Khi trí thức về quê để làm… nông dân

(Ngày Nay) - Đang là một cán bộ ở thành phố, một người mang đầy tri thức và tương lai rất sáng láng nhưng chị Xoan đã bất ngờ về quê mở trang trại làm nông nghiệp sạch 
Chị Xoan đang chia sẻ thông tin với khách thăm quan khu trang trại
Chị Xoan đang chia sẻ thông tin với khách thăm quan khu trang trại

Những bất ngờ từ một trang trại

Người phụ nữ vươn tay vặt ngoéo quả dưa chuột trong vườn lưới, đưa lên miệng nhai giòn tan mà… không cần rửa. Đó là những hình ảnh ngỡ ngàng đầu tiên của chúng về trang trại sạch của chị Hoàng Thị Xoan tại Thôn Hoàng Long, Xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội. Và sau sự ngỡ ngàng này là hàng loạt những điều bất ngờ trong câu chuyện của “chị nông dân” này. 

Vóc dáng cao ráo, dáng người thon gọn rắn rỏi giống như các cô gái thành thị nhiều năm tập gym, chị “nông dân”  Hoàng Thị Xoan đội chiếc nón cũ bước thấp bước cao giới thiệu cho đoàn khách về trang trại rộng 10 hecta của mình: “Kia là khu nuôi bò. Kia là khu nuôi lợn. Phía cuối là hồ thả vịt, ngỗng. Khoảng giữa là khu nhà lưới trồng rau quả. Phía xa xa gần với rừng là đồng cỏ cho bò ăn…”.

Khi trí thức về quê để làm… nông dân ảnh 1

Chị Xoan cùng các đoàn chuyên gia 

Chúng tôi đứng trên lưng chừng đồi, phóng hết tầm mắt chỉ thấy chập chùng những chuồng trại, san sát những khung nhà quây kín lưới chặn côn trùng để trồng rau. Còn chị chủ khu trang trại vừa dẫn đoàn khách đi tham quan, vừa thoăn thoắt kiểm tra khu chuồng trại.

Chỉ vào loạt ống nước chạy ngang dọc, chị Xoan giải thích: “Đây là hệ thống cho bò uống nước tự động. Khi khát, bò chỉ cần dụi mũi vào lá van, nước sạch sẽ chảy trực tiếp từ vòi ra để chúng uống. Nếu dùng máng nước, vi khuẩn sẽ thâm nhập sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bò. Vì bò lợn ở trang trại này sử dụng 100% thức ăn tự làm lấy, nên chất thải của chúng không nặng mùi như gia súc dùng cám công nghiệp. Chất thải sẽ được rửa trôi xuống hệ thống hầm biogas, tạo khí đốt. Chất thải sạch của hầm biogas sẽ được bơm tự động theo hệ thống ống tới bể chứa tại các nhà lưới để bón cho cây trồng…”. 

Sau lời giới thiệu của chị Xoan, những tiếng trầm trồ từ đoàn tham quan rộ lên. Có người cất lời khen: “Nông dân thời hiện đại có khác, vóc dáng đẹp như người thành phố, lại còn biết áp dụng công nghệ tiên tiến nữa”. Có tiếng cười khúc khích đáp lời: “Chị ấy là trí thức đấy ạ, nhưng giờ chị ấy trông như là nông dân chính hiệu rồi”. Đoàn tham quan lại ồ lên hết sức ngạc nhiên trước tiết lộ thú vị này.

Vượt lên trên những lời khuyên ngăn

Là một công chức Nhà nước, lại có đức lang quân là ông chủ một doanh nghiệp, chị Xoan từng được bạn bè ngưỡng mộ vì sự điệu đà, sang trọng. Chị vẫn luôn nghĩ rằng mình gặp nhiều may mắn hơn những người phụ nữ khác. Và làm một điều gì có ích cho xã hội sẽ là hành động để chị thể hiện sự biết ơn với cuộc sống. 

Hàng ngày, ngoài công việc bận rộn ở cơ quan, chị Xoan vẫn phải đảm bảo sao cho các thành viên gia đình có được bữa ăn ngon, sạch để có sức khỏe tốt. Điều khiến chị băn khoăn nhất là mỗi khi đi chợ. Liệu những thực phẩm, rau củ… được gắn mác “sạch” kia có thật sạch 100% không? Vì theo chị biết, nếu sản xuất thực phẩm sạch 100% thì giá thành sẽ thành rất cao và chắc chắn là từ người nông dân đến những nhà phân phối đều không thể có lãi.

Khi trí thức về quê để làm… nông dân ảnh 2

Khu chăn nuôi bò của chị Xoan rất sạch sẽ nên được nhiều khách thăm quan

Càng tìm hiểu, chị càng hoang mang vì tuy là rau gắn mác sạch, nhưng vẫn được bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu. Loại rau này chỉ đảm bảo đủ số ngày theo quy trình từ khi phun thuốc đến khi thu hoạch. Về các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy sản… cũng vậy. Chúng được ăn bằng cám công nghiệp, siêu nạc, thời gian xuất chuồng rất ngắn. Từ đó chất thịt khi nấu chín thường có vị nhạt và đặc biệt là mùi rất gây.

Xuất phát từ chính nhu cầu của gia đình, vợ chồng chị đã quyết tâm mua một mảnh đất nhỏ để trồng rau và chăn nuôi cho chính gia đình mình, nhưng khi có sản phẩm mang cho anh em, bàn bè, người thân quen thì đều được tất cả đón nhận khen ngon, sạch và đặc biệt là có được hương vị thơm tự nhiên.

Từ những lời khen ngợi, động viên đó, chị cùng chồng quyết tâm lập trang trại nuôi trồng thực phẩm sạch tự nhiên.

Khi chia sẻ về kế hoạch của mình, nhiều người thân của chị đã can ngăn rất quyết liệt. Ngay cả chồng chị - một nhà kinh doanh thành đạt – cũng nhận ngay ra sự bất ổn về mặt đầu tư, thế nhưng chị vẫn kiên quyết làm. Với chị, làm trang trại sản xuất thực phẩm sạch là bước đi tiên phong trong lĩnh vực thực phẩm sạch 100%. Mục đích là mọi người biết đến sản phẩm sạch 100% thiên nhiên, rồi dần dần tạo thành thói quen sử dụng sản phẩm này. Chị biết rằng làm trạng trại theo tiêu chí này thì chắc chắn là lỗ vốn, nhưng chị chấp nhận. Điều chị quan tâm nhất là bắt đầu từ trang trại của chị, mô hình sản xuất thực phẩm sạch sẽ lan truyền rộng khắp. Rồi sức khỏe cộng đồng sẽ được nâng cao, những bệnh hiểm nghèo sẽ giảm bớt nhờ sử dụng thực phẩm sạch...  

Những ngày đầu đi vào sản xuất vô cùng gian nan. Rồi khi thu hoạch, sản phẩm rất khó tiêu thụ vì hình thức xấu, giá lại cao hơn đôi chút. Chị Xoan quyết định mở cửa hàng trên phố Nguyễn Chán (quận Cầu Giấy) lấy tên là “Thủy Điền Viên” để làm cơ sở tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng khách đến rất dè dặt, nghi ngờ, thậm chí nói những lời nghiệt ngã. Cũng có nhiều khách hàng ủng hộ chị và muốn đến thăm “lò” sản xuất. Vậy là cứ tập hợp được vài chục người, chị Xoan lại thuê ô tô đưa họ lên thăm trang trại miễn phí, mời họ dùng bữa với thực phẩm từ trang trại. Niềm tin được gây dựng một cách hết sức chân thành và dần lan rộng. Lượng khách ngày một đông. 

Làm vườn, chăm gia súc khỏe hơn chơi thể thao

Bữa trưa, những món ăn chế biến đơn sơ như rau luộc, thịt luộc nhưng mùi vị thơm ngon rất đặc biệt. Chị Xoan mời chúng tôi uống cốc sữa bò sóng sánh vừa vắt trực tiếp. Một vị ngọt thanh, thơm ngậy và cảm giác rất quánh. Hoa quả chúng tôi vừa hái được như thanh long, ổi, đu đủ… được bổ ra, vị cũng ngọt thơm vượt trội.

Chị Xoan giải thích: Để gia súc, gia cầm cho thịt chắc, ngọt, không có mùi gây… tất cả là nhờ nuôi bằng cám tự xay sát, bằng bã rượu tự nấu, thân chuối, rau tự trồng và bã bia mua được từ Nhà máy Hà Nội. Nếu lợn nuôi bằng cám tăng trọng thì chỉ cần 3-4 tháng là được xuất chuồng. Nhưng lợn nuôi bằng cám tự sản xuất tại trang trại này mất gần 1 năm mới đạt trọng lượng xuất chuồng. Gà nơi khác nuôi chỉ cần 80 – 100 ngày là được một lứa. Nhưng trang trại này nuôi mất từ 6-8 tháng... Ngay cả ngô chúng em cũng phải lên tận Sơn La, chọn loại ngô được cán bộ xã “bảo hành” là sạch thì mới dám mua về xay cám. Thóc gạo cũng phải vào bản tại Mường Khương (Lào Cai), nơi họ trồng lúa theo cách sơ khai nhất, không hề bón phân hóa học và một năm chỉ thu được 1 vụ.

Rồi chị hào hứng khoe rằng, vừa rồi có một phái đoàn gồm 2 vị giáo sư người Nhật tự tìm đến trang trại. Họ đem theo máy móc đo độ ngọt của hoa quả và hết lời khen ngợi. Họ còn đem cả mẫu rau, mẫu đất về nghiên cứu. Họ nói rằng ở Việt Nam thật khó để tìm ra một nơi cung cấp thực phẩm mà tuyệt đối không dùng đến hóa chất như trang trại này.

Khi trí thức về quê để làm… nông dân ảnh 3

Khu vườn rau xanh trong khuôn viên trang trại của chị Xoan 

Đang trò chuyện, bỗng chị Xoan chỉ ra ngoài đường cười nói: “Đấy! Chồng em đấy!”. Chúng tôi nhìn theo. Một người đàn ông tầm thước, đội chiếc nón lá đã ngả màu phăm phăm tiến về phía trại nuôi gia cầm. Quả thật nếu không nghe chị Xoan kể trước thì chắc chắn ai cũng nghĩ đó là một nông dân thực thụ, chứ không phải một ông chủ doanh nghiệp. 

Chị Xoan sởi lởi: “Trước anh ấy điều hành công ty đi xe ô tô sang, giờ anh ấy phải làm một người nông dân thực sự, một ông lái xe tải đông lạnh chở thực phẩm, rau, sữa về thành phố. Trước nhà em cũng hay các môn thể thao, nhưng từ ngày có cái trang trại này, anh ấy chỉ dành thời gian cho nó. Chỉ một năm mà bụng bé đi trông thấy. Anh ấy còn đùa là đi quanh trang trại vài vòng còn khỏe hơn chơi thể thao. Có lẽ cái nghiệp làm nông dân nó vận vào người bọn em rồi, đã làm là không dứt ra được... Thôi các bác ngồi ăn hoa quả, em phải đi tách đàn bò 3B sang chuồng mới. Đây là giống bò thịt giống Bỉ chất lượng cao, thịt của chúng rất mềm và ngọt, nhưng chúng khỏe lắm, tranh hết phần thức ăn của những con bò khác”.

Chị Xoan lại chụp vội cái nón lên đầu, tất tưởi bước đi. Những giọt mồ hôi thấm ướt lưng áo, nhưng mắt chị ánh lên niềm hạnh phúc, khi ước nguyện làm những việc tốt đẹp để trả ơn đời của chị đang dần thành hiện thực.

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.