Hãy gọi tôi là một người yêu bóng đá chuyên nghiệp

Hãy gọi tôi là một người yêu bóng đá chuyên nghiệp

Hãy gọi tôi là một người yêu bóng đá chuyên nghiệp ảnh 1

- Anh đã đến với việc anh đang làm hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Đắc Văn: Tôi sang EU & Đức từ năm 1989. Sau đó một thời gian tôi mở 1 nhà hàng Việt Nam, thay vì nhà hàng Tàu, Nhật hay Thái như “mốt” lúc đó. Nhà hàng Việt Nam của tôi ở rất gần CLB Đức, khách hàng của tôi có nhiều cầu thủ, các nhà quản lý, môi giới. Tôi rất thích bóng đá, và tôi chơi thân với 1 số tuyển thủ Đức, Áo, Balan... tôi cũng đọc sách về các nhà môi giới hàng đầu thế giới như Jorge Mendes hay Mino Raiola. Đó đều là những người xuất thân từ nghề làm dịch vụ, như tôi.

Năm 2015, ca sĩ Tuấn Hưng sang Đức biểu diễn, tôi tổ chức show ở thành phố tôi đang sống. Vô tình, tôi đặt phòng khách sạn cho Tuấn Hưng trong khuôn viên dịch vụ của một CLB bóng đá. Tuấn Hưng nói với tôi, bóng đá Việt Nam cần người như anh, hãy quay về và làm gì đó. Tôi ngần ngại, vì mình có biết gì về công việc đó đâu. Nhưng Tuấn Hưng động viên cứ về đi, cậu ấy sẽ giúp đỡ. Sau đó tôi mới đi đi về về, tìm hiểu bóng đá Việt Nam, để thấy rằng đây là một thị trường mở và chưa ai làm.

Hãy gọi tôi là một người yêu bóng đá chuyên nghiệp ảnh 2

Năm 2016, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần tìm một giám đốc kỹ thuật. Lúc đó, một khách quen của tôi tại Đức là ông Jurgen Gede đến ăn và nhờ tôi tìm xem có việc gì ở châu Á không, vì ông thích bóng đá châu Á và vừa nghỉ ở Iran xong. Đó chính là vụ kết nối đầu tiên của tôi, rất duyên, và mối lương duyên đó vẫn kéo dài cho đến nay (một lúc sau, quả nhiên ông Jurgen Gede gọi điện nói chuyện phiếm với anh Đắc Văn khi chúng tôi còn đang nói chuyện dở. PV).

Năm 2017, tôi quyết định bán nhà hàng ở Đức và về Việt Nam tập trung với bóng đá toàn thời gian.

Đúng thời điểm tôi về, bóng đá VN đã có những thành công vang dội. Những thành công đó như chỗ dựa cho tôi và giúp tôi có thêm động lực làm việc. Tôi hạnh phúc vì một số công việc của tôi, như một viên gạch nhỏ góp chung vào bức tranh của bóng đá VN.

- Anh có vấp phải những tàn dư “tiêu cực” của cách làm bóng đá trước đây không, anh nhìn nhận việc “tiêu cực” trong bóng đá như thế nào?

Ông Nguyễn Đắc Văn: Tôi nghĩ chuyện tiêu cực ở đâu cũng có. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào mặt tích cực, khi bóng đá chuyên nghiệp hơn, các cầu thủ có thu nhập cao, đồng tiền kiếm thoả đáng và minh bạch thì rất khó mua được họ.

Các cầu thủ bây giờ, ở cấp đội tuyển thì họ là tài sản quốc gia, chạm đến họ là không đơn giản.

Một cầu thủ thi đấu tốt hiện nay có thể tổng thu nhập rất cao hàng tháng, bên cạnh đó là những hợp đồng quảng cáo lớn. Mua họ? Mua thế nào? Vài trăm triệu, so với dòng tiền họ đang có rất ổn định. Thu nhập đàng hoàng, họ có xe, có nhà, rất ổn định rồi.

Hãy gọi tôi là một người yêu bóng đá chuyên nghiệp ảnh 3

Cho đến giờ phút này, tôi chưa từng có “lời đề nghị khiếm nhã” nào. Nhưng tôi tiếp xúc với nhiều cựu danh thủ, họ nói với tôi: “Nếu thời của em mà có những người như anh thì có thể sự nghiệp đã rất khác rồi”. Dĩ nhiên chuyện cá độ lại là thế lực khác, bản thân tôi cũng chỉ là một cá nhân, không thể dám nói tạo ra sự xoay chuyển. Nhưng bóng đá phát triển đi lên, được sự quan tâm của cộng đồng, rồi sự quản lý của Nhà nước, sự can thiệp của cơ quan công an, những yếu tố tiêu cực sẽ ít dần đi. Em ký hợp đồng quảng cáo hàng tỷ đồng, sao em phải bán độ?

- Trước và sau “Thường Châu”, mọi thứ thay đổi thế nào vậy anh?

Ông Nguyễn Đắc Văn: Khủng khiếp. Tôi kể với anh chuyện có thật. Trước giải đấu ở Thường Châu, tôi cùng cả đoàn tuyển thủ quốc gia đi vào một trung tâm thương mại lớn, và không một ai nhận ra. Khi đó tôi rất ngạc nhiên, tự hỏi tại sao lại như thế, bởi vì ở nước ngoài, chỉ cần một tuyển thủ ra đường là người ta xúm vào đông nghịt.

Nhưng sau trận Thường Châu, mọi thứ thay đổi. Quang Hải, Tiến Dũng ra đường thì bà bán trứng vịt lộn hay cô bán trà đá cũng kéo vào chụp ảnh, và họ đi qua đường là tắc đường.

Hãy gọi tôi là một người yêu bóng đá chuyên nghiệp ảnh 4

Lúc đó, lại xuất hiện một tư duy rằng họ là những người hùng, họ cống hiến cho Tổ quốc, thì họ không được làm giàu. Nhưng tôi lại hỏi, bây giờ 1 cầu thủ, fan của họ rộng hơn tất cả các ngôi sao ca nhạc, bởi vì không phân chia lứa tuổi, vùng miền hay trình độ, ai cũng yêu mến họ. Bởi vậy, rất nhiều thương hiệu muốn dùng hình ảnh tuyển thủ quốc gia để làm quảng cáo. Đến đây thì xin hỏi là ai định giá các cầu thủ? Tôi nghĩ, nếu các ngôi sao ca nhạc đến một sự kiện có thể nhận 5.000 – 10.000 đô, thì tại sao các cầu thủ lại không được nhận như thế?

- Trong khi mức thù lao đó trước giờ là định kiến, tự ước lượng…

Ông Nguyễn Đắc Văn: Đúng vậy, đó là tư duy định kiến. Tại sao không? Tại sao cầu thủ không được nhận thù lao quảng cáo, và thù lao lớn?

Tôi nghĩ đây là câu chuyện các bên đều có lợi, việc nọ liên quan đến việc kia. Từ việc chú trọng xây dựng fan club, lôi được họ đến sân. Khán giả đến sân đông đảo, khán giả thích. Các nhà tài trợ nhìn thấy khán giả đông, thì họ cũng thích. Rồi các cầu thủ thi đấu thấy khán giả đông cũng thích chứ. TV quay lên cũng thích hơn, đẹp hơn. Rồi từ đó lại ra lương, ra thưởng của các cầu thủ. Tất cả cùng vui.

- Thứ tưởng thưởng thú vị nhất của lịch sử, đó là nó không thay đổi được. Anh đã ghi tên mình vào lịch sử bóng đá Việt Nam với nhiều thứ “đầu tiên”. Anh có tự hào không, chẳng hạn như với việc đưa được những cầu thủ Việt Nam đến những môi trường bóng đá hàng đầu thế giới.

Ông Nguyễn Đắc Văn: Tôi rất tự hào với những gì mình đã làm được. Chuyện cầu thủ đó có thành công hay không, đó lại là chuyện khác. “Đen” một cái, nó dính đến COVID nên nhiều dự tính của mình không đạt được.

Nhiều mục tiêu của tôi đặt ra bây giờ bị xem là điên rồ. Thứ nhất, tôi muốn sau này đem được nhiều cầu thủ ra nước ngoài hơn. Thứ hai, đặt mục tiêu Việt Nam sẽ tham dự World Cup. Trước đây, vòng chung kết WC chỉ có 32 đội, nhưng nếu không có gì thay đổi FIFA sẽ thay đổi luật từ năm 2026 sẽ có 48 đội. Riêng Châu Á khi đó có 8 vé rưỡi, thì cơ hội của Việt Nam hoàn toàn có. Với điều kiện chúng ta chung tay, từ chính phủ, các ông bầu, các trung tâm đào tạo... như cách Nhật Bản, Hàn Quốc đã từng làm thành công.

Hãy gọi tôi là một người yêu bóng đá chuyên nghiệp ảnh 5

Nếu cầu thủ Việt Nam chỉ loanh quanh trong nước thì mãi mãi trình độ ở mức đó. Nhưng nếu cầu thủ của chúng ta được đến với những nền bóng đá tốt nhất thế giới, cùng ăn cùng ngủ cùng tập với những cầu thủ top đầu thế giới thì trình độ chắc chắn lên.

Nếu các cầu thủ không phải đối mặt với lịch thi đấu dày đặc, ở những hạ tầng cơ sở xấu, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thì thể lực họ sẽ tốt hơn nhiều.

Các giải đấu cấp khu vực dành cho các cầu thủ trẻ, còn lứa chín hơn thì phải nhắm đến World Cup. Nhất là thời điểm này chúng ta đang có một đội hình rất tốt, cho mục tiêu 2026, cộng thêm lứa cầu thủ trẻ triển vọng thì tôi tin chúng ta có cơ hội.

- Nhưng đó là một sự kết nối liền lạc, mà anh không thể đảm bảo từng mắt xích đều bền chặt, giữa các bên, các nguồn lực, cho mục tiêu mà anh vừa nhắc tới.

Ông Nguyễn Đắc Văn: Nhật Bản có Quỹ World Cup, đưa những chuyên gia hàng đầu thế giới về, các doanh nghiệp và chính phủ dồn tiền vào đó. Nếu chúng ta có quỹ như vậy, chúng ta có thể gửi cầu thủ ra nước ngoài cọ xát, kiểu như du học tự túc vậy.

Quyền lợi cho các bên đóng góp vào quỹ, rất đơn giản sẽ được trả bằng quảng cáo. Một giải đấu nước ngoài mà có cầu thủ thi đấu thì người Việt Nam sẽ xem. Truyền hình Việt Nam có thể mua bản quyền. Các bên cùng có lợi. Bài toán đó, tôi giải được.

Không chỉ Việt Nam hướng đến World Cup, cả châu Á đều như vậy. Trung Quốc, Malaysia... họ đều hướng đến. Cái khó là sự kết nối.

Hãy gọi tôi là một người yêu bóng đá chuyên nghiệp ảnh 6

Cách đây 2 năm, đại diện của giải La Liga Tây Ban Nha có tiếp xúc và đề nghị tôi hợp tác đẩy mạnh sức lan toả của giải đấu ở Việt Nam. Tôi nói, giải đấu của các ông bây giờ chỉ còn 50% giá trị với người Việt Nam, vì Ronaldo đi mất rồi. Họ lại hỏi tôi giờ làm thế nào để La Liga hấp dẫn trở lại? Tôi nói, chỉ cần vài cầu thủ Việt Nam thi đấu ở La Liga, thì cả nước Việt Nam sẽ xem giải đấu đó. Đoàn Văn Hậu chẳng hạn, trận đầu tiên được ghi tên trong đội hình dự bị của đội, rating cao gần bằng Manchester United đá, cao kinh hoàng luôn.

Bóng đá là tài chính. Bây giờ thay vì dồn tiền vào thuê một HLV ngoại, tại sao chúng ta không thể ký hợp đồng đối tác chiến lược với một CLB nước ngoài? Như vậy các cầu thủ trẻ của chúng ta có thể ra nước ngoài, và tận dụng hạ tầng của họ, những con người chuyên nghiệp của họ. Rất hiệu quả, rất rẻ, tại sao chưa có nhiều đơn vị làm được?

- Những việc sau này thì không chỉ mình anh làm được, sẽ cần chuyên nghiệp hơn nhiều. Anh tự nâng cấp mình ra sao?

Ông Nguyễn Đắc Văn: Tôi chuyên biệt hoá các khâu công việc. Ví dụ liên quan đến luật, tôi tìm đến luật sư, liên quan tài chính tôi tìm chuyên gia tài chính. Sau khi làm việc một thời gian thì mình có những kinh nghiệm nhất định để hài hoà tất cả các nguồn lực.

Còn các điều khoản thoả thuận để bảo vệ quyền lợi cầu thủ thì rất rõ ràng, sau khi thoả thuận giữa hai bên thoả đáng thì để luật sư của hai bên làm việc với nhau.

- Lợi ích có nhiều không anh?

Ông Nguyễn Đắc Văn: Về phía tôi? Không. Cho đến giờ gần như tôi giúp các cầu thủ phi lợi nhuận. Tôi nhận % từ một số hợp đồng quảng cáo, một số khác thì không, còn những khoản lợi lớn thì chưa từng có. Bởi vì cái mà chúng ta vẫn đang hướng đến là một nền bóng đá chuyên nghiệp hơn, phát triển hơn.

Mặc dù để về đây làm cho bóng đá Việt Nam tôi phải hy sinh nhiều. Tôi bán nhà hàng, để lại vợ con ở Đức về đây một mình.

Khi chúng ta thắng AFF Cup, tôi ngồi ở vỉa hè một mình, uống một ly bia.

Khi tôi kết nối và đưa được Đoàn Văn Hậu đi Hà Lan, đối mặt với rất nhiều áp lực, thậm chí điều tiếng. Nhưng sau khi Hậu từ Hà Lan về, góp công trong 2 bàn thắng ở chung kết SEA Games, thì khi đó tôi cũng một mình giữa biển người ở đường Nguyễn Huệ. Khi Hậu ghi bàn thắng ấn định thực sự khi đó tôi bật khóc, tin nhắn chúc mừng của mọi người dồn dập đổ vào điện thoại. Những khoảnh khắc đó, thực sự trả tôi hàng triệu đô cũng không đổi.

Hãy gọi tôi là một người yêu bóng đá chuyên nghiệp ảnh 7

Tôi không lấy sự thành hay bại của cá nhân trong sự nghiệp này làm thước đo. Mà tôi lấy sự hạnh phúc mà mình mang lại cho hàng triệu người, những người ngồi xem bóng đá ở vỉa hè với ly bia cỏ, làm mục tiêu hướng tới. Cho đến giờ phút này, tôi vẫn muốn làm điều tốt cho tất cả.

Rất nhiều cầu thủ hôm nay là ngôi sao, nhưng nếu họ không giữ được đôi chân trên mặt đất, thì mọi thứ có thể sẽ mất đi. Chẳng hạn như một trận sai lầm của Bùi Tiến Dũng, thế là phải gánh bao nhiêu chỉ trích.

Nếu không kiên định, đến mức điên rồ ấy, thì khó đi được đến lúc này. Có những lúc bất kỳ một hoạt động nào ngoài sân cỏ của cầu thủ, như đi diễn thời trang, rồi một câu chuyện tình ái... thì tôi cũng phải giơ đầu chịu báng.

Có lần Bùi Tiến Dũng đăng một status trên Facebook rằng “rất tiếc”, và tôi vào comment rằng chú rất vui vì cháu không nói chữ “xin lỗi”. Vậy là người ta vào tấn công tôi dữ dội, cho rằng tôi “dạy” các cầu thủ không biết điều. Nhưng tôi cho rằng một trận đấu bắt không tốt, thì chỉ có thể nói “rất tiếc”, chứ có lỗi gì đâu mà xin? Tôi mừng vì Dũng đã trưởng thành để hiểu vấn đề đó.

- Có vẻ như anh thụ hưởng sự kiên định của người Đức?

Ông Nguyễn Đắc Văn: Kiên định và lì lợm (điện thoại reo, Jurgen Gede gọi đến cho Đắc Văn, anh xin lỗi để nghe máy).

Quan điểm của tôi, bóng đá phải tự nuôi được nó. Nó không sống bằng 1-2 nhà tài trợ, phải là hàng trăm nhà tài trợ, phải xã hội hoá bóng đá. Xã hội hoá, nhưng không ai xin ai cả, mà là các bên đều được gì. Anh tài trợ gói to thì quyền lợi to, gói nhỏ thì quyền lợi nhỏ. Khi Công Vinh tự tay đi bán từng cái vé, từng cái ốp điện thoại cho fan của CLB TP. Hồ Chí Minh, tôi bảo Vinh nếu là tôi, tôi sẽ xây dựng cơ chế đào tạo trẻ, tôi sẽ xây dựng fan club, và tôi sẽ xây 1 phòng VIP ở sân vận động. Cái loge đó phải rất sang, và đó là quyền lợi của những nhà đầu tư lớn, để họ sẵn sàng rót tiền cho CLB.

- Cảm ơn anh. Tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ từ anh, từ cuộc nói chuyện này, xin cảm ơn anh. Tôi sẽ gọi anh là gì, để khái quát những việc mà anh đang làm với bóng đá Việt Nam?

Ông Nguyễn Đắc Văn: Hãy gọi tôi là một người yêu bóng đá chuyên nghiệp.

Hãy gọi tôi là một người yêu bóng đá chuyên nghiệp ảnh 8

Bài: Phạm Gia Hiền

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.