Giải Nobel - 'Giấc mơ không giới hạn' của nữ giới

Giải Nobel - 'Giấc mơ không giới hạn' của nữ giới ảnh 1
Giải Nobel - 'Giấc mơ không giới hạn' của nữ giới ảnh 2

1. Mùa giải Nobel 2018 là thắng lợi mới cho các nhà khoa học nữ, với việc  2 gương mặt được vinh danh là bà Donna Strickland (Nobel Vật lý) và bà Frances Arnold (Nobel Hóa học). Sau 55 năm kể từ khi Maria Goeppert-Mayer giành Nobel  Vật lý, bà Donna Strickland trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải thưởng này. Trước đó, một thực tế đáng buồn là các mùa giải Nobel (gần nhất là năm 2016 và 2017) vắng bóng phụ nữ là điều thường thấy, bất chấp sự cống hiến của nữ giới cho khoa học ngày càng lớn trong những năm qua. Theo thống kê của trang The Conversation (Australia), trong suốt 117 năm qua, mới có 21 lần phụ nữ được vinh danh Nobel trong lĩnh vực khoa học (Hóa học:  5 người, Vật lý:  3 người, trong đó nhà khoa học vĩ đại Marie Curie là người duy nhất đoạt cả Nobel Hóa học và Vật lý; Y học: 12 người, Kinh tế:  1 người), chiếm chỉ 3% tổng số người đoạt giải. Vậy đâu là nguyên nhân khiến phụ nữ bị khuất lấp sau nam giới trong các phòng lab, trong việc đứng đầu các lĩnh vực khoa học cũng như sự ghi nhận qua giải Nobel?

Giải Nobel - 'Giấc mơ không giới hạn' của nữ giới ảnh 3

Thứ nhất, ở một số nước và nền văn hóa khác nhau có những suy nghĩ rập khuôn truyền thống rằng “phụ nữ không thích toán học”, “phụ nữ không giỏi trong khoa học”, “phụ nữ chỉ phù hợp với khoa học lý thuyết chứ không phải các ngành kỹ thuật”....

Giải Nobel - 'Giấc mơ không giới hạn' của nữ giới ảnh 4

Trước khi Nobel Vật lý 2018 được công bố, nhà vật lý kỳ cựu, giáo sư Alessandro Strumia, có bài giảng mang tính xúc phạm ở phòng thí nghiệm vật lý hạt CERN tại Geneva khi khẳng định “ngành vật lý do những người đàn ông gây dựng nên”. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng phụ nữ và các bé gái né tránh giáo dục STEM (bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) không phải vì họ không có khả năng nhận thức mà là bởi chính sách giáo dục, bối cảnh văn hóa dẫn tới suy nghĩ rập khuôn, sự thiếu vắng những hình mẫu nữ giới để học tập… Thứ hai, trong quá trình phát triển sự nghiệp khoa học, phụ nữ đối mặt với hàng loạt thách thức ở nơi làm việc cũng như gia đình. Khoa học đòi hỏi phụ nữ dành nhiều năm tháng trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, họ cần cân bằng giữa công việc và gia đình. Một số người để được công nhận theo quy chế “tenure-track process” (bổ nhiệm chức vụ khoa học trọn đời ở Mỹ và Canada) đã phải hy sinh trách nhiệm với gia đình, không có thời gian chăm con sau khi sinh hoặc thậm chí không sinh con. Bên cạnh đó, môi trường làm việc mà đàn ông chiếm đa số khiến các nhà khoa học nữ có cảm giác bị cô lập, bị coi là “kẻ đứng ngoài rìa” và dễ bị quấy rối.

Giải Nobel - 'Giấc mơ không giới hạn' của nữ giới ảnh 5

Do ít đồng nghiệp nữ, các nhà khoa học nữ cũng khó xây dựng các mối quan hệ cộng sự và mạng lưới cố vấn khoa học. Sự cô lập này càng gia tăng khi các nhà khoa học nữ không thể tham gia các sự kiện, hội thảo khoa học do bận chăm sóc con cái và gia đình. Thứ ba, phụ nữ làm khoa học chịu những định kiến, sự phân biệt đối xử ngấm ngầm. Một ví dụ là việc tất cả mọi người, từ công chúng, truyền thông cho tới các giáo sư, sinh viên, nhân viên trường Đại học, thường “vẽ” chân dung một nhà khoa học trong bộ dạng “đàn ông, da trắng và có tuổi”.

Các khảo sát cho thấy định kiến ngấm ngầm đối với các chuyên gia và nhà khoa học nữ khá lan tràn, biểu hiện qua việc đánh giá, thừa nhận, đề bạt họ. Ví dụ, phụ nữ tìm kiếm các công việc liên quan khoa học thường bị xét tuyển qua thông tin cá nhân và ngoại hình. Định kiến ảnh hưởng tới khả năng xuất bản các tìm tòi, phát minh khoa học của nữ giới trên các tạp chí khoa học, tiếng nói của họ cũng ít được trích dẫn trong các bài báo và trang web liên quan khoa học.

Sabine Hossenfelder, nhà vật lý lý thuyết ở Viện Nghiên cứu Cao cấp Frankfurt, cho biết: "Có vẻ như những đóng góp của bà Strickland cho khoa học không được đánh giá cao và hấp dẫn bởi bà là phụ nữ và đang làm công việc mà nhiều người vẫn coi là thuộc về nam giới”. Khi một phụ nữ đạt đẳng cấp nhà khoa học thế giới, định kiến còn khiến họ ít được mời làm diễn giả chính để chia sẻ nghiên cứu khoa học của mình, từ đó không tạo nên danh tiếng của họ trong khoa học và làm giảm khả năng họ được đề cử vào những giải thưởng khoa học lớn như giải Nobel.

Giải Nobel - 'Giấc mơ không giới hạn' của nữ giới ảnh 6

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy mọi người thường sử dụng “họ” (surname) để gọi các nhà khoa học và chuyên gia nam, trong khi dùng “tên” (firstname) để gọi các nhà khoa học nữ.  Điều này chứng tỏ sự phân biệt đối xử bởi xã hội Mỹ nhìn nhận các cá nhân được gọi “họ” là người nổi tiếng và xuất chúng. Một xu hướng khác ở Mỹ càng khoét sâu sự đối xử bất công với nhà khoa học nữ là việc lạm dụng đánh giá của học sinh về các giảng viên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sinh viên có xu hướng đánh giá nam giới cao hơn phụ nữ dù họ có cùng trình độ và năng lực; sinh viên cũng tỏ ra không hài lòng đối với nữ giảng viên có kì vọng cao đối với việc học tập của họ. Cuối cùng, việc có ít nhà khoa học nữ nhận giải Nobel có nguyên nhân đầu tiên từ cách tiếp cận thận trọng của Hội đồng xét duyệt giải Nobel. Thay vì làm đúng di chúc của Alfred Nobel là trao giải cho những phát minh, sáng chế “trong năm trước đó”, các nhà khoa học thường chỉ được trao giải cho những công trình từ thập kỷ trước. Điều đó có nghĩa những nhà khoa học trẻ đương thời, trong đó có nhiều phụ nữ - đã bị bỏ qua.

Giải Nobel - 'Giấc mơ không giới hạn' của nữ giới ảnh 7

Sau mùa giải Nobel 2017, ông Goran Hansson - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ Nobel, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, thành viên hội đồng chọn giải Nobel vật lý, hóa học và kinh tế - thừa nhận: “Chúng tôi khá thất vọng khi nhìn vào một viễn cảnh rằng sẽ không có nhiều phụ nữ đoạt giải Nobel. Một phần nguyên nhân do chúng ta chưa thể kịp thời xác định các khám phá mới. Chúng tôi phải đợi đến lúc chúng được xác minh và xác nhận, trước khi có thể trao giải. Thêm nữa, cách đây khoảng 20 - 30 năm, số lượng nhà khoa học nữ ít hơn bây giờ rất nhiều”. Thực tế, tuổi trung bình của người nhận giải Nobel ngày càng cao. Nếu như trong giai đoạn 1931-1940, tuổi trung bình của các nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý là 41 thì trong thập kỷ này, số tuổi lên tới 68.

2. Trong vài thập qua, các nỗ lực tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các lĩnh vực khoa học đã  tập trung vào việc xóa bỏ những suy nghĩ rập khuôn, thiên kiến truyền thống bằng cách cải tổ các chương trình giáo dục cho phép số lượng lớn nữ sinh tham gia vào chương trình giáo dục STEM xuyên suốt từ bạc tiểu học, trung học cho tới đại học và đào tạo sau đại học. Theo Hiệp hội các giáo viên dạy khoa học Mỹ, giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và khả năng cạnh tranh trong nền kinh kế mới. Cách tiếp cận này đang phát huy hiệu quả. Tại Mỹ, ngày càng nhiều phụ nữ bày tỏ sự hứng thú với các nghề nghiệp liên quan STEM và theo đuổi các môn học STEM ở các trường Đại học; ngày càng nhiều nhà khoa học nữ có bằng Tiến sỹ STEM. Thống kê của Viện Y học Mỹ cho thấy trong lĩnh vực y học, phụ nữ nước này chiếm tỷ lệ 20% trong tổng số người được cấp bằng cử nhân; 18% trong tổng số được cấp bằng Tiến sỹ. Con số này gia tăng so với năm 1975, khi tỷ lệ phụ nữ có bằng cử nhân và bằng Tiến sỹ lần lượt là 10% và 5%.

Giải Nobel - 'Giấc mơ không giới hạn' của nữ giới ảnh 8

Ở Mỹ, nhiều trường đại học, các hiệp hội khoa học và nhà tài trợ khoa học cũng đã phối hợp giải quyết những “rào cản” đối với nữ giới trong khoa học. Các nỗ lực gồm việc tạo ra các chính sách “thân thiện với gia đình”, tăng cường sự minh bạch về lương, cung cấp các chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ phát triển về mặt sự nghiệp và cá nhân, bảo đảm thời gian nghiên cứu cho các nhà khoa học nữ, chú trọng tuyển dụng, hỗ trợ nghiên cứu cho đối tượng này…

Trước thực trạng “nam lấn át nữ” trong các giải Nobel khoa học, Quỹ Nobel đang thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường tìm chọn và trao giải cho các nhà khoa học nữ xứng đáng như: mời các nhà khoa học nữ vào tất cả hội đồng xét giải Nobel; xác định các nhà khoa học nữ hàng đầu và mời họ ứng cử; xem xét tới sự đa dạng về sắc tộc và địa lý… Ông Goran Hansson - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ Nobel – bày tỏ hy vọng tình trạng thiếu vắng “bóng hồng” trong giải Nobel khoa học sẽ được cải thiện đáng kể sau 5 – 10 năm nữa .

TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
Hơn 13.000 trẻ em Gaza thiệt mạng do chiến tranh
(Ngày Nay) - Tổ chức UNICEF cho biết hơn 13.000 trẻ em đã thiệt mạng sau khi xung đột nổ ra tại Dải Gaza và cảnh báo vấn nạn suy dinh dưỡng khiến những trẻ còn sống "thậm chí không còn sức để khóc”.