Ý kiến trái chiều về đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ

Đại biểu tham dự Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tại Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.


Ý kiến trái chiều về đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ

Liên quan đến đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt (tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành - từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm) trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều.

"Bản chất là do thu nhập thấp"

Ông Nguyễn Văn Hiển (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho biết, cơ sở của đề xuất đưa ra trong Dự thảo Luật không hợp lý.

Dự thảo Luật cho rằng, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động; mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng, thực tế không phải vậy. Bản chất của vấn đề là do thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên người lao động mới cần làm thêm giờ để có thêm thu nhập; chứ không phải họ thích làm thêm giờ,” đại biểu Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.

Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho hay: “Quá trình khảo sát nhiều doanh (trong đó có cả doanh nghiệp FDI) cho thấy, thu nhập của công nhân (đặc biệt trong các ngành thủy hải sản, dệt may, da giày,…) thấp, không đủ sống. Lương tối thiểu quá thấp. Doanh nghiệp tận dụng việc làm thêm giờ của người lao động để tối ưu hóa lợi nhuận.”

Ông Nguyễn Văn Hiển đưa ra dẫn chứng cụ thể, hiện nay trên thế giới, những nước quy định làm thêm nhiều giờ đều là các nước nghèo, thu nhập thấp, năng suất lao động thấp (đặc biệt là các quốc gia châu Phi với tổng thời gian làm thêm giờ khoảng 300 giờ/năm). Ở những nước thu nhập cao, năng suất lao động cao, người lao động không làm thêm giờ nhiều (trừ Nhật Bản). Tuy nhiên, gần đây, Nhật Bản cũng khuyến khích người dân không nên làm thêm giờ quá nhiều vì hệ lụy của việc làm thêm giờ rất lớn như vắt kiệt sức lao động, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.

Y kien trai chieu ve de xuat mo rong khung thoa thuan lam them gio hinh anh 2
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển phản đối đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ở góc độ khác, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ đang nghiêng về lợi ích của doanh nghiệp nhiều hơn lợi ích của người lao động.

“Việc mở rộng này nguy cơ dẫn tới việc thị trường thiếu hụt lao động mới đồng thời khiến cho tốc độ đào thải lao động nhanh hơn. Người lao động (đặc biệt là lao động nữ) không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Thậm chí, để tăng thêm thu nhập phục vụ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày, nhiều lao động chấp nhận làm thêm giờ, dẫn tới những hệ lụy như hiện trạng lao động lớn tuổi không có bạn đời ngày càng phổ biến,” ông Phạm Quang Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) bày tỏ.

Ngoài ra, ông Phạm Quang Thanh cũng cho rằng, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ sẽ không khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ để giảm sức lao động trực tiếp của con người.

Cần chi phí thỏa đáng

Ở chiều ngược lại, bà Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đồng tình với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ. Tuy nhiên, bà cho rằng, cần tính đến chi phí thỏa đáng cho người lao động khi làm thêm giờ.

Bà Nguyễn Thị Như Ý bày tỏ quan điểm: “Tuy xu hướng của thị trường lao động hiện nay là giảm giờ làm, tăng thu nhập nhưng chúng ta cũng cần xét đến thực tế sản xuất, kinh doanh. Với áp lực gia tăng hàng hóa, nhiều doanh nghiệp cần tăng ca để đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường. Bởi vậy, thay vì việc phản đối không cho làm thêm giờ, các văn bản, điều luật cần hướng đến việc tính chi phí thỏa đáng cho việc làm thêm giờ, nói cách khác là tăng thu nhập cho người lao động.”

Y kien trai chieu ve de xuat mo rong khung thoa thuan lam them gio hinh anh 3Sản xuất máy may công nghiệp và các thành phần mài tại Công ty Juki Việt Nam. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Có cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị, hệ số tăng lương lũy tiến cần được tính toán theo các nhóm ngày làm việc khác nhau để đảm bảo tương xứng với thời gian, công sức của người lao động. Cụ thể, hệ số lương lũy tiến theo giờ làm thêm vào các ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật) phải cao hơn so với những ngày trong tuần, vào các ngày nghỉ, lễ, Tết cần cao hơn so với ngày thường.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nên điều chỉnh theo hướng số giờ làm trong tuần hiện nay (giảm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần). “Từ đó, mỗi tuần, người lao động sẽ có thêm bốn giờ và họ hoàn toàn có thể thỏa thuận, lựa chọn số giờ đó để làm thêm. Như vậy, thu nhập của người lao động được cải thiện; sức khỏe, quỹ thời gian của họ cũng không bị ảnh hưởng,” bà Thúy nói.

Sáng 29/5, trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội nêu rõ, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố: tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm.

“Ngoài ra, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ cũng cần bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt ‘nhân công giá rẻ,’ ‘lương không đủ sống’ ở các ngành nghề thâm dụng lao động,” bà Trần Thúy Anh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động, lấy ý kiến người lao động, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm./.

Theo Vietnamplus
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.