Đô thị hóa theo chiều rộng - Bài toán đau đầu của các nước nghèo

Đô thị hóa theo chiều rộng - Bài toán đau đầu của các nước nghèo ảnh 1
Thành phố Lagos, Nigeria, có dân số 22 triệu người. Xuất phát điểm là một thị trấn ven biển nhỏ bé, chỉ sau vài thập kỷ, Lagos đã trở thành một siêu đô thị có diện tích lên tới gần 1.200 km vuông.

_______________

Sự phát triển nhanh chóng đã khiến hạ tầng dịch vụ của thành phố này bị căng mỏng một cách cực đoan: Chưa đầy 10% hộ gia đình được kết nối với hệ thống thoát nước, chưa đầy 20% được tiếp cận với nước sạch. Phần lớn công trình nhà ở là nhà tạm và khu ổ chuột mọc lên ở rìa thành phố.

Nhưng không lâu nữa, Lagos sẽ còn nở rộng gấp đôi hiện tại. Lagos là một trong nhiều đô thị được dự đoán là sẽ mở rộng theo cấp số nhân trong ba thập kỷ tới về cả dân số lẫn diện tích. Những số liệu ước tính mới đây cho thấy diện tích đất đô thị có thể tăng tới 80% trên phạm vi toàn cầu trong khoảng từ năm 2018 đến năm 2030 nếu tỉ lệ phát triển hàng năm ở mức như hiện tại. Việc các đô thị phát triển theo chiều rộng thay vì chiều cao, giống như trong trường hợp của Lagos, sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về không gian sống cũng như tạo gánh nặng lên nền kinh tế và tài nguyên thiên nhiên.

Đô thị hóa theo chiều rộng - Bài toán đau đầu của các nước nghèo ảnh 2

Trong một báo cáo mới được công bố, Viện Tài nguyên Thế giới đã phân tích hình thái phát triển của 499 thành phố trên toàn thế giới. Trong khi những thành phố phát triển theo chiều cao với các tòa nhà chọc trời chủ yếu là những thành phố kinh tế phát triển ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á, thì những thành phố ở tiểu vùng Sahara của châu Phi và ở Nam Á chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Những thành phố này có rất ít nguồn lực tài chính để quản lý phát triển, nhưng sẽ phải tiếp nhận thêm hơn 2 tỷ người từ nay đến năm 2050. Số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc cho thấy, chỉ riêng các thành phố tại 3 quốc gia là Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria đã chiếm tới 35% lượng tăng trưởng dân số đô thị toàn cầu trong khoảng từ năm 2018 đến năm 2050. Khi dân số không ngừng tăng lên tại các thành phố này, việc phát triển theo chiều rộng sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng.

Đô thị hóa theo chiều rộng - Bài toán đau đầu của các nước nghèo ảnh 3

Việc mất kiểm soát trong mở rộng diện tích đô thị làm trầm trọng hơn nữa tình trạng bất bình đẳng, và góp phần làm tăng những nguy cơ về kinh tế và môi trường cho toàn thành phố. Từ Mumbai cho đến Mexico City, cảnh tượng thường thấy là những khu ổ chuột đông đúc, chật chội mọc lên bên cạnh những dự án chung cư đắt đỏ và thường là không có người ở. Khi mạng lưới dịch vụ không thể theo kịp tốc độ phát triển đô thị, các thành phố thường phản ứng kiểu thụ động và đối phó thay vì chủ động vạch ra quy hoạch phát triển.

Đô thị hóa theo chiều rộng - Bài toán đau đầu của các nước nghèo ảnh 4

Một trong những hậu quả lớn nhất của đô thị hóa không kiểm soát là việc gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Giống như Lagos, rất nhiều thành phố khác cũng đạng phải chật vật đối phó với bất bình đẳng, dịch vụ đô thị yếu kém và quá tải cơ sở hạ tầng. Việc mở rộng diện tích đất đô thị làm cuộc chiến này càng trở nên khó khăn hơn. Các hộ gia đình thu nhập thấp dịch chuyển ra ngoại ô thành phố để tìm kiếm nơi ăn chốn ở phù hợp với thu nhập. Tuy nhiên, đi càng xa khu vực trung tâm, cuộc sống của họ càng trở nên chật vật. Các gia đình sống ở ngoại ô phải bỏ ra thời gian và số tiền nhiều hơn gấp đôi, gấp ba để đi lại so với các gia đình sống gần trung tâm thành phố.

Khi thành phố mở rộng theo chiều rộng, các cơ quan chính quyền cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp điện, nước sạch và dịch vụ vệ sinh. Điều này dẫn đến người dân phải dựa vào những nguồn cung cấp dịch vụ phi chính thức như các xe tải bán nước sạch hoặc các đơn vị thu gom rác với giá cao hơn đến 30 lần mức giá của các cơ quan nhà nước. Không phải ai cũng có điều kiện tài chính để chi trả cho những dịch vụ này, khiến nhiều người dân đô thị phải sống không có điện, nước sạch và dịch vụ vệ sinh. Bởi vậy, khi những hình thái phát triển đô thị này diễn ra, chúng sẽ gây ra những tác động lâu dài lên chất lượng cuộc sống, năng suất lao động và cơ hội của người dân.

Đô thị hóa theo chiều rộng - Bài toán đau đầu của các nước nghèo ảnh 5

Phát triển đô thị không kiểm soát cũng gây ra những áp lực về kinh tế lên toàn thành phố. Nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thế giới cho thấy khi các thành phố phát triển theo bề rộng và mật độ dân số giảm xuống, chi phí cung cấp dịch vụ công cộng sẽ tăng lên. Tại các thành phố ở Ấn Độ và châu Phi, chất lượng những dịch vụ như đường bộ và cấp thoát thoát giảm rõ rệt tại những khu vực chỉ cách thành phố tầm 5 km.

Đô thị càng mở rộng, chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng và chi phí xã hội phát sinh từ việc thiếu hụt các dịch vụ cần thiết lại càng tăng lên. Việc đô thị mở rộng cũng làm nghiêm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như gây ra các bất lợi về giao thông cho người dân. Chất lượng không khí suy giảm do nhu cầu phương tiện giao thông cá nhân tăng làm phát sinh những thiệt hại khó lường về mặt kinh tế và xã hội, trong đó có những tác động đến sức khỏe con người và hoạt động nông nghiệp. Tại thành phố Thành Đô của Trung Quốc, thiệt hại kinh tế phát sinh từ ô nhiễm không khí liên quan đến phát thải giao thông lên tới 3 tỷ USD chỉ trong năm 2013.

Đô thị hóa theo chiều rộng - Bài toán đau đầu của các nước nghèo ảnh 6

Trên toàn thế giới, tốc độ phát triển đất đô thị đang vượt xa tốc độ tăng trưởng dân số. Điều này dẫn đến những thiệt hại về đất nông nghiệp, sinh thái và đa dạng sinh học. Đây đều là những yếu tố có ảnh hưởng chi phối đến sản xuất nông nghiệp và biến đổi khí hậu. Hiện tại, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại rất nhiều khu vực đất thấp ven biển, rốn lũ đồng bằng, các điểm nóng về sinh thái cũng như những khu vực có tài nguyên nước hạn chế. Sự phát triển mất kiểm soát tại những khu vực nhạy cảm như vậy sẽ làm tăng hơn nữa gánh nặng lên tài nguyên thiên nhiên và dẫn đến những những vụ ngập lụt và triều cường nghiêm trọng như đang diễn ra tại nhiều thành phố ở Nam Á.

Việc khoan đào nước ngầm bừa bãi tại nhiều thành phố như Mexico City, Bangalore và Jakarta đang gây ra nguy cơ xuất hiện những “hố tử thần” khổng lồ làm sập nền đất tại những khu vực dân cư lớn. Tình trạng đặc biệt đáng lo ngại tại Jakarta, nơi tình trạng đô thị hóa không kiểm soát kết hợp với tình trạng mức nước biển tăng sẽ khiến hàng triệu ngôi nhà tại thành phố này ngập dưới nước chỉ sau một thập kỷ nữa.

Đô thị hóa theo chiều rộng - Bài toán đau đầu của các nước nghèo ảnh 7

Những tác động của tình trạng đô thị hóa không kiểm soát càng trở nên phức tạp bởi trên thực tế, tình trạng phát triển đô thị theo chiều rộng đang diễn ra tại châu Phi và Nam Á phần lớn là phi chính thức và không có quy hoạch, tại những khu vực mà luật đất đai đô thị hiện hành không áp dụng. Sự đô thị hóa này diễn ra ngoài tầm kiểm soát của các thành phố do dân số phát triển tự nhiên và người dân nông thôn dịch chuyển ra thành phố để tìm kiếm cơ hội kinh tế. Nhưng cũng có những thách thức khác mà các thành phố có thể chủ động hơn trong việc giải quyết.

Một trong những nguyên nhân khiến đô thị hóa diễn ra manh mún, không phản ánh nhu cầu thực tế là do thị trường địa ốc trở nên hỗn loạn khi các chủ đất, các nhà đầu tư địa ốc và quan chức địa phương cấu kết với nhau để trục lợi từ các cơn sốt đất. Quy hoạch yếu kém, pháp luật đất đai kém hiệu quả và một số điều kiện thị trường nhất định cũng là tác nhân làm bùng nổ tình trạng đô thị hóa không kiểm soát. Việc tùy tiện chuyển đổi đất nông nghiệp cũng dẫn đến sự xuất hiện các khu ổ chuột và nhà tạm không kết nối với hạ tầng và dịch vụ đô thị.

Đô thị hóa theo chiều rộng - Bài toán đau đầu của các nước nghèo ảnh 8

Dù thách thức rất to lớn, nhưng nhiều thành phố đã bắt đầu có những cách tiếp cận sáng tạo để kiểm soát tình trạng đô thị hóa. Nhiều thành phố tại Mexico, Brazil và Nam Phi đang điều hướng các dự án phát triển đô thị tới những khu vực đã được kết nối và cung cấp dịch vụ công cộng thay vì mở rộng theo chiều rộng. Nhiều thành phố tại Colombia, Hàn Quốc và Ấn Độ đang từ từ mở rộng đô thị tại những địa phương đã được kết nối tốt thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp để tìm kiếm nguồn tài chính. Nhiều thành phố cũng đang phối hợp với các cộng đồng tại những khu dân cư tạm thời để điều chỉnh mật độ dân số, nâng cấp chất lượng dịch vụ.

Tác động của những thay đổi về chính sách sử dụng đất tại một thành phố có thể kéo dài nhiều thập kỷ. Những thành phố tại châu Phi và châu Á đang đứng trước hai lựa chọn: Bắt tay vào việc quản lý đô thị hóa theo chiều rộng một cách bền vững ngay từ hôm nay, hay đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn nữa về sau này.

Đô thị hóa theo chiều rộng - Bài toán đau đầu của các nước nghèo ảnh 9
TIN LIÊN QUAN
Đại tá Nguyễn Hữu Tài và Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà tham gia buổi giao lưu, tọa đàm.
70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 16/4, tại Hà Nội, Thư viện Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức giao lưu, tọa đàm với chủ đề “70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên”.
Ảnh minh hoạ.
Xác thực trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư
(Ngày Nay) - Thông tin về triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, đến nay, trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 87,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Ảnh minh hoạ.
Thêm một cây xanh – thêm một hành động bảo vệ môi trường
(Ngày Nay) - Triển khai Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giao cho các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức trồng cây phục hồi hệ sinh thái rừng, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn, rừng cây chắn sóng… với số lượng cây dự kiến trên 250.000 cây.