'Vì con, tôi có thể làm được tất cả'

'Vì con, tôi có thể làm được tất cả'

Đối với phụ nữ khuyết tật, bên cạnh nỗ lực sống khỏe và sống có ích, họ còn khát khao được sống hạnh phúc, được làm mẹ. Bất chấp những vất vả, khó khăn, thậm chí đánh đổi cả mạng sống, nhiều phụ nữ khuyết tật luôn kiên định một niềm tin “vì con, tôi có thể làm được tất cả”.

___________________

'Vì con, tôi có thể làm được tất cả' ảnh 1

7 năm kể từ lần đầu làm mẹ nhưng Karen Hodge vẫn nhận được những câu hỏi tò mò từ những người lạ. Là mẹ của 2 đứa trẻ, Colin bảy tuổi và Laura bốn tuổi, dù Karen Hodge bị chấn thương tủy sống và phải sử dụng xe lăn từ năm 15 tuổi. Cô kể: “Mọi người đến gần tôi và  các con, hỏi chúng có phải là con tôi không và liệu tôi sinh tự nhiên hay nhờ ai mang thai hộ?”. Lúc đầu, Karen cảm thấy bị xúc phạm và bực tức, tại sao mọi người không nhận ra rằng phụ nữ bị chấn thương tủy sống (hoặc các khuyết tật thể chất khác) vẫn có thể mang thai và sinh con. Tuy nhiên sau quá nhiều lần bị tổn thương, cô tự nhắc mình, chính cô đã có thời điểm tự hỏi liệu mình có thể có con hay không.

Nhớ lại năm 2007, khi cô và chồng bắt đầu “mơ về những đứa trẻ”, cô cũng hoang mang không biết liệu điều này có thể xảy ra không. Lần mò lên Google tìm hiểu nhưng những thông tin về phụ nữ khuyết tật mang thai rất ít ỏi và thiếu mức độ tin cậy. Giờ đây khi đã trở thành mẹ của 2 đứa trẻ và bắt gặp các câu hỏi tương tự, Karen Hodge luôn mỉm a và trả lời đầy tự hào rằng đây là những đứa con ruột của mình và chính cô tự mang nặng đẻ đau.

Lesley Tarasoff - một nhà nghiên cứu tại Toronto (Canada) - người có luận án tiến sĩ về đề tài trải nghiệm mang thai và sinh nở của những phụ nữ khuyết tật về thể chất ở Ontario. Cô cho rằng, một trong những vấn đề khiến phụ nữ khuyết tật khó tiếp cận được dịch vụ chăm sóc đầy đủ là hệ thống y tế hiện tại được xây dựng dựa trên tiêu chí dành cho phụ nữ mang thai không bị khuyết tật. Điều đó có nghĩa là không gian vật lý của hầu hết các khoa sản và nơi làm việc của các chuyên gia y tế có xu hướng được thiết lập không tính đến việc hỗ trợ phụ nữ khuyết tật về thể chất mang thai. Đây là một điều khá nghịch lý khi các nhà nghiên cứu tại Mỹ cho rằng, thực tế tỷ lệ phụ nữ khuyết tật mang thai tương đương với phụ nữ không khuyết tật. Nhiều phụ nữ khuyết tật mà cô Tarasoff nói chuyện đã gặp phải các nhân viên y tế không thể hoặc thiếu kiến thức cần thiết để giúp đỡ họ. Ngay cả khi họ có thể tìm được một bác sĩ hiểu biết, họ vẫn phải nhận những lời nhận xét thiếu tế nhị từ các nhân viên khác.

'Vì con, tôi có thể làm được tất cả' ảnh 2

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Khuyết tật và Sức khỏe, Tarasoff kể lại câu chuyện của một bà mẹ bị bại não đang mang thai và phải nói chuyện một nhân viên lễ tân trong văn phòng bác sĩ sản khoa. Tuy nhiên nhân viên này mới đầu luôn khẳng định rằng người phụ nữ này không phải đến để khám thai. Những vấn đề gặp phải sau đó còn rắc rối hơn khi trong thời gian phục hồi sức khỏe sau sinh, cô yêu cầu nhân viên y tế giúp đỡ để sử dụng phòng vệ sinh của bệnh viện. Cô đã phải nhận được một bài rao giảng từ các nhân viên y tế rằng “bản thân cô còn không tự giúp được mình thì cô sẽ chăm sóc em bé thế nào?”.

Một số phụ nữ khuyết tật cho biết họ đã phải đối mặt với những bình luận thiếu tế nhị từ hàng xóm, đồng nghiệp, thậm chí bạn bè và gia đình. Yasaman Best, một bà mẹ ở Vancouver (Canada) bị chấn thương tủy đã sốc khi một người bạn thân nói với cô rằng, những người sử dụng xe lăn vẫn sinh con là “vô đạo đức”. Trong khi đó, nhiều phụ nữ khuyết tật khác phải trải qua những vất vả tưởng chừng như không vượt qua được trong quá trình mang thai và nhiều khi phải đối mặt giữa ranh giới cái sống và cái chết. Cô Maknojiya bị chứng vẹo cột sống. Khi bụng của Maknojiya to lên trong thời kỳ mang thai, cơn đau thần kinh tọa của cô ngày càng gia tăng, đến mức cô không thể nằm ngủ được nữa và phải ngủ nghiêng 45 độ trong phần lớn thời gian mang thai. Những mệt mỏi trong cuộc sống khiến nhiều lúc Maknojiya muốn từ bỏ, nhưng khi thai lớn dần, cô ngạc nhiên và xúc động khi phát hiện ra rằng có thể cảm nhận được những cú đạp và chuyển động của con mình. Vượt qua mọi khó khăn, thậm chí có lúc tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, nhưng Maknojiya chia sẻ “thật là một cảm giác tuyệt vời khi Aariz được sinh ra, tôi thấy mình thật vĩ đại khi sinh ra được một bé trai khỏe mạnh. Một khoảnh khắc thật tuyệt vời”.

Tôi không thích khi mọi người cho rằng tôi không thể làm được mọi việc và cứ nhảy vào làm việc cho tôi. Giúp đỡ và khuyến khích cũng được, nhưng tôi cần họ nhận ra rằng tôi biết tôi đang làm gì với Alex - tôi là mẹ của cậu ấy.

Karen Hodge

Đối với những bà mẹ bình thường sau khi sinh đã vất vả, những bà mẹ khuyết tật nuôi con thách thức còn nhân lên gấp bội. Khi Maknojiya lần đầu tiên xuất viện về nhà, cô đi lại khó khăn, phải dựa vào chồng và các thành viên khác trong gia đình để làm rất nhiều công việc chăm sóc sức khỏe cho Aariz. Còn Karen Hodge chia sẻ bị sốc vào những ngày đầu nuôi con nhỏ: “Tôi cảm thấy áp lực khi bắt gặp những ánh mắt ái ngại nhìn tôi không thể làm được việc gì, thậm chí cho con bú cũng gặp nhiều khó khăn”. Khi mọi người cố gắng giúp đỡ cô lại cảm thấy tủi thân: “Tôi không thích khi mọi người cho rằng tôi không thể làm được mọi việc và cứ nhảy vào làm việc cho tôi. Giúp đỡ và khuyến khích cũng được, nhưng tôi cần họ nhận ra rằng tôi biết tôi đang làm gì với Alex - tôi là mẹ của cậu ấy”. Quá áp lực khiến nhiều bà mẹ phải nhờ đến sự trợ giúp tâm lý để vượt qua những thời điểm khó khăn nhất, nhưng nhìn những đứa con mạnh khỏe và xinh đẹp những vất vả lại trở nên vô nghĩa. Con đường phía trước còn dài và nhiều khó khăn nhưng như Maknojiya chia sẻ “, lúc khó khăn nhất khi sinh Aariz, đứng giữa ranh giới cái sống và cái chết, tôi đã vượt qua thì chắc chắn sẽ khó có điều gì cản bước được tôi nữa. Vì con tôi có thể vượt qua được tất cả”.

'Vì con, tôi có thể làm được tất cả' ảnh 3
'Vì con, tôi có thể làm được tất cả' ảnh 4

Đối mặt với những khó khăn từ lúc mang thai, sinh con rồi nuôi con, Karen Hodge bắt đầu thực hiện sứ mệnh cá nhân đã ấp ủ bấy lâu để trở thành một nhân viên xã hội nhi khoa, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thông tin về quá trình mang thai và sinh nở cho những phụ nữ bị chấn thương tủy sống giống như cô. Năm 2013, cô đã thành lập một nhóm bao gồm các bác sĩ, y tá và nhà nghiên cứu có chuyên môn trong lĩnh vực này, tổ chức các hội thảo cho những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, soạn ra các tài liệu chuyên môn cho những phụ nữ bị chấn thương tủy sống muốn mang thai. Xuất phát từ những khó khăn bước đầu khi mang thai của bản thân, Karren Hodge muốn tạo ra những tài liệu đáng tin cậy và hữu ích giúp cho những phụ nữ chấn thương tủy sống mang thai chỉ cần lên Google có thể tải xuống và tìm hiểu, giúp họ có những hướng đi đúng đắn. 

Hàng loạt các sáng kiến đang giúp những phụ nữ khiếm khuyết cảm thấy vững tin hơn với giấc mơ làm mẹ của mình. Tuy nhiên, sự thay đổi phải được thực hiện trong những chính sách vĩ mô hơn, cấp địa phương hay quốc gia để giảm bớt các rào cản giúp phụ nữ khuyết tật có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc tốt hơn. Hầu hết những phụ nữ này phải đến thăm khám hay sinh tại những khoa sản thông thường- nơi thiết kế không phù hợp cho những người khuyết tật ví dụ như nhà vệ sinh, vòi hoa sen, phòng tắm, thậm chí là bàn đẻ không đủ thấp để cho phép những phụ nữ bị hạn chế khả năng vận động có thể chuyển sang xe lăn.

Là một bác sĩ sản khoa chuyên về các trường hợp mang thai có nguy cơ cao tại Trung tâm Khoa học Y tế Sunnybrook ở Toronto, cô Anne Berndl đã tận mắt chứng kiến những khó khăn mà bệnh nhân của mình phải đối mặt. Vì vậy, cô đã xây dựng ra một phòng khám chuyên dụng để cung cấp dịch vụ chăm sóc đặc biệt cho những phụ nữ bị khuyết tật về thể chất mang thai. Thành lập vào tháng 3 năm 2017 tại Sunnybrook, Phòng khám Chăm sóc sức khỏe Phụ nữ mang thai là cơ sở đầu tiên thuộc loại hình này ở Bắc Mỹ.

'Vì con, tôi có thể làm được tất cả' ảnh 5

Berndl cho biết: “Chúng tôi tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc cá nhân, với hy vọng phòng khám sẽ giúp giảm bớt định kiến và bình thường hóa quan niệm về phụ nữ khuyết tật về thể chất mang thai”. Phòng khám có phòng sinh dành cho người khuyết tật, với vòi sen có bánh xe lăn, giường và bàn khám thấp hơn so với tiêu chuẩn. Không chỉ hỗ trợ thăm khám, sinh đẻ, Phòng khám Chăm sóc sức khỏe Phụ nữ mang thai còn hỗ trợ những phụ nữ này trong hoạt động nuôi dạy con cái tại nhà, với các nhà vật lý trị liệu liên tục thăm hỏi, giúp đỡ bệnh nhân.

Có thể nói giống như những người bình thường khác, người khuyết tật cũng có quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được yêu thương, quyền có một tổ ấm hạnh phúc và quyền được làm mẹ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản đối với quyền này của người khuyết tật, không chỉ trong xã hội, ngay cả trong nhiều gia đình vẫn còn định kiến, phân biệt đối xử, khiến nhiều người khuyết tật chưa đủ tự tin, dũng cảm để được sống theo cách mình mong muốn.

Gần đây câu chuyện bằng hình ảnh với tiêu đề “Tôi có thể làm mọi việc của một người mẹ, chỉ là theo cách khác” của một bà mẹ khuyết tật người Đức đã gây xúc động mạnh đến người xem, cũng như truyền cảm hứng cho nhiều người phụ nữ khuyết tật đang khao khát làm mẹ trên khắp thế giới. Hình ảnh bà mẹ khuyết tật 37 tuổi, xinh đẹp rạng rỡ với những công việc chăm sóc đứa nhỏ hàng ngày của mình mặc dù cô đã mất đi cả hai chân khiến người xem phải khâm phục. Hülya chia sẻ, sức mạnh của tình yêu đã giúp cô làm được mọi điều. Chồng cô đã cho thiết kế căn nhà để cô có thể tự làm được mọi việc từ thay tã lót, nấu ăn hay chăm sóc những đứa trẻ. Hàng loạt bức ảnh chia sẻ trên Instagram hàng ngày của cô về cách cô chăm sóc những đứa trẻ, cách cô hưởng thụ cuộc sống với các môn thể thao yêu thích như trượt ván hay bi-a đang lan truyền cảm hứng cho những phụ nữ khuyết tật, vượt qua “vùng an toàn” và mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình.

'Vì con, tôi có thể làm được tất cả' ảnh 6

Bài: Anh Đức

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.