Việt Nam được hưởng lợi ích 'kép' của việc chuyển nhượng lượng giảm phát thải từ rừng

(Ngày Nay) - Ngày 22/10/2020 - Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký kết Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Giới khoa học đánh giá thoả thuận này giúp Việt Nam hưởng lợi kép khi ngân sách đã thu ngân sách 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) bên cạnh đó còn khẳng định về kết quả phát triển rừng và giảm lượng khí thải nhà kính với thế giới. 
Việt Nam được hưởng lợi ích 'kép' của việc chuyển nhượng lượng giảm phát thải từ rừng

Chi giảm phát thải - Xu hướng toàn cầu

Theo nội dung thoả thuận, phía WB – cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) sẽ chi cho Việt Nam số tiền là 51,1 triệu USD cho giai đoạn 2018-2024, ngược lại Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2e giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD. 

Giới khoa học đánh giá, việc chi giảm phát thải chi giảm phát thải rừng là xu hướng toàn cầu và việc Việt Nam có thoả thuận này khẳng định về thành quả lớn trong việc phát triển rừng, bảo vệ môi trường cũng như các thoả thuận về chống hiệu ứng nhà kính của thế giới. 

Theo đó, thoả thuận Paris - 2015 với sự tham gia của 189 quốc gia, trong đó có Việt Nam, về biến đổi khí hậu đã khuyến khích thương mại CO2 toàn cầu. Theo đó, một nỗ lực giảm phát thải nào đó có thể sẽ nhận được chi trả bằng tiền, qua đó thúc đẩy việc đạt được mục tiêu giảm lượng phát thải của quốc gia và trên phạm vi toàn thế giới.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, lượng giảm phát thải CO2 có thể được thực hiện thông qua việc giảm mất rừng và giảm suy thoái rừng, đồng thời tăng lượng CO2 hấp thụ từ khí quyển vào rừng thông qua việc tăng diện tích và phục hồi rừng. Cả hai quá trình này là cơ sở hình thành dịch vụ giảm phát thải, tăng hấp thụ khí nhà kính (gọi chung là dịch vụ giảm phát thải), là một loại dịch vụ môi trường rừng và có thể được chi trả (Điều 61, 62, 63 - Luật Lâm nghiệp, 2017).

Việt Nam được hưởng lợi ích 'kép' của việc chuyển nhượng lượng giảm phát thải từ rừng ảnh 1

Chi giảm phát thải là xu hướng của toàn cầu mang lại lợi ích bền vững cho

"Lượng giảm phát thải được chi trả" là lượng chênh lệch giữa hai giai đoạn tính toán. Đối với thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ rừng ở vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), giai đoạn tham chiếu là 2005 - 2015, còn giai đoạn chi trả là 2018 - 2024.

Theo tính toán của cả hai phía Việt Nam và WB, lượng chênh lệch này đạt khoảng 26 triệu tấn, trước mắt Ngân hàng Thế giới (WB) mua 10,3 triệu tấn với đơn giá 5USD/tấn CO2e, bằng đơn giá mua của các nước đã ký ERPA với WB là Cộng hòa dân chủ Công gô (năm 2018), Mozambique (năm 2019), Ghana (năm 2019), Chile (năm 2019). 

Trên thế giới đã có một số nước nhận được cam kết chi trả dịch vụ giảm phát thải bởi một nguồn tài chính khác là Quỹ Khí hậu xanh (GCF) gồm 6 nước: Indonesia, Brazil, Chile, Paraguay, Colombia và Ecuado, với tổng kinh phí 360,7 triệu USD. Hiện có 6 quốc gia, gồm Argentina, Costarica, Peru, PNG, Lào và Việt Nam đang nỗ lực để được "chia phần" khoản chi trả 139,3 triệu USD vào năm 2021.   

Đối với thoả thuận của Việt Nam với WB vừa qua, các nhà nghiên cứu về môi trường nhận định, do "hàng hóa CO2e" này là một bộ phận không tách rời của rừng ở vùng Bắc Trung Bộ, nên cả bên mua và bên bán đều không "vận chuyển" nó đi đâu. Hàng hóa này vẫn tồn tại trong sinh khối của rừng Bắc Trung Bộ. Chỉ có "quyền sở hữu" 10,3 triệu tấn này là thuộc về WB trong thời gian thực thi ERPA. Thanh toán đến đâu, chuyển quyền sở hữu đến đó. Hết hạn ERPA, quyền sở hữu này lại thuộc về bên bán.

Việt Nam được hưởng lợi ích 'kép' của việc chuyển nhượng lượng giảm phát thải từ rừng ảnh 2

Việt Nam là một trong những nước được Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp đánh giá rất cao

Phía ERPA cũng khẳng định, sau khi kết thúc thỏa thuận, có tới 95% lượng mua bán (tương đương khoảng 9,8 triệu tấn CO2e) sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để sử dụng cho mục đích đóng góp do quốc gia tự quyết định (Việt Nam cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính từ 9 - 27% vào năm 2030, tức là giảm 83,5 - 250,5 triệu tấn CO2e so với kịch bản phát thải thông thường là 927,9 triệu tấn CO2e). Điều này có nghĩa là, về cơ bản, "hàng hóa bán đi nhưng không mất". Ngoài ra, nếu khi đo đếm ở thời điểm 2020 hoặc 2022, khi đã có đủ hàng để bán (10,3 triệu tấn CO2e), ERPA có thể  được kết thúc sớm, không phải đợi đến năm 2024. 

Thực tế cho thấy rằng, giai đoạn 2014 - 2018 ở vùng Bắc Trung Bộ, lượng giảm phát thải do giảm mất rừng và suy thoái rừng xấp xỉ 4,5 triệu tấn CO2e/năm; lượng hấp thụ CO2e của rừng cũng tăng xấp xỉ 5,5 triệu tấn/năm so với giai đoạn tham chiếu. Nghĩa là đến nay, "hàng hóa" đã đạt xấp xỉ 10 triệu tấn, mở ra cơ hội rút ngắn thời gian thực hiện ERPA. Cả vùng Bắc Trung Bộ là một đơn vị tính toán để chi trả. Nếu ở đâu đó rừng bị suy thoái, nhưng tổng thể toàn vùng, sinh khối rừng tăng, thì lượng giảm phát thải từ rừng cũng tăng.

"Lợi ích kép" sau khi ký thoả thuận chuyển nhượng 

Với thoả thuận này, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT nhận định: Chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả là tiếp nối quá trình chuẩn bị, sẵn sàng thực thi REDD+ tiến tới triển khai toàn diện về dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật Việt Nam, là thành quả của sự hợp tác giữa Việt Nam với FCPF và WB trong việc cùng nỗ lực thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó,, ông Hà Công Tuấn cũng cho rằng: Thực hiện ERPA sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung mới, góp phần đầu tư cho các hoạt động giảm suy thoái, mất rừng, nâng cao thu nhập cho chủ rừng; đồng thời hướng tới hình thành thị trường tín chỉ giảm phát thải trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững khu vực 6 tỉnh Bắc Trung Bộ".

Còn về phía WB, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ rừng trên quy mô lớn. Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, qua đó giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ biến.

Việt Nam được hưởng lợi ích 'kép' của việc chuyển nhượng lượng giảm phát thải từ rừng ảnh 3

Hình ảnh buổi ký thoả thuận giữa Bộ NNPTNT và Ngân hàng Thế giới 

Để hiểu rõ hơn về giá trị của thoả thuận này, ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết:  ERPA không chỉ góp phần thực hiện cam kết quốc gia trong bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm quốc tế cao của Việt Nam, mà còn đem lại lợi ích nhiều mặt cho 41 nghìn chủ rừng là hộ gia đình và 107 chủ rừng nhà nước ở vùng Bắc Trung Bộ, trong khi không làm mất đi cơ hội kinh tế của cộng đồng trong nước, kể cả của các nhà sản xuất gây phát thải khí nhà kính. 

Theo các con số tổng kết của Tổng cục Lâm nghiệp thì, lượng phát thải bình quân hàng năm trong lâm nghiệp giai đoạn tham chiếu 1995-2010 là 59,961 triệu tấn CO2e/năm trong khi lượng phát thải bình quân hàng năm giai đoạn 2014-2018 chỉ còn 41,695 triệu tấn CO2e/năm. Do đó, lượng giảm phát thải bình quân hàng năm trong giai đoạn 2014-2018 là 18,266 triệu tấn CO2e/năm. 

Đối với hấp thụ từ rừng, lượng hấp thụ bình quân hàng năm (đã được điều chỉnh theo kết quả của Chương trình 661) trong giai đoạn 1995-2010 là 39,603 triệu tấn CO2e/năm trong khi lượng hấp thụ bình quân hàng năm trong giai đoạn 2014-2018 là 78,266 triệu tấn CO2e/năm; do đó lượng tăng hấp thụ bình quân hàng năm trong giai đoạn 2014-2018 là 38,664 triệu tấn CO2e/năm. Kết quả là, tổng lượng giảm phát thải và hấp thụ bình quân hàng năm trong giai đoạn 2014-2018 là 56,929 triệu tấn CO2e/năm; hay 284,645 triệu tấn CO2e trong 5 năm của giai đoạn 2014-2018. Đây là kết quả cao so với các nước trong khu vực.

Ông Phạm Văn Điển khẳng định: ERPA không ảnh hưởng tới "hạn ngạch" hay "quyền phát thải" ở trong nước. Theo đó, cam kết của Việt Nam ta với UNFCCC về việc giảm lượng phát thải khí nhà kính từ 9 - 27% vào năm 2030, tức là giảm 83,5 - 250,5 triệu tấn CO2e so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) là 927,9 triệu tấn CO2e có thể được coi là "hạn ngạch" hay "quyền phát thải" của nước ta tại thời điểm 2030. 

Tuy nhiên, thời hạn tối đa của ERPA là 2024, đặc biệt do việc "bán hàng nhưng không mất hàng", có tới 95% lượng CO2e được trả lại cho Việt Nam, nên ERPA không ảnh hưởng đến quyền phát thải của các ngành khác cũng như không làm mất đi lượng đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Chính vì vậy, ERPA được đánh giá là "ích nước, lợi nhà". ERPA thúc đẩy REDD+ và phát triển rừng theo hướng bền vững, có đóng góp cho kinh tế xanh.

Về ý tưởng của Thoả thuận Paris (2015), các nhà sản xuất gây ô nhiễm, gây hiệu ứng khí nhà kính cần áp dụng khoa học công nghệ để giảm phát thải CO2e hoặc mua tín chỉ CO2e từ các hoạt động trồng và bảo vệ rừng (hoạt động lưu giữ và hấp thụ CO2e) để bù trừ cho hoạt động phát thải CO2e của họ. Việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2e nêu trên cho FCPF (qua WB) là hoạt động nhằm khuyến khích tạo ra thị trường mua bán tín chỉ CO2e giảm được từ các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trong tương lai. 

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định về việc chi trả hay thuế phải nộp đối với các bên gây phát thải. Mặt khác, nếu bên nào đó phải chi trả thì bên đó sẽ có quyền sở hữu thêm lượng phát thải tương đương với số tiền bỏ ra, đồng thời bên bán cũng phải chứng minh được việc "có hàng để bán". Về cả phương diện này, ERPA được đánh giá là có vai trò mở ra phương hướng mới cho việc thiết kế các quy định chi trả nào đó trong tương lai, không phải là nhân tố cản trở quyền phát thải của bất kỳ bên nào.

Giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+) là sáng kiến quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC, 1992). Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu (2015) cho phép các quốc gia tự do trao đổi, chuyển nhượng lượng khí thải và thương mại tín chỉ giảm phát thải. Tính đến năm 2018, có 88 quốc gia, chiếm 56% lượng khí thải toàn cầu đã thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện các cơ chế định giá các-bon để đạt được cam kết đã nêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, gần 1400 công ty trên toàn thế giới, với doanh thu hàng năm gần 7 tỷ USD, đang áp dụng giá các-bon để định hướng các quyết định đầu tư.

Việt Nam tham gia sáng kiến REDD+ từ năm 2008. Để quản lý phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và thực hiện REDD+ ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012; và phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về REDD+ giai đoạn 2011 - 2020 tại Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 27/6/2012 và được thay thế bởi Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 về phê duyệt Chương trình quốc gia về REDD+ đến năm 2030. 

ERPA vừa thúc đẩy vừa là sản phẩm của REDD+. Mục tiêu này đang dần được hiện thực hóa ở Việt Nam, được Chính phủ, người dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.