Để mất rừng, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố, bắt giam

Sau khi hồ sơ thanh tra công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) được Thanh tra tỉnh bàn giao cho Công an tỉnh Đắk Nông tiếp tục xử lý theo quy định, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh đã điều tra, xử lý và ra quyết định khởi tố hình sự vụ án, khởi tố bị can; bắt tạm giam một số cán bộ là lãnh đạo Cty lâm nghiệp (LN); giám đốc xí nghiệp trực thuộc và các cán bộ QLBVR liên quan...
Nhiều cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ không thương tiếc. Ảnh: Ngọc Phó
Nhiều cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ không thương tiếc. Ảnh: Ngọc Phó

Tính từ năm 2017 đến nay, CQĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố 11 vụ án hình sự với 42 bị can về hành vi “Hủy hoại rừng”; khởi tố 4 vụ, 6 bị can về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 đơn vị chủ rừng là: Cty LN Quảng Đức, Gia Nghĩa, Trường Xuân và Đức Hòa.

CQĐT đã có kết luận điều tra về vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Cty LN Đức Hòa và ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Đình Dũng - Giám đốc Cty, Đinh Văn Triều - nguyên Phó Giám đốc và Nguyễn Thế Nga - nguyên Trưởng phòng QLBVR Cty LN Đức Hòa.

Theo hồ sơ vụ án, chỉ trong vòng 4 năm (2010 - 2014), diện tích rừng tự nhiên do Cty LN Đức Hòa quản lý đã bị tàn phá hơn 1.400ha. Qua xác minh tại 26 hiện trường rừng bị phá được Cty lập hồ sơ xử lý vi phạm, phát hiện Cty không trồng rừng khôi phục hiện trạng hoặc khoanh nuôi tái sinh để QLBVR theo quy định mà còn để cho người dân lấn chiếm đất trồng các loại cây cà phê, tiêu...

Trong thời điểm kiểm tra, diện tích rừng tự nhiên xung quanh vị trí bị phá cũng không còn tồn tại, mà bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy; một số hộ dân xây dựng nhà ở kiên cố trái phép; hoặc chuyển nhượng diện tích đất rừng lấn chiếm.

Hậu quả của việc buông lỏng quản lý của lãnh đạo Cty LN Đức Hòa gây thiệt hại hơn 255ha rừng, hơn 590ha đất LN bị lấn chiếm trồng các loại cây công nghiệp; diện tích rừng tự nhiên chỉ còn lại hơn 19ha. CQĐT xác định, với hơn 255ha rừng tự nhiên bị tàn phá đã gây thiệt hại hơn 45 tỷ đồng.

Cty LN Trường Xuân (đóng tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) tiền thân là Lâm trường Trường Xuân được Nhà nước giao gần 16.000ha rừng, trong đó có hơn 14.000ha rừng tự nhiên, 239ha rừng trồng và gần 1.300ha đất không có rừng. Ngày 7/11/2011, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định phê duyệt, công bố số liệu hiện trạng rừng năm 2010 của tỉnh bằng công nghệ viễn thám.

Theo đó, Cty LN Trường Xuân có tổng diện tích hơn 6.877ha rừng, trong đó hơn 2.287ha rừng tự nhiên; hơn 329ha rừng trồng sản xuất và hơn 4.260ha đất không có rừng. Dù nhiệm vụ QLBVR được xác định đầy đủ trong phương án QLBVR hằng năm, nhưng trên thực tế công tác QLBVR của Cty này bị buông lỏng kéo dài, dẫn đến hàng ngàn ha rừng đã xóa sổ hoàn toàn, trong đó có gần 77ha rừng tự nhiên.

Tương tự, Cty LN Quảng Đức (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) vào tháng 12/2010 được UBND tỉnh giao quản lý gần 14.000ha rừng trải dài trên 19 tiểu khu; trong đó có hơn 7.300ha rừng tự nhiên, 771ha rừng trồng sản xuất và hơn 5.700ha đất không có rừng...

Kể từ ngày được giao quản lý cho đến khi giải thể vào tháng 7/2016, lãnh đạo Cty đã thiếu trách nhiệm để mất 1.700ha rừng tự nhiên. Cty LN Đức Hòa (huyện Đắk Song) cũng để mất hơn 1.400ha/14.000ha rừng tự nhiên được giao quản lý từ năm 2010.

Sau khi có kết luận điều tra, CQĐT Công an tỉnh đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố các bị can, gồm: Trần Quyết Tâm - nguyên Giám đốc Cty Trường Xuân và Trần Đức Tính - nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật - QLBVR của Cty giai đoạn 2011 - 2014, cùng về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Lê Xuân Bảo - Giám đốc Cty LN Quảng Đức, Thái Thanh Tâm - Tổ trưởng tổ QLBVR đã bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, Cty LN Quảng Tín (huyện Tuy Đức) được cấp hơn 9.881ha đất và rừng tại 16 tiểu khu để sản xuất - kinh doanh. Thực hiện chủ trương chuyển đất rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su, Cty ký kết hợp đồng liên kết - liên doanh với 9 doanh nghiệp tư nhân, gồm tổng diện tích hơn 2.960ha đất để trồng gần 1.100ha cao su và thực hiện QLBVR 1.861ha. Giám đốc Cty lúc bấy giờ là ông Thân Văn Minh đã buông lỏng quản lý để rừng bị mất kéo dài qua nhiều năm, mà không báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền.

Trong các đơn vị mà Cty LN Quảng Tín ký hợp đồng có Cty Hoàng Khang Thịnh nhận trồng 135ha cao su, QLBVR hơn 416ha, nhưng rốt cuộc không hề trồng cao su và để mất 286ha rừng. Tương tự, Cty Lê Gia không trồng cây cao su nào và để mất 220/225ha rừng giao khoán. Cty Lâm Phát Đạt chỉ trồng 5/38,5ha cao su, làm mất 202/232ha rừng, diện tích trồng mới cao su cũng bị tàn phá...

Sau khi có kết luận thanh tra, Tỉnh ủy Đắk Nông đã yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục xác minh trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan việc để mất 1.006 ha rừng.

Do tình trạng mất rừng ngày càng tái diễn nghiêm trọng, tháng 7/2016, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định giải thể 6 Cty LN gồm: Gia Nghĩa, Đức Lập, Quảng Đức, Thuận Tân, Trường Xuân và Quảng Tín. Vậy là sau nhiều năm thực hiện “sứ mệnh” giữ rừng, các Cty LN tại Đắk Nông không làm tròn trách nhiệm của mình. Rừng mất, trụ sở vắng lặng, đìu hiu, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ bị bắt giam ngồi tù…

Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông, trong khoảng 10 năm trở lại đây, địa phương này đã mất hơn 15.000ha rừng tự nhiên khi giao cho các Cty LN quản lý. Đó là chưa kể hàng chục ngàn ha đất sản xuất, đất không có rừng cũng bị lấn chiếm công khai.

Nói về nguyên nhân dẫn đến rừng Đắk Nông ngày càng cạn kiệt, tác nhân chính gây ra là do di dân tự do từ các tỉnh phía Bắc lên Tây Nguyên. Còn yếu tố chủ quan xuất phát từ việc lơ là công tác QLBVR, dẫn đến tình trạng rừng, đất rừng bị xâm hại nghiêm trọng là điều không tránh khỏi.

Theo Thanh Tra

Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.
Hai bộ xương cá Voi có chiều dài trên 22m và 18m được phục dựng phục vụ du khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.
Ngọc cốt cá Voi lớn nhất Việt Nam ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
(Ngày Nay) - Ngư dân vùng biển Việt Nam nói chung, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói riêng có văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) nhằm cảm tạ và cầu mong cho người dân huyện đảo bình an trước sóng gió trùng khơi, khai thác được nhiều sản vật từ biển. Cũng vì vậy mà ở đảo Lý Sơn đang có hàng chục lăng mộ thờ cá Ông.