‘Sức khỏe’ đại dương đang gặp nguy hiểm - Bài 3: Đại dương chỉ có thể hồi sinh từ sự đoàn kết

‘Sức khỏe’ đại dương đang gặp nguy hiểm - Bài 3: Đại dương chỉ có thể hồi sinh từ sự đoàn kết

Ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương, trở thành “đại dịch bệnh đại dương”. Và từ dưới đáy đại dương, tất cả đang kêu cứu!

* * *

Đã 30 năm kể từ Hội nghị của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển 1992 -nơi mà ý tưởng về một ngày đại dương thế giới được đề xuất, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đại dương đối với sự sống trên hành tinh chúng ta. Năm 2022 cũng là một phần của Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự Phát triển bền vững (2021 – 2030) được khởi xướng bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Ngày Đại dương thế giới (8-6) năm nay, Liên hợp quốc nhấn mạnh chủ đề “Hồi sinh: Cùng hành động vì đại dương”.

Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Đỗ Việt Cường – Tư vấn quốc tế về Phát triển bền vững, Viện Sau Đại học Geneva, Thuỵ Sĩ về câu chuyện nhức nhối: Rác thải nhựa ở đại dương.

PV: Hồi sinh là để khơi dậy một thứ gì đó với sức sống và cuộc sống mới. Nhưng tại sao các đại dương lại cần một hành động tập thể cho sự hồi sinh?

TS Đỗ Việt Cường: Đó là bởi vì mối liên kết giữa đại dương và con người chúng ta thực ra không bền vững. Đại dương là môi trường sống của 94% sinh vật trên trái đất, nhưng đại dương đang đối mặt với ba khủng hoảng nghiêm trọng gây ra bởi biến đổi khí hậu, sự suy giảm đa dạng sinh học, và ô nhiễm môi trường biển do con người tạo ra. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá huỷ, ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương, và con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì nó có thể được bổ sung, tái tạo.

‘Sức khỏe’ đại dương đang gặp nguy hiểm - Bài 3: Đại dương chỉ có thể hồi sinh từ sự đoàn kết ảnh 1

Đến đây, tôi băn khoăn tự hỏi, vậy một cách chính xác thì ai cần được hồi sinh? Là đại dương hay là chính chúng ta? Nếu chúng ta mong muốn làm cho đại dương được hồi sinh thì chúng ta cần phải bắt đầu làm “hồi sinh” từ chính nhận thức và suy nghĩ của mình, làm hồi sinh mối quan hệ của chúng ta với đại dương – tạo ra một sự cân bằng mới trong mối liên kết giữa con người và môi trường biển, lắng nghe và sống hài hòa với thiên nhiên, thiết lập các mối quan hệ đối tác toàn diện và đa dạng xuyên suốt các khu vực địa lý, dọc các cộng đồng địa phương và gắn kết mọi loại hình sản xuất, kinh doanh nhằm triển khai những giải pháp sáng tạo về phát triển bền vững đại dương.

Với một trách nhiệm tập thể, sự hồi sinh của đại dương chỉ có thể đạt được thông qua các hoạt động cùng phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức cũng như hành động của mọi người.

Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, hàng loạt các sự kiện nâng cao nhận thức và gắn kết cộng đồng đang diễn ra, chẳng hạn như Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, hay Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc tổ chức từ 27/6 đến 1/7/2022 tại Lisbon, Bồ Đào Nha với sự tham gia của các đại biểu đến từ các Quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu, cũng như các doanh nghiệp, doanh nhân đang tìm cách thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, dựa trên khoa học để quản lý bền vững đại dương và nền kinh tế xanh.

PV: Sức khỏe của đại dương đang gặp nguy hiểm. Đâu có thể được xem là những hướng giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những thiệt hại mà nhân loại đang tiếp tục gây ra đối với sinh vật biển và sinh kế?

TS Đỗ Việt Cường: Có thể nêu ra ba hướng tiếp cận dựa trên khoa học giúp bảo tồn đại dương trên phạm vi toàn cầu.

Thứ nhất, “bức tường xanh” hay “lá phổi xanh” rừng ngập mặn giúp bảo vệ cộng đồng ven biển chống lại bão lũ cực đoan và mực nước biển dâng cao; mang lại những lợi ích quan trọng về nguồn nước ngọt và hoạt động nuôi trồng thủy hải sản; cũng như giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách loại bỏ khí carbonic khỏi tầng khí quyển.

‘Sức khỏe’ đại dương đang gặp nguy hiểm - Bài 3: Đại dương chỉ có thể hồi sinh từ sự đoàn kết ảnh 2

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với đa dạng sinh học cao. Xét trên phạm vi toàn cầu, rừng ngập mặt ước tính mỗi năm tạo ra 82 tỷ USD trong việc phòng ngừa rủi ro do lụt lội có thể xảy ra đối với cộng đồng ven biển, mặc dù gần một nửa rừng ngập mặn thế giới đã biến mất trong vòng 50 năm qua. Chính vì vậy, các công ty bảo hiểm trong thời gian gần đây đã bắt đầu nhận ra rằng bảo vệ các vùng rừng ngập mặn ven biển chính là một hoạt động đầu tư mang lại lợi nhuận. Là một dạng đầu tư vào thiên nhiên, các công ty bảo hiểm đang đưa giá trị của rừng ngập mặn vào các sản phẩm bảo hiểm thông qua các gói tín dụng carbon hay tín dụng xanh, qua đó hỗ trợ những nỗ lực phục hồi và bảo tồn các vùng ngập nước ven biển dựa vào cộng đồng.

Thứ hai, thiết lập các khu vực bảo vệ biển (MPA) đang được xem là công cụ hiệu quả nhất trong việc bảo tồn đại dương, nhận được sự đồng thuận nhiều nhất cả về mặt khoa học và chính trị từ cộng đồng quốc tế. MPA là các khu vực biển nơi mà hoạt động của con người (chẳng hạn như đánh cá, hàng hải…) bị hạn chế nhằm mục tiêu bảo tồn biển. Hiện tại, các tổ chức môi trường cùng các quốc gia đang tạo ra một dữ liệu toàn cầu về các kỹ thuật quản lý đại dương cũng như các chỉ dẫn về MPA nhằm tạo ra các khu vực bảo vệ biển thông minh với khí hậu hay các khu vực bảo vệ biển ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Một cách tiếp cận khác nhằm hướng đến thực tiễn hoạt động nghề cá bền vững hơn thông qua một cuộc cách mạng hóa toàn bộ quy trình nuôi trồng thủy hải sản - với sự tham gia của chính phủ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân. Người nông dân được đào tạo và được tiếp cận với công nghệ cải tiến, cùng hợp tác với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà khoa học để kiểm soát dịch bệnh trên từng trang trại nuôi trồng thủy hải sản, qua đó tránh làm ô nhiễm nguồn nước cũng như các tác động xấu đến môi trường khác.

Khi mà sản lượng thủy hải sản nuôi trồng được dự báo cần phải tăng lên gấp đôi vào năm 2050 để đáp ứng nhu cầu lương thực thế giới thì cách tiếp cận này được xem như là bước đi đầu tiên hướng tới sự chuyển đổi ngành nuôi trồng thủy hải sản bền vững với môi trường.

‘Sức khỏe’ đại dương đang gặp nguy hiểm - Bài 3: Đại dương chỉ có thể hồi sinh từ sự đoàn kết ảnh 3

PV: Ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương, trở thành “đại dịch bệnh đại dương”. Nhìn về quê hương, anh thấy Việt Nam đã và đang giải quyết thách thức môi trường này thế nào?

TS Đỗ Việt Cường: Các đại dương trên khắp thế giới đang bị tràn ngập bởi rác thải nhựa và dự đoán đến năm 2050 khối lượng rác thải nhựa đại dương sẽ vượt qua khối lượng cá biển.

Đối phó với thách thức này, Việt Nam trong thời gian qua đã dành sự quan tâm đặc biệt cũng như nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản chính sách về bảo vệ môi trường.

Một trong những hành động thiết thực, điển hình là việc Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa.

Gần đây, Việt Nam đã tham gia Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa tại Việt Nam, và chúng ta cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương.

‘Sức khỏe’ đại dương đang gặp nguy hiểm - Bài 3: Đại dương chỉ có thể hồi sinh từ sự đoàn kết ảnh 4

Hiện nay, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực xây dựng một thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý để các quốc gia cùng chung sức chấm dứt ô nhiễm nhựa đại dương. Khẳng định trách nhiệm của mình đối với vấn nạn môi trường này, Việt Nam đã chủ động gửi đề xuất đến Hội nghị Môi trường của Liên hợp quốc, tập trung vào hai vấn đề: chuyển đổi hướng đến kinh tế tuần hoàn, và các rào cản khó có thể giải quyết được trong phạm vi quốc gia nhưng có thể được giải quyết một cách hiệu quả ở quy mô toàn cầu.

Theo tôi nhiệm vụ cụ thể của Việt Nam trong năm 2022 là chủ động tham gia xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương. Rồi từng bước sẽ có hướng đi đúng trong việc giữ gìn và bảo vệ các khu vực biển, đảo trong nước.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.