Nguy cơ nguồn thu ngân sách giảm do dịch COVID-19

Theo Tổng cục Thuế, diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến doanh thu, tiêu thụ của nhiều lĩnh vực như rượu bia, nước giải khát, dầu thô… Thực tế này khiến nguồn thu ngân sách đứng trước nguy cơ giảm khoảng 33.000 tỷ đồng năm 2020. 
Thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu có kiểm soát tại cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN.
Thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu có kiểm soát tại cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN.

Tháng 1/2020, ngành Thuế đã thu được 155.600 tỷ đồng, đạt 12,4% so với dự toán và tăng 11,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thu cao so với nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, dịch COVID-19 kéo dài, cộng với các quy định hạn chế tác hại của bia, rượu đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất kinh doanh và thu ngân sách.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng tiêu thụ rượu, bia đã giảm trên 50% từ khi áp dụng Nghị định 100/CP và Luật phòng chống tác hại rượu bia; trong khi đó, giá dầu thô xuất khẩu cũng đang có xu hướng giảm, giá giao dịch bình quân có thời điểm chỉ khoảng 50 USD/thùng... 

Trong năm 2020, ngành Thuế đặt mục tiêu vượt 3% thu ngân sách Nhà nước (NSNN) theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao, đạt 1.254.300 tỷ đồng, trong đó, dầu thô là 35.200 tỷ đồng và thu nội địa là 1.219.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, diễn biến dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều ngành kinh tế và của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch, xuất khẩu nông lâm thủy sản... có nguồn thu nộp ngân sách lớn. 

Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát kỹ lưỡng các nguồn thu, nhất là thu từ các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, tăng cường thu hồi nợ đọng… để đảm bảo bù đắp hụt thu, phấn đấu hoàn thành dự toán được giao; đồng thời, quản lý chặt nguồn thu, chống thất thu ngân sách thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi, để triển khai hiệu quả đề án mở rộng cơ sở thuế; đẩy mạnh việc kê khai nộp thuế, hoàn thuế điện tử, nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy qua mạng… 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, những ngành sẽ chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất do chưa thể nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, gồm: Dệt may (nhập khẩu sợi, vải), điện tử, tiêu dùng... Tuy nhiên, việc gián đoạn nguồn cung này có thể chỉ mang tính tạm thời và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể sớm được phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Do vậy, hoạt động thương mại điện tử được ưu tiên lựa chọn. 

Đối với lĩnh vực thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) của hải quan, trong tháng 1/2020, số thu thuế chỉ đạt 25.446 tỷ đồng, bằng 7,5% dự toán, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do kim ngạch XNK của cả nước trong tháng 1/2020 ước đạt 36,62 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng 12/2019 và giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Từ đầu năm đến nay, mỗi ngày có hàng trăm container nằm chờ tại các cửa khẩu đợi xuất hàng đi Trung Quốc, nhưng lượng xuất đi không đáng kể. Thống kê năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,4 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 75,5 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Số thuế phải thu từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc trong năm 2019 đạt khoảng 84.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 24,2% số thu của ngành Hải quan. Do đó, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và số thu NSNN.

Về phía Tổng cục Hải quan, để hạn chế ảnh hưởng do dịch COVID-19, Tổng cục đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên) thành lập các Tổ công tác hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, phòng ngừa dịch bệnh và làm đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin với Tổng cục, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu bình ổn trở lại, hạn chế hụt thu ngân sách. Các chi cục hải quan địa phương biên giới phía Bắc đang khẩn trương thông quan cho các lô hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng nông sản.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.