Khát vọng 'thịnh vượng chung' của Chủ tịch Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thời gian gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tập trung vào khái niệm “sự thịnh vượng chung” trong xã hội, và hứa hẹn sẽ hỗ trợ nông dân và lao động phổ thông gia nhập tầng lớp trung lưu.
Khát vọng 'thịnh vượng chung' của Chủ tịch Trung Quốc

Đây được xem như một lời cam kết của nhà lãnh đạo 68 tuổi, mở đường cho việc định hình chính sách và để ngỏ khả năng ông sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm nhiệm kỳ thứ 3.

Bốn thập kỷ trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố rằng nước này sẽ “để một số người làm giàu trước” trong cuộc chạy đua tăng trưởng. Giờ đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đang gửi lời cảnh báo đến giới siêu giàu Trung Quốc, rằng đã đến lúc họ phải chia sẻ của cải, sự thịnh vượng có được với các tầng lớp khác.

Ông Tập nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ theo đuổi "sự thịnh vượng chung", yêu cầu các doanh nghiệp hỗ trợ giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo – một yếu tố được cho là có thể kìm hãm sự trỗi dậy của đất nước và làm xói mòn niềm tin của công chúng vào giới chức lãnh đạo. Những người ủng hộ cho rằng giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của Trung Quốc sẽ đòi hỏi những sự chuyển biến lớn.

“Một Trung Quốc hùng mạnh cũng phải là một Trung Quốc đề cao tính minh bạch và công bằng,” Yao Yang, chuyên gia kinh tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết. “Trung Quốc là một trong những nước thua kém trong việc tái phân phối của cải, dù là một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Chi tiêu công hiện tập trung quá mức cho các thành phố, các trường chuyên,...”

Khát vọng 'thịnh vượng chung' của Chủ tịch Trung Quốc ảnh 1

Gia tăng số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu là mục tiêu của chính phủ Trung Quốc.

Giới chức nước này đã cam kết giảm chi phí học tập, nhà ở và chăm sóc sức khỏe, duy trì sự đồng đều giữa nông thôn và thành thị, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động phổ thông, giúp nhiều người có thể gia nhập tầng lớp trung lưu.

Chiến dịch đảm bảo “thịnh vượng chung” sẽ tập trung vào việc tạo áp lực lên các “gã khổng lồ” công nghệ để kiềm chế sự thống trị của nhóm này. Trước sức ép từ chính quyền Bắc Kinh, một số tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc, trong đó có tỷ phú Jack Ma, đã lên tiếng cam kết sẽ tham gia đóng góp cho hoạt động từ thiện hàng tỷ USD.

Những cam kết về “sự thịnh vượng chung” liên tục được đưa ra sau khi ông Tập tuyên bố trong một cuộc họp hồi tháng trước, rằng Trung Quốc hiện đã có đủ nguồn lực để tiến gần hơn tới lý tưởng chia sẻ của cải, sự giàu có, thịnh vượng lâu đời của Đảng Cộng sản.

Đối với ông Tập, uy quyền lâu đời của Đảng đang bị đe dọa. Hiện tại, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ở mức cầm chừng, thế hệ trẻ của nước này thậm chí còn cảm thấy rằng xu hướng phát triển đi lên của đất nước đang có dấu hiệu giảm dần.

Thời gian gần đây, những công việc văn phòng trí thức được trả lương cao là rất hiếm. Trong khi đó, nhân viên văn phòng thường xuyên phàn nàn vì bị kiệt sức sau nhiều giờ làm việc. Nhiều gia đình cảm thấy họ không đủ khả năng sinh thêm con, điều này trực tiếp làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng nhân khẩu học tại quốc gia tỷ dân.

Tính đến thời điểm này, ông Tập không phải đối mặt với sự phản ứng quyết liệt từ phía người dân, nhưng về lâu dài, điều đó có thể thay đổi nếu những bất bình trong xã hội liên tục bị dồn nén và ngày càng gia tăng.

“Đạt được sự thịnh vượng chung không chỉ là một vấn đề kinh tế, mà đó là một vấn đề chính trị quan trọng dựa trên nền tảng của Đảng trong việc lãnh đạo đất nước", Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh trước các quan chức cấp cao nước này trong một bài phát biểu hồi tháng 1. “Chúng ta không thể để một hố sâu ngăn cách người giàu và người nghèo xuất hiện.”

Động thái của Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như muốn truyền đi một thông điệp rằng họ luôn lắng nghe nhân dân, tạo tiền đề cơ cho khả năng ông Tập sẽ tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ tới.

Khát vọng 'thịnh vượng chung' của Chủ tịch Trung Quốc ảnh 2

Việc nhiều người dân Trung Quốc có khả năng chi tiêu sẽ giúp nước này thúc đẩy nền kinh tế.

Christopher Johnson, nhà phân tích chính trị Trung Quốc, cho biết những động thái trên thể rằng ông Tập muốn ngăn chặn mọi nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ tới, bằng cách lập luận rằng Đảng hoàn toàn có thể mang lại tiến bộ xã hội, trong khi các đối thủ như Mỹ bị mắc kẹt trong vấn đề bất bình đẳng.

“Mặc dù không có sự phản đối nào ngăn cản, nhưng ông ấy phải đưa ra một chương trình hành động”, ông Johnson cho biết . “Ông Tập coi việc cải thiện tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập và chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc là việc làm vô cùng quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và phương Tây nói chung”.

Đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, bước đi mới này được đưa ra nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế. Theo Viện Nghiên cứu Credit Suisse, giới siêu giàu hiện chiếm 1% dân số Trung Quốc nhưng lại sở hữu gần 31% tài sản của cả nước, tăng đáng kể so với mức 21% vào năm 2000. Tại Mỹ, giới siêu giàu hiện chiếm 1% dân số nước này sở hữu đến 35% tài sản của Mỹ.

Trung Quốc cho rằng nước này đang nỗ lực đảm bảo được sự giàu có đồng đều giữa các tầng lớp nhân dân. Việc nhiều người dân Trung Quốc có khả năng chi tiêu sẽ giúp nước này thúc đẩy nền kinh tế phát triển, và giảm sự phụ thuộc vào vốn đầu tư và hoạt động sản xuất của phương Tây, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng mới của đất nước.

Mặc dù các chính sách được chính quyền nhà nước áp dụng rất có sức nặng, nhưng một số thay đổi có thể sẽ là tương đối nhạy cảm. Nếu chính phủ thúc đẩy các biện pháp áp dụng thuế tài sản và thuế tài sản thừa kế nhằm vào người giàu, đây sẽ là bài kiểm tra thực sự xem rằng ông Tập muốn đảo ngược tình trạng bất bình đẳng kinh tế đến mức nào.

Những chính sách như vậy có thể sẽ gặp phải rất nhiều thách thức, vì tầng lớp tinh hoa có mối liên kết trực tiếp với chính quyền, và bên cạnh đó những người Trung Quốc đã mua nhà như một khoản đầu tư dài hạn cũng sẽ phản ứng quyết liệt.

Phạm vi mà ông Tập kêu gọi thúc đẩy công bằng, bình đẳng xã hội hiện đang được tranh luận rất nhiều. Nhiều quan chức cho rằng những thay đổi nên được triển khai dần dần, từng bước một, và tìm cách trấn an các doanh nghiệp rằng tài sản có được một cách hợp pháp của họ vẫn sẽ được an toàn.

Thế nhưng, các bài viết kêu gọi thúc đẩy sự giàu có đồng đều giữa các tầng lớp xã hội đã liên tục được chia sẻ rộng rãi trong những tuần qua trên các tờ báo trong nước. Những bài viết này đồng thời còn nhằm thu hút ủng hộ của người dân trong việc áp dụng các biện pháp có ảnh hưởng sâu rộng hơn.

“Những thay đổi này sẽ giải quyết được những vấn đề còn tồn tại, thị trường vốn sẽ không còn là thiên đường nơi các nhà tư bản có thể kiếm tiền chỉ sau một đêm”, một bài xã luận của Tân Hoa Xã khẳng định. "Đây là một sự chuyển biến về mặt chính trị."

Vào những năm 1950, Mao Trạch Đông đã từng sử dụng khái niệm “thịnh vượng chung”, nhưng rồi thất bại, không đạt được mục tiêu đó trong cuộc Đại nhảy vọt. Đến những năm 1980, Đặng Tiểu Bình cho rằng Trung Quốc nên để một số người làm giàu trước để phát triển nền kinh tế, và cho rằng “sự thịnh vượng chung” là mục tiêu cuối cùng nhưng cũng còn xa vời.

Và khái niệm này một lần nữa được Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm nhắc lại, nhưng ông Tập cũng đã cố gắng tránh khơi dậy những kỳ vọng về sự chuyển biến nhanh chóng sẽ diễn ra trong một sớm một chiều. Sau khi tuyên bố hồi năm ngoái rằng Trung Quốc đã xóa bỏ được tình trạng nghèo đói ở vùng nông thôn, ông Tập cũng đã nhấn mạnh để hoàn thành mục tiêu “thịnh vượng chung” vào năm 2035, đất nước cần phải đạt được “những tiến bộ lớn lao hơn nữa”.

Chiết Giang đã được chọn làm tỉnh thí điểm chủ trương này. Đây được xem như một cuộc thử nghiệm đổi với tham vọng của ông Tập về “sự thịnh vượng chung”.

Chính quyền tỉnh Chiết Giang mới đây cũng đã công bố bản kế hoạch lộ trình để đạt được mục tiêu về “sự thịnh vượng chung”. Theo kế hoạch, đến năm 2025, thu nhập khả dụng trung bình của mỗi người trên toàn Chiết Giang sẽ phải đạt khoảng 11.500 USD, cao hơn 40% so với mức hiện tại.

Li Shi, chuyên gia nghiên cứu kinh tế tại Đại học Chiết Giang, cho biết tỉnh này có thể thúc đẩy việc thương lượng tập thể để người lao động có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán thu nhập. Giáo sư Li cho biết tỉnh cũng có thể thúc đẩy các chính sách chia sẻ lợi nhuận cho công nhân trong công ty.

Khát vọng 'thịnh vượng chung' của Chủ tịch Trung Quốc ảnh 3

Văn hóa làm việc "996" (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) đang vắt kiệt sức lực của người trẻ Trung Quốc.

Khoảng cách về thu nhập của người dân tại thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang vẫn còn quá chênh lệch.

“Có quá nhiều áp lực đè nặng lên tầng lớp trung lưu”, Nancy Sun, một lập trình viên phần mềm làm việc ở thành phố Hàng Châu, cho biết.

Sun đang chuẩn bị kết hôn và có thể có hai đứa con, nhưng cảm thấy lo ngại vì chi phí nhà ở và học hành. “Áp lực kinh tế là quá lớn,” cô nói. "Mỗi gia đình có ít nhất 4 người già, và 2-3 đứa trẻ".

Trong kế hoạch được công bố, tỉnh Chiết Giang đặt mục tiêu giảm chi phí nuôi dưỡng trẻ nhỏ và nhà ở để giảm thiểu gánh nặng cho người dân. Kế hoạch này cũng xác định cần điều chỉnh lại mức thu nhập, và thúc đẩy hoạt động từ thiện, qua đó thể hiện rằng tầm nhìn chia sẻ của cải của ông Tập sẽ không kìm hãm hoạt động kinh doanh tư nhân.

Chiết Giang là nơi có trụ sở của một số công ty tư nhân hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm cả Alibaba, gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử. Theo thống kê từ Hurun Report – công ty chuyên theo dõi giới giàu có ở Trung Quốc, 1/6 tỷ phú của quốc gia này cũng xuất thân từ tỉnh này.

Các công ty, tập đoàn và doanh nhân Trung Quốc đã chạy đua để chứng tỏ họ ủng hộ chủ chương chia sẻ của cải. Tỷ phú Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba và là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, cho biết trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng vào tháng 1, rằng “trách nhiệm và nghĩa vụ” của các doanh nhân là phấn đấu vì “sự thịnh vượng chung”.

Tuần trước, Alibaba cũng đã tuyên bố sẽ đầu tư 15,5 tỷ USD vào các dự án “thịnh vượng chung”, bao gồm chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại khu vực nông thôn, và chi trả bảo hiểm cho nhóm nhân viên giao hàng.

Ngoài ra, Tencent - công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, cho biết họ cũng sẽ chi 15,5 tỷ USD cho các chương trình bảo trợ xã hội. Wang Xing, tỷ phú sáng lập Meituan – ứng dụng giao đồ ăn, từng là đối tượng trong một cuộc điều tra, cũng đã quyên góp hơn 2 tỷ USD giá trị cổ phiếu cho quỹ từ thiện của mình. Nhiều công ty trong số này đã bị ảnh hưởng, tác động không nhỏ trong cuộc điều tra chống độc quyền của chính phủ.

Chính phủ cũng ban hành lệnh cấm gần như tất cả các hoạt động dạy thêm, vốn được cho là làm tăng chi phí giáo dục, quy định này ngay lập tức đã khiến các trung tâm dạy thêm lớn tại Trung Quốc mất hàng chục tỷ USD giá trị cổ phiếu.

Tuy nhiên, các động thái nêu trên của chính quyền Bắc Kinh khiến một số nhà đầu tư lo ngại về sự can thiệp sâu của nhà nước vào hoạt động tư nhân.

“Trung Quốc, giống như Mỹ, đang phải đối mặt với những thách thức gia tăng về vấn đề bất bình đẳng, nhưng việc tạo thêm áp lực lên phía doanh nghiệp dường như không phải là cách tiếp cận đúng đắn”, Fred Hu, người sáng lập và chủ tịch của Primavera Capital Group có trụ sở tại Hong Kong, cho biết. “Nó có thể vô tình dẫn đến một kiểu ‘bình đẳng’ khác khiến dân số Trung Quốc nghèo như nhau.”

Một số quan chức và chuyên gia nhận định, nước này không nên theo đuổi chế độ phúc lợi như châu Âu, hay chủ nghĩa quân bình dưới thời Mao. Họ cho rằng Trung Quốc nên theo đuổi một xã hội "mô hình quả ô liu" với một tầng lớp trung lưu lớn mạnh, ít người ở hai phân cực giàu và nghèo.

“Việc yêu cầu những người giàu có đóng góp vai trò lớn hơn không phải là chuyện lấy của người giàu để chia cho người nghèo”, chuyên gia Li Shi cho biết. Ông chỉ ra rằng những thay đổi cần được tính toán kỹ càng và đảm bảo tính ổn định. "Tất cả mọi lĩnh vực đều phải tránh việc xa rời với thực tế khi triển khai."

Theo NY Times
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: