Biến đổi khí hậu: Buồn vui lẫn lộn

Biến đổi khí hậu: Buồn vui lẫn lộn

Từ những gì diễn ra trong năm 2018 và bước sang năm 2019, có thể dự đoán chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với hai thái cực trái ngược nhau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
* * * 
Biến đổi khí hậu: Buồn vui lẫn lộn ảnh 1

Năm 2018 đã chứng kiến khá nhiều thảm họa thiên tai mà các nhà khoa học khẳng định rằng đó là hệ quả của biến đổi khí hậu: những cơn siêu bão và lũ lụt hoành hành ở Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ; các vụ cháy rừng khủng khiếp ở California (Mỹ), khu vực Bắc Âu và Australia; những đợt nắng nóng thiêu đốt ở Nhật Bản, Pakistan và châu Phi; hạn hán ở Nam Phi và Argentina… Năm nay cũng là năm thứ 4 liên tiếp trái đất nóng lên, nếu lượng C02 và Metan (CH4) vốn làm trái đất ấm dần lên tiếp tục tăng trong bầu khí quyển thì các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ trở nên thường xuyên hơn và gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Theo thống kê của tổ chức nhân đạo Christian của Anh, trong năm 2018, thế giới đã tổn thất ít nhất 100 tỷ USD vì các thiên tai được xác định liên quan đến biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu: Buồn vui lẫn lộn ảnh 2

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy năm 2018 thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền Việt Nam với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 9 đợt gió mạnh trên biển; 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng; 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng. Thiên tai năm qua ở Việt Nam gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm hơn 200 người chết và mất tích. Tuy con số thiệt hại giảm so với năm 2017 song thiên tai năm 2018 vẫn có nhiều nét dị thường. Trong khi đó, công tác ứng phó với thiên tai ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng được yêu cầu.

Biến đổi khí hậu: Buồn vui lẫn lộn ảnh 3

Tháng 10/2018, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (IPCC) đã công bố báo cáo đặc biệt về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu (gọi tắt là báo cáo 1,5 độ C). Các trích dẫn khoa học trong báo cáo này đã được thông qua bởi đại diện 195 quốc gia, bao gồm cả Mỹ. Theo báo cáo, các vấn đề toàn cầu dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể tệ hơn nhiều so với dự kiến, nhiều tác động tiêu cực đang diễn ra nhanh hơn trong bối cảnh lượng khí phát thải trên toàn cầu ngày một tăng cao. Báo cáo cảnh báo nếu con người không giảm được một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 thì sự nóng lên toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra, bất chấp chúng ta có làm gì đi nữa. Để ngăn chặn “kịch bản” tai hại này, các nhà khoa học cho rằng lượng khí thải cần phải giảm dần từ năm 2020. Bà Katharine Hayhoe – nhà khoa học khí quyển và Giám đốc Trung tâm Khoa học Khí hậu tại Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) – cho rằng một trong những cách tốt nhất đối phó với biến đổi khí hậu là con người cần từ bỏ sử dụng các năng lượng hóa thạch. Nhưng thực tế, đó dường như là điều mơ mộng bởi phần lớn các tập đoàn giàu có, quyền lực nhất thế giới vẫn thu được lợi nhuận từ kinh tế dựa vào năng lượng hóa thạch.

 Để bảo vệ lợi ích của mình, họ thậm chí có thể chi phối chính sách về sử dụng năng lượng, chống biến đổi khí hậu của các nước phát triển. Điều đó dẫn tới những ý kiến tranh cãi về việc liệu biến đổi khí hậu là có thực và liệu có mối liên hệ nào giữa biến đổi khí hậu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt? Trong khi đó, nhiều nước nghèo và đang phát triển vẫn tiếp tục phải phát triển đất nước bằng cách sử dụng nguồn tài nguyên rẻ mà không chú ý tới những tác động tiêu cực từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch.

Vì sao biến đổi khí hậu ngày càng đáng lo ngại? Bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế mỗi quốc gia mà còn tác động trực tiếp tới “túi tiền” và sức khỏe mỗi chúng ta.

Biến đổi khí hậu: Buồn vui lẫn lộn ảnh 4

Thứ nhất, người dân có thể phải chịu các mức thuế cao hơn để bù cho ngân sách bị thâm hụt do biến đổi khí hậu. Bản Đánh giá Khí hậu Quốc gia lần thứ tư của Mỹ (công bố cuối năm 2018) cảnh báo sự nguy cấp về biến đổi khí hậu  có thể khiến kinh tế Mỹ thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ USD hoặc trong trường hợp xấu nhất, hơn 10% GDP quốc gia này, tính tới cuối thế kỷ 21. Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) từng ước tính người đóng thuế Mỹ chịu thiệt hại khoảng 350 tỷ USD trong thập kỷ qua, tương đương 35 tỷ USD/năm.

Thứ hai, người dân phải trả tiền nhiều hơn để mua lương thực. Các nhà khoa học thuộc IPCC ước tính sản lượng vụ mùa toàn cầu có thể giảm tới 25% trong giai đoạn 2030 – 2049, làm gia tăng giá lương thực mà đỉnh điểm có thể lên tới 84%.

Biến đổi khí hậu: Buồn vui lẫn lộn ảnh 5

Thứ ba, trong lúc chi nhiều hơn, người dân, nhất là nông dân, có thể kiếm được ít tiền hơn do giờ lao động và chất lượng, sản lượng giảm. Kể từ năm 2000, năng suất lao động của nông dân giảm 5,3%, chủ yếu do thời tiết nắng nóng tại những nước như Ấn Độ, Brazil. Ở vùng đông nam nước Mỹ, tới năm 2100, nông dân có thể mất nhiều giờ lao động vì quá nóng. Tại vùng trung tây Mỹ, các khu nông nghiệp sẽ sản xuất ít hơn 75% sản lượng ngô hiện tại, và vùng phía nam nước Mỹ sẽ thu về ít hơn 25% sản lượng đậu nành. Nghiên cứu của tổ chức “NextGen Climate & Demos” (Mỹ) cho biết thế hệ Millennial (sinh từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) ở Mỹ có thể mất gần 8,8 nghìn tỷ USD thu nhập cả đời vì sự ấm lên toàn cầu.

Thứ tư, người dân sẽ mất tiền sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa sau các vụ thiên tai như: lũ lụt, cháy rừng... Các hợp đồng bảo hiểm của người dân cũng có thể tăng cao bởi nguy cơ thảm họa thiên tai ngày càng cao.

Cuối cùng, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng nhiều, do tình trạng ấm lên toàn cầu là tác nhân gia tăng các bệnh như: sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, bệnh tim mạch, hô hấp…Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo, trong giai đoạn từ năm 2030 - 2050, biến đổi khí hậu sẽ khiến khoảng 250.000 người thiệt mạng mỗi năm do thiếu dinh dưỡng. Ước tính đến năm 2030, chi phí khắc phục những thiệt hại trực tiếp của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người sẽ vào khoảng 2 - 4 tỷ USD/năm.

Đáng suy nghĩ là khi thiên tai xảy ra, những người thu nhập thấp và cộng đồng người yếm thế luôn chịu tổn thất nhiều nhất. Trong khi đó, họ có ít nguồn lực để tái thiết, đồng thời ít được cộng đồng chú ý hơn.

Biến đổi khí hậu: Buồn vui lẫn lộn ảnh 6

Theo nhà khoa học khí quyển Katharine Hayhoe, điều quan trọng nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là thúc đẩy nhận thức cộng đồng rằng “chúng ta phải hành động”. Hành động phải ở cấp tư duy toàn cầu và địa phương. 3 bước chính để hành động gồm: chấp nhận rằng biến đổi khí hậu là điều có thực, thừa nhận biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới con người, tạo động lực để khắc phục tình trạng này.

Biến đổi khí hậu: Buồn vui lẫn lộn ảnh 7

Sẽ có một hệ thống chung được thiết lập ở cấp quốc tế, nhằm đảm bảo các quốc gia có thể hành động cùng nhau và đánh giá tiến trình giải quyết thách thức khí hậu toàn cầu. Ở cấp độ địa phương cũng có những tín hiệu của hy vọng. Tháng 9/2018, tại Hội nghị Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu, lãnh đạo hàng chục thành phố, các khu vực và doanh nghiệp trên thế giới đưa ra cam kết mang tên “Zero”, theo đó các bên nói “không” với năng lượng hóa thạch, ô tô thải khí, rác thải, khí thải CO2... Các thành phố Tokyo, Seoul, Paris, London, Barcelona cam kết đến năm 2025 chỉ sử dụng xe buýt điện. Hàng chục thành phố, các tổ chức đa quốc gia khác cam kết sử dụng năng lượng sạch, chủ yếu là năng lượng mặt trời và gió trong vòng vài thập kỷ tới. Một số công ty đa quốc gia như Apple đã đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng sạch. Theo tờ The News&Observer (Mỹ), trong năm 2018 riêng tại Mỹ, hơn 400 thị trưởng đã cam kết đẩy nhanh hành động chống biến đổi khí hậu, 1.300 chính trị gia cấp tiểu bang và địa phương cam kết không nhận tiền từ ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch, 90 thành phố và 2 tiểu bang đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng sạch. Nhờ các phong trào và hành động nêu trên, ngày càng nhiều người trên thế giới hiểu hơn về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Tờ The Guardian (Anh) nhận định năm 2019 có thể là một năm đột phá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu bởi dư luận thế giới, các chính trị gia và doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm tới vấn đề này. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Geterres cam kết sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để lãnh đạo các quốc gia lắng nghe về mối đe dọa của biến đổi khí đổi. Hội nghị này sẽ nêu bật vai trò của phụ nữ - đối tượng dễ thương tổn nhất trong biến đổi khí hậu, cũng như vai trò của giới trẻ - đối tượng phải sống chung lâu dài với hậu quả của biến đổi khí hậu. Năm 2019, dự kiến Tổng thống Pháp Emmauel Macron cũng sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Một Thế giới nhằm thuyết phục các doanh nghiệp đóng vai trò đi đầu trong chống biến đổi khí hậu, đầu tư vào các dự án giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thay đổi cách thức con người sử dụng năng lượng.

Biến đổi khí hậu: Buồn vui lẫn lộn ảnh 8

Có thể nói, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chỉ đạt được tiến bộ đúng như lời Greta Thunber – cậu bé 15 tuổi người Thụy Điển – phát biểu tại Hội nghị COP24: “Khi chúng ta bắt đầu hành động, hy vọng xuất hiện ở mọi nơi. Bởi thế, thay vì tìm kiếm hy vọng, hãy hành động”.

TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.