Ca bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng mang chủng virus mới, có tốc độ lây lan nhanh

(Ngày Nay) - Chủng virus SARS-CoV-2 này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận, tuy nhiên chưa có căn cứ xác định độc lực của virus tăng lên so với các chủng trước.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chưa đủ bằng chứng 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau). Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.

Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa. Dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác.

Ca bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng mang chủng virus mới, có tốc độ lây lan nhanh ảnh 1

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Hiện Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, cử những chuyên gia giỏi nhất vào địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; tổng rà soát nhằm tìm ra nguồn lây sớm nhất; tổ chức điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Đối với 2 bệnh nhân nặng, đến sáng nay các chỉ số sức khoẻ tương đối ổn định…

Về việc phong toả cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ áp dụng giống như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa nhất về nguồn lực để cùng với địa phương tổ chức hiệu quả cách ly, truy vết, điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch…

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp để triển khai các biện pháp xét nghiệm phù hợp với từng khu vực, nhằm nâng cao hiệu quả tầm soát; tổ chức phân tuyến cơ sở khám chữa bệnh để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân; tổ chức công tác bảo đảm hậu cần phục vụ khu vực phong tỏa…

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, cần tổ chức giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch hợp lý; không phong toả tất cả mà phong toả từng nấc; thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, mọi người hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập đông người...

Đối với người dân, tất cả những người đi từ Đà Nẵng có liên quan đến ổ dịch này khi trở về địa phương khác phải cách ly 14 ngày và theo dõi chặt chẽ như những người tiếp xúc gần; còn những người khác từ Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ.

Bên cạnh đó, cần mở rộng xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện các ổ dịch, kịp thời khoanh vùng, dập dịch triệt để.

Các chuyên gia cho rằng, những giải pháp này không chỉ áp dụng riêng với Đà Nẵng mà ở các địa phương khác cũng cần kiểm soát chặt các trường hợp nghi nhiễm; đồng thời tăng cường kiểm soát bảo đảm an toàn dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh…

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.