Tăng trưởng GDP năm 2019 có thể cao hơn mục tiêu

 Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 được Quốc hội thông qua, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ đạt khoảng 6,6 - 6,8%. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, hoàn toàn có thể đạt được kết quả khả quan hơn thế. 

Còn nhiều dư địa cho tăng trưởng

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, căn cứ vào kết quả đã đạt được của năm 2018, cùng những dư địa có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP như các Hiệp định thương mại tự do vừa ký kết và sẽ có hiệu lực từ năm 2019; nỗ lực cải cách kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh từ năm 2018 tác động cho các năm tiếp theo… Tổ tư vấn kinh tế đã kiến nghị một mục tiêu cao hơn cho tăng trưởng GDP năm 2019.

Tăng trưởng GDP năm 2019 có thể cao hơn mục tiêu ảnh 1

Xuất nhập khẩu có cơ hội duy trì tăng trưởng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP

Về các yếu tố góp phần cho kết quả tăng trưởng năm 2019, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, trước hết, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đóng góp khá lớn. Tuy nhiên, do quy mô hiện tại đã tương đối lớn, tốc độ tăng trưởng cũng đã ở mức cao, do vậy mục tiêu tốt nhất hiện nay là phấn đấu làm sao để lĩnh vực này không sụt giảm và có tăng trưởng, từ đó duy trì đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ngoài ra, nhiều ngành nghề khác tuy có dư địa và quy mô không quá cao nhưng tiềm năng tương đối tốt. Cụ thể, du lịch là ngành có tiềm năng tăng trưởng tương đối tốt; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ có thể khai thác nhiều hơn để đóng góp vào tăng trưởng; hay dịch vụ nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ... cũng là lĩnh vực chưa được khai thác hết tiềm năng.

Ngoài ra, những ngành nghề khác, có tiềm năng đáp ứng các yêu cầu cơ bản như cấp nước, xử lý nước thải… được kỳ vọng đóng góp mạnh hơn cho tăng trưởng.

Đặc biệt, nông nghiệp tiếp tục là ngành có khả năng đóng góp lớn vào tăng trưởng mà chúng ta hiện chưa khai thác hết tiềm năng. Do đó, có thể áp dụng những giải pháp như quản lý mục tiêu sử dụng đất một cách linh hoạt và điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp để cho hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tự chủ trong việc lựa chọn sản phẩm cây trồng, vật nuôi nhằm sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đây cũng là giải pháp đóng góp tích cực cho tăng trưởng.

“Chúng tôi tính sơ bộ, nếu chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, trồng rau, hoặc nuôi trồng thủy sản thì giá trị gia tăng có thể tăng thêm từ 7-15 lần so với việc giữ nguyên đất lúa. Đó là những tiềm năng rất lớn và là dư địa để phát triển, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài” – TS Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.

Mặt khác, tuy bên ngoài có những biến động, song xuất nhập khẩu vẫn có những cơ hội để ít nhất có thể duy trì như năm 2018.

Cùng với mục tiêu tăng trưởng cao thì chất lượng tăng trưởng cũng được đặt ra, trong đó, việc liên kết vùng cũng như kinh tế vùng sẽ là trọng tâm chỉ đạo trong năm 2019. TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc phát triển kinh tế vùng là một yêu cầu khách quan và trở nên cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi mà không gian về kinh tế bó hẹp bởi ranh giới hành chính giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không còn phù hợp nữa.

Bên cạnh đó, hiện nay những địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng là đầu tàu của tăng trưởng. Đặc biệt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương tạo ra 1/3 GDP của nền kinh tế. Do đó, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng cần giao cho các thành phố này những mục tiêu đủ lớn như tăng trưởng phải cao hơn hẳn so với các địa phương khác. Những chỉ tiêu và áp lực như vậy một mặt tạo sức ép để chính quyền các thành phố này tìm các giải pháp năng động sáng tạo để khai thác tiềm năng. Cùng với đó, tìm kiếm, phát hiện và giải quyết các rào cản hiện đang cản trở họ. Từ đó thúc đẩy cải cách và đạt mục tiêu, tạo đà cho tăng trưởng.

Nền tảng vững chắc cho kinh tế vĩ mô

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn có thể đạt được. Nhưng theo TS Nguyễn Đình Cung, mục tiêu đó phải được dựa trên một nền tảng vững chắc. Trước hết, nền tảng vững chắc phải dựa trên điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Yếu tố này có thể đạt được nếu hoạt động chỉ đạo điều hành tập trung vào việc khởi thông nguồn lực và tập trung sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả; chú ý nhiều hơn vào những lĩnh vực, ngành nghề rất có tiềm năng.

Thứ hai, cần tiếp tục cải cách thể chế và môi trường kinh doanh với bứt phá hơn nữa, cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu. Tập trung vào cải cách thủ tục hành chính với trọng tâm là phải tăng dịch vụ hành chính công được thực hiện ở cấp độ 4 để giảm thiểu nguy cơ tùy ý thực hiện thủ tục hành chính của một số công chức.

Một điểm nữa là cần phải tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để những doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có thể thành công tại đất nước, thay vì phải sang nơi khác khởi nghiệp. Cũng như để cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển, tận dụng cơ hội nhìn thấy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo bứt phá trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ: Còn có rất nhiều dư địa cho tăng trưởng. Vấn đề là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhìn thấy và điều hành một cách linh hoạt, nhất quán và quyết liệt hay không. Cũng như các bộ, ngành, địa phương cần có triển khai hành động quyết liệt để doanh nghiệp nhìn thấy những tín hiệu, từ đó tiếp tục nắm bắt tín hiệu để đầu tư phát triển hay không.

Theo Báo Công Thương
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.
Các đại biểu cắt băng khánh thành tại lễ gắn biển công trình đạt giải Đặc biệt giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ III đối với Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.
Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ
(Ngày Nay) -  Chiều 15/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ gắn biển đạt giải Đặc biệt trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là sự kiện chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).