Đói nghèo không thể quyết định được tương lai

Đói nghèo không thể quyết định được tương lai

Không thể lựa chọn mái ấm nơi mình sinh ra, nhưng nhiều thanh niên trẻ ở các vùng quê nghèo quyết không chấp nhận hoàn cảnh. Họ vươn lên để có một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình mình và cho chính bản thân mình.
________________
Đói nghèo không thể quyết định được tương lai ảnh 1

Hà Viết Tỉnh (sinh năm 1998), quê Chương Mỹ, Hà Nội. Bố Tỉnh là người Chương Mỹ, còn mẹ Tỉnh là một phụ nữ gốc Lâm Đồng theo chồng ra Bắc sau khi cả hai đã cùng chung vai gây dựng kinh tế ở Lâm Đồng nhưng không như mong đợi. Ngày cả nhà khăn gói ra Bắc, Tỉnh chỉ khoảng 2-3 tuổi.

Về quê nội, bố Tỉnh bị gánh nặng kinh tế bủa vây đến chán nản, suốt ngày chìm trong rượu, kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ nghèo với công việc nhà nông đơn thuần. Gần 20 năm ra Bắc, nhà Tỉnh thuộc hộ nghèo, mãi gần đây mới “leo” lên hộ cận nghèo vì Tỉnh đi học, có việc làm. Tỉnh là anh cả, dưới Tỉnh có một em gái sinh năm 2000. “Cứ mỗi lần bố say rượu, bố lại chửi bới đánh đập ba mẹ con, những trận đòn roi thậm tệ khiến mặt mẹ sưng đỏ” - Tỉnh kể. Mẹ Tỉnh cắn răng chịu đựng, còn Tỉnh ngày càng thu mình lại.

Cái đói ăn khiến Tỉnh gầy bé như một học sinh cấp hai còn những trận đòn roi vô cớ của bố trong cơn ma men lâu dần khiến Tỉnh nhút nhát. Gặp người lạ, Tỉnh chào hỏi lí nhí, nói năng rất khẽ và hay cười trừ.

Đói nghèo không thể quyết định được tương lai ảnh 2

Hai anh em Tỉnh đều thích đi học. Tỉnh may mắn học hết THPT. Em gái Tỉnh thì bỏ học từ lớp 9. Giờ em theo người ta ra Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội) giúp việc bưng bê dọn dẹp cho một nhà hàng. Còn Tỉnh học hết lớp 12 đã tự xoay đủ nghề đỡ đần cho mẹ. Công việc đầu tiên của Tỉnh là làm việc tại một trang trại gà, công việc vất vả mà thu nhập thấp, Tỉnh xoay sang nghề may.

Năm 2018, Tỉnh được một người bạn trong xóm giới thiệu đến Trung tâm REACH ở Hà Nội - một tổ chức phi chính phủ chuyên hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Hoàn cảnh của Tỉnh vừa vặn với tiêu chí của Trung tâm đang giúp đỡ. Ngày mới đến trung tâm nộp hồ sơ, Tỉnh có đề đạt nguyện vọng được học nấu bếp nhưng “thầy cô tư vấn em có tạng người nhỏ và yếu, không phù hợp để làm nghề bếp nên đã hướng cho em sang lớp bán hàng, sales và maketing” - Tỉnh nói.

Khóa học bán hàng chỉ kéo dài 3 tháng nên Tỉnh chọn cách đi xe buýt. Hồi ấy, ngày nào, Tỉnh dậy sớm từ 5 giờ, dậy sớm, nấu cơm ăn sáng, sau đó bắt chuyến buýt số 37 từ Chương Mỹ ra Yên Nghĩa, sau đó lại lên chuyến buýt nhanh BRT 01 tới Lê Văn Lương. Đoạn còn lại tới trung tâm, Tỉnh xuống xe buýt và đi bộ. Mỗi lượt đi đi về về như vậy Tỉnh mất gần cả tiếng đồng hồ.

Tuy sinh ra ở vùng quê nghèo, gia cảnh khó khăn, nhưng Tỉnh lúc nào cũng ý thức phải vươn lên, nhất là học tiếng Anh. Người ta học ở trung tâm nọ, lớp học kia, Tỉnh tự học tiếng Anh bằng cách cuối tuần tự bắt xe buýt lên Bờ Hồ, gặp khách du lịch nước ngoài để luyện tiếng Anh. Cứ thế, tiếng Anh của Tỉnh “lên trình”. Kết thúc khóa học với thành tích cao, Tỉnh được cô giáo chủ nhiệm giới thiệu làm nhân viên bán hàng cho nhãn hàng Pepsi. Mẹ Tỉnh biết tin con có việc mừng đến khóc, cố gắng đi vay mượn xung quanh để mua cho con một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, đỡ phải đi xe buýt và quan trọng hơn, con trai có thể đi làm đúng giờ, gặp khách hàng đúng hẹn.

Đói nghèo không thể quyết định được tương lai ảnh 3

“Mỗi ngày em sẽ kiên trì tới các cửa hàng tạp hóa, quán game, phòng gym để chào mời sản phẩm. Công ty áp doanh số mỗi tháng cần phải bán ra 3.000 thùng nước. Những ngày đầu đối với em con số này rất lớn và không khỏi áp lực”. Nhưng rồi việc chọn người, sau một thời gian đi làm, được tiếp xúc với nhiều người, Tỉnh đã dạn người hơn, hoạt bát hơn, cậu tự tin gặp mọi người và chào hỏi dễ dàng hơn với người lạ. Thu nhập đã vượt con số 10 triệu đồng/tháng. Đầu năm đến nay, dịch COVID-19 khiến công việc bị ảnh hưởng nhiều, nhưng Tỉnh bảo, “em may mắn khi không rơi vào cảnh thất nghiệp, chỉ lo mình không đủ chăm chỉ thôi”.

Cùng với niềm vui có việc, gần đây, Tỉnh may mắn nhận học bổng toàn phần với học phí hơn 1,5 tỷ đồng từ Đại học RMIT Việt Nam. Thành tích đó là nhờ khả năng học tiếng Anh tốt và xét điểm trung bình tốt nghiệp phổ thông của Tỉnh đạt 8.0. Mấy tháng nữa, khi nhập học, Tỉnh sẽ phải cân đối việc học với làm, sẽ nhiều việc phải thu xếp, nhưng Tỉnh rất lạc quan, “chỉ cần có sức khỏe, em chẳng lo gì nữa”…

Đói nghèo không thể quyết định được tương lai ảnh 4

Ngô Văn Quyết - một chàng trai mắc bệnh xương kính ở Đông Anh, Hà Nội chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày đứng trên bục giảng. Giờ, Quyết đã là giảng viên bộ môn thiết kế đồ họa ở Trung tâm REACH, bên dưới là ánh mắt của hơn 20 học viên ngước lên chăm chú.

Quyết mắc bệnh xương kính từ nhỏ, một bệnh khiến xương giòn và dễ gãy hơn cả xương thủy tinh. Sinh ra ở xã nghèo ngoại thành Hà Nội, mẹ Quyết bị phụ tình một mình sinh con và nuôi dạy nên càng vất vả. Để nuôi đứa con trai bệnh tật, mẹ Quyết không quản khó khăn, ai thuê gì cũng làm, miễn là có tiền đem về phụ ông bà ngoại nuôi cháu. “Mẹ làm nông là chính, có thời gian mẹ em nhận trông trẻ, chính ra từ đó em cũng có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ con” - Quyết hào hứng nói.

Đói nghèo không thể quyết định được tương lai ảnh 5

Nhà Quyết luôn nằm trong diện hộ nghèo của xã, người ta nói, cũng vì một phần ăn thiếu thốn, thiếu chất nên bệnh xương kính càng nặng. “Bữa ăn gia đình ở quê  chỉ toàn rau cháo đạm bạc. Tới THPT, em vừa học vừa phụ bán quán cho người cậu nên cũng có thêm vài đồng đưa mẹ trang trải. Phải cho tới năm ngoái, gia đình em mới thực sự thoát khỏi diện hộ nghèo” - Quyết nói.

Hồi tưởng lại quãng thời gian đi học, Quyết kể, dù hoàn cảnh và ngoại hình của mình có khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa, nhưng chưa bao giờ Quyết cảm thấy mặc cảm hay tự ti. Đôi lúc bị các bạn lạ mặt ở xã khác trêu chọc, Quyết chỉ tủi thân một thoáng rồi quên mau để chú tâm vào học hành, làm chỗ dựa cho mẹ và ông bà. Quyết chỉ buồn khi căn bệnh quái ác khiến Quyết gãy chân liên tục, đỉnh điểm có năm cậu gãy chân tới hai lần, thậm chí gãy ở cùng một chỗ. Mãi cho đến năm 11 tuổi, khi cơ thể Quyết đã dần cứng cáp thì những đau đớn mới dần biến mất.

“Có lần ngay sau khi tháo bột, em đang tập đi trong nhà thì bị ngã ngay vết cũ. Vết gãy dồn vào một điểm khiến xương càng giòn, ngã nhẹ cũng gãy” - Quyết nhớ lại.

Đói nghèo không thể quyết định được tương lai ảnh 6

Tốt nghiệp THPT, vừa mang bệnh, vừa mông lung về tương lai, cả ngày  Quyết chỉ biết ăn ngủ, vò võ với 4 bức tường. Trong một lần tổ chức Koica của Hàn Quốc về quê cậu mở lớp dạy tin học văn phòng, Quyết hăm hở đăng ký học, chỉ nghĩ đơn giản đi ra ngoài còn hơn là nằm nhà. Sau đó, một đoàn tư vấn hỗ trợ việc làm tiếp tục tới vùng quê nghèo giới thiệu về Trung tâm đào tạo nghề REACH, Quyết kiên trì đăng ký và theo học khóa thiết kế đồ họa 2D.

Tới giờ đã được 5 năm, nghề thiết kế đồ họa trở thành cần câu cơm của Quyết. Cuộc sống của cậu sang trang mới, lương mỗi tháng cũng cả chục triệu đồng. Phương tiện di chuyển chính của Quyết là xe buýt. Sau Quyết tích cóp đủ tiền mua một chiếc xe máy rồi chế thêm 3 bánh nữa để phù hợp với thể trạng của mình. “Xe máy 4 bánh mọi người nhìn thì có vẻ vững vàng nhưng thật ra không an toàn. Chỉ cần đi vào quãng mấp mô hay quay đầu gấp là… lật. Có lần tôi lái xe ở quê bị lật nghiêng xe, mặt mài hẳn xuống đường, trong đầu chỉ kịp nghĩ có khi lại gãy tay, chân. Nhưng rất may lần đó chỉ bị xây xát nhẹ” - Quyết cười.

Nhưng trang đời mới hơn khiến Quyết hạnh phúc gấp bội chuyện có công ăn việc làm ổn định, đó là lấy được vợ. 

Quyết gặp vợ trong một hội nhóm người khuyết tật, một cô gái đến từ Thanh Hóa. Vợ Quyết từ nhỏ đã mắc chứng yếu nửa người bên phải, nhất là tay phải khó cầm nắm vật nặng, dáng đi thì tập tễnh. Cô ấy sức khỏe cũng yếu như Quyết nhưng khao khát tìm việc, mưu sinh. Hai người về chung một nhà năm 2018. Hiện cả hai vừa đón đứa con đầu lòng là một bé trai. Rất may mắn khi cả hai sinh con khỏe mạnh, bụ bẫm nhưng do sức khỏe của hai vợ chồng nên cả gia đình vẫn phải theo dõi quá trình phát triển con thật kỹ lưỡng và tỉ mỉ.

Đói nghèo không thể quyết định được tương lai ảnh 7

Không chỉ có Tỉnh và Quyết, tính đến năm 2019, đã có 17.134 học viên là những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn được đào tạo nghề tại Trung tâm REACH - một tổ chức phi chính phủ chuyên đào tạo nghề và hỗ trợ người nghèo được tiếp cận các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường. Cụ thể, 1.081 học viên đã được đào tạo ra trường, khoảng 90% học viên có việc làm ngay khi hoàn thành khóa học. Trên 95% những người trẻ được dạy nghề đã cải thiên chất lượng cuộc sống với mức lương khởi điểm trung bình là 5,5 triệu đồng/tháng.

Đói nghèo không thể quyết định được tương lai ảnh 8

Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, Quản lý Trung tâm REACH Hà Nội kiêm quản lý đào tạo tại REACH, khó có thể kể hết những thành công của học viên đã tốt nghiệp các khóa học và đứng vững trên đường đời. “Có một bạn học viên nghèo học lớp làm bánh, bạn ấy mới học hết cấp 2, mồ côi cha mẹ, ở cùng bà và một chị gái không có khả năng lao động. Khi đến REACH học, dù địa điểm ở làng rất xa nhưng bạn lúc nào cũng chịu khó đi xe buýt, đi bộ, theo đuổi suốt 6 tháng diễn ra khóa học, thậm chí nhà xa vẫn xin ở lại thực hành tiếp. Giờ bạn đã làm bếp chính trong khách sạn 5 sao ở Hà Nội, dưới bạn ấy có một số nhân viên… Một bạn nữ khác khiếm thính, hồi nhỏ không may bị ốm và mất hoàn toàn thính lực, khả năng nói cũng kém. Bạn cũng đăng kí học làm bánh, rất yêu nghề bánh. Giờ bạn đã làm chính thức ở một khách sạn 5 sao ở quê nhà, quê Thanh Hóa...” - bà Hằng cho biết. “Tất cả là do nỗ lực tự thân của các bạn, trung tâm chỉ hỗ trợ một phần”.

“REACH có nhiều hoàn cảnh khác nhau tụ họp, có dân tộc thiểu số, có thanh niên nông thôn, người khuyết tật, người tốt nghiệp lớp 12, người chưa tốt nghiệp lớp 12... Nền tảng rất khác nhau nhưng giáo viên luôn cố gắng tạp ra một môi trường học tập hòa hợp nhất, dễ dàng tiếp thu nhất để thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn nắm bắt được, chúng tôi cũng cố gắng giúp các bạn tự tin hơn khi bước ra từ những mái ấm trông đủ đầy, không tròn trịa...”

Đói nghèo không thể quyết định được tương lai ảnh 9

Bài: Ngọc Lê,  Huy Vũ

Thiết  kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
(Ngày Nay) - Tổ chức UNICEF cho biết hơn 13.000 trẻ em đã thiệt mạng sau khi xung đột nổ ra tại Dải Gaza và cảnh báo vấn nạn suy dinh dưỡng khiến những trẻ còn sống "thậm chí không còn sức để khóc”.
Núi lửa ở Iceland lại "thức giấc"
Núi lửa ở Iceland lại "thức giấc"
(Ngày Nay) - Rạng sáng 17/3 (giờ Việt Nam), một vụ phun trào núi lửa đã xảy ra trên bán đảo Reykjanes ở Tây Nam Iceland. Đây là lần thứ 4 núi lửa "thức giấc" trên bán đảo này kể từ tháng 12 năm ngoái.