Tiền Giang: Vợ nằng nặc đòi lại 'đời con gái' sau 2 tuần kết hôn

Chị Thúy và anh Trung đều đồng ý chia đôi số vòng kiềng, dây chuyền và nhẫn. Nhưng đôi bông tai có gắn hột xoàn thì chị nhất quyết không chịu chia đôi.
Tiền Giang: Vợ nằng nặc đòi lại 'đời con gái' sau 2 tuần kết hôn

Vụ ly hôn kỳ lạ

Vụ ly hôn này là của cặp vợ chồng chị Võ Thị Thúy và anh Lê Văn Trung, cùng trú tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, do bà Võ Chi Lan - Thẩm phán TAND thị xã Gò Công, Tiền Giang thụ lý giải quyết.

Tại tòa, hai vợ chồng đều thuận tình ly hôn nhưng thấy họ còn quá trẻ, mới cưới nhau được hai tuần đã đổ vỡ hôn nhân thì thật là đáng tiếc nên thẩm phán đã dành thời gian để hòa giải hàn gắn cho hai người về đoàn tụ với nhau nhưng không thành. Cuối cùng thẩm phán đành làm biên bản thuận tình ly hôn cho hai vợ chồng này.

Về tài sản chung do hai vợ chồng mới cưới nên ngoài số vàng thì không có tài sản chung gì khác. Số vàng này bao gồm hai vòng kiềng, dây chuyền, nhẫn vàng và bông tai bằng vàng có gắn hột xoàn.

Chị Thúy và anh Trung đều đồng ý chia đôi số vòng kiềng, dây chuyền và nhẫn. Nhưng còn đôi bông tai có gắn hột xoàn rất giá trị thì chị nhất quyết không chịu chia đôi.

Theo chị Thúy, từ trước tới nay bông tai thường chỉ dùng cho phụ nữ mà đặc biệt là bông tai trong đám cưới thì người ta chỉ tặng cho cô dâu chứ không ai tặng cho chú rể.

Như vậy thì nghiễm nhiên đôi bông tai có gắn hột xoàn này là của riêng chị chứ không phải là tài sản chung nên không phải chia đôi. Còn anh Trung thì cho rằng đôi bông tai cũng giống như số vàng cưới, và vì đôi bông tai này rất có giá trị nên anh nhất quyết phải được lấy lại một chiếc.

Sau khi nghe hai vợ chồng trình bày, thẩm phán Võ Chi Lan đã phân tích cho chị Thúy hiểu rằng, từ trước tới nay mọi người vẫn có quan niệm là đôi bông tai thì chỉ dành cho phụ nữ. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì tất cả những tài sản phát sinh sau khi hai vợ chồng đăng ký kết hôn thì đều là tài sản chung và đều phải phân chia theo quy định khi ly hôn.

Thẩm phán cũng đưa ra ví dụ như đôi vòng kiềng chẳng hạn, thông thường chỉ có người phụ nữ mới đeo vòng kiềng nhưng khi ly hôn thì vẫn phải chia đôi vì đó là tài sản chung và đôi bông tai có gắn hột xoàn của hai vợ chồng cũng không nằm ngoài quy định này.

Chị Thúy không còn lý do gì để đòi quyền sở hữu toàn bộ đôi bông tai này nữa nên quay sang đòi anh Trung phải bồi thường “đời con gái” cho mình.

Tiền Giang: Vợ nằng nặc đòi lại 'đời con gái' sau 2 tuần kết hôn ảnh 1

Bà Võ Chi Lan - Thẩm phán TAND thị xã Gò Công, Tiền Giang.

Có đền được đời trai hay không?

Khi nghe chị Thúy nói ra điều này cả thẩm phán và anh Trung đều bất ngờ. Một lần nữa để chị Thúy hiểu quy định của pháp luật thẩm phán Võ Chi Lan lại từ tốn phân tích cho chị cảm thấy thật sự thuyết phục.

Thẩm phán Võ Chi Lan chia sẻ: “Khi nghe chị Thúy nói vậy, tôi liền hỏi chị ấy rằng, khi hai người kết hôn với nhau là do chị tự nguyện hay là bị anh Trung ép buộc? Chị Thúy trả lời rằng “hai người tự nguyện đến với nhau, mọi người ngăn cản còn chẳng được nữa là ép buộc”. Tôi lại hỏi tiếp: “Vậy sau khi kết hôn chị tự nguyện quan hệ tình dục với anh Trung hay do anh ấy ép buộc”? Chị Thúy lại tiếp tục trả lời là do chị tự nguyện”.

Từ những căn cứ này, thẩm phán tiếp tục nói với chị Thúy: "Dẫu biết rằng trinh tiết đối với một người con gái nhiều người vẫn rất coi trọng và khi người con gái đã trải qua một đời chồng thì sẽ không còn nhiều cơ hội lựa chọn cho mình một người chồng mới như khi chưa lấy chồng.

Tuy nhiên không có quy định nào buộc người chồng phải bồi thường đời con gái cho vợ khi ly hôn, đặc biệt là khi cuộc hôn nhân đó là tự nguyện và chuyện quan hệ vợ chồng cũng là tự nguyện giữa hai người.

Ngoài ra, khi một cuộc hôn nhân tan vỡ không chỉ có người con gái chịu thiệt thòi là không còn trinh tiết, người con trai họ cũng bị thiệt thòi vì dù sao cũng mang cái danh đã từng một đời vợ, đã từng một lần tan vỡ hôn nhân.

Cũng sẽ có rất ít người còn gái chấp nhận lấy một người chồng như vậy vì ai chẳng thích lấy trai tân. Nếu chị đòi “đời con gái” thì anh Trung cũng đòi “đời trai” với chị thì chị có đền bù cho anh ấy được không?".

Đến lúc này thì chị Thúy mới chịu tâm phục khẩu phục, không còn đưa ra những đòi hỏi vô lý gì thêm nữa và chấp nhận ký vào biên bản công nhận thuận tình ly hôn rồi rời tòa ra về.

Không có yếu tố lỗi, không phát sinh trách nhiệm bồi thường

Liên quan đến vấn đề bồi thường về trinh tiết, tuổi xuân, lễ vật cưới xin trong vụ án ly hôn được pháp luật điều chỉnh như thế nào? Dựa trên căn cứ nào để tòa án xem xét quyết định chấp nhận hoặc bác bỏ những yêu cầu trên? Luật gia Dương Văn Tuệ (nguyên Phó Chánh án Tòa án quân sự Quân khu Thủ đô) phân tích: Yêu cầu được bồi thường, hoàn trả là một quyền dân sự của công dân, quyền này được pháp luật bảo hộ. Nhưng có được xem xét chấp nhận hay không là do Tòa án, dựa trên các căn cứ pháp luật. Vậy nên khi đương sự kiện đòi lại tiền sính lễ, hay đòi lợn đòi trâu... khi ly hôn đều là quyền của các đương sự, Tòa án sẽ xem xét giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Điều 604 Bộ luật Dân sự quy định: Người nào có lỗi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân và các chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Như vậy, căn cứ để xác định có hay không phát sinh trách nhiệm bồi thường là phải có yếu tố lỗi.

Trong quan hệ hôn nhân, một trong những điều kiện quan trọng nhất để xác lập cuộc hôn nhân hợp pháp là hai bên nam và nữ phải tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở. Như vậy, quan hệ hôn nhân là do hai bên tự nguyện, không có yếu tỗ lỗi nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Cũng theo luật gia Tuệ thì: Thực tế, trong nhiều cuộc hôn nhân, dù biết rõ bản chất là mua-bán, đổi chác nhưng rất khó để chứng minh. Đành rằng có việc anh nộp lễ vật thách cưới, hoặc chuyển tiền cho bố mẹ vợ làm nhà, sắm đồ, tự nguyện tặng vàng bạc trang sức để cưới vợ, nhưng việc đó là hoàn toàn tự nguyện nên không có căn cứ kiện đòi, không có nghĩa vụ buộc hoàn trả.

Ngoài ra, trong thực tiễn giải quyết án ly hôn cho thấy, dù bác yêu cầu bồi thường tuổi xuân nhưng tòa án vẫn tính toán đến công sức đóng góp, duy trì cuộc sống hôn nhân nhằm giải quyết hài hòa và nhân văn quyền lợi mọi mặt cho đương sự, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Vì trong các cuộc ly hôn, bao giờ nữ giới cũng chịu nhiều thiệt thòi, cơ hội tạo lập cuộc sống mới và kiếm tìm hạnh phúc mới thường khó khăn và hạn chế hơn nam.

Xét trên phương diện nào đó, khái niệm “bồi thường tuổi xuân” có ý nghĩa tương tự như thuật ngữ pháp lý “công sức đóng góp” của vợ/chồng khi duy trì cuộc sống hôn nhân. Trước đây, việc tính toán công sức đóng góp được quy định tại Nghị quyết hướng dẫn xét xử của TAND Tối cao. Mới đây, khi thảo luận sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, nhiều ý kiến đề nghị phải đưa quy định việc tính toán công sức đóng góp vào chế định ly hôn cũng không nằm ngoài mục đích nhân đạo kể trên.

Lê Văn

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.