Ngày 20-10 thật sự là ngày gì?

(Ngày Nay) - Quyền phụ nữ là thứ được nhắc đến rất nhiều trong những năm gần đây. Nhưng ai giúp họ thực hiện quyền ấy, hay là họ phải trông chờ vào chính bản thân mình, lại là một câu hỏi ngỏ. Nếu bạn muốn nói đến “Hội phụ nữ Việt Nam” có lẽ bạn đã chạm đến đúng vấn đề...
Ngày 20-10 thật sự là ngày gì?

Những lá đơn xa xỉ

Chị Tuyết ngồi trong một căn nhà đầy mùi phân heo. Đó là căn nhà mà chị đã bằng đủ mọi cách giữ lại sau khi ly hôn. Nhưng giống như mọi gia đình ở nông thôn, mảnh đất xây căn nhà này là của bố mẹ chồng để lại - và bốn bề xung quanh là gia đình nhà chồng. Tuyệt giao, thậm chí mang cả tâm lý đối đầu, khi vẫn phải sống cạnh nhau là một điều khó khăn.

Nhà anh chồng chị có một chuồng heo lớn ngay bên hông phòng khách nhà chị. Ai vào nhà chị Tuyết cũng sẽ phải hứng chịu đủ thứ mùi xú uế ấy bốc lên. Nhưng chị chịu. Không đối thoại được. Chị chỉ biết, mình đã giữ được căn nhà mà trước kia mình đã cùng gồng lên xây dựng, để nuôi con ăn học.

Đó là một câu chuyện nhỏ nhặt ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Nhưng nếu nhìn rộng ra bức tranh nông thôn, thì cái lý do tưởng rất nhỏ nhặt ấy lại là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người phụ nữ phải rời bỏ quyền lợi và căn nhà của mình: họ không thể “tứ bề thọ địch”, đã ly hôn rồi còn ở lại căn nhà mà xung quanh phần lớn là người nhà bên nội.

Cũng ở Quảng Ngãi, và ở chính huyện Tư Nghĩa, bạn có thể gặp chị Lên, người đã cố dứt áo ra đi sau những trận đòn thù của chồng, nhưng rồi vì con chị không thể chịu được cảnh nay đây mai đó, lại phải quay về căn nhà địa ngục nơi người chồng ấy thậm chí đã nhận án tù vì hành hung con đẻ.
Tài sản của chị Lên không chia được. Chị cũng như rất nhiều người phụ nữ khác, không đủ trình độ và bản lĩnh để đòi được quyền lợi cho mình. Ra đi tay trắng.

“Bị đánh miết, sợ miết” - chỉ bằng năm từ, chị Hương ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) nghẹn ngào giải thích về lý do mình ra đi tay trắng. Chị đã cùng người chồng cũ xây lên một căn nhà tươm tất, nhưng giờ sau khi ly dị, chị đưa con về sống cùng mẹ già trong căn nhà tình nghĩa nhỏ xíu mà chính quyền xây cho bà. Nhà đất không, ruộng vườn không, thứ duy nhất chị được chia là đàn bò. Đàn bò có ba con thì hai con ở lại với người chồng cũ, chị lấy đi được một con bê.

Chị Hương đứng khóc cạnh căn nhà giờ đã bị chồng chiếmChị Hương đứng khóc cạnh căn nhà giờ đã bị chồng chiếm

Chị Hương sợ bây giờ đòi chia nhà thì tòa sẽ phân cho chồng chị ở ngôi nhà đó và trả lại cho chị chừng vài chục triệu đồng. Số tiền đó không đủ để chị lo cho con. Chị muốn được sở hữu ngôi nhà, nhưng nếu tòa có phán quyết như vậy, chị cũng không có tiền trả phần chia cho chồng cũ. Tính tới tính lui, lại thêm nỗi sợ từ những trận đòn xưa cũ nên chị cứ nấn ná, “để coi thái độ ảnh ra sao” rồi mới quyết định. Hôm nay, chị vẫn đứng trước cái nhà vốn là của mình, tựa lưng vào cổng sắt, ôm con nhỏ trong tay chỉ biết khóc.

Hỏi chị Tuyết, rằng cuối cùng thì tại sao chị lại giữ được căn nhà ấy, chị chỉ trả lời rằng: Chị cũng tìm hiểu, rồi đọc luật, rồi không ngại đi lại đơn từ, để cương quyết phải giữ căn nhà cho con. Cuộc tranh đấu ấy, tất nhiên là cũng có những lúc cực kỳ căng thẳng. Nhưng cuối cùng, chị Tuyết, cho dù vẫn sống trong một căn nhà đầy mùi phân heo và thỉnh thoảng vẫn phải đôi co với “hàng xóm” (chính là người anh chồng) - vẫn cảm thấy mình đã làm đúng. Lý do, là bởi chị tự chủ, chị nói mình cũng có công ăn việc làm đàng hoàng, có trình độ, từ lúc có chồng, nên chị không sợ.

Lý do nghe có vẻ đơn giản thế, nhưng lại là điều xa vời với rất nhiều con người. Chị Hương, thậm chí không thể tự mình viết một lá đơn đòi tiền cấp dưỡng nuôi con. Chị mù chữ. Chúng tôi cứ hỏi vặn mãi, rằng tại sao người chồng cũ không đưa tiền cấp dưỡng, mà chị không lên huyện kiến nghị với cơ quan thi hành án. Trong nhà chị, vào bếp mở nồi ra, chỉ có một nồi cá nục kho có lẽ để ăn nhiều bữa. Thế nhưng chị vẫn không nói, chỉ trả lời loanh quanh rằng đã nhờ người lên huyện kiến nghị rồi.
Chúng tôi quyết định đưa chị lên tận cơ quan thi hành án huyện bằng xe của mình, rồi đưa chị vào gặp cán bộ. Hỏi kỹ ra, chị mới vê gấu áo thú nhận: Mình không biết viết. Những lá đơn mà chị “nhờ người” nộp hộ kia hóa ra là không hề đến được tay cơ quan thi hành án, vì một lý do nào đó.
Cán bộ thi hành án ngồi viết lại lá đơn cho chị. Có lẽ là việc đòi được số tiền một triệu hai một tháng để nuôi con, từ người chồng đã đánh vợ dã man rồi bỏ mặc con cái suốt những tháng ngày, là điều khó khăn. Nhưng dù sao, lá đơn ấy, cũng sẽ cho chị một chút hy vọng về sự công bằng...

Quyền phụ nữ là quyền gì?

Vấn đề của rất nhiều phụ nữ nông thôn hiện nay, không phải là họ không ý thức được quyền của mình. Không phải là họ không biết rằng mình cũng vất vả một nắng hai sương để cùng xây dựng gia sản. Không phải là họ không biết rằng mình cũng có quyền được sống tử tế và công bằng với các đức ông chồng. Nhưng họ cô độc và yếu đuối đến mức thậm chí không thể tự mình ngăn cản một cú đấm - không thể đảm bảo quyền tự do thân thể, chứ đừng nói tới các quyền khác của con người.
Ai đứng ra giải quyết vấn đề lúc đó?

Theo Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có xu hướng giảm và xảy ra  nhiều vụ gây hậu nghiêm trọng. Số liệu thống kê của Sở văn hóa, thể thao và du lịch, năm 2012, toàn tỉnh có 463 vụ bạo lực gia đình; năm 2013 là 346 vụ; năm 2014 là 278 vụ và năm 2015 là 361 vụ.
Theo số liệu của Công an tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2010-2014, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện 63 vụ án có liên quan đến bạo lực gia đình, chiếm 1,99% số vụ xâm phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.Trong đó, có 11 vụ giết người, 7 vụ cố ý gây thương tích, 24 vụ hành hạ, ngược đãi, đánh đập, 21 vụ xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Trên thực tế, số phụ nữ bị bạo hành tìm đến cơ quan công quyền rất ít, mà phần đông là âm thầm chịu đựng vì sợ “vạch áo cho người xem lưng”.
Bà Lê Na- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Cần tăng cường sự quan tâm của các cấp ủy đảng, sự quản lý của nhà nước trong công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng những mô hình hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực gia đình, có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm bạo lực gia đình”.

Trong hành trình của mình đến với những phụ nữ đang chật vật đòi lại căn nhà sau ly hôn, chúng tôi nói chuyện với nhiều cán bộ phụ nữ. Họ có rất nhiều loại, nhiều tính cách, nhưng có một đặc điểm, là không giúp được gì nhiều cho những con người kia thực hiện quyền của mình.
Cán bộ phụ nữ nơi chị Lên - người đàn bà bị bạo hành nhưng giờ phải quay lại sống trong căn nhà cũ cùng người chồng vừa đi tù về - nói rằng chị không biết phải giúp sao. Chị cũng là nông dân. Chị không có trợ cấp gì đáng kể, nếu có thì nó được tính bằng vài chục ngàn đồng một tháng. Chị dắt chúng tôi vào trong căn nhà, xót xa cho thân phận của người đàn bà kia, nhưng chị cũng không thể dành toàn thời gian để đi đòi lại công lý cho chị Lên.
Cán bộ phụ nữ nơi chị Hương đang sống - một phụ nữ đứng tuổi bán quán nước ngay gần nhà - thì thậm chí còn mang định kiến quen thuộc của làng quê. “Con này nó cũng phải như thế nào thì thằng này nó mới đánh chứ?” - bà nói.
Cán bộ phụ nữ một tỉnh tôi đi qua, khi được đề nghị gặp gỡ để xin danh sách những phụ nữ bị bạo hành trên địa bàn, đã trả lời rằng việc này “Hội phụ nữ không nắm”. Không biết rằng khi mà quyền tự do thân thể của một con người bị xâm phạm thì có điều gì quan trọng hơn, để hội phụ nữ không nắm được nó. Hay là những băng-rôn xanh đỏ và những ngày hội phụ nữ đảm đang sẵn sàng gì đó mới là chức năng chính của Hội?

Ngày 20-10 thật sự là ngày gì? ảnh 2Chị Thủy - một phụ nữ ở Quảng Ngãi - khóc khi nói về kiếp đi ở nhờ sau ly hôn

Cơ quan hỗ trợ phụ nữ lớn nhất đất nước, mang nhiều bộ mặt. Có bộ mặt của sự thiếu thốn về tiền bạc và bất lực về khả năng. Có bộ mặt của sự thiếu nhận thức về chính cái quyền của phụ nữ - như bà bán quán đầy định kiến kia. Có bộ mặt quen thuộc của những cán bộ - là sự quan liêu và vô cảm.
Những tổ chức phi chính phủ về phụ nữ thì quá nhỏ, và chỉ tiếp cận được vấn đề ở một bề rất hẹp.
Ngày 20-10 thường được gọi là “Ngày phụ nữ Việt Nam” - nhưng thực chất nó là ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khi những người phụ nữ có một tổ chức đại diện và tất nhiên là bảo vệ mình.

Liệu rằng việc kỷ niệm ngày 20-10 một cách hoành tráng có điều gì bất cập khi mà vẫn còn rất nhiều bằng chứng cho thấy cái tổ chức ấy chưa làm tròn nhiệm vụ của mình? Nó thật ra đã được nhìn nhận công khai, khi Hội này diễn đạt rằng họ “chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và “chưa đáp ứng được một số yêu cầu thực tiễn đặt ra”.

Có lẽ ngày 20-10, ngoài việc xưng tụng người phụ nữ, thì người ta còn cần phải nghĩ đến việc xem xét lại những điều chưa được trong việc bảo vệ người phụ nữ - đặc biệt là qua hoạt động của cái Hội mà chính ngày nó thành lập được tôn vinh.

Cán bộ phụ nữ, vẫn ở ngay đấy, bên cạnh những phụ nữ bị bạo hành, mất nhà cửa, đem con đi chui rúc khắp nơi và ăn những bữa cơm nhiều muối. Nhưng một lá đơn họ cũng không thể viết. Và trên website của Hội phụ nữ, bạn đừng mong được nhìn thấy “những vấn đề thực tiễn đặt ra” - như nước mắt của chị Hương trước căn nhà của mình. Ở trên đó, sẽ chỉ có rất nhiều gương sáng màu hồng.

Và cũng nhiều người, đã quen với tâm lý rằng cứ đến ngày kỷ niệm thì chúng ta sẽ nói về những điều màu hồng. Họ quên mất 20-10 thật sự là ngày gì.

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.