Nghệ sĩ về chiều – 'khép bức màn nhung danh vọng hết'…

Nghệ sĩ về chiều – 'khép bức màn nhung danh vọng hết'…

Sài Gòn mưa phùn bàng bạc trong mắt ướt, những vết chân chim xô lại vào nhau, khi họ cười, khi họ khóc. Họ - những ông hoàng bà chúa, một thời cầm roi lẫy ngựa, lẫy lừng sân khấu. Họ - thời xuân sắc lạc giữa phù hoa và thực tại. Họ - nghệ sĩ về chiều, không còn gì trong tay, chỉ còn hiu hắt nhớ về hào quang quá vãng…

______________________

1. Chùa Nghệ sĩ – Nhựt Quang Tự, một chiều mưa vừa ngớt hạt, có cụ già gầy gò đứng tỉa từng nhánh lá, dọn dẹp gọn ghẽ mộ phần của tiền nhân. Ông là nghệ sĩ hài Cảnh Tượng, người nổi lên với vai diễn hề Tứ Tung cùng với Minh Tàng trong vở Gánh cỏ sông Hàn. Nổi nênh theo nghiệp diễn, gần cuối đời khi cải lương không còn “thịnh trị”, Cảnh Tượng phải đi làm bảo vệ tại một công ty ven sông Sài Gòn.

Một lần, cựu kí giả Tần Nguyên tình cờ thấy Cảnh Tượng, liền gọi về làm bảo vệ cho Viện dưỡng lão nghệ sĩ. Ông ở Viện được hai năm, sau về Chùa Nghệ sĩ, đến nay cũng được 7 năm. Ông từng có một gia đình, nhưng rồi tan vỡ, từng có hào quang, nhưng rồi cũng vụt tắt. Giờ chỉ còn lại tuổi già nhớ nhớ quên quên. Nhưng khi nhắc về vai diễn cũ, ông có thể thuộc làu từng lớp lang.

Nghệ sĩ về chiều – 'khép bức màn nhung danh vọng hết'… ảnh 1

Cảnh Tượng kể, Chùa Nghệ sĩ an táng, lưu giữ tro cốt của hơn 500 nghệ sĩ sân khấu. Có người neo đơn không nơi nương tựa, có người về già cơ nhỡ, khép mắt lại, vất vưởng bên lề đường. Dù cho kết thúc một đời trong lạnh bạc, nhưng khi được đưa về đây để khói nhang, cũng gọi là ấm cúng hương hồn. “Không cần biết sống ở đâu, sung túc hay nghèo khổ, đến khi mất, nhiều người muốn được gửi cốt nơi đây. Đó là ước nguyện của rất nhiều anh em nghệ sĩ sân khấu, tôi cũng vậy”, Cảnh Tượng miên man nói về mong ước cuối đời.

Lại nhắc Tần Nguyên, chiều cũng trở nên nặng trĩu. Tần Nguyên mất cách đây chưa được một trăm ngày. Sinh thời, Tần Nguyên là kí giả sân khấu vô cùng nổi tiếng. Cải lương đến hồi thoái trào, Tần Nguyên về làm Phó Ban Ái hữu Hội nghệ sĩ TP.HCM, thành viên Ban quản lý Viện dưỡng lão nghệ sĩ. Mỗi lần ghé thăm Viện dưỡng lão, Tần Nguyên lại hồ hởi tiếp chuyện. Hai độ tuổi, hai thế hệ, tôi thân là hậu bối, mà được cư xử như bạn tâm giao. Nay lại đến thăm Viện dưỡng lão nghệ sĩ, cảnh vật vẹn nguyên như xưa, mà người cũ đã nhẹ gót rời bỏ hồng trần.

Nghệ sĩ về chiều – 'khép bức màn nhung danh vọng hết'… ảnh 2

2. Viện dưỡng lão nghệ sĩ nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Âu Dương Lân, quận 8, TP.HCM. Đây là chốn hội ngộ của những nghệ sĩ về chiều, son phấn lợt phai, nhạt nhòa danh vọng. Tất cả họ đều thấm thía sự bạc bẽo, phù phiếm của kiếp xướng ca. Nhưng nếu được chọn lại, những người già mắt ướt tủi phận kia, vẫn không ngần ngại đi về phía ánh đèn sân khấu. Dẫu sân khấu có khi, lấy đi của họ cả một cuộc đời.

Như nghệ sĩ Lam Sơn, kép chánh chuyên sắm vai vua chúa, vương hầu. Tên tuổi ông gắn liền với đào hát Thanh Hương, vợ ông bầu Hùng Minh của đoàn Thanh Hương – Hùng Minh tiếng tăm lừng lẫy một thời. Năm 1966, do luyện tập quá sức, Lam Sơn bị tai biến để lại di chứng nặng nề, đành phải giã từ sân khấu. Trong căn phòng nhỏ nơi viện dưỡng lão, Lam Sơn ngồi lặng yên bên cửa sổ. Sự minh mẫn không còn được như vài năm về trước, gặp khách quen Lam Sơn cũng chỉ ngờ ngợ cười chào. Nhớ ngày nào, ông còn bùi ngùi kể lại: “Có khi thèm hát, có khi thèm múa bộ, nhưng không được, không thể nào làm được. Thì coi như Tổ cho mình tới đó, thì mình hưởng tới đó mà thôi”… Trên cao có chim hót, có nắng hiền, gió nhẹ, mà sợi tóc phơ phơ của người nghệ sĩ, cứ hắt hiu một dải buồn thương.

Nghệ sĩ về chiều – 'khép bức màn nhung danh vọng hết'… ảnh 3

Hành trang của người nghệ sĩ, vốn chẳng có gì ngoài hai từ “thanh sắc”. Khi ốm đau bệnh tật, hay tuổi già ập tới, thanh sắc không còn cũng là lúc “bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Như cuộc đời nặng trĩu của cố nghệ sĩ Mộng Lành – người được liệt vào danh sách Tứ đại mỹ nhân của cải lương Hồ Quảng, nổi danh vào những năm 1968 – 1975.

Mộng Lành có những vai diễn để đời như hoàng phi Hàn Tố Mai trong vở Trảm Trịnh Ân, Phàn Lê Huê của vở Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ… Nhưng cũng vì một cơn tai biến, “đại mỹ nhân sân khấu” Mộng Lành không còn có thể cất giọng ca vút cao, ngọt lịm được nữa. Mà đến nói chuyện lưu loát như người bình thường cũng khó khăn. Không thể lên sân khấu, cũng chẳng có ai thân thích, Mộng Lành nuốt nước mắt, bắt đầu cuộc mưu sinh bằng những tấm vé số trên tay. Vậy mới nói, bao khanh tướng công hầu, cũng chỉ là một chốc phù hoa, đời nghệ sĩ vốn vẫn rất dễ sa vào đắng cay, lỡ vận.

Nghệ sĩ Mộng Lành được đón vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ, sống những năm tháng cuối đời an vui, và ra đi thanh thản trong vòng tay tương ái của đồng nghiệp. Âu cũng trọn vẹn một kiếp tằm nhả tơ…

Nghệ sĩ về chiều – 'khép bức màn nhung danh vọng hết'… ảnh 4

3. Cả một đời khóc cười, mua vui cho thiên hạ, bao nhiêu người được trân trọng, lại có bao nhiêu người phải tủi phận xướng ca? Vậy mà khi được hỏi về ước vọng cuối đời, họ - những người kinh qua đắng cay của nghiệp cầm ca, vẫn nhất nhất trả lời, rằng: “Chỉ mong được hát đến hơi thở cuối cùng, được chết trên sân khấu, là mãn nguyện một đời nghệ sĩ”. Bởi vậy, không ngẫu nhiên mà giới mộ điệu, anh em nghệ sĩ thường nhắc về Kim Ngọc – mẹ của diễn viên Hiếu Hiền. Bởi vì bà, đã tàn hơi trên sân khấu – thánh địa của người nghệ sĩ, như một cuộc tận hiến cuối cùng.

Nghệ sĩ về chiều, cũng như hương trà nhạt nguội, ấm nóng ngày xưa, tàn theo hào quang vụt tắt. Cũng có người từng vinh hoa tột đỉnh, vui những cuộc vui nốn náo, ngất trời. Nhưng đến khi bức màn nhung dần khép, giật mình ngoảnh lại mới biết, đã đánh mất quá nhiều, đến mức chẳng còn ai bên cạnh, chẳng còn gì trong tay…  Thôi thì, “khép bức màn nhung danh vọng hết. Người về lòng rũ sạch sầu thương. Kẻ vào cởi áo lau son phấn. Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”…

Nghệ sĩ về chiều – 'khép bức màn nhung danh vọng hết'… ảnh 5

Bài: Hồ Ngọc Giàu

Ảnh: Hữu Long - Ngọc Giàu

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.