Thái Nguyên: Sạt lở bờ sông đe dọa cuộc sống của người dân

Hiện nay, bờ sông Cầu đoạn chảy qua xóm Cô Dạ, xã Bảo Lý (Phú Bình, Thái Nguyên) đang bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi đất đai và hoa màu của một số hộ dân. Bước vào mùa mưa bão năm nay, nhiều hộ dân nơi đây đang sống trong tâm trạng lo lắng, bất an.
Bờ sông Cầu đoạn qua xóm Cô Dạ, xã Bảo Lý (Phú Bình) đã bị sạt lở đến sát mép đường bê tông, gây nguy hiểm cho người dân
Bờ sông Cầu đoạn qua xóm Cô Dạ, xã Bảo Lý (Phú Bình) đã bị sạt lở đến sát mép đường bê tông, gây nguy hiểm cho người dân

Đi dọc theo bờ sông Cầu đoạn chảy qua xóm Cô Dạ, chúng tôi quan sát thấy nhiều bụi tre đã bị nước lũ đánh sụt xuống sát mép nước. Tại nhiều vị trí, nước lũ dâng cao chảy xiết đã gây lở mạnh, mép sạt lở sát vào đường giao thông và tường rào, chuồng trại chăn nuôi của một số hộ dân. Nhìn dòng nước chảy lặng lờ, bà Lê Thị Tiện, một hộ dân sống lâu năm ở xóm Cô Dạ bảo: Mỗi khi vào mùa mưa, nước lũ dâng cao, chảy xiết khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân. Hiện nay, hệ thống chuồng trại của nhà tôi đã bị sạt lở một phần, rất nguy hiểm, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, nước dâng cao sẽ đánh sạt lở vào tận sân.

Còn ông Nguyễn Văn Cương, Bí thư Chi bộ xóm Cô Dạ thì cho biết: Trước đây, ở bờ sông cây cối mọc um tùm, thế nhưng vài năm nay, do việc khai thác cát sỏi dưới lòng sông khiến bờ bị sạt lở ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của bà con. Vào mùa mưa, nước réo ầm ầm, kéo theo rác, cây cối trôi nổi, nhiều đêm chúng tôi mất ngủ. Đoạn đường bê tông chạy qua xóm cũng bị sạt lở đến phần móng, gây khó khăn cho việc đi lại, nguy hiểm cũng luôn rình rập. Chúng tôi rất mong Nhà nước xây kè để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, nếu được vậy, bà con chúng tôi sẵn sàng hiến đất.

Theo thống kê của UBND xã Bảo Lý, đoạn sạt lở dài hơn 1.400m tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho 30 hộ dân đang sinh sống ven sông; hơn 13.000m2 đất nông nghiệp của 23 hộ dân đang canh tác bị sụt lún, có nguy cơ bị mất đất sản xuất. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Bảo Lý cho biết: Dòng sông Cầu chảy qua địa phận 6 xóm: Ngược, Đại Lễ, Cầu Gỗ, Đồng Áng, Vạn Già và Cô Dạ. Hằng năm, vào mùa mưa, nước lũ dâng cao kết hợp dòng chảy mạnh có xu hướng thúc vào bờ tả sông Cầu nên khu vực xóm Cô Dạ thường xảy ra sạt lở, gây nguy cơ mất an toàn về người và tài sản của nhân dân. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã vận động bà con trồng cây bảo vệ hành lang nhưng cũng không hiệu quả vì sau mỗi trận mưa to, nước lại cuốn trôi. Việc gia cố những đoạn sạt lở lớn là cần thiết nhưng địa phương đang gặp khó khăn về kinh phí nên không thể thực hiện. Chúng tôi đã có báo cáo lên UBND huyện để có hướng khắc phục.

Làm việc với chúng tôi về nội dung trên, ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Trước mùa mưa bão, chúng tôi đã thành lập đoàn đi kiểm tra thực trạng một số công trình thủy lợi, đê kè trên địa bàn và nhận thấy, bờ sông đoạn qua xóm Cô Dạ bị sạt lở rất dài và sâu, các biện pháp phi công trình đều không có hiệu quả. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách hạn hẹp nên huyện không có khả năng xây kè chống sạt lở, đề nghị tỉnh quan tâm xây dựng công trình kè, đảm bảo ổn định cuộc sống của bà con. UBND huyện Phú Bình cam kết sẽ đảm bảo đầy đủ mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư cũng như phối hợp chặt chẽ trong quá trình thi công thực hiện. Cùng với đó, chúng tôi cũng chỉ đạo UBND xã Bảo Lý cắm biển cảnh báo nguy hiểm; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con trong mùa mưa bão không đến gần những nơi sạt lở tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, vào mùa mưa, nước dâng nhanh và chảy xiết nên rất dễ xảy ra nguy cơ sạt lở, nhất là vào ban đêm. Vì vậy, bà con đang sinh sống sát mé sông, ở gần các khu vực sạt lở cần chủ động nắm bắt tình hình, theo dõi mực nước, sự thay đổi của dòng chảy để chủ động phòng tránh. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần có kế hoạch di dời, bố trí chỗ ở cho người dân. Trước mắt, cần hướng dẫn bà con chủ động tập kết tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực sạt lở để đề phòng thiệt hại trong mùa mưa bão sắp đến.

Theo Báo Thái Nguyên

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.