yale - Nus (Singapore) đã trải nghiệm cuộc sống bằng cách đạp xe qua 4 nước Đông Nam Á với chặng đường 3.700 km trong 2 tháng nghỉ hè.

Hai bạn trẻ người Singapore là Marcus Koe (22 tuổi) và Daniel Soo (22 tuổi) cùng Kei Franklin (21 tuổi, người Mỹ), Anshuman Mohan (19 tuổi, người Ấn Độ) vốn chơi thân nhau ở trong trường Yale - Nus.

Trước mùa hè, cả nhóm đã nảy ra ý định cùng nhau khám phá các nước Đông Nam Á và họ cùng viết một đề án du lịch bằng xe đạp. Đề án này đã giành giải thưởng 8.000 Singapore Dollar (tương đương 134 triệu đồng) từ Hội du lịch của trường. Đây là một phần chi phí đã giúp các bạn trẻ thực hiện chuyến đi của mình.

"Cả nhóm chỉ có Kei Franklin (người Mỹ) đã từng đạp xe xuyên nước Mỹ, còn chúng tôi chưa bao giờ đạp xe trên một hành trình dài", Marus chia sẻ. Do vậy, các bạn trẻ khá lo lắng trước chuyến đi, họ cùng lên kế hoạch chi tiết và nhờ các giáo viên trong trường hướng dẫn cách tiếp cận với người dân nông thôn, thậm chí nhờ một giáo sư người Mỹ biết tiếng Thái Lan đã viết một tấm bảng xin ngủ nhờ bằng tiếng Thái để mang theo.

Hành trình đạp xe 3.700 km đến Việt Nam của nhóm sinh viên Singapore - anh 1

Nhóm sinh viên trên chặng đường đến Hà Nội. Ảnh: NVCC

Các bạn trẻ đã tự trang bị xe đạp, mỗi người mang theo khoảng 20 - 30 kg hành lý, trong đó chứa các đồ dùng cần thiết như túi ngủ, đồ nấu nướng, thức ăn, quần áo, đồ sửa xe, thiết bị liên lạc...Khởi hành từ Singapre ngày 15/5, cả nhóm đạp xe đến Malaysia, sang Thái Lan, Lào và đến Hà Nội với chặng đường trung bình mỗi ngày là 70 km.
Qua các chặng đường, các bạn trẻ cho biết, đạp xe giúp cả nhóm thưởng ngoạn phong cảnh đầy đủ hơn và dễ dàng giao tiếp với người dân trên đường đi. Họ thấy những đổi thay của từng đất nước, những khác biệt từ thành phố tới nông thôn, so sánh cuộc sống của những người địa phương trong Đông Nam Á và Singapore.
Daniel Soo nhận xét, chúng tôi lớn lên ở Singapore, đất nước rất nhỏ chỉ dài 40 km, còn các nước khác thật lớn, có phong cảnh thiên nhiên thật đẹp, nhất là phong cảnh trên những ngọn núi lớn ở Lào, Việt Nam.
Chuyến đi đã mang lại cho họ khá nhiều trải nghiệm lý thú. Cậu thanh niên người Ấn Độ Anshuman Mohan kể, trên chặng đường ở Surat Thani (miền nam Thái Lan), cả nhóm bị lạc đường khi thấy con đường rất heo hút và toàn đá lởm chởm. Tuy nhiên, cả nhóm vẫn kiên trì đạp xe và may mắn họ gặp một người dân địa phương có xe ôtô chở cả nhóm lên xe đưa về nhà cho nghỉ ngơi, ăn uống 2 ngày.
Cô gái người Mỹ Kei Franklin cũng nhớ lại những ngày ở miền nam Thái, khi cả nhóm đang nghỉ ngơi trên đường vì trời nóng, thì một phụ nữ Thái đang bế con lại gần thăm hỏi và mời họ về chơi. Cả nhóm đã nhận lời đến thăm và ở lại 2 ngày trong gia đình, họ được đi thăm vườn sầu riêng, vườn dừa, ra biển đánh cá... Có rất nhiều trải nghiệm lý thú.

Tuy nhiên, lịch trình của họ cũng bị gián đoạn do những tai nạn như Marus bị ngã tại Thái Lan nên không thể đạp xe suốt 5 ngày, Anshuman bị ốm nên phải nghỉ ngơi 3 ngày và thi thoảng những chiếc xe đạp bị hỏng.

Hành trình đạp xe 3.700 km đến Việt Nam của nhóm sinh viên Singapore - anh 2

Nhóm bạn trẻ trải nghiệm qua những vùng nông thôn các nước Đông Nam Á hơn ở thành phố. Ảnh: NVCC

Nhóm sinh viên chi tiêu dè xẻn khoảng 30 USD mỗi ngày. Để tiết kiệm chi phí, họ thường kêu gọi sự giúp đỡ của dân địa phương hoặc ngủ nhờ trong chùa. Hầu hết thời gian ở Thái Lan, cả nhóm ở trong chùa. Họ mang theo bản giới thiệu bằng tiếng Thái để tự giới thiệu về bản thân và thường được các nhà chùa cho ngủ miễn phí và được nghe nhà sư nói chuyện, trải nghiệm cuộc sống trong chùa.
Cả nhóm cũng trải qua không ít chặng đường khó khăn, vượt qua nhiều ngọn núi cao từ Thái Lan đến Luang Phabang (Lào) hay từ Lào đến Việt Nam. Trên ngọn núi gần Luang Phabang, chỉ 3h chiều song mây đã bao phủ cả ngọn núi khiến nhóm bạn trẻ phải mò mẫm đi trong mây, sương bám khắp người, đạp xe suốt 12 giờ mà không mua được thức ăn bên đường, chỉ có đồ khô mang theo, họ cũng không thể đi nhờ xe ôtô vì con đường rất hẻo lánh.
"Có những lúc tôi muốn bỏ cuộc vì có những chặng đường núi toàn dốc đá, khiến tôi rất mệt mỏi", Daniel Soo nói và cho hay, cậu có thể đạp xe lên cao song xuống núi thì rất sợ, nên các bạn thường phải chờ đợi cậu.
Từ Lào, nhóm sinh viên đi qua Hà Tĩnh theo đường Hồ Chí Minh đến Thanh Hóa, ra Hà Nội. Họ cũng có những trải nghiệm rất ấn tượng ở Việt Nam khi gặp nhiều người dân thân thiện. Dừng chân ở Đô Lương, Nghệ An, nhóm bạn được tặng nước và bánh đa, trong khi họ phải giao tiếp với dân địa phương qua Google Translate.
"Ở Việt Nam, xe đạp được sử dụng tối đa công suất, người dân sử dụng xe đạp đi chơi, đi làm, chở hàng... khác với các nước khác", Daniel Soo nói.
Hà Nội là chặng dừng chân cuối cùng của cả nhóm trước khi lên máy bay trở về Singapore. Tại đây, nhóm sinh viên dành hơn một tuần nghỉ ngơi và tham quan các danh thắng như hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, phố cổ Hà Nội, Văn Miếu và Vịnh Hạ Long...
Chia sẻ về chuyến đi, Marus Koe bày tỏ, các bạn trẻ nên đến những ngôi làng hẻo lánh hơn là thành phố để trải nghiệm cuộc sống với những người địa phương. Qua truyền thông thì thế giới có nhiều rắc rối, nguy hiểm song không vì thế mà bạn thiếu tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Còn Kei Franklin cho rằng, khi bạn có cuộc sống cởi mở, trải lòng với mọi người thì bạn sẽ nhận được những gì tốt đẹp mà cuộc sống trao tặng.
Sau chuyến đi này, Marus Koe cho biết, cậu có thêm kinh nghiệm để thực hiện chuyến đi đã ấp ủ từ lâu là một mình đến Trung Đông và Nam Phi. Còn Kei Franklin, cô gái người Mỹ nung nấu ý tưởng khoác ba lô đi vòng quanh Nam Mỹ.
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.