Nước Nhật hiện đại và thế hệ 'ẩn sĩ'

[Ngày Nay] - Bệnh Hikikomori (khép kín, sống ẩn dật) từ lâu đã trở thành một “trào lưu” sống của không ít thanh niên Nhật Bản, những người chọn cách ở ẩn, cách biệt hoàn toàn với xã hội, không tìm việc làm hay thậm chí không kết bạn.

“Người ta nghĩ hikikomori (những người mắc bệnh tâm lý sợ tiếp xúc với xã hội - PV) là những người trẻ tuổi lười biếng, tính cách không được bình thường, những người luôn ở lì trong phòng để chơi game” - ông Kenji Yamase – 53 tuổi bày tỏ. Nhưng không hẳn là vậy, vì ông Yamase – cũng là một hikikomori thực sự, hiện sống với người mẹ 87 tuổi của mình và đã “ở ẩn” suốt 30 năm qua.

“Thực tế là hầu hết các hikikomori là những người không thể tái hòa nhập xã hội sau khi đã lạc lối”, ông Yamase nói. “Họ buộc phải thoái lui, không muốn bước ra ngoài cánh cửa. Họ không muốn biến mất khỏi cuộc sống, mà rơi vào trạng thái kiểu bị buộc phải tự khép mình ở ẩn”.

Nước Nhật hiện đại và thế hệ 'ẩn sĩ' ảnh 1

Ông Kenji Yamase: “Hikikomori bị buộc phải thoái lui. Họ không hề muốn biến mất khỏi cuộc sống, nó giống như việc họ đang bị buộc phải tự khép mình lại”.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, định nghĩa về hikikomori – một loại bệnh tâm thần thời hiện đại ở Nhật Bản là một người ở nhà ít nhất 6 tháng liên tục mà không đi học hoặc đi làm, và hiếm khi tương tác với những người bên ngoài gia đình của họ.

Thuật ngữ này được đặt ra bởi bác sĩ tâm thần Tamaki Saito vào cuối những năm 1990. Nó được dùng để mô tả những người trẻ tuổi tự mình rút lui khỏi xã hội, và một loạt các sự cố bạo lực hoặc hành vi phạm tội liên quan đến hikikomori đã khiến dư luận Nhật Bản có cái nhìn dè chừng với những “ẩn sĩ” xuất hiện thời hiện đại.

Tháng 1/2000, một người đàn ông được cho là mắc bệnh hikikomori ở tỉnh Niigata đã bị bắt giữ sau khi có hành vi bắt cóc một bé gái 9 tuổi và giữ làm con tin trong phòng của mình trong hơn 9 năm.

Bốn tháng sau, một thanh niên 17 tuổi ở tỉnh Saga đã tiến hành cướp xe buýt, giết chết một hành khách bằng dao và làm hai người khác bị thương.

Tháng 12/2018, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã thực hiện một cuộc khảo sát đầu tiên về những người trong độ tuổi từ 40 - 64 và kết quả được công bố vào tháng 3/2019 cho thấy khoảng 613.000 người thuộc nhóm tuổi này được cho là hikikomori. Dữ liệu mới nhất đã vượt qua con số ước tính là 541.000 người trong độ tuổi từ 15 - 39 trong một cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các thực hiện vào năm 2015.

Cuộc khảo sát mới nhất cho thấy 76,6% người sống ẩn dật ở trong độ tuổi từ 40 đến 64 là nam giới.

Tổng cộng 46,7% số hikikomori được khảo sát cho biết họ chọn cách sống như vậy ít nhất 7 năm và 34,1% trường hợp cho biết họ vẫn đang được bố mẹ chu cấp tài chính.

Nước Nhật hiện đại và thế hệ 'ẩn sĩ' ảnh 2

Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Takumi Nemoto mô tả những hikikomori ở độ tuổi trung niên là một hiện tượng mới trong thời hiện đại, nhưng các chuyên gia cho rằng kết quả khảo sát chỉ đơn thuần là đưa ra thực trạng vốn đã tồn tại trong nhiều năm qua.

“Cấu trúc của xã hội Nhật Bản khiến mọi người khó có thể quay trở lại hòa nhập. Tôi nghĩ rằng phần lớn hikikomori là những người gặp khó khăn trong cuộc sống, họ có những tổn thương trong quan hệ hàng ngày tại nơi làm việc” - nhà báo Masaki Ikegami, người đã viết nhiều đề tài liên quan tới hikikomori trong hơn 20 năm qua nhận định.

“Những trường hợp khác có thể là những người có trải nghiệm tồi tệ ở trường học, hoặc đã trải qua thảm họa/tai nạn hay bệnh tật”, ông Ikegami nói. “Hoặc có thể họ là những người buộc phải bỏ việc giữa chừng để chăm sóc cha mẹ già yếu rồi sau đó không thể tái lập sự nghiệp. Có nhiều lý do khác nhau, và nó có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi”.

Ông Yamase sống ở khu Shinagawa tại Tokyo cùng với mẹ mình - bà Kazuko, người đã tự mình nuôi nấng cậu con trai sau khi ly dị chồng. Yamase mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) khiến ông không thể tự chăm sóc cho bản thân, vậy nên hầu hết gánh nặng về việc nhà đều đổ lên vai bà Kazuko. Ông Yamase là một trong số hàng ngàn hikikomori ở độ tuổi 50 sống một mình với cha mẹ ở độ tuổi 80, thực trạng này không hề hiếm gặp ở Nhật Bản và được gọi là “quả bom hẹn giờ 8050”.

“Mẹ tôi nói rằng bà ấy không còn cách nào khác ngoài việc chăm sóc tôi, nhưng bà ấy đã già yếu và đi lại cũng gặp khó khăn” - Yamase chia sẻ.

“Những công việc nhà cần phải cử động nhiều như giặt giũ đã làm bà mệt mỏi. Điều này khiến tôi rất lo lắng”, ông Yamase chia sẻ. “Tôi cảm thấy có lỗi với mẹ. Tôi chỉ đem tới phiền não cho bà ấy. Tôi ở cái tuổi phải tự biết chăm sóc bản thân nhưng vẫn phải dựa vào mẹ”.

Chứng tăng động giảm tập trung khiến ông Yamase phải bỏ ngang hy vọng trở thành cử nhân luật do không thể theo kịp thời khóa biểu tại trường đại học. Thậm chí khi đi làm, ông cũng không thể trụ lại do gặp khó trong việc sắp xếp công việc.

Trong khoảng 15 năm tiếp theo, Yamase không thể tìm cho mình một công việc ổn định và rơi vào cảnh thất nghiệp. “Tôi dành thời gian ở nhà để đọc sách hoặc chỉ ngủ nhưng đó không phải là niềm vui” - ông nói. “Tôi cũng cảm thấy lo lắng, nhưng tôi ghét ý nghĩ hòa nhập xã hội và làm việc trở lại. Tôi không muốn bị tổn thương thêm nữa, vì vậy dù không thích ở trong nhà, nhưng tôi nghĩ ở nhà vẫn tốt hơn là ra ngoài đi làm”.

“Nếu người ta hỏi tại sao tôi không tự tìm kiếm một công việc mới ngay lập tức, thì đó là vì tôi nghĩ mình sẽ lại thất bại. Tôi nghĩ rằng, dù tôi có cố gắng thế nào, mọi thứ sẽ diễn ra theo cùng một cách. Tôi sẽ trở nên chán nản và không thể bước tiếp”, người đàn ông chia sẻ.

Nước Nhật hiện đại và thế hệ 'ẩn sĩ' ảnh 3

Anh Naohiro Kimura khép mình trong phòng riêng suốt 10 năm và chỉ ra ngoài vào ban đêm để tránh gặp người quen.

Cảm giác thất bại và xấu hổ hết sức phổ biến ở các hikikomori tại Nhật, ở mọi lứa tuổi. Naohiro Kimura từng là một học sinh giỏi đến từ tỉnh Ibaraki, giống như ông Yamase, anh muốn theo ngành luật khi lên đại học, nhưng cha của Kimura từ chối chu cấp cho con trai mình. Anh tự nhốt mình trong phòng và ôn tập để tham dự kỳ thi trở thành luật sư trong suốt 10 năm. Không được tới trường, Kimura cảm thấy mình bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Tinh thần của anh dần trở nên bất ổn và không thể tập trung vào việc học. Thay vào đó, Kimura chỉ ngây người nhìn vào màn hình TV suốt 10 tiếng mỗi ngày và chỉ rời khỏi nhà vào ban đêm nhằm tránh gặp mặt người lạ. “Tôi nghĩ rằng mình đã thất bại”, người đàn ông hiện đã 35 tuổi và trở thành một “ẩn sĩ” suốt 10 năm cho biết.

“Nếu bạn tốt nghiệp đại học ở Nhật Bản nhưng sau đó không có việc làm, mọi người sẽ nhìn bạn như thể bạn là một kẻ vô dụng. Xã hội này chỉ coi trọng những ai lao động” - anh Kimura nói. “Tôi cảm thấy xấu hổ và không muốn ai gặp mình. Bất cứ khi nào tôi thấy ai đó mặc một bộ đồ công sở, tôi sẽ cảm thấy như mình đã gây ra rắc rối. Tôi ghét nhìn thấy những người khác làm việc. Tôi sẽ so sánh bản thân mình với họ và điều đó sẽ khiến tôi cảm thấy xấu hổ và bị tổn thương”. Kimura nói rằng anh không bao giờ coi mình là một hikikomori vì anh vẫn thường xuyên ra ngoài để dắt chó đi dạo. Hình ảnh phổ biến của một người sống ẩn dật là không bao giờ đặt chân ra ngoài cửa phòng, nhưng thực tế mô tả đó chỉ đúng với số ít hikikomori. “Hikikomori chỉ lui tới những nơi đem lại cho họ cảm giác an toàn, không phải giao tiếp nhiều”, nhà báo Ikegami, người từng có thời gian sống khép mình với xã hội cho biết.

“Do không lao động nên họ nghĩ mọi người sẽ chỉ trích và coi họ là vô giá trị. Họ nghĩ rằng những người xung quanh có thể lên lớp mình, nên các hikikomori không bao giờ lộ diện ở chỗ đông người” - ông nói. “Họ thường tới các thư viện hoặc cửa hàng tiện lợi hay nhà ga - những nơi đông người nhưng hạn chế giao tiếp. Một số người thậm chí chỉ tới các cửa hàng tiện lợi có người nước ngoài làm việc, để không phải gặp người Nhật”. Theo Giáo sư Saito của Đại học Tsukuba, người được coi là chuyên gia hàng đầu về thực trạng hikikomori, khi một người ngại giao tiếp với thế giới bên ngoài, gia đình người đó cũng sẽ có xu hướng tương tự.

“Tại Nhật Bản, những người làm những việc khác biệt hoặc những người nổi bật thường nhận được những cái cau mày, vì vậy mọi người có xu hướng do dự trước khi làm bất cứ điều gì có thể thu hút sự chú ý từ mọi người”, ông Saito nói. “Khi mọi người nhận ra rằng họ đã trở thành hikikomori, họ biết rằng xã hội sẽ ít để ý tới họ hơn và sẽ trở nên bất an. Gia đình họ rồi cũng nghĩ như vậy. Khi họ nhận ra rằng con của mình không rời khỏi nhà và không làm việc, họ cố gắng che giấu chuyện này khỏi hàng xóm”.

Giáo sư Saito giải thích rằng các mối quan hệ xấu trong gia đình thường là nguyên nhân sâu xa của việc tự tách mình khỏi xã hội và một hikikomori khó có thể thoát khỏi tình trạng này mà không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Điều này có thể bắt nguồn từ việc một người bạn cũ, giáo viên hoặc người thân can thiệp một cách không mạnh mẽ, khiến các hikikomori phải tìm kiếm sự tư vấn chuyên nghiệp.

Trong trường hợp Kimura, mọi thứ đã đến một cách gay gắt hơn. Anh ta đã trở nên không thể kiểm soát được cảm xúc của mình và những cuộc cãi vã thường xuyên đã khiến cha mẹ Kimura tìm tới biện pháp bất đắc dĩ. Một ngày nọ, họ về nhà với hai viên cảnh sát và hai nhân viên y tế.

Nước Nhật hiện đại và thế hệ 'ẩn sĩ' ảnh 4

Họ muốn đưa con trai mình tới bệnh viện của Giáo sư Saito. Kimura tức giận vì bố mẹ đối xử với mình như một tên tội phạm nhưng miễn cưỡng đồng ý gặp bác sĩ tâm thần, và sau đó anh nhận ra rằng mình thực sự là một hikikomori. Kimura và cha mẹ của anh đã trải qua khóa tư vấn của Giáo sư Saito trong 6 tháng tiếp theo, sau đó anh bắt đầu thực hiện các bước để tái hòa nhập với xã hội. Ba năm sau, Kimura vẫn cho biết anh đang hồi phục dần dần.

Anh vẫn có tham vọng tham dự kỳ thi luật, nhưng hiện tại Kimura đang làm việc bán thời gian với tư cách là một nhiếp ảnh gia và cũng tạo ra một ấn phẩm có tên gọi là Hikikomori Shimbun, cho phép các hikikomori có cơ hội trải lòng với xã hội.

Kimura nói rằng anh muốn sử dụng Hikikomori Shimbun làm công cụ lên án một nhóm nhỏ những người tiêu cực muốn dùng vũ lực để đưa các hikikomori ra khỏi phòng của mình.

Những nhóm người này tin rằng ép buộc, thay vì đối thoại cởi mở, là cách tốt nhất để giải quyết căn bệnh sợ hãi xã hội, nhưng các chuyên gia như ông Saito tin rằng điều này là phản tác dụng.

“Những người này này buộc các hikikomori ra khỏi nhà và sau đó đưa họ đến một cơ sở tập thể để giam cầm họ lại với nhau”, theo ông Saito. “Các thanh niên này phải tham gia khóa huấn luyện trong 3 tháng mới được trở về nhà, phương pháp này không hề hiệu quả. Quyền con người trong trường hợp này đã bị xâm phạm”.

Tuy nhiên cũng có những dấu hiệu cho thấy xã hội Nhật Bản đang bắt đầu có cái nhìn bao dung hơn về hikikomori.

Vào tháng 4/2019, chính quyền thành phố Tokyo đã bàn giao các dịch vụ hỗ trợ hikikomori của mình cho cơ quan lao động và phúc lợi. Trước đây, hikikomori được coi là một vấn đề liên quan tới tội phạm vị thành niên.

Nhà báo Ikegami nói rằng hiện tại có rất ít dịch vụ hỗ trợ cho các hikikomori ngoài 40 tuổi, nhưng ông hy vọng rằng cuộc khảo sát mới nhất sẽ giúp thay đổi điều đó. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo không nên sử dụng cách tiếp cận tương tự như các dịch vụ hỗ trợ dành cho những hikikomori trẻ tuổi, mà theo ông phần lớn là ép họ quay trở lại làm việc.

“Những người này đã phải nghỉ việc vì họ bị quấy rối hoặc đối xử tệ ở nơi làm việc, vì vậy tôi nghĩ rằng đó là một sai lầm khi cố gắng buộc họ quay trở lại môi trường đó”, ông Ikegami nói. “Tôi nghĩ rằng mục tiêu trước hết là khiến họ tồn tại. Họ thậm chí sợ hãi việc phải bước ra ngoài đường. Đầu tiên, chúng ta phải xây dựng mối quan hệ giữa người với người”.

Trong vài năm qua, cả Kimura và Yamase đều thiết lập quan hệ với những người lạ và phương pháp này đã giúp họ có sự tự tin nhất định.

Cả hai đều cảm thấy rằng việc xã hội có nhận thức rộng rãi về vấn đề hikikomori là rất quan trọng để cải thiện tình hình chung. Nhưng với rất nhiều định kiến và quan niệm sai lầm đã tồn tại trong suốt những năm qua, việc thay đổi nhận thức của mọi người là rất khó.

“Người ta nghĩ rằng hikikomori giống như một đội quân tội phạm ngầm. Mọi người nghĩ rằng họ nguy hiểm. Truyền thông luôn có cái nhìn xấu về hikikomori, những thông tin tiêu cực về tội phạm luôn được gắn với những người như chúng tôi”, Kimura cho biết. “Người ta cho rằng những người này chỉ muốn nằm yên trong phòng. Họ vẫn có thể đi ra ngoài, nhưng việc thiếu đi những mối quan hệ khiến họ sống khép kín với xã hội. Mọi người nghĩ rằng hikikomori có cuộc sống dễ dàng. Rằng họ chỉ thư giãn và phớt lờ mọi thứ xung quanh. Nhưng trong thực tế, nó rất kinh khủng”.

Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.