'Thanh gươm quốc gia' và cơn địa chấn phế liệu toàn cầu

'Thanh gươm quốc gia' và cơn địa chấn phế liệu toàn cầu ảnh 1
Đã hơn một năm kể từ khi Trung Quốc kích hoạt cuộc khủng hoảng tái chế toàn cầu thông qua việc đóng cửa thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp này. Với chính sách Thanh gươm Quốc gia có hiệu lực từ đầu năm 2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa phế liệu và một số loại phế liệu khác phục vụ cho các cơ sở tái chế tại quốc gia này, vốn xử lý gần một nửa lượng rác thải có thể tái chế của toàn thế giới trong 25 năm trở lại đây.
* * *

Trong một năm thực thi chính sách Thanh gươm Quốc gia, lượng nhựa phế liệu nhập khẩu của Trung Quốc đã sụt giảm tới 99%, dẫn đến những biến động lớn trong hoạt động xử lý rác thải nhựa trên toàn cầu. Trong khi rác thải nhựa là đối tượng chính bị ảnh hưởng, lượng giấy phế liệu nhập khẩu vào Trung Quốc cũng giảm hơn 30%.

 Trên bình diện toàn cầu, lượng rác thải nhựa được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt đã tăng lên do chi phí xuất khẩu rác thải nhựa tăng mạnh, khiến hoạt động này không còn sinh ra lợi nhuận. Tại Anh, hơn một nửa triệu tấn rác thải nhựa và rác thải sinh hoạt khác đã được đốt chỉ trong năm ngoái. Ngành công nghiệp tái chế của Australia cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng khi đất nước này phải chật vật xử lý tới 1,3 triệu tấn phế liệu trước đây thường xuất sang Trung Quốc.

'Thanh gươm quốc gia' và cơn địa chấn phế liệu toàn cầu ảnh 2

Còn tại Mỹ, nhà chức trách và các doanh nghiệp đang phải chật vật tìm kiếm những thị trường phế liệu mới. Một số nơi đã áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc thậm chí là đình chỉ các chương trình thu gom rác phế liệu. Một số địa phương khác thì chọn cách đốt phế liệu tại các nhà máy điện sử dụng nguyên liệu rác, làm gia tăng nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe con người.

Ngay cả trước khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhựa phế liệu thì trên toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế, trong khi có 12% bị đốt. Phần còn lại được chôn lấp hoặc đơn giản là vứt bỏ vào môi trường và trôi ra biển. Trong 6 thập kỷ qua, có tới hơn 8 tỷ tấn nhựa không thể phân hủy đã phát sinh trên toàn cầu, và con số này đang tiếp tục tăng.

'Thanh gươm quốc gia' và cơn địa chấn phế liệu toàn cầu ảnh 3

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cuộc khủng hoảng tái chế được kích hoạt bởi lệnh cấm nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc cũng có những mặt tích cực. Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi thế giới phải có những giải pháp tốt hơn để quản lý rác thải nhựa, bao gồm việc gia tăng năng lực tái chế của châu Âu và Bắc Mỹ, và buộc các nhà sản xuất phải tạo ra những sản phẩm có thể tái chế dễ dàng hơn. Nhưng trên hết, cuộc khủng hoảng này là hồi chuông cảnh tỉnh về việc phải cắt giảm và từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Trong một thập kỷ tới đây, lệnh cấm nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc sẽ dẫn đến hệ quả là thế giới phải tìm kiếm điểm đến mới cho khoảng 111 triệu tấn rác thải nhựa.

'Thanh gươm quốc gia' và cơn địa chấn phế liệu toàn cầu ảnh 4

Trước khi Trung Quốc thực thi chính sách Thanh gươm Quốc gia, có tới 95% nhựa phế liệu của châu Âu và 70% nhựa phế liệu của Mỹ được bán và vận chuyển sang Trung Quốc. Tại đây, chúng được tái chế thành nguyên liệu phục vụ các nhà sản xuất hàng tiêu dùng. Chi phí vận tải biển thấp do tận dụng chiều về của tàu hàng chở hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc ra nước ngoài cộng với chi phí lao động thấp, nhu cầu nguyên liệu tái chế cao của Trung Quốc khiến cho ngành xuất khẩu phế liệu trở thành ngành mang lại lợi nhuận béo bở.

“Ai cũng xuất khẩu phế liệu sang Trung Quốc bởi tiêu chuẩn kiểm soát rác thải ô nhiễm của nước này thấp, và giá bán thì lại hời”, ông Johnny Duong, giám đốc vận hành công ty tái chế California Waste Solutions của Mỹ, cho biết. Công ty này ký hợp đồng với chính quyền địa phương nhằm thu gom và phân loại rác tái chế, sau đó đóng gói và vận chuyển tới người mua. Trước khi có lệnh cấm, công ty bán tới 70% lượng phế liệu sang Trung Quốc. Giờ đây, con số này gần như bằng 0.

'Thanh gươm quốc gia' và cơn địa chấn phế liệu toàn cầu ảnh 5

Chính sách Thanh gươm Quốc gia của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm các chương trình tái chế tại các nước phát triển đã chuyển từ cách thức yêu cầu người tiêu dùng phân loại kỹ càng các loại rác tái chế khác nhau sang một cách thức dễ dãi hơn, khi họ chỉ cần gom các loại rác tái chế vào một thùng rác duy nhất. Kết quả của điều này là lượng phế liệu bẩn đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, bao bì nhựa cũng trở nên ngày một cầu kỳ hơn, với nhiều loại phụ gia, mực in, nhiều lớp gói khác nhau khiến việc tái chế càng trở nên khó khăn. Bởi vậy, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hầu hết các loại nhựa phế liệu, ngoại trừ những loại sạch nhất và cao cấp nhất.

“Hầu hết các loại nhựa phế liệu từ các chương trình thu gom rác tái chế trong cộng đồng đều bị cấm”, bà Anne Germain, phó chủ tịch Hiệp hội Rác thải và Tái chế Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết. “Điều này đã gây ra những tác động lớn. Chi phí tái chế tăng mạnh, trong khi lợi nhuận đạt được thì giảm xuống”.

Mỹ và châu Âu là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh cấm nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc. Nhiều thập kỷ phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc xử lý rác thải nhựa đã khiến các quốc gia này không phát triển được cơ sở hạ tầng cũng như thị trường nội địa đủ năng lực thích ứng với những biến động này.

'Thanh gươm quốc gia' và cơn địa chấn phế liệu toàn cầu ảnh 6

Tại Mỹ, hoạt động thu gom phế liệu tại khu vực nông thôn và các đô thị nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chi phí tăng và lợi nhuận giảm đã khiến nhiều chương trình phải ngừng hoạt động. Một số chương trình khác cắt giảm hoạt động khiến việc phân loại rác của người tiêu dùng trở nên bất tiện hơn. Bởi vậy, rất nhiều người dân đã từ bỏ thói quen phân loại rác.

Những thành phố lớn hơn như New York, San Francisco và Portland đã ứng phó tốt hơn trong việc tìm kiếm các thị trường thay thế hoặc tăng cường hoạt động phân loại rác nhằm cung cấp được thứ phế liệu sạch và chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, nhiều nơi cũng đã phải loại bỏ các loại phế liệu khó tái chế hơn ra khỏi danh mục thu gom của mình. Người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ chúng vào thùng rác sinh hoạt chung.

Tại Philadelphia trong năm ngoái, khi đơn vị thu gom rác tăng phí thu gom và xử lý rác thải tái chế, thành phố này quyết định giải quyết một nửa số rác tái chế bằng cách đốt chúng trong các nhà máy nhiệt điện, bất chấp nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hành động này.

Tại châu Âu, đốt rác thải cũng đã trở nên phổ biến hơn. Tại Anh, trong năm ngoái, có gần 11 triệu tấn rác thải được đốt trong các nhà máy nhiệt điện. Các nhà máy này được cho là được có năng lực kiểm soát khí phát thải. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây do tổ chức Zero Waste Europe cho thấy những lò đốt rác dù tối tân nhất cũng vẫn có khả năng phát thải dioxin và các loại chất độc hại khác.

'Thanh gươm quốc gia' và cơn địa chấn phế liệu toàn cầu ảnh 7

Các quốc gia châu Âu trước đây xuất khẩu phế liệu sang Trung Quốc giờ phải loay hoay xử lý một lượng nhựa phế liệu kém chất lượng ngày càng lớn. Nhựa phế liệu được chuyển hướng sang các quốc gia nhập khẩu khác như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Malaysia.... Tuy nhiên, các quốc gia này cũng đã nhanh chóng nhận ra vấn đề và đang đưa ra những biện pháp để hạn chế nhập khẩu nhựa phế liệu.

Việc lệnh cấm của Trung Quốc có khiến cho tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trầm trọng hơn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. “Nhựa phế liệu giờ được chuyển hướng sang các quốc gia có năng lực quản lý chất thải kém và nguy cơ ô nhiễm cao”, GS Roland Geyer thuộc Khoa Môi trường, Đại học California tại Santa Barbara, cho biết. Tuy nhiên, nếu các biện pháp hợp lý hơn được đưa ra, thì tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa vẫn có thể có thể đảo ngược.

Một số biện pháp bước đầu đã được đưa ra. Nhiều cơ sở thu gom phế liệu ở Mỹ đang mở rộng hoạt động, nâng cấp thiết bị, tăng cường nhân lực để cải thiện năng lực phân loại rác, đáp ứng nhu cầu phế liệu chất lượng cao của bên nhập khẩu. Các doanh nghiệp cũng nỗ lực mở rộng thị trường nội địa và tại các quốc gia khác như Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ.

Một số cơ sở tái chế ở Trung Quốc gặp khó khăn do chính sách Thanh gươm Quốc gia cũng đã công bố kế hoạch mở các nhà máy tái chế mới ngay trên đất Mỹ. Các công ty này sẽ xử lý nhựa phế liệu thành những sản phẩm như cây cảnh giả hoặc móc quần áo.

Một loạt chính sách mới nhằm tiết giảm rác thải nhựa cũng đang được hoạch định. Nghị viện châu Âu mới đây đã thông qua lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần như ống hút và dao dĩa. Một số thành phố Bắc Mỹ như Seattle và Vancouver và một số doanh nghiệp như Starbucks và American Airlines cũng đã có những động thái tương tự. Và rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã có chính sách hạn chế việc sử dụng túi nilon.

“Tiết giảm lượng rác thải nhựa mà chúng ta tạo ra là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm”, ông Lance Klug, người phát ngôn Sở Thu gom và Tái chế bang California, Mỹ, cho biết. Trong một thập kỷ qua, cơ quan này đã phối hợp với các nhà sản xuất để tiết giảm các loại bao bì đóng gói chiếm tới 25% lượng rác thải tại bang này. “Chúng tôi đang nỗ lực làm cho các nhà sản xuất quan tâm hơn tới việc sản phẩm của họ sẽ được xử lý ở cuối vòng đời của nó như thế nào”.

Còn tại nước Anh, chính phủ cũng đang lên kế hoạch đánh thuế nặng hơn đối với những nhà sản xuất bao bì nhựa sử dụng ít hơn 30% nguyên liệu tái chế.

Na Uy cũng vừa áp dụng hệ thống đánh thuế môi trường với nhà sản xuất chai nhựa dùng một lần. Mức thuế sẽ giảm tỉ lệ nghịch với mức tái chế các sản phẩm này. Chai nhựa phải được thiết kế để thuận lợi cho việc tái chế, không có phụ gia độc hại, có màu trong và nhãn dán có thể tan được trong nước.

Sau một năm có hiệu lực, chính sách Thanh gươm Quốc gia của Trung Quốc đang trở thành một thanh gươm hai lưỡi - vừa gây ra một cơn khủng hoảng tái chế, lại vừa có tác dụng khiến các quốc gia phải nhìn nhận lại những bất cập trong cách xử lý rác thải của họ.

“Mô hình thu gom - phân loại - xuất khẩu đã có lợi cho chúng ta trong một thời gian dài, khi các thị trường nhập khẩu phế liệu còn đang thuận lợi”, ông Klug cho biết. “Nhưng hiện tại, điều này đã trở thành dĩ vãng, và có lẽ sẽ mãi mãi thuộc về dĩ vãng”. 

TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.