Ăn chay có thực sự tốt như mọi người nghĩ?

Ăn chay có thực sự tốt như mọi người nghĩ?

Ăn chay ngày nay đã trở thành xu hướng được rất nhiều người đón nhận, là một phần của lối sống hiện đại. Mọi người ăn chay không hẳn vì tín ngưỡng, tôn giáo hay tâm niệm cầu nguyện điều gì, mà vì những món ăn chay thanh tịnh là lối sống xanh giúp bảo vệ môi trường, thể hiện tình yêu với động vật và tốt cho sức khỏe.

_____________________

Tuy nhiên khi thói quen ăn uống này trở thành một xu hướng toàn cầu, đã có nhiều câu hỏi đặt ra trên khía cạnh khoa học về việc liệu ăn chay hay thuần chay có thực sự tốt như những gì người ta ca ngợi?

Ăn chay có thực sự tốt như mọi người nghĩ? ảnh 1

Sinh sống tại Hàn Quốc- quốc gia nổi tiếng với các món thịt nướng thơm ngon, việc phải lựa chọn chế độ ăn thuần chay sẽ là một cuộc đấu tranh đối với nhiều ngôi sao K-pop. Tuy nhiên ngày càng nhiều người nổi tiếng lựa chọn chế độ ăn thuần thực vật và họ đang truyền cảm hứng cho những người hâm mộ trẻ tuổi trải nghiệm thói quen ăn uống lành mạnh này.

Kiều nữ xứ Hàn Im Soo-jung được biết đến là người ăn chay trường nổi tiếng nhất Hàn Quốc, khi cô phát hiện mình bị dị ứng với protein động vật cách đây 5 năm. Không chỉ để bảo vệ sức khỏe, Im Soo-jung coi thói quen ăn uống này là một sở thích. Cô đang đi đầu trong việc quảng bá chế độ ăn thuần chay ở Hàn Quốc, chia sẻ thông tin về các nhà hàng thuần chay tốt và các lựa chọn bữa ăn trên Instagram của mình. Một số món ăn yêu thích của cô là bánh pizza làm từ gạo lứt với pho mát thuần chay và chobap rau (sushi Hàn Quốc) với nấm và ớt chuông.

Nữ ca sĩ Lee Hyoriau cũng chọn trở thành một người ăn chay trường hoặc một người ăn chay pesco vì tình yêu của cô với động vật. Theo Lee Hyoriau, ngày nay mọi người đang ăn thịt nhiều hơn và để đáp ứng nhu cầu của con người, các loài động vật đang bị giết hại. Cô muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người và ước muốn này đã trở thành hiện thực khi cô đăng bữa sáng bao gồm đậu lăng vào năm 2014, khiến nhu cầu về các loại đậu trên thị trường đã tăng mạnh, với việc mọi người gọi đây là “hiệu ứng Lee Hyori”. Lee Ha-nee- diễn viên Hàn Quốc cũng chọn cách ăn chay xuất phát từ việc mẹ cô phải trải qua ca phẫu thuật vì bệnh ung thư, trong khi anh trai cô cũng là người không dung nạp Lactose và phải ăn chay trường.

Ăn chay có thực sự tốt như mọi người nghĩ? ảnh 2

Các ngôi sao xứ Hàn dẫn đầu xu hướng "sống xanh"

Hàn Quốc vốn không phải là quốc gia có nhiều người ăn chay với các món ăn đặc trưng là thịt nướng, hải sản và súp làm từ nước hầm xương. Tuy nhiên quan niệm về ẩm thực đang dần dần thay đổi và ăn chay trường đang được thế hệ trẻ, đặc biệt là phụ nữ quan tâm. Gần đây, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh trong khu vực, Lotteria, đã tung ra lựa chọn thực đơn thuần chay với món “bánh mì kẹp thịt thần kỳ” tại thị trường Hàn Quốc. Nhiều sản phẩm thuần thực vật ra đời nhờ vào số lượng nhỏ các ngôi sao Hàn Quốc đang dẫn đầu làn sóng ăn uống “xanh” này.

Không chỉ ở Hàn Quốc hay châu Á, xu hướng này ngày càng phổ biến ở châu Âu hay châu Mỹ. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hiện nay có 10% người ở châu Âu ăn chay trường. Từ năm 2012-2018 ở Mỹ có 3% dân số ăn chay hoàn toàn.

Ăn chay có thực sự tốt như mọi người nghĩ? ảnh 3

Ông Doug Schmidt ở Rochester, New York, rất thích ăn thịt và ăn thịt hàng ngày cho đến khi 49 tuổi, ông bị cơn đau tim đầu tiên. Nằm ở viện hơn 1 tuần và trở về nhà với cảnh báo rằng ông có thể bị đau tim và nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào. Sau khi vượt qua thử thách, ông Doug cho rằng đã đến lúc phải tìm ra giải pháp. Ông và vợ bắt đầu nghiên cứu và phát hiện ra rằng chế độ ăn thuần thực vật: Không thịt, không sữa, không mỡ động vật là cách lành mạnh nhất đối với người đang gặp những tình trạng sức khỏe như ông. Trong vòng vài tuần sau khi ăn chay hoàn toàn, ông bắt đầu giảm cân và hoạt động của máu được cải thiện. Cứ ba tháng một lần, ông lại kiểm tra y tế và trong vòng 3 năm qua, sức khỏe của ông đã trở lại bình thường với lượng cholesterol và các dấu hiệu khác của bệnh tim mạch đều ở mức ổn định.

Ông Doug Schmidt chỉ là một trong số rất nhiều người ủng hộ hoàn toàn việc ăn chay trường. Tuy nhiên cũng có nhiều nhận định khác nhau về lợi ích của ăn chay. Vậy hãy tìm hiểu liệu ăn chay có thực sự tốt như nhiều người ca ngợi hay không?

Ăn chay có thực sự tốt như mọi người nghĩ? ảnh 4

Trước hết cần hiểu rõ về chế độ ăn chay. Ăn chay có nhiều hình thức, trong đó chế độ loại bỏ hoàn toàn thịt có lẽ được quan tâm nhiều nhất. Hầu hết những người ăn chay đều ăn theo chế độ lacto-ovo, nghĩa là họ ăn trái cây và rau, đậu, hạt, ngũ cốc và đậu nành, cũng như các sản phẩm phụ từ động vật như trứng, sữa và mật ong. Người ăn chay trường là những người không ăn bất cứ thứ gì có nguồn gốc từ động vật. Nhưng cũng có chế độ ăn kiêng thuần thực vật nhưng vẫn kết hợp với một số loại thịt và cá như chế độ ăn kiêng pescatarian, tương tự như chế độ ăn chay lacto-ovo, nhưng có bổ sung thêm cá. Ngoài ra còn có chế độ ăn kiêng linh hoạt, bao gồm một loạt “chế độ ăn bán chay”: ăn nhiều thực phẩm thuần thực vật và ít thịt, cùng các sản phẩm động vật. Chế độ ăn Địa Trung Hải về mặt kỹ thuật cũng dựa trên thực vật và đây là một trong những cách ăn được coi là lành mạnh.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn thuần thực vật có liên quan đến những lợi ích như giảm huyết áp, cholesterol, lượng đường trong máu và giảm trọng lượng cơ thể. Điều này cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, ung thư và các bệnh khác. Ngoài ra, nghiên cứu sơ bộ cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải có thể giúp làm chậm sự suy giảm nhận thức và tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer ở tuổi già, kéo dài tuổi thọ.

Ăn chay có thực sự tốt như mọi người nghĩ? ảnh 5

Theo Ginger Hultin- chuyên gia dinh dưỡng tại Seattle (Mỹ) và là người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn kiêng Mỹ, chế độ ăn dựa trên nguồn gốc thực vật có xu hướng ít chất béo bão hòa hơn và nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất hơn. Ăn chay không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn tác động tích cực tới môi trường. Ngành sản xuất thực phẩm đặc biệt là công nghiệp chăn nuôi hiện nay chiếm từ 1/4 - 1/3 lượng khí phát thải nhà kính do con người tạo ra trên toàn thế giới. Chính vì vậy theo các chuyên gia, giảm tiêu thụ thịt cũng là cách để chúng ta cứu lấy hành tinh.

Ăn chay có thực sự tốt như mọi người nghĩ? ảnh 6

Sẽ khó có chuyên gia dinh dưỡng nào khẳng định ăn chay chắc chắn tốt hay ăn thịt không tốt, vì điều này còn phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe, nhận thức về chế độ ăn và cách kiểm soát các bữa ăn như thế nào. Tuy nhiên các nhà khoa học đang cảnh báo về những loại thực phẩm chay giả thịt đang ngày càng phổ biến và thức ăn nhanh thuần chay, có thể kém lành mạnh hơn cả những sản phẩm thịt thật.

Từ ‘thịt viên’ và ‘bánh mì kẹp thịt’ đến ‘goujons’ và ‘thịt xông khói’... thực phẩm làm giả thịt có ở khắp mọi nơi. Để làm ra các sản phẩm giả thịt này, nhà sản xuất đã phải sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật trong đó có mỳ căn (Seitan) hay thịt nhân tạo lên men từ nấm (Quorn). Các sản phẩm đậu nành như đậu phụ và tương nén (tempeh) từ lâu cũng đã được sử dụng trong ẩm thực châu Á như một chất thay thế thịt. Tất cả các sản phẩm này đều là nguồn cung cấp protein tốt và bổ dưỡng ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, một số loại, như đậu phụ và mỳ căn, không phải là nguồn cung cấp protein ‘hoàn chỉnh’, tức là chúng không chứa tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể chúng ta cần. Mỳ căn và thịt nhân tạo lên men từ nấm cũng là sản phẩm được chế biến, sẽ không phù hợp với những người nhạy cảm với gluten hoặc lúa mì.

Ăn chay có thực sự tốt như mọi người nghĩ? ảnh 7

Ngày càng có nhiều sản phẩm chay giống hương vị thịt thật

Trong những năm gần đây, một thế hệ sản phẩm công nghệ cao mới làm từ thực vật đã được chế biến để tái tạo lại hương vị, kết cấu và hình thức chính xác của thịt. Ngày càng có nhiều sản phẩm từ thực vật trên thị trường thay thế thịt và hương vị giống như thật. Ví dụ như thịt chay Beyond Burgers, được bán tại hơn 25.000 cửa hàng thực phẩm trên toàn thế giới. Đây là một những miếng “thịt” được làm 100% từ thực vật với hình dạng, màu sắc, hương vị và khả năng “chảy máu” không khác gì những miếng thịt bò cao cấp.

Theo Mhairi Brown, chuyên gia dinh dưỡng và nhà hoạt động thuộc nhóm vận động Action Against Salt, nhiều nhãn hiệu phổ biến gồm bánh mì kẹp thịt, xúc xích và thịt xông khói được bán trong siêu thị chứa hàm lượng muối cao. Tuy nhiên những sản phẩm này đều được các nhà sản xuất thực phẩm ca ngợi, với khẳng định thực phẩm thuần chay tốt cho sức khỏe vì nó được làm từ thực vật. Chuyên gia Mhairi Brown cho biết: “Họ thường sử dụng bao bì màu xanh lá cây hoặc màu da cam, và cả thuật ngữ làm từ thực vật, để tạo ra ‘vầng sáng sức khỏe’. Mọi người nghĩ rằng những sản phẩm này tốt cho sức khỏe, trong khi điều đó có thể hoàn toàn không phải như vậy”.

Ăn chay có thực sự tốt như mọi người nghĩ? ảnh 8

Cần lưu ý các chỉ số trên nhãn thực phẩm

Hiện cũng có nhiều lo ngại về các biện pháp ăn chay không khoa học có thể khiến nhiều người ăn chay bị thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Ví dụ vitamin B12 rất cần thiết cho chức năng của não và hệ thần kinh, có tự nhiên trong các sản phẩm động vật, nhưng thường không có trong thực phẩm thực vật trừ khi chúng được tăng cường. Điều này khiến người ăn chay và thuần chay, nếu không có chế độ bổ sung hợp lý, có nguy cơ bị thiếu hụt. Một nguyên nhân khác đáng lo ngại đối với những người ăn chay và ăn chay trường đó là gặp vấn đề về xương do thiếu canxi và vitamin D. Nghiên cứu cho thấy những người ăn chay trường có mật độ khoáng xương thấp hơn và tỷ lệ gãy xương cao hơn gần một phần ba so với dân số nói chung, với thanh thiếu niên và phụ nữ sau mãn kinh đặc biệt có nguy cơ cao.

Heather Russell, chuyên gia dinh dưỡng của Hiệp hội thuần chay cho biết, bất kỳ ai đang cân nhắc lựa chọn chế độ ăn chay thuần thực vật cần tự nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng tốt và nguồn protein lành mạnh. Cho dù bạn có ăn chay hay không, bạn nên chú ý các thành phần có trên nhãn sản phẩm để theo dõi lượng chất béo, muối và đường bổ sung, hạn chế tối đa thực phẩm từ thực phẩm đã qua chế biến. Đừng nghĩ thực phẩm được làm từ thực vật nghĩa là nó tốt cho bạn, vì một túi khoai tây chiên giòn có thể là thuần chay, nhưng không phải là thực phẩm tốt cho sức khỏe..

Bài: Phương Ly

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.