Tạm biệt ống hút nhựa

Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 1
Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 2

1. Cách đây 5.000 năm, người cổ Sumer (vùng đất ở phía nam Lưỡng Hà, thuộc Iraq ngày nay) đã biết ủ bia và dùng những chiếc ống làm bằng kim loại quý để có thể uống cạn bia chứa trong những bình lớn. Đến cuối thế kỉ 19, sản phẩm ống hút giấy đại trà ra đời.

Sau Thế chiến thứ hai, ngành công nghiệp nhựa phát triển nhanh chóng, dẫn tới sự ra đời của ống hút nhựa trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Hàng loạt tập đoàn lớn đua nhau sản xuất, biến ống hút nhựa ngày càng rẻ và bền hơn ống hút giấy. Thập niên 70 tiếp tục chứng kiến các nhà máy sản xuất ống hút nhựa làm ăn phát đạt, ngày càng mở rộng. Đến thập niên 80, ống hút nhựa đã có vô số hình dạng và kích cỡ độc đáo. Tuy nhiên đến nay, ống hút nhựa đã “chứng minh” là một trong những tác nhân cùng với rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 3

Được chế tạo từ các loại nhiên liệu hóa thạch, người ta hiếm khi tái chế ống hút nhựa bởi chúng quá nhỏ và có thể được tạo ra từ nhiều loại nhựa khác nhau. Ống hút nhựa lưu lại trong môi trường đất, nước... hàng trăm năm do rất khó phân hủy; nó có thể bị vỡ ra thành những mẩu nhỏ “microplastic” rồi len lỏi đi vào đại dương, bóp chết cuộc sống của nhiều sinh vật biển.

Trên thực tế, ước tính có hơn một triệu loài chim biển và 100.000 loài động vật biển có vú, rùa biển chết hàng năm do hấp thụ phải nhựa, nhầm lẫn ống hút nhựa với thức ăn. Nghiên cứu từ Thư viện Khoa học cộng đồng (PLoS One) của Mỹ phân tích: các hạt vi nhựa đi vào cơ thể sinh vật ngày càng nhiều hơn bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua con mồi của chúng, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như chuỗi thức ăn.

Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 4

Theo Litterati - một ứng dụng chuyên nhận diện và lập bản đồ các loại rác thải, trên phạm vi toàn thế giới, ống hút nhựa là loại rác phổ biến thứ 6 và nằm trong số 10 loại rác thải thường thấy trên các đại dương. Ở Mỹ, ước tính mỗi ngày người dân ném đi khoảng 500 triệu ống hút nhựa, đủ để xếp bao quanh bán kính Trái đất 2 lần, hoặc lấp đầy 125 chiếc xe buýt. Tại Anh, ước tính mỗi năm ít nhất 8,5 tỷ chiếc ống hút nhựa bị chôn lấp hoặc đi ra biển.

Theo tờ Business Insider, năm 2015, lượng tiêu thụ nhựa toàn cầu vào khoảng 300 triệu tấn, có nghĩa là mỗi người trên hành tinh này sử dụng khoảng gần 40kg nhựa/năm. Hơn 79% chất thải nhựa được chuyển tới các bãi rác hoặc mắc kẹt trong tự nhiên; 12% chất thải nhựa được đốt ở các lò đốt; chỉ có khoảng 9% được tái chế.

Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 5

Trung bình mỗi năm, hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có nhiều ống hút, trôi dạt ra đại dương, trở thành mối đe dọa đối với sự sống của các loài sinh vật biển, ngành thủy sản, du lịch biển và tổn thất đối với hệ sinh thái biển lên tới ít nhất 8 tỷ USD. Ước tính, với tốc độ vứt bỏ các loại chai, túi, cốc nhựa, ống hút… sau một lần sử dụng như hiện nay thì đến năm 2025, lòng đại dương sẽ chứa nhiều rác nhựa hơn là cá.

Từ thực tế này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã chính thức “tuyên chiến” với rác thải nhựa đại dương. Cuối tháng 2/2017, UNEP đã phát động Chiến dịch CleanSeas (làm sạch biển), nhằm loại bỏ những nguồn rác thải chính ra đại dương như vi hạt nhựa trong các loại mỹ phẩm và đồ nhựa dùng một lần cho tới năm 2022.

Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 6

Một số người cho rằng, việc tập trung xử lý vấn đề ống hút nhựa có vẻ như không đáng, bởi nó chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng số lượng rác thải nhựa không phân hủy được trên Trái Đất.

Tuy nhiên, các nhà môi trường cho rằng cuộc chiến giảm rác thải nhựa phải bắt đầu từ những phần nhỏ nhất. Nếu mọi người không thể lập tức từ bỏ mọi thói quen sử dụng đồ nhựa, trước tiên họ có thể tập “tạm biệt” với ống hút nhựa.

Bà Dianna – Giám đốc điều hành tổ chức “Plastic Pollution Coalition” – cho biết: “Chúng tôi tập trung vào ống hút nhựa như một vấn đề có tính mở đường để giúp cộng đồng bắt đầu nghĩ về vấn đề ô nhiễm nhựa thải toàn cầu. Ống hút nhựa được thiết kế nhằm sử dụng trong thời gian rất ngắn, sau đó bị quẳng đi luôn”.

2. Một trong những chiến dịch đầu tiên kêu gọi cộng đồng ngưng sử dụng ống hút nhựa là “Be Straw Free” (Không dùng ống hút nhựa) do cậu bé Milo Cress - 9 tuổi, đến từ thành phố Burlington (Vermont, Mỹ) khởi xướng vào năm 2011.

Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 7

Nhận thấy sự lãng phí và hậu quả môi trường do ống hút nhựa dùng một lần gây ra, Cress đã vận động các nhà hàng ở Burlington đưa văn bản gợi ý khách đọc rồi quyết định có sử dụng ống hút hay không. Văn bản đề cập tới tác hại từ việc sử dụng ống hút nhựa tới môi trường. Kết quả là số lượng ống hút mà các nhà hàng  sử dụng giảm từ 50-80%.

Năm 2015, một nhóm nghiên cứu đại dương người Costa Rica đã phát hiện ra một chú rùa biển bị một ống nhựa cắm xuyên vào lỗ mũi. Nhóm nghiên cứu trên đã giúp rút ống nhựa ra khỏi cơ thể con rùa. Tuy nhiên, đoạn băng ghi lại hình ảnh chú rùa chảy máu, đau đớn vì chiếc ống nhựa đã gây bão mạng xã hội, giúp thúc đẩy thêm các nỗ lực ngưng sử dụng ống hút trên phạm vi toàn cầu.

Các tập đoàn thực phẩm, khách sạn nổi tiếng thế giới đang dần loại bỏ ống hút nhựa ra khỏi hoạt động kinh doanh của mình để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa.

Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 8

Tháng 7/2018, Starbucks tuyên bố đến năm 2020 sẽ chấm dứt việc sử dụng ống hút bằng nhựa tại 28.000 cửa hàng của hãng trên phạm vi toàn cầu. Để đạt mục tiêu này, Starbucks sẽ cắt giảm số lượng ống hút bằng nhựa được sử dụng khoảng 1 tỷ ống mỗi năm. Khách hàng của Starbucks sẽ được phục vụ đồ uống với nắp đậy nhựa có khe hở (sippy-cup-lid), thay vì nắp đậy với ống hút nhựa.

McDonald cũng bắt đầu thay thế các ống hút nhựa bằng ống hút giấy với khả năng phân hủy tốt hơn tại các nhà hàng của tập đoàn này ở Anh và Ireland. Tập đoàn khách sạn Marriott thông báo đến tháng 7/2019 sẽ “tạm biệt” hoàn toàn ống hút và que khuấy nhựa tại 6.500 khách sạn và resort của mình.

Trong lĩnh vực hàng không, các hãng lớn Alaska Airlines và American Airlines gần đây ra thông báo ngừng cung cấp ống hút nhựa cho các dịch vụ trên máy bay. Trong lĩnh vực giải trí, công ty Walt Disney cho biết, đến giữa năm 2019, Disney sẽ ngừng sử dụng ống hút nhựa, thay vào đó là ống hút giấy nhằm bảo vệ môi trường. Đại diện của công ty cho biết, sau khi áp dụng cho toàn bộ hệ thống, kế hoạch này sẽ giúp loại bỏ hơn 175 triệu ống hút nhựa và 13 triệu que khuấy nhựa mỗi năm.

Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 9

Tháng 5/2018, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần, trong đó có ống hút và thay thế bằng các vật liệu cứng bền vững, thân thiện với môi trường. Hồi đầu năm nay, Anh – quốc gia sắp rời Liên minh Châu Âu – cũng tuyên bố lên kế hoạch cấm bán ống hút dùng một lần vào cuối năm 2018 để làm sạch môi trường biển. Năm 2018, chính phủ Hàn Quốc ra thông báo sẽ loại bỏ hoàn toàn ống hút và cốc nhựa ở các cửa hàng cà phê và những điểm công cộng khác vào năm 2027.

Tháng 7/2018, Seattle trở thành thành phố lớn đầu tiên của Mỹ cấm các nhà hàng cung cấp cho khách hàng các ống hút, que cắm cocktail (cocktail picks) và dụng cụ ăn uống bằng nhựa dùng một lần. Thay vào đó, các lựa chọn hợp lệ bao gồm dụng cụ, ống hút, hoặc que cocktail sử dụng lâu bền hoặc phân hủy được (chẳng hạn làm bằng giấy có thể phân hủy hoặc bằng nhựa có thể phân hủy).

Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 10

Theo sau Seattle, một loạt thành phố khác của Mỹ cũng đã thông qua hoặc xem xét đề xuất các lệnh cấm tương tự như San Francisco, Washington, New York, Malibu, San Luis Obispo, Berkeley, Santa Cruz, Alameda, Davis...

Tuy nhiên, việc cấm sử dụng ống hút nhựa không hoàn toàn “xuôi chèo mát mái”. Các nhà hoạt động vì quyền người khuyết tật chỉ trích rằng các lệnh cấm này ảnh hưởng tới cộng đồng người khuyết tật – những người phải dựa rất nhiều vào ống hút trong sinh hoạt hàng ngày.

Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 11

Kathryn Carroll – nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Quyền người khuyết tật tại New York, Mỹ - nói : “Đây thực sự là vấn đề. Mọi người cần hiểu rằng khi giới hạn việc sử dụng các ống hút nhựa thì điều này không được ảnh hưởng tới người khác”.

Gần đây, một số sáng chế ống hút có thể sử dụng nhiều lần bằng inox, thủy tinh, thép, tre, giấy… thay cho ống hút nhựa đã được quảng bá. Tuy nhiên, không ít chuyên gia y tế cảnh báo các vật liệu thay thế này cũng không thực sự đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe lẫn việc bảo vệ môi trường bởi thép có thể bị gỉ, tre có thể mốc, thủy tinh có thể vỡ…Theo các chuyên gia, cách tốt nhất là uống trực tiếp, không sử dụng bất cứ dạng ống hút nào

Từ việc từ bỏ thói quen dùng ống hút nhựa, các nhà bảo vệ môi trường hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ thay đổi thói quen cũ để hướng tới một cuộc sống ít sử dụng nhựa hơn. Một số ý kiến cho rằng có thể áp dụng một khoản phí nhỏ lên các sản phẩm nhựa dùng một lần, trước khi cấm hoàn toàn chúng. Thực tế từ năm 2008, Rwanda đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm các loại túi nhựa. Năm 2016, Morocco đã cấm sử dụng, buôn bán và nhập khẩu mọi loại túi nhựa. Ấn Độ tuyên bố cấm các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2020.

Tạm biệt ống hút nhựa ảnh 12
TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.