Bảo vệ người lao động để phát triển kinh tế trong thời điểm dịch COVID-19

Trước ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp hiểu rằng, để có thể trở thành "pháo đài" vững chắc, điều đầu tiên là cần phải bảo vệ được "tài sản" quý giá nhất, đó chính là người lao động. 
Kiểm tra thân nhiệt cho công nhân trước khi vào ca tại Công ty TNHH Grand Gain tại KCN Đồng Xoài II, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Kiểm tra thân nhiệt cho công nhân trước khi vào ca tại Công ty TNHH Grand Gain tại KCN Đồng Xoài II, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận là một trong số ít quốc gia làm tốt công tác phòng dịch COVID-19. Song hành với công tác phòng, chống đại dịch, Chính phủ chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế, duy trì sản xuất để không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi dịch bệnh đi qua. Ngay từ khi xuất hiện thông tin về dịch trên truyền thông quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định, mỗi doanh nghiệp, người dân, khu dân cư phải là ‘pháo đài’ chống dịch bệnh. Việc tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng.

Doanh nghiệp vì người lao động

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, cả nước có trên 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp; trên 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Trong số khoảng 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì có trên 500.000 doanh nghiệp tư nhân, đóng góp hơn 40% GDP mỗi năm. Lực lượng sản xuất quan trọng này cần phải được duy trì để ổn định nền kinh tế của quốc gia mà theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, ngoài các "chiến sĩ" là bác sĩ và nhân viên y tế, còn có những "chiến sĩ" doanh nhân thầm lặng đóng góp trong cuộc chiến chống suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Trong cuộc chiến đầy cam co chống lại kẻ thù vô hình, nền kinh tế của nhiều quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng khi số người dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng lên với tốc độ chóng mặt, nhiều doanh nghiệp lớn phải đóng cửa. Tại Việt Nam, chỉ trong 3 tháng đầu của năm 2020, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cũng là lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 2/2020 là trên 47.000 người, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.

Trước ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch bệnh, các doanh nghiệp hiểu rằng, để có thể trở thành "pháo đài" vững chắc, điều đầu tiên là cần phải bảo vệ được "tài sản" quý giá nhất, đó chính là người lao động. Việc chăm lo cho sức khỏe của người lao động lúc này là điều vô cùng cần thiết được nhiều doanh nghiệp coi là mối quan tâm hàng đầu. Hàng trăm khu công nghiệp trên cả nước với số lượng lao động rất lớn đang làm việc tập trung là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao nếu không có giải pháp phòng, chống hiệu quả.

Nhận thức rõ điều này, những doanh nghiệp đang trụ vững đã chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời trong sử dụng lao động. Nhiều công ty có số lượng công nhân lớn đã quyết định đầu tư kinh phí mua khẩu trang, nước sát khuẩn để phát miễn phí cho người lao động; đặt buồng khử khuẩn cho công nhân trước khi vào công ty làm việc...

Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhiều công ty đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi mặt hàng nhằm phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo việc làm ổn định cho công nhân. Tại tỉnh Tiền Giang, có ít nhất 4 doanh nghiệp triển khai sản xuất thêm khẩu trang, duy trì việc làm cho hàng ngàn lao động. Một số doanh nghiệp khác cũng đang xin mở sản xuất thêm ngành hàng này để nuôi lực lượng lao động trong thời gian dịch bệnh. Việc chuyển đổi linh hoạt này không chỉ giải quyết khó khăn do thị trường cung cấp nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm đang bị ngưng trệ, mà còn giúp cho hàng ngàn lao động không bị rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp chưa xuất được hàng hóa, không đủ lực để nuôi công nhân vì khối lượng công việc ngày càng ít đi nên buộc phải giảm giờ làm, nhưng vẫn trả lương ở mức tối thiểu cho người lao động. Đây được coi là giải pháp khoa học để tiết kiệm chi phí, nhưng vẫn nhân văn khi đảm bảo thu nhập cho công nhân lao động, được dư luận xã hội đánh giá rất cao.

Theo lẽ thông thường, công nhân có quyền tìm việc nơi khác sau khi dịch bệnh kết thúc, thậm chí chuyển ngay sang nơi khác nếu có cơ hội. Để giữ chân lao động có thâm niên, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp mang tính chiến lược là hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân trong thời gian thu nhập của họ bị giảm sút, hay tăng giá trị trong bữa ăn ca nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiếu cho người lao động.

Chính phủ vì dân

Bảo vệ người lao động để phát triển kinh tế trong thời điểm dịch COVID-19 ảnh 1

Ngân hàng Agribank huyện Văn Yên (Yên Bái) đã nhanh chóng triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: Hải Quân/TTXVN

Với những nỗ lực đó thì 15% doanh nghiệp trên toàn quốc bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là con số có thể chấp nhận được. Để duy trì sản xuất và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế do Chính phủ đề ra thì chỉ dựa vào sự cố gắng của doanh nghiệp thôi là chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ từ "vòng tay" cơ chế của Nhà nước. 

Ngày 9/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỷ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, gói hỗ trợ cần tập trung vào người lao động giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu phải giảm giá các dịch vụ hàng hóa thiết yếu khác như điện, thực phẩm...

Chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp và người lao động, đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, ngành và tổ chức Công đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã sớm đề xuất và được Chính phủ xem xét thông qua nhiều giải pháp chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội thời điểm dịch COVID-19.

Ngoài chế độ, chính sách hiện hành, dự kiến, trong quý II năm nay, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Người sử dụng lao động được vay vốn không lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng cho người lao động bị ngừng việc; đồng thời người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm tự lo nguồn kinh phí để thanh toán nốt số tiền 50% còn lại cho người lao động.

Người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19, dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng…

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến việc làm, đời sống của công nhân viên chức lao động và tổ chức Công đoàn; đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ và giải quyết các vấn đề liên quan. Trong đó chú trọng đề xuất về chính sách đảm bảo, duy trì, chuyển đổi việc làm; tiền lương và các chế độ khi người lao động phải nghỉ việc để cách ly, hoặc thiếu, mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; đảm bảo điều kiện làm việc an toàn; chế độ đối với người lao động tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp bất khả kháng…

Nếu ví nền kinh tế của quốc gia như một cơ thể sống thì doanh nghiệp chính là những bộ phận không thể tách rời, lực lượng lao động trực tiếp được coi là các "tế bào" vô cùng quan trọng nuôi dưỡng sự sống bền vững cho cả cơ thể. Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại khi nuôi sống được người lao động và ngược lại. Đó là mối quan hệ hai chiều mà bất kỳ mối quan hệ lao động nào cũng phải cần hiểu rõ để thực hiện một cách có hiệu quả.

Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nhưng nền kinh tế ảnh hưởng ít hay nhiều phụ thuộc vào sự nỗ lực của toàn xã hội, trong đó, việc bảo vệ người lao động là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.