Vì sao chưa cấm xuất cảnh trước khi khởi tố Trịnh Xuân Thanh

(Ngày Nay) -Theo luật sư Kiều Anh Vũ, luật quy định chưa cấm xuất cảnh với người không thuộc trường hợp “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm” và Trịnh Xuân Thanh có thể đã "lách" việc này để ra nước ngoài.
Luật sư Kiều Anh Vũ.
Luật sư Kiều Anh Vũ.

Việc phát Lệnh truy nã quốc tế của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) với Trịnh Xuân Thanh ngay khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can là đúng quy định của pháp luật và cũng khá kịp thời. Tuy nhiên, nếu xét toàn bộ quá trình xử lý sai phạm của ông Thanh và ông Thanh đã ra nước ngoài từ trước khi có các quyết định khởi tố thì việc xử lý đã có phần “chậm chân” hơn.

Trả lời câu hỏi vì sao cơ quan có thẩm quyền không sớm thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh với ông Trịnh Xuân Thanh, chúng ta tìm hiểu Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015). Điều 21 quy định công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc trường hợp sau: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan công tác điều tra tội phạm; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế…

Theo điểm a khoản 1 Điều 22, cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh trong trường hợp "đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan công tác điều tra tội phạm".

Các cơ quan có thẩm quyền khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh.

Với Trịnh Xuân Thanh, trước ngày 16/9 ông ta chưa bị khởi tố, chưa bị điều tra nên có thể xem không thuộc trường hợp “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Vì thế, ông ta không bị áp dụng biện pháp chưa được xuất cảnh.

Quy định về “liên quan đến công tác điều tra tội phạm” là quy định chưa được giải thích rõ ràng và hướng dẫn cụ thể nên đây có thể là kẽ hở để Trịnh Xuân Thanh lợi dụng. Nếu xét theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự, điều tra là một giai đoạn của tố tụng hình sự và giai đoạn này được tiến hành sau giai đoạn khởi tố (các giai đoạn của tố tụng hình sự gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử). Nghĩa là nếu chưa bị khởi tố bị can, chưa bị điều tra, ông Thanh không thuộc trường hợp không được xuất cảnh.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc xác minh, kiểm tra, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cũng có thể xem là “hoạt động điều tra”, “công tác điều tra” hoặc “liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Như thế, người bị tình nghi có liên quan cũng có thể bị áp dụng biện pháp chưa cho xuất cảnh theo các quy định nêu trên.

Vì sao chưa cấm xuất cảnh trước khi khởi tố Trịnh Xuân Thanh ảnh 1

Bị can Trịnh Xuân Thanh.Ảnh: VTC

Ngày 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Thanh có nhiều khuyết điểm và phải chịu trách nhiệm về khoản lỗ gần 3.000 tỷ tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian lãnh đạo đơn vị này. Trong tháng 8, Thủ tướng giao Bộ Công an khẩn trương chỉ đạo làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ tại PVC. Nếu cơ quan điều tra đã tiếp nhận chỉ đạo về việc xử lý vụ án từ tháng 8 và xác định được Trịnh Xuân Thanh có liên quan trước khi ông ta xuất cảnh thì vẫn có thể áp dụng biện pháp chưa cho xuất cảnh với ông Trịnh Xuân Thanh.

Tuy nhiên, có thể vì quá trình xác minh, giải quyết vụ án mất nhiều thời gian, có thể vì lý do khách quan khác nên cơ quan có thẩm quyền chưa kịp áp dụng biện pháp chưa cho xuất cảnh trước khi có các quyết định tố tụng với nghi can này.

Căn cứ nào dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam

Theo khoản 1 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Theo khoản 1 Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự, điểm a khoản 2 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp, căn cứ các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực.

Hiện nay, Việt Nam ký kết một số Hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ với một số quốc gia như: Hàn Quốc, Algeria; Tiệp Khắc (hiện nay, Cộng hoà Séc và Cộng hoà Xlôvakia đang kế thừa Hiệp định này), Cuba, Hungari, Bungari, Ba Lan, Lào, Liên bang Nga, Ukraina, Mông Cổ, Triều Tiên…

Nếu Trịnh Xuân Thanh bị bắt ở những nước có Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, việc dẫn độ sẽ thuận lợi so với những nước chưa ký. Dù vậy, nếu ông ta có trốn sang Đức, Canada hoặc quốc gia khác mà Việt Nam chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ thì vẫn có thể áp dụng các Điều ước quốc tế liên quan mà cả hai quốc gia là thành viên hoặc thỏa thuận ngoại giao trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế để dẫn độ.... Trên cơ sở yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài được yêu cầu dẫn độ sẽ căn cứ quy định của pháp luật của quốc gia sở tại và các Điều ước quốc tế, thỏa thuận liên quan giữa hai quốc gia để xem xét chấp nhận hoặc từ chối dẫn độ.

Đầu tháng 6, Trịnh Xuân Thanh (Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang) bị phát giác sử dụng chiếc Lexus LX 570 hơn 5 tỷ đồng, đeo biển số xanh 95A-0699, vượt quá giá trị tiêu chuẩn Nhà nước bố trí cho cán bộ cấp tỉnh.

- Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu làm rõ việc này. Ngày 10/6, ông Thanh nói với VnExpress: "Tôi chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Tổng bí thư. Tôi không có ý kiến gì nữa".

- Ngày 13/6, Tỉnh ủy Hậu Giang có báo cáo gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Công an thừa nhận việc cấp biển xanh cho xe Lexus LX 570 là "chưa đúng quy định".

- Ngày 15/6, ông Phạm Minh Chính, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, xác nhận tạm dừng bầu chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang với ông Thanh tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh.

- Ngày 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Thanh có nhiều khuyết điểm và phải chịu trách nhiệm về khoản lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian lãnh đạo đơn vị này.

- Tháng 8, Thủ tướng giao Bộ Công an khẩn trương chỉ đạo làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ tại PVC.

- Ngày 8/9, ông Thanh bị khai trừ Đảng.

- Ngày 15/9, Bộ Công an khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khiến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng xảy ra tại PVC.

Cựu tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận cùng Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (phó tổng giám đốc), Phạm Tiến Đạt (kế toán trưởng) bị khởi tố bị can, tạm giam.

- Ngày 16/9, ông Thanh là bị can thứ 5 trong vụ án tại PVC và bị phát lệnh truy nã quốc tế.

Theo Vnexpress
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.