Hàng trăm nghìn xe ôm Grab, GoViet... gặp vướng mắc vì thuế thu nhập cá nhân

Các tài xế xe ôm công nghệ sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất 4,5%/doanh thu nếu có tổng thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên, cùng khoản thuế đánh trên tiền thưởng. Nhiều tài xế đang bày tỏ bức xúc vì họ không được khấu trừ chi phí trong thu nhập chịu thuế.

Mới đây, theo Cục Thuế TP HCM, các cá nhân chạy xe công nghệ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm là đối tượng nộp thuế với thuế suất 4,5%/doanh thu. Các loại thuế phải nộp gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 3%/doanh thu và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 1,5% /doanh thu.

Ngoài ra, các đối tượng bị áp thuế TNCN theo diện “cá nhân kinh doanh” sẽ không được hưởng giảm trừ gia cảnh như đối tượng chịu thuế TNCN từ tiền công, tiền lương (thu nhập chịu thuế từ mức 9 triệu đồng/tháng và 108 triệu đồng/năm trở lên, được giảm trừ gia cảnh cho các trường hợp phụ thuộc là con cái, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột, cháu...)

Riêng các khoản tiền thưởng theo doanh thu, cá nhân không nộp thuế GTGT, còn thuế TNCN vẫn bị tính theo thuế suất 1%/số tiền thưởng. Tương tự, khoản thu nhập từ tiền thưởng chất lượng phục vụ không bị tính thuế GTGT nhưng nếu số tiền thưởng đó từ 2 triệu đồng trở lên phải nộp thuế TNCN 10%.

Hàng trăm nghìn xe ôm Grab, GoViet... gặp vướng mắc vì thuế thu nhập cá nhân ảnh 1

Cá nhân chạy xe công nghệ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ phải nộp thuế với thuế suất 4,5%/doanh thu.

Theo cơ quan thuế, tài xế xe ôm công nghệ như GrabBike của Grab, GoBike của GoViet, BeBike của Be, MyGo của Viettel và FastBike của FastGo… đều sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân nếu có tổng thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên vì được xếp vào diện “cá nhân kinh doanh”…

Trước quy định khấu trừ thuế này, vừa qua, các tài xế GrabBike đã phản ứng đối với công ty Grab vì bị thu 60.000 đồng/ngày được cho là khoản thu hộ thuế TNCN giúp cho Nhà nước. Nhiều tài xế bày tỏ bức xúc vì hiện họ không được khấu trừ chi phí trong thuế thu nhập như chi phí xăng dầu (khoản chi lớn nhất), trang phục, mũ bảo hiểm, điện thoại, chi phí Internet... đều phục vụ công việc chạy xe Grab. Những khoản chi phí này có thể chiếm tới 1/3 tổng thu nhập hàng năm của mỗi tài xế, tức thực tế chỉ nhận được khoản thu nhập 70 triệu đồng trên tổng doanh thu 100 triệu đồng.

Thế nhưng theo quy định của cơ quan thuế, họ sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân tính trên tổng doanh thu 100 triệu đồng. Các tài xế xe ôm công nghệ mong muốn Grab có thể trao đổi với ngành thuế để có chính sách phù hợp nhất để đỡ bị thiệt thòi.

Hàng trăm nghìn xe ôm Grab, GoViet... gặp vướng mắc vì thuế thu nhập cá nhân ảnh 2

Các chi phí xăng dầu, trang phục, điện thoại, chi phí Internet... không được khấu trừ vào thu nhập tính thuế của tài xế

Phía Grab cho biết, công ty thực hiện thu thuế từ các tài xế công nghệ theo các văn bản hướng dẫn của Cục thuế TP HCM và chỉ là trung gian thu hộ cho nên khó có đủ chuyên môn hay thẩm quyền để trả lời cho thắc mắc trên của hàng nghìn tài xế xe ôm công nghệ. Trong đó, văn bản hướng dẫn từ cơ quan thuế không đề cập rõ các “cá nhân kinh doanh” là tài xế xe ôm công nghệ có được khấu trừ các “chi phí sản xuất kinh doanh” như xăng dầu, sửa chữa bảo dưỡng xe máy, trang phục, điện thoại, Internet... vào thu nhập chịu thuế.

Sau đó, Cục Thuế TP HCM đã có văn bản giải thích rõ: thuế GTGT, thuế TNCN được tính trên doanh thu được hưởng nhân với tỷ lệ thuế, nên các cá nhân không được trừ chi phí (xăng, bảo dưỡng xe, sửa chữa xe, …). Thu nhập của cá nhân trong trường hợp này không phải thu nhập tiền lương, tiền công nên khi tính thuế thu nhập cá nhân không được tính giảm trừ gia cảnh.

Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 15/6/2015 hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh, đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân được xếp vào diện “cá nhân kinh doanh” sẽ chịu ba mức thuế như sau: Thuế giá trị gia tăng 3% tổng doanh thu; thuế thu nhập cá nhân 1,5% tổng doanh thu; tiền thưởng bị đánh thuế 1%.

Các “cá nhân kinh doanh” sẽ không được giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên theo Thông tư 92, đối tượng thuộc diện chịu thuế này cũng không được quy định rõ là có được khấu trừ các “chi phí sản xuất kinh doanh” hợp lý hay không.

Theo Cục thuế TP HCM, tính đến tháng 8/2019, đã có hơn 400.000 tài xế xe ôm công nghệ của các hãng Grab, GoViet, Be, MyGo, FastGo. Trong đó, riêng đối tác tài xế của Grab là 175.000 người (theo số liệu công bố vào cuối năm 2018), gồm tài xế taxi công nghệ và xe ôm công nghệ (được cho rằng trên 130.000 người). Phía Go-Viet gần đây công bố tổng số tài xế xe hai bánh của họ đã hơn 125.000.

MyGo dù mới ra mắt dịch vụ từ tháng 7/2019 nhưng gần đây cho biết số lượng đối tác tài xế tăng mạnh và đã cán mức khoảng 100.000. Trong khi đó, Be và FastGo mỗi hãng cũng có trên 40.000 tài xế xe ôm công nghệ.

Theo Kinh Tế Môi Trường
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.