Phát hiện thành phố 1.500 năm tuổi của người Maya

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học Mexico đã phát hiện một thành phố thời tiền Colombo có niên đại hơn 1.500 năm giữa rừng rậm thuộc bang Yucatan, miền Đông Nam nước này.
Phát hiện thành phố 1.500 năm tuổi của người Maya

Thành phố có tên Xiol, trong tiếng Maya nghĩa là “tinh thần của con người”, từng là nơi cư trú của hơn 4.000 người, trong đó có các linh mục, thầy thông giáo, chức sắc và dân thường.

Những dấu vết đầu tiên của thành phố được các nhà khảo cổ của Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia (INAH) phát hiện từ năm 2018, song công tác khảo sát mới được đẩy nhanh trong 6 tháng qua.

Trong thời gian đó, các nhà khoa học đã khôi phục được một số công trình trong thành cổ, đồng thời phát hiện thêm nhiều khu định cư. Đại diện Trung tâm INAH tại Yutacan Arturo Chab Cárdenas nhấn mạnh tầm quan trọng của phát hiện này, do kiến trúc đồ sộ của Xiol.

Với diện tích khoảng 21 ha, thành phố có niên đại từ thời Hậu Cổ điển -từ năm 600-900 sau Công nguyên- có quảng trường chính, nơi tọa lạc một kim tự tháp với 2 phần so le. Ở khu phía trên có quảng trường khác với một công trình giống như cung điện, và lối vào được chia đôi bằng một cột nguyên khối.

Ngoài ra, ở đây còn có một cenote -hố sụt chứa nước ngầm hình thành do quá trình đá vôi sụp đổ, vốn là chốn linh thiêng trong tín ngưỡng bản địa- sẽ bắt đầu được các nhà hang động học nghiên cứu trong vài ngày tới.

Theo nhà khảo cổ học Carlos Peraza thuộc INAH, đến nay các nhà khoa học đã phát hiện 12 công trình ở Xiol, trong đó đáng ngạc nhiên là có cả những tòa nhà theo phong cách “Puuc”, vốn rất đặc trưng ở miền Nam Yucatan, nhưng ít phổ biến ở miền Bắc bán đảo.

Tại đây, các chuyên gia tìm thấy nhiều căn phòng nhỏ nơi người dân cư trú và các xưởng chế tạo công cụ lao động phục vụ hoạt động xây dựng, cũng như khoảng 15 ngôi mô, chủ yếu là của người lớn, với tế vật là những chiếc bình, vòng cổ, hoa tai và một số đồ dùng hàng ngày.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng khai quật được một số đồ gốm có niên đại sớm hơn như thời Tiền cổ trung đại (700-350 trước Công nguyên), Tiền cổ điển thượng và Cổ điển sớm (350 trước Công nguyên-600 sau Công nguyên).

Maya từng là một nền văn minh vĩ đại, đạt tới đỉnh cao của mọi lĩnh vực từ kiến trúc, toán học, thiên văn học cho đến nghệ thuật. Xuất hiện từ năm 2.000 trước Công nguyên, nhiều công trình ấn tượng của người Maya vẫn còn tồn tại trong các khu rừng ở phía Đông Nam Mexico, Guatemala, Belize và phía Tây Honduras.

Trong thời kỳ đầu Công nguyên, hàng loạt nhà nước, quốc gia của người Maya được thành lập và phát triển rực rỡ, đa dạng. Tuy nhiên, đại đa số các quốc gia này lần lượt diệt vong một cách bí ẩn và gần như biến mất hoàn toàn vào thế kỷ thứ 10.

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.