Chính phủ chỉ đạo: Cần di dời 36.000 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở

Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người, thiệt hại về GDP bình quân hằng năm khoảng 20.000 tỉ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần nghiên cứu, rà soát, di dời 36.000 hộ dân vùng kém an toàn, di dời khẩn cấp 1.686 hộ dân.
 
Sạt lở núi tại xóm Khanh, xã Phú Cường (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) tháng 10.2017.
Sạt lở núi tại xóm Khanh, xã Phú Cường (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) tháng 10.2017.

Đó là nội dung của Hội nghị “Công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và đánh giá nhanh chỗ ở an toàn cho người dân” được tổ chức hôm qua (15.12) tại Hà Nội.

Hàng trăm nhân mạng và hàng trăm triệu USD bị chôn vùi/năm

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 8h ngày 7.8.2017, trận lũ quét tại Mù Cang Chải khiến 5 người chết, 9 người mất tích, 9 người bị thương, 60 nhà bị thiệt hại (trong đó có 53 nhà bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn, 5 nhà bị hư hỏng một phần) ảnh hưởng trực tiếp tới 192 nhân khẩu. Tính cả đợt, lũ quét hoành hành tại Sơn La và Yên Bái đã khiến 34 người chết, mất tích, nhiều khu vực bị chia cắt. Giữa tháng 10.2017, lũ quét, lở núi, sập nhà, vùi chết 18 người tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Tang thương chưa kịp lắng lại, thì giữa tháng 11.2017, mưa lớn sau hoàn lưu bão số 12 đã liên tiếp gây sạt núi, đè sập nhà và vùi chết 20 người tại 2 huyện Nam và Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Vụ sạt lở đất xảy ra vào khoảng 19h ngày 5.11. Quả đồi giáp thôn Mẫu Cà và Đàn Nước (thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) sạt lở đã vùi lấp một căn nhà với 9 người đang ở bên trong, 4 người đã may mắn thoát ra ngoài, còn 5 người thì bị đất đá vùi lấp…

Chính phủ chỉ đạo: Cần di dời 36.000 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở ảnh 1 Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam tìm người mất tích do sạt lở đất tháng 11.2017.

Theo số liệu của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT), điểm lại các năm trước đó, thì năm 2014 sạt lở đất tại thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lập, tỉnh Lạng Sơn) đã khiến 6 người chết và mất tích; trận lũ quét tại huyện Tam Đường (Lai Châu) đã làm 5 người chết và mất tích. Năm 2015, lũ quét tại huyện Thuận Châu (Sơn La) do ảnh hưởng của bão số 1 đã khiến 11 người chết và mất tích. Năm 2016, lũ quét, sạt lở đất sau bão số 2 tại Bát Xát (Lào Cai) làm 13 người chết và mất tích…

Thống kê của BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) cho thấy, thiệt hại do sạt lở đất tại 4 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu trong 2 ngày 2-3.8.2017 đã khiến 42 người chết và mất tích; 398 hộ phải di dời; 236 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi,thiệt hại 1.400 tỉ đồng, tương đương 62 triệu USD. Vụ sạt lở đất tại 3 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La từ 10-12.10.2017 khiến 70 người bị chết và mất tích; 4.138 hộ phải di dời; 239 nhà bị sập đổ cuốn trôi, thiệt hại 4.450 tỉ đồng, tương đương 196 triệu USD…

Chính phủ chỉ đạo: Cần di dời 36.000 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở ảnh 2 Từ năm 2000 đến nay có 794 người chết và mất tích (100 người/năm) do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. 

Giải pháp cho trên 36.000 hộ dân nằm trong khu vực kém an toàn

Theo chuyên gia về địa lý, điều kiện hình thành lũ quét là tồn tại đất đá bở rời kém kết dính, tồn tại dòng chảy đủ lớn để cuốn trôi những hạt đất đá, trong khi đó, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Yên Bái và một số tỉnh miền núi khu vực Trung Bộ hội tụ các yếu tố đó. Theo đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Quốc Thắng (Viện Địa chất), đất đá tại Yên Bái bị phong hóa rất mạnh, sản phẩm phong hóa bở rời kém kết dính. Lượng mưa kéo dài trong cả tháng 6 sang đầu tháng 7 làm cho đất đá, lớp phủ rất dễ bị bão hòa, sạt lở. Toàn bộ thung lũng bị sạt lở, đất đá dồn xuống lòng suối, chất đống lại như một cái đập tự nhiên. Nước dâng lên tới độ cao 6m, trên bờ là 2m. Khi tiếp tục mưa, đập tự nhiên bị vỡ, nó trôi đi hỗn hợp nước, bùn và đá.

Mù Cang Chải là nơi địa hình rất dốc và phân cắt rất mạnh, các sườn núi dốc từ 30-45 độ, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho sự vận chuyển theo trọng lực xuống dưới. Nếu quy hoạch, triển khai một cái gì đấy ảnh hưởng đến dòng chảy mặt, đấy là yếu tố gián tiếp gây ra lũ quét. Như vậy bên cạnh các yếu tố trực tiếp như lượng mưa, đặc trưng cấu tạo đất đá bở rời, yếu tố địa hình dốc, phân cắt những yếu tố gián tiếp cũng gây nên mối nguy sạt lở.

Để có giải pháp di dời dân khỏi vùng nguy hiểm do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, BCĐ Trung ương về PCTT đã phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ đánh giá thí điểm tại 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La, kết quả cho thấy có 36.165 hộ (trong tổng số 70.275 hộ) có chỗ ở kém an toàn; 1.686 hộ cần di dời khẩn cấp. Giải pháp đặt ra là phải di dời cấp bách cư dân vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT xây dựng đề án tổng thể di dời dân cư khẩn cấp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương, nhất là tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo đó, giải pháp đối với các hộ dân phải di dời tới khu dân cư mới, cần đảm bảo an toàn ở nơi ở mới; đảm bảo cơ sở hạ tầng cho khu tái định cư; xây dựng nhà ở; hướng dẫn chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp với nơi ở mới. Mặt khác, cần hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân. Đối với các hộ dân di dời xen ghép vào khu dân cư hiện có, cần đảm bảo đường giao thông nội bộ; hệ thống điện, nước; kỹ năng nhận biết nguy cơ thiên tai, kỹ năng ứng phó với thiên tai…

Đối với các hộ dân không thể di dời đi nơi khác, cần dược xây dựng công trình phòng, chống sạt lở đất; lắp đặt hệ thống quan trắc; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho người dân; xây dựng công trình công cộng phục vụ phòng chống, sơ tán đảm bảo an toàn; người dân cần được tập huấn về nguy cơ thiên tai, kỹ năng ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra…

Theo đó, các địa phương, các cấp, các ngành cần tổng hợp, sắp xếp các tiêu chí và giải pháp, xác định các đối tượng cần bố trí ổn định dân cư; tổng hợp sắp xếp theo thứ tự ưu tiên tiêu chí và gửi về Bộ NNPTNT (BCĐ T.Ư về PCTT) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện gấp, bảo đảm an toàn cho người dân trước mùa mưa lũ 2018.

Bão Kai-tak tiến vào Biển Đông diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương ngày 15.12, dự báo trong 24 giờ tới, bão Kai-tak di chuyển chậm theo hướng tây-tây bắc, mỗi giờ đi được 5km. Đến 13h ngày 16.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 126,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía đông miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây-tây nam, mỗi giờ đi được 10-15km. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo bão Kai-tak có diễn biến phức tạp, người dân cần chú ý theo dõi trong các bản tin tiếp theo.

Theo Lao Động


TIN LIÊN QUAN
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.
Hai bộ xương cá Voi có chiều dài trên 22m và 18m được phục dựng phục vụ du khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.
Ngọc cốt cá Voi lớn nhất Việt Nam ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
(Ngày Nay) - Ngư dân vùng biển Việt Nam nói chung, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng có văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) nhằm cảm tạ và cầu mong cho người dân huyện đảo bình an trước sóng gió trùng khơi, khai thác được nhiều sản vật từ biển. Cũng vì vậy mà ở đảo Lý Sơn đang có hàng chục lăng mộ thờ cá Ông.
Giáo sư Nguyễn Quý Đạo chia sẻ về cuốn tự truyện của mình.
"Bốn mùa - Một cuộc đời" - Lời tự sự của nhà khoa học Việt Nam trên đất Pháp
(Ngày Nay) - “Bốn mùa - Một cuộc đời” vừa ra mắt công chúng tại Pháp là cuốn tự truyện của Giáo sư Nguyễn Quý Đạo, tác giả và đồng tác giả của hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học, đồng thời là nhà hóa học người Việt Nam có tầm ảnh hưởng trong giới tri thức Pháp cũng như cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Pháp.