Cuộc xung đột thịt chó

Cuộc xung đột thịt chó ảnh 1
Cuộc xung đột thịt chó ảnh 2

Hạ nghị sĩ Vern Buchanan, người đề xuất Đạo luật Cấm Mua bán Thực phẩm từ Chó Mèo lập luận rằng “chó và mèo mang lại tình thương và bầu bạn cho hàng triệu người, và không thể giết mổ hay mua bán chúng như đối với thực phẩm”.

 Hạ viện Mỹ cũng thông qua một nghị quyết kêu gọi các quốc gia khác chấm dứt việc mua bán và giết mổ chó mèo. Cơ quan này khuyến nghị chính phủ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Phillipines, Indonesia, Campuchia, Lào, Ấn Độ và một số quốc gia khác chính thức cấm những hành vi này.

Nghị quyết mới được thông qua tại Hạ viện Mỹ phản ánh chân thực thái độ của giới truyền thông các nước phương Tây cũng như của đông đảo dư luận phương Tây với thói quen ăn thịt chó mèo của người dân nhiều nước châu Á. Trước thềm Thế vận hội Olympic mùa Đông diễn ra tại Hàn Quốc hồi đầu năm nay, nhiều đài báo phương Tây đồng loạt khai thác chủ đề thói quen ăn thịt chó của người Hàn Quốc, xoáy sâu vào khía cạnh nhân đạo của chủ đề này.

Cuộc xung đột thịt chó ảnh 3

Hãng tin CNN đăng bài viết “Trong bóng tối của Olympic là một ngành mua bán thịt chó tàn bạo”, trong đó miêu tả thảm cảnh của những con chó sắp bị giết mổ: “Cho tới ngày chúng bị giết chết, nhiều khi bị giết một cách tàn bạo, những con chó được nuôi lấy thịt bị bỏ mặc trong những lồng sắt giống như chuồng gà. Chúng chỉ được uống nước một lần mỗi ngày và ăn cơm thừa canh cặn. Chúng không được tiếp xúc với con người, điều mà những con chó thèm muốn. Không có tình thương. Không được chăm sóc y tế”.

Nhiều bài báo tương tự cũng đã xuất hiện trên các kênh truyền hình và ấn phẩm báo chí tại Mỹ, Anh và Australia. Những bài báo gây bất bình trong dư luận phương Tây với thói quen ăn thịt chó của người Hàn Quốc, và cũng gây phẫn nộ trong dư luận Hàn Quốc với điều mà họ cho là sự phán xét, áp đặt trong những bài báo này. Người Hàn Quốc cho rằng truyền thông nước ngoài đã thể hiện sự thiếu tôn trọng với những khác biệt văn hóa Đông - Tây và đã phán xét với những tiêu chuẩn của một người ngoài cuộc thiếu hiểu biết.

Cuộc xung đột thịt chó ảnh 4

Cuộc tranh luận xung quanh thói quen ăn thịt chó của người dân nhiều nước châu Á bắt nguồn từ nguyên nhân khác biệt văn hóa hơn là nguyên nhân dinh dưỡng. Tại Mỹ và nhiều nước phương Tây, những vật nuôi trong gia đình như chó và mèo có địa vị được ưu ái đặc biệt hơn những loài vật khác. Chúng được coi là bạn của con người và là một thành viên trong gia đình. Bởi vậy, việc ngược đãi chó mèo được nhìn nhận một cách nghiêm trọng như ngược đãi chính con người.

Lịch sử và văn hóa tại những nước có tiêu thụ thịt chó đã dẫn đến sự hình thành những quan niệm hoàn toàn khác biệt về chó mèo. Một ví dụ là Hàn Quốc - nước có những trang trại chuyên biệt chuyên nuôi chó để làm thực phẩm. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, cuộc sống thiếu thốn trăm bề khiến người dân tìm đến thịt chó như một nguồn cung cấp protein hiếm hoi, trong khi những gia súc như bò hoặc lợn được coi là những phương tiện sản xuất quan trọng cần được bảo tồn trong một xã hội nông nghiệp chủ đạo.

Cuộc xung đột thịt chó ảnh 5

Trong khi đó, cũng giống như Hạ nghị sĩ Buchanan, đông đảo những người phản đối ăn thịt chó lập luận rằng chó là loài động vật tinh khôn đặc biệt, có trí tuệ cảm xúc và có sự gắn bó tình cảm với con người nên cần phải đối xử với chúng đúng với giá trị của chúng. Tuy nhiên, đây là một lập luận mang nặng thiên kiến cảm xúc và có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa nếu chúng ta so sánh khả năng trí tuệ của chó với những loài vật khác vẫn được coi là thực phẩm.

Cuộc xung đột thịt chó ảnh 6

Tại một báo cáo khoa học công bố năm 2015, các nhà khoa học thuộc Đại học Emory của Mỹ kết luận rằng loài lợn có năng lực trí tuệ cao hơn chó, và có khả năng giải quyết vấn đề ngang với tinh tinh. Đây là kết quả của hàng loạt những nghiên cứu được tiến hành trên lợn và một số loài vật khác. Về tổng thể, các nghiên cứu có thấy loài lợn có trí nhớ dài hạn ở mức rất cao và có thể dễ dàng vượt qua các bài kiểm tra vượt mê cung hoặc tìm kiếm đồ vật. Lợn cũng có thể nhận biết ngôn ngữ ký hiệu ở thể đơn giản, và có thể tiếp thu các tổ hợp ký hiệu để nhận biết một hành động hay vật thể nào đó. Các nhà nghiên cứu cũng nhận định lợn là loài vật thích chơi đùa và thường đùa nghịch với nhau tương tự như loài chó.

Một nghiên cứu khác được tiến hành cùng năm tại Hà Lan cho thấy loài lợn có đời sống xã hội khá phức tạp, có khả năng học hỏi và hợp tác với nhau, và có sự đồng cảm đối với đồng loại. Các tác giả nghiên cứu này nhận định, trong khi con người vẫn coi lợn là loài động vật thấp cấp hơn vật nuôi như chó và mèo thì trên thực tế, chúng là loài có năng lực trí tuệ và cảm xúc tương đương.

Tuy những nghiên cứu về năng lực trí tuệ và cảm xúc của loài lợn đã mang lại những phát hiện đầy bất ngờ và đột phá, nhưng chúng chưa đủ tạo ra làn sóng phản đối giết mổ và ăn thịt lợn như đang xảy ra với món thịt chó. Có thể nói rằng, nguyên nhân sâu xa của sự xung đột quan điểm xung quanh thói quen ăn thịt chó của người dân một số nước châu Á vẫn là sự thiếu bao dung trước những điều khác biệt hơn là một lý do nhân đạo thực sự.

Cuộc xung đột thịt chó ảnh 7

Nhiều người Hàn Quốc đã phản ứng trước làn sóng truyền thông phương Tây tấn công vào tập quán ăn thịt chó của nước này bằng một câu hỏi: “Những người nước ngoài có bao giờ nghĩ rằng văn hóa ăn thịt bò của họ cũng là man rợ đối với người Ấn Độ, những người tôn thờ bò như một loài vật thiêng liêng hay không?”. Đối với họ, việc truyền thông phương Tây xoáy sâu vào những mặt tiêu cực của tập quán ăn thịt chó thể hiện một sự ngạo mạn và bề trên về văn hóa.

Cuộc xung đột thịt chó ảnh 8

Dù cuộc tranh luận về thịt chó giữa phương Tây và phương Đông vẫn đang tiếp diễn, thì có một thực tế là một cuộc tẩy chay đang diễn ra lặng lẽ ngay tại những nước ăn thịt chó. Năm 2017, Đài Loan Trung Quốc đã trở thành địa phương đầu tiên ở châu Á chính thức cấm giết mổ chó mèo với mục đích lấy thịt. Còn tại Trung Quốc, các cuộc khảo sát gần đây cho thấy đa số dư luận đồng tình với việc cấm tiêu thụ loại thực phẩm này. Theo một khảo sát do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc tiến hành mới đây, có 56% người được hỏi muốn có một lệnh cấm ăn thịt chó. Một khảo sát khác được tiến hành cùng thời điểm cũng cho thấy có tới 64% người Trung Quốc tuổi từ 16 tới 50 ủng hộ phương án đình chỉ vĩnh viễn Lễ hội Thịt chó Ngọc Lâm, và có 51,7% muốn cấm hoàn toàn việc mua bán thịt chó. Khảo sát cũng cho thấy gần 70% người Trung Quốc được hỏi cho biết họ chưa bao giờ ăn thịt chó. Riêng với đối tượng thanh niên, trí thức trẻ, thị trường thịt chó gần như không tồn tại.

Cuộc xung đột thịt chó ảnh 9

Sự quay lưng với món thịt chó có thể là kết quả của sự hội nhập văn hóa toàn cầu, khi người trẻ ở châu Á hấp thụ các giá trị nhân đạo của những nền văn hóa khác và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình. Nó cũng có thể có nguyên nhân từ việc đời sống của người dân châu Á ngày một nâng cao, các lựa chọn về dinh dưỡng và ẩm thực trở nên phong phú hơn, trong khi vật nuôi trong nhà như chó mèo đóng vai trò chủ đạo là bầu bạn thay vì là phương tiện trông nhà, đuổi chuột, phục vụ đời sống hàng ngày của con người như trước đây.

Một nguyên nhân nữa có thể xuất phát chính từ hiệu ứng truyền thông của những bài báo đánh động về sự thiếu kiểm soát trong hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt chó. Tại Trung Quốc, sự quan tâm của báo giới xung quanh Lễ hội Thịt chó Ngọc Lâm đã hé lộ những mảng tối của ngành kinh doanh thịt chó: Những con chó có nguồn gốc không rõ ràng, bị ngược đãi và giết mổ theo cách vô nhân đạo. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh nhân đạo của hành động giết mổ thì thịt chó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những vật nuôi lấy thịt khác như trâu, bò, cừu, lợn, gà cũng được giết mổ theo những cách tương tự, nhưng không có được hiệu ứng truyền thông như đối với chó mèo.

Tại nhiều nước phát triển, phương thức giết mổ động vật lấy thịt được luật hóa rõ ràng để đảm bảo rằng con vật khi bị giết mổ ít phải chịu đau đớn nhất. Tại Mỹ, Đạo luật Giết mổ Nhân đạo được thông qua từ năm 1958, trong đó yêu cầu động vật trước khi giết mổ phải được an thần và được làm tê liệt thần kinh cảm giác để không còn cảm thấy đau đớn. Tuy nhiên, đạo luật này cho tới nay vẫn đang vấp phải sự chỉ trích của dư luận do có phạm vi áp dụng chỉ với gia súc, cừu và lợn chứ không bao gồm những loại động vật lấy thịt khác như gà vịt, cá, thỏ…

Cuộc xung đột thịt chó ảnh 10

Để tránh rơi vào bẫy thiên kiến cảm xúc, những cuộc tranh luận xung quanh thói quen ăn thịt chó không nên tập trung vào chủ thể là con chó như hiện tại mà nên nhìn rộng ra vấn đề giết mổ nhân đạo. Không có con vật nào xứng đáng được sống hơn con vật nào, nhưng con vật nào cũng xứng đáng được chết một cách ít đau đớn nhất.

TIN LIÊN QUAN
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
(Ngày Nay) - Tổ chức UNICEF cho biết hơn 13.000 trẻ em đã thiệt mạng sau khi xung đột nổ ra tại Dải Gaza và cảnh báo vấn nạn suy dinh dưỡng khiến những trẻ còn sống "thậm chí không còn sức để khóc”.
Núi lửa ở Iceland lại "thức giấc"
Núi lửa ở Iceland lại "thức giấc"
(Ngày Nay) - Rạng sáng 17/3 (giờ Việt Nam), một vụ phun trào núi lửa đã xảy ra trên bán đảo Reykjanes ở Tây Nam Iceland. Đây là lần thứ 4 núi lửa "thức giấc" trên bán đảo này kể từ tháng 12 năm ngoái.