Cuộc sống bên trong bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán

(Ngày Nay) - Gần 3 tuần trôi qua kể từ ngày Cindy Chen được xác nhận nhiễm virus cho đến ngày cô được nhập viện, hai tuần đầu Chen tự cách ly tại nhà riêng, còn tuần cuối cùng cô được cho nằm ở một bệnh viện dã chiến.
Cuộc sống bên trong bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán

6 giường bệnh/ 1000 bệnh nhân

Thay vì được nhận vào một bệnh viện thông thường, Chen được được đưa tới một cung thể thao ở Vũ Hán và là 1 trong 16 bệnh viện dã chiến, hay còn được gọi là "fangcang" (phương thương 方艙 - để chỉ không gian cách ly như một khối hộp vuông) được thành lập từ đầu tháng 2 để giúp giảm bớt tình trạng thiếu giường trong các cơ sở y tế.

Trước đó, người phụ nữ 36 tuổi có biểu hiện mệt mỏi, sốt theo từng cơn và ho khan, kể từ khi đưa bố chồng bị sốt đến gặp bác sĩ vào cuối tháng 1.

Kết quả chụp CT cho thấy cả cô và bố chồng đều bị viêm phổi, tuy nhiên Chen vẫn chưa đủ điều kiện để nhập viện. Không còn lựa chọn nào khác, Chen phải tự ở nhà cách ly trong 14 ngày.

Cuộc sống bên trong bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán ảnh 1

Một nhà thi đấu tại Vũ Hán được cải tạo thành bệnh viện dã chiến. Ảnh: Sixth Tone

Tại Trung Quốc, chỉ có 6 giường bệnh dành cho 1000 bệnh nhân, theo số liệu chính thức. Tài nguyên y tế phân bổ không đồng đều khiến các thành phố hoặc thậm chí toàn bộ cả tỉnh phải dựa vào một vài bệnh viện lớn khi có nhu cầu khám chữa bệnh.

Trong giai đoạn dịch bệnh mới bùng phát, nhiều bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ không được nhập viện do giường bệnh được ưu tiên cho các bệnh nhân nguy kịch.

Cuộc sống bên trong bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán ảnh 2

Nữ sinh cần mẫn ôn bài dù đang được điều trị trong bệnh viện. Ảnh: Sixth Tone

Nhưng việc điều trị chậm trễ có nguy cơ khiến những bệnh nhân nhẹ này bị suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, trong khi thời gian cách ly không đủ có thể khiến dịch bệnh lan rộng hơn, ông Ma Xiaowei, người đứng đầu Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết vào tuần trước.

Các nhà chức trách đã đưa ra giải pháp đó là thành lập các bệnh viện dã chiến để đưa những  người có bệnh tình nhẹ vào điều trị.

Kể từ đầu tháng 2, 16 địa điểm công cộng ở Vũ Hán, từ các cung thể thao đến các trung tâm triển lãm, đã được chuyển đổi thành "fangcang", đóng góp thêm 13.000 giường bệnh cho thành phố.

Không giống như Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn - hai bệnh viện được xây mới để điều trị những bệnh nhân nguy kịch,  các "fangcang" đóng vai trò là bộ đệm cho những bệnh nhân chưa đủ điều kiện để điều trị khẩn cấp nhưng vẫn cần được theo dõi y tế.

Cuộc sống bên trong bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán ảnh 3

Các bệnh nhân được tập thể dục tại fangcang. Ảnh: Sixth Tone

Bệnh nhân có biểu hiện nhẹ sẽ được đưa vào "fangcang" sau khi xét nghiệm dương tính với virus. Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, họ sẽ được chuyển đến một bệnh viện với tiêu chuẩn chăm sóc cao hơn.

Vào ngày 12/2, ủy ban khu phố đã tới nhà Chen và yêu cầu gia đình cô tới cách ly tại một khách sạn trong 14 ngày. Sau khi cho kết quả dương tính, Chen tiếp tục được đưa tới một nhà thi đấu còn bố chồng cô được đưa thẳng tới bệnh viện Lôi Thần Sơn.

"Các y tá sẽ kiểm tra nhiệt độ và nồng độ oxy trong máu 4 lần/ngày. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc Đông y hàng ngày. Vào buổi sáng, buổi chiều và đôi khi buổi tối, các nhân viên y tế sẽ khuyến khích bệnh nhân thư giãn bằng cách nhảy hoặc tập động tác thái cực quyền. Ngoài ra, tôi vẫn được sử dụng điện thoại hoặc xem TV để giải trí", Chen cho biết.

"Thực ra, tôi cảm thấy khá thoải mái", Chen nói. "Mặc dù có rất nhiều bệnh nhân ở đây, mọi người đều trò chuyện cùng nhau và cảm giác tốt hơn nhiều so với việc bị cô lập một mình trong phòng".

Cuộc sống bên trong bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán ảnh 4

Cửa vào dành cho nhân viên y tế tại một fangcang. Ảnh: Sixth Tone

Tới ngày 24/2, Chen sẽ được tái kiểm tra để bác sĩ đánh giá tình hình sức khỏe. Các tiêu chí cần đáp ứng hết sức nghiêm ngặt: kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong nhiều lần, hình ảnh chụp CT cho thấy phổi không còn bị tổn thương và không sốt trong ít nhất 3 ngày. Chen đã lần lượt vượt qua các "bài kiểm tra" trên và được cho xuất viện vào ngày 2/3.

Khi cơn sốt dần hạ nhiệt

Một tín hiệu đáng mừng là có rất nhiều bệnh nhân tại Vũ Hán đã được xuất viện sau khi điều trị tại "fangcang". Đáng chú ý, các nhà chức trách Hồ Bắc cho biết 1 trong 16 bệnh viện dã chiến sẽ được đóng cửa sau khi điều trị xong cho những bệnh nhân cuối cùng.

Trái ngược hoàn toàn với những ngày đầu của dịch bệnh, hơn một nửa số giường bệnh tại các "fangcang" hiện đang bỏ trống. Các nhà chức trách tin rằng những bệnh viện dã chiến đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán.

"Thành lập các bệnh viện dã chiến là một động thái quan trọng", ông Ma cho biết. "Chúng tôi đã nhanh chóng mở rộng nguồn lực y tế của mình trong thời gian ngắn và rất khó để có được nhiều giường như vậy bằng bất kỳ cách nào khác".

Nhưng không phải tất cả mọi người đều có trải nghiệm tốt khi điều trị tại "fangcang" như Chen. Các điều kiện sống hạn chế, thiếu hụt sự riêng tư và nguy cơ lây nhiễm chéo là những lo ngại phổ biến ở các bệnh nhân.

Cuộc sống bên trong bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán ảnh 5

Các bệnh nhân vẫn được hưởng những tiện nghi cơ bản khi điều trị tại fangcang. Ảnh: EPA

Lin - một người đàn ông 35 tuổi hiện đang sống ở phía đông tỉnh Giang Tô kể rằng mẹ anh đã được đưa vào một bệnh viện "fangcang" ở quận Hán Dương của Vũ Hán vào ngày 12/2, nhưng nơi này không có đủ thiết bị y tế và đặc biệt là các bệnh nhân không được chụp CT, điều này gây cản trở quá trình phục hồi của người bệnh.

"Một số bệnh nhân đã chết ngay trên giường của họ, khiến những bệnh nhân khác, bao gồm cả mẹ tôi, hết sức sợ hãi. Mọi thứ chỉ khá hơn sau khi máy quét CT được đưa tới. Mẹ tôi đang hồi phục nhưng rất chậm", Lin nói.

Khi dịch bệnh xảy ra, các cơ sở y tế tạm thời như "fangcang" chỉ có thể phát huy hiệu quả khi được trang bị máy móc và nhân lực tốt, theo giáo sư Liu Shi-yung thuộc Đại học Giao Thông Thượng Hải.

"Không giống như các bệnh viện truyền thống, fangcang giống như các khoa điều trị hơn", ông Liu nói. "Fangcang nên được coi là cơ sở bổ sung cho các bệnh viện và nên được tích hợp với các nguồn lực y tế gần đó".

Với nhiều bài học về dịch SARS 2002-2003, các quan chức và chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phân biệt giữa các trường hợp mắc bệnh nhẹ, nặng và nguy kịch.

Giáo sư Liu cho biết, nếu không phân loại đúng bệnh nhân, các nguồn lực có thể bị lãng phí và có nguy cơ cao gây ra tình trạng lây nhiễm chéo trong cơ sở.

Về phần Chen, sau khi được xuất viện, cô vẫn chưa được phép về nhà mà phải tiếp tục trải qua 14 ngày cách ly trong một khu học xá.

Một mình trong chiếc giường, Chen cho biết cô vẫn sợ mình có thể tái nhiễm virus và toàn bộ quá trình chữa trị sẽ lại bắt đầu. Tuy nhiên, điều khiến cô hài lòng hơn vào lúc này đó là có nước nóng để tắm gội mỗi khi rảnh rỗi, điều mà hiếm khi Chen có được trong thời gian ở "fangcang".

"Tôi sẽ cố gắng làm quen với điều này" cô nói. "Sau tất cả, gia đình tôi vẫn an toàn, và miễn là tôi có thể chắc chắn rằng mình vẫn ổn, tôi sẽ có thể về nhà sau 14 ngày. Tôi phải nhìn vào mặt tích cực".

Theo Sixth Tone