Không để xảy ra ổ dịch lớn, không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhập

Đây là nhiệm vụ được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho ngành nông nghiệp tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông, triển khai giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận nỗ lực, sự nhanh nhạy, kịp thời của Bộ NN&PTNT trong việc chủ động tham mưu, tổ chức Hội nghị rất quan trọng này để có thể ứng phó hiệu quả trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta, cũng như phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh trong vụ Thu Đông.

“Đây là Hội nghị quan trọng, chính xác, đúng thời điểm. Nếu chúng ta chủ quan, lơ là thì hậu quả khi dịch bệnh xảy ra sẽ rất nặng nề, đe dọa ngành chăn nuôi, tăng trưởng của ngành nông nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người nông dân”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, sản xuất chăn nuôi trong nước đã tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu. Bước đầu đã hình thành nền tảng cho phát triển công nghiệp ngành chăn nuôi, như công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến sữa, công nghiệp chuồng trại và chọn tạo giống.

Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn ở mức cao, trung bình từ 5-6%/năm. Tính từ năm 2005 đến nay, sản lượng thịt các loại tăng trên 3 lần (từ 1,6 triệu tấn lên 5,3 triệu tấn), trứng tăng 3,9 lần (từ 3,0 tỷ quả lên 11,8 tỷ quả), sữa tươi tăng 18,6 lần (từ 51.500 tấn lên 960.000 tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 4,8 lần (từ 4,3 triệu tấn lên 21,0 triệu tấn) đưa Việt Nam trở thành nước đứng vị trí số 1 trong các nước ASEAN về công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, tổng đàn lợn của Việt Nam đạt 27 triệu con (đứng thứ 7 trên thế giới), tổng đàn gia cầm khoảng 385 triệu con, bò là 5,6 triệu con, trâu là 2,5 triệu con, dê đạt 2,6 triệu con.

Đề cập mục tiêu đến năm 2025 phần lớn sản phẩm chăn nuôi hàng hóa đều được sản xuất theo mô hình trang trại và trong các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp với chất lượng tốt, độ an toàn cao và giá thành thấp nhất so với các nước trong khu vực; đến năm 2030, tỉ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt trên 40%, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, “khi quy mô chăn nuôi ngày càng lớn hơn, đồng nghĩa yêu cầu đối với công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cũng phải đặt ra ở mức cao hơn rất nhiều so với trước đây”.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật.

“Nhìn chung tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã được kiểm soát tốt hơn, hạn chế được dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ sản xuất và phát triển chăn nuôi bền vững”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều loại dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm, chưa từng có tại Việt Nam như dịch tả lợn châu Phi, đe doạ sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi và đời sống của người nông dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan.

“Hội nghị hôm nay không chỉ có ý nghĩa chuyên môn thuần tuý, mà còn là dịp để các ngành, các cấp thống nhất quyết tâm, thống nhất hành động để ứng phó kịp thời, hiệu quả với dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói.

Không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhập

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1194/CĐ-TTg gửi các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch này xâm nhiễm vào Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cũng chủ động đề ra các giải pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Ngành thú ý đã phối hợp với FAO tổ chức tập huấn và cung cấp nguyên vật liệu chẩn đoán xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện tại, các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y đã có đủ nguyên liệu xét nghiệm trên 2.000 mẫu, có kết quả sau 3 giờ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung toàn lực chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, theo các nội dung của Công điện số 1194 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu của thông tin về diễn biến dịch bệnh.

“Trước hết phải có thông tin chi tiết, chính xác về diễn biến dịch bệnh. Bộ NN&PTNT chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các cơ quan chuyên môn để kịp thời nắm bắt, phản ảnh đầy đủ thông tin về dịch bệnh đến cơ quan chức năng và người dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

“Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, phải triển khai vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn; nhanh chóng tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thành lập và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Chủ động phòng chống dịch bệnh vụ Thu Đông

Đối với công tác phòng chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông năm 2018-2019, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết phải tiếp tục đẩy mạnh công tác chủ động phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là các dịch bệnh động vật nguy hiểm, thường xảy ra ở Việt Nam như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh lợn, bệnh dại động vật.

Các địa phương phải sớm rà soát, cập nhật kế hoạch chi tiết để thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch quốc gia của Chính phủ, của Bộ NN&PTNT về chủ động phòng chống dịch bệnh động vật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác giám sát chặt địa bàn, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, không để lây lan ra diện rộng.

“Mục tiêu đặt ra là không để xảy ra ổ dịch lớn, không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam để bảo vệ sản xuất, đời sống của người dân”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Theo Chính phủ
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.