Trung Quốc tiến hành đo đỉnh Everest

(Ngày Nay) - Một nhóm gồm 12 nhà nghiên cứu dự kiến đặt chân lên đỉnh Everest vào thứ Sáu tuần này. Những người leo núi, bao gồm các thành viên của Cục Khảo sát và Bản đồ Trung Quốc, đã bắt tay vào cuộc thám hiểm kể từ ngày 6/5, tuy nhiên điều kiện thời tiết bất lợi khiến hành trình của họ bị ảnh hưởng.
Trung Quốc tiến hành đo đỉnh Everest

Đây là lần thứ 6 Trung Quốc cử đội thám hiểm đi đo chiều cao của đỉnh Everest, lần đầu tiên diễn ra vào năm 1949, và chỉ có 2 lần nước này công bố kết quả.

Được biết đến với tên gọi Qomolangma trong tiếng Tây Tạng và Sagarmatha trong tiếng Nepal, đỉnh Everest nằm ở biên giới Trung Quốc-Nepal. Các tài liệu chính thức cho biết đỉnh Everest có độ cao 8.848 m, nhưng hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về chiều cao đích thực của “nóc nhà thế giới”.

Everest lần đầu tiên được đo bởi các nhà khảo sát Ấn Độ vào những năm 1850, nhưng chính cuộc khảo sát năm 1954 của họ mới xác định chiều cao hiện tại của đỉnh núi. Tuy nhiên, vào năm 2005, một đoàn thám hiểm Trung Quốc đã công bố một chiều cao mới cho Everest: 8.844,43 m, sau khi trù đi lượng tuyết phủ lên mỏm núi.

Trong khi đó, phía Nepal tranh cãi về con số mới này, lập luận rằng lượng tuyết phủ nên được đưa vào chiều cao cuối cùng của đỉnh dãy núi Himalaya.

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nepal hồi tháng 10, hai nước đã ra tuyên bố rằng họ sẽ cùng nhau công bố chiều cao và thực hiện các nghiên cứu khoa học.

Tại sao Trung Quốc lại đo đỉnh Everest?

Everest nằm trên đỉnh một trong những khu vực kiến tạo tích cực nhất thế giới: điểm nối của các mảng Ấn Độ và Á-Âu, chúng liên tục di chuyển và va chạm với nhau. Do đó, chiều cao của núi có thể đã thay đổi qua nhiều năm.

Một số nhà khoa học suy đoán trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở Nepal năm 2015 có thể đã khiến chiều cao của Everest bị thu hẹp khoảng 2,5 cm.

“Ước tính hiện tại đỉnh Everest đã thấp hơn 2,5 đến 2,6 cm so với trước trận động đất”, ông Dang Yamin, nhà địa chất học tại Học viện Khảo sát và Bản đồ Trung Quốc, cho biết. “Ví dụ, các phép đo hiện tại là kết quả gián tiếp thu được qua các vệ tinh. Chúng ta cần đo chiều cao trực tiếp để xác định mức độ ảnh hưởng của trận động đất”.

Huang Wanli, một chuyên gia khảo sát tại Đại học Sư phạm Phúc Kiến, nói rằng đợt khảo sát mới này cũng có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu về kiến tạo mảng tổng thể trong khu vực.

Các nhà nghiên cứu sẽ đo như thế nào?

Đỉnh Everest rất khó chinh phục. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bao gồm gió mạnh và áp suất không khí thấp, có thể biến nơi này thành một cái bẫy chết người. “Nó cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các thiết bị khảo sát độ cao thông thường”, ông Huang nói. “Ngay cả robot cũng có thể thất bại”.

Do đó, nhóm đo lường, các nhà khảo sát và người leo núi được đào tạo đặc biệt đôi khi phải dùng đến các phương pháp cơ bản hơn, chẳng hạn như lượng giác.

Theo Zhang Peng, một chuyên gia khảo sát tại Trung tâm Địa chất Quốc gia Trung Quốc, các nhà khảo sát dự kiến sẽ đặt một đèn hiệu với một số gương phản chiếu được gắn trên đỉnh. Sau đó, các nhà khoa học ở độ cao thấp hơn sẽ đo khoảng cách dốc lên đỉnh và tính chiều cao.

Ngoài ra, nhóm sẽ mang theo thiết bị để lấy dữ liệu vị trí từ các vệ tinh, bao gồm cả Hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou tự chế của Trung Quốc. Những người leo núi cũng có kế hoạch mang theo một radar để đo độ dày của lượng tuyết phủ đỉnh Everest.

“Lượng tuyết trên đỉnh Everest thay đổi mọi lúc”, ông Zhang. “Ví dụ, mặc dù nó không tạo ra sự khác biệt đối với công chúng, nhưng chúng tôi, với tư cách là nhà nghiên cứu, muốn biết chiều cao đá chính xác hơn để nghiên cứu các chuyển động của Trái đất”.

Khi nào chiều cao mới sẽ được tiết lộ?

Nhà địa chất học Trung quốc cho biết kết quả có thể sẽ được công bố vào cuối năm nay và các tính toán sơ bộ có thể được hoàn thành vào tháng 9 hoặc tháng 10, nếu mọi việc suôn sẻ.

Ông Zhang Peng cho biết một số yếu tố, bao gồm nhiệt độ và áp suất không khí, có thể ảnh hưởng đến hoạt động đo đạc. Do đó, các nhà khoa học cần sử dụng các phương pháp khác nhau để tính toán và hiệu chỉnh dữ liệu, có thể tốn thời gian.

Quy trình này có thể mất từ hai đến ba tháng.

Ngoài nhiệm vụ cốt lõi là tính toán chiều cao của Everest, đoàn thám hiểm cũng sẽ thu thập thông tin về vùng phủ tuyết cũng như hệ sinh thái khu vực. Dữ liệu sẽ được sử dụng để theo dõi tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường khu vực đỉnh Everest.

Một báo cáo năm 2018 của tổ chức phi chính phủ môi trường Greenpeace cho rằng khoảng một 1/5 tổng diện tích sông băng của Trung Quốc đã biến mất trong những năm gần đây, đe dọa nguồn cung cấp nước cho 1,8 tỷ người ở châu Á. Băng tan cũng có thể làm tăng nguy cơ gây lũ lụt cho các vùng hạ lưu.


Theo Sixth Tone
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.